XÉT NGHIỆM HBA1C LÀ GÌ?

Xét nghiệm HbA1c là xét nghiệm tầm soát, đánh giá và theo dõi bệnh tiểu đường. Đây là một xét nghiệm máu đơn giản, được chỉ định khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ, khi có triệu chứng nghi ngờ bị bệnh tiểu đường hoặc ở bệnh nhân đang điều trị tiểu đường.

 
Xét nghiệm máu HbA1c trong bệnh đái tháo đường

1. Xét nghiệm HbA1c là gì?

Hemoglobin (huyết sắc tố) là thành phần của tế bào hồng cầu mang oxy đến tế bào. Xét nghiệm hemoglobin A1c (HbA1c) phản ánh lượng glucose trong máu gắn với hemoglobin trong ba tháng qua. Ba tháng là tuổi thọ trung bình của một tế bào hồng cầu.

Mức glucose trong máu càng cao thì lượng glucose gắn vào hemoglobin càng nhiều. Mức HbA1c cao là dấu hiệu của bệnh tiểu đường (đái tháo đường).

Trước đây, xét nghiệm HbA1c chỉ được sử dụng để theo dõi bệnh nhân tiểu đường. Nhưng hiện nay, WHO khuyến nghị sử dụng HbA1c để tầm soát bệnh tiểu đường loại 2. 

2. Khi nào cần làm xét nghiệm HbA1c 

Xét nghiệm HbA1c là một xét nghiệm máu trong bài kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tiểu đường loại 2 và tiền tiểu đường. Tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu cao cho thấy có nguy cơ phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2. 

Người trưởng thành nên làm xét nghiệm HbA1c định kỳ, đặc biệt là người trên 45 tuổi và người có yếu tố nguy cơ tiểu đường:

- Thừa cân, béo phì.

- Rối loạn lipid máu.

- Tăng huyết áp.

- Bệnh tim mạch.

- Có lối sống tĩnh tại, ít vận động.

- Tiền sử gia đình có người bị bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2.

- Phụ nữ có tiền sử tiểu đường thai kỳ (song xét nghiệm này không được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường trong thai kỳ).

 
Xét nghiệm HbA1c chẩn đoán và theo dõi bệnh tiểu đường

Xét nghiệm này cũng được chỉ định ở người có kết quả xét nghiệm glucose máu cao, hoặc có triệu chứng của bệnh tiểu đường như:

- Thường xuyên khát nước, cơn khát tăng dần

- Khô miệng

- Đi tiểu nhiều

- Nhanh cảm thấy đói, ăn nhiều nhưng giảm cân.

- Mệt mỏi

- Suy nghĩ chậm chạp

- Nhìn mờ

- Vết thương lâu lành

Xét nghiệm HbA1c là xét nghiệm chính ở người đã mắc bệnh tiểu đường để theo dõi lượng đường huyết và đánh giá nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, xét nghiệm HbA1c không thể thay thế cho xét nghiệm kiểm tra đường huyết bởi vì lượng đường trong máu có thể lên xuống liên tục.

3. Cách thực hiện xét nghiệm HbA1c

Xét nghiệm HbA1c là một xét nghiệm máu đơn giản. Nhân viên y tế sẽ sử dụng một kim tiêm nhỏ để lấy máu từ tĩnh mạch cánh tay hoặc bàn tay. Mẫu máu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Trước khi xét nghiệm bạn có thể cần nhịn ăn vì xét nghiệm này có thể được thực hiện cùng các xét nghiệm đường huyết khác. 

 
Xét nghiệm HbA1c thực hiện bằng cách lấy máu xét nghiệm

4. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm HbA1c

Kết quả HbA1c là tỷ lệ phần trăm hemoglobin liên kết với glucose trong máu, dựa trên giá trị tham chiếu là:

- HbA1c < 5,7%: Không bị tiểu đường.

- HbA1c từ 5,7% - 6,4%: Dấu hiệu tiền tiểu đường, có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

- HbA1c ≥ 6,5%: Dấu hiệu bị bệnh tiểu đường loại 2.

Giá trị này có thể khác nhau tùy vào phương pháp thử nghiệm của từng phòng thí nghiệm.

Xét nghiệm HbA1c có thể thực hiện độc lập hoặc kết hợp với các xét nghiệm tiểu đường khác. Bác sĩ có thể yêu cầu lặp lại xét nghiệm này vào một ngày khác để chẩn đoán xác định ở những người không có triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Sau chẩn đoán, người bị tiền tiểu đường cần thay đổi thói quen ăn uống và tăng cường tập luyện để điều chỉnh mức đường huyết xuống, hạn chế nguy cơ phát triển thành bệnh tiểu đường. 

Ở người được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường, tùy vào triệu chứng, bệnh lý hiện có, tuổi tác, cân nặng và các yếu tố khác mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng.

5. Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả HbA1c

Một số yếu tố có thể làm kết quả của xét nghiệm HbA1c tăng hoặc thấp hơn là:

- Suy thận.

- Bệnh gan.

- Thiếu máu.

- Mất máu hoặc truyền máu.

- Rối loạn đông máu: thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia.

- Một số loại thuốc.

- Mang thai.

Việc phát hiện sớm bệnh tiểu đường rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng của tiểu đường như bệnh tim, bệnh thận, tổn thương thần kinh… Xét nghiệm HbA1c cũng như các xét nghiệm đường huyết khác đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát, chẩn đoán sớm và theo dõi điều trị bệnh tiểu đường.