Viêm gan siêu vi A là bệnh lý nhiễm trùng gan do virus viêm gan A (HAV) gây ra, ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng gan. Đây là bệnh lý rất dễ lây lan qua đường tiêu hóa khi người bệnh ăn phải thức ăn hay uống nguồn nước bị ô nhiễm.

1. Chẩn đoán bệnh viêm gan A như thế nào?
Người mắc bệnh viêm gan A có thể bị ảnh hưởng đến vai trò và hoạt động của gan. Đồng thời, người bệnh có thể biểu hiện một số triệu chứng điển hình như:
- Sốt nhẹ, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, nôn.
- Đau cơ, đau khớp, đau bụng hoặc đau tức ở vùng bụng bên dưới xương sườn phải.
- Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu.

Người mắc bệnh viêm gan A có thể bị vàng da, vàng mắt bất thường
Để chẩn đoán chính xác bệnh lý viêm gan A, bác sĩ sẽ thăm hỏi về các triệu chứng người bệnh đang gặp phải và xem xét tiền sử bệnh cá nhân (nếu có). Sau đó, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để phát hiện các kháng thể đặc hiệu của virus viêm gan A trong máu.
Cơ thể người bệnh sẽ tạo ra 2 loại kháng thể là anti-HAV (gồm IgM và IgG) để chống lại virus viêm gan A khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Vì thế, để xác định chính xác tình trạng nhiễm virus HAV, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra các kháng thể này.
1.1. Kháng thể IgM (Anti HAV-IgM)
Sau khi thực hiện xét nghiệm máu cho ra kết quả dương tính (trong huyết tương có sự hiện diện của kháng thể IgM), người bệnh có thể đang nhiễm virus viêm gan A. Kháng thể IgM có thể xuất hiện sớm sau khi người bệnh có các biểu hiện lâm sàng đầu tiên và đạt đỉnh sau 60-90 ngày người bệnh nhiễm virus.
Sau 3-12 tháng nhiễm virus viêm gan A, kháng thể IgM sẽ biến mất.
1.2. Kháng thể IgG (Anti HAV-IgG)
Khi có sự hiện diện của kháng thể IgG trong máu, người bệnh có thể đã từng nhiễm virus viêm gan A nhiều năm trước đó hoặc vừa bị nhiễm gần đây. Sau khi kháng thể IgM biến mất, để bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của virus viêm gan A, kháng thể IgG sẽ xuất hiện và tồn tại vĩnh viễn trong máu người bệnh.
Thông qua kết quả xét nghiệm máu để phát hiện kháng thể anti-HAV, bác sĩ có thể biết được liệu người bệnh đã từng tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan A hay chưa. Nếu đã từng được tiêm vaccine này và kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể anti-HAV chứng tỏ vaccine có hiệu quả.
Bên cạnh xét nghiệm máu phát hiện bệnh viêm gan A, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện thêm các bài kiểm tra nồng độ men gan, nồng độ bilirubin máu để xác định mức độ tổn thương và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
2. Cách điều trị bệnh viêm gan A
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có cách điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm gan A. Vì thế, việc điều trị bệnh viêm gan A chủ yếu tập trung vào mục tiêu giảm thiểu các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra và cơ thể sẽ tự loại bỏ virus.

Rửa tay sạch sẽ để phòng tránh lây nhiễm virus viêm gan A
Phần lớn người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn trong vòng 6 tháng sau khi mắc bệnh viêm gan A.
Khi nghi ngờ mình đã từng tiếp xúc hay đã bị nhiễm virus viêm gan A, người bệnh cần sớm thăm khám cùng bác sĩ để được tiêm vaccine hoặc globulin miễn dịch viêm gan A để ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn.
Đồng thời, người nhiễm bệnh viêm gan A cần đặc biệt chú ý chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng như sau:
2.1. Chế độ dinh dưỡng
- Bổ sung đủ năng lượng cho cơ thể: Người bệnh có thể cảm thấy ăn không ngon miệng, chán ăn khi mắc bệnh viêm gan A. Vì thế, để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều calo và có thể uống sữa hoặc nước ép thay cho nước lọc.
- Chia thành nhiều cữ ăn nhỏ: Nếu gặp phải triệu chứng buồn nôn, khó chịu, người bệnh nên chia bữa ăn thành nhiều cữ ăn nhỏ giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Sử dụng thuốc thận trọng và không uống rượu: Tình trạng nhiễm trùng có thể khiến chức năng của gan gặp khó khăn trong việc xử lý rượu và thuốc. Vì thế, người bệnh viêm gan A không nên uống rượu và cần thông báo với bác sĩ điều trị về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thuốc không kê đơn.
2.2. Chế độ sinh hoạt
- Nghỉ ngơi nhiều hơn: Người mắc bệnh viêm gan A thường cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi, ít năng lượng hơn bình thường. Vì thế, người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều cho đến khi cơ thể cảm thấy khỏe hơn.
- Chăm sóc da: Ngứa ngáy ngoài da có thể là triệu chứng của bệnh viêm gan A ở một số trường hợp. Để hạn chế tình trạng này, người bệnh cần mặc quần áo rộng rãi, giữ nhà cửa thoáng mát và không nên tắm nước quá nóng khiến da mẩn cảm hơn.
- Tránh quan hệ tình dục: Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan A cho bạn tình, người bệnh cần tránh tất cả các hoạt động tình dục, kể cả sử dụng bao cao su bảo vệ hay không.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh: Rửa tay sạch theo đúng quy trình của Bộ Y tế sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan A và bảo vệ người bệnh khỏi nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
- Không chuẩn bị thức ăn cho người khác: Virus viêm gan A có thể dễ dàng lây truyền khi người bệnh chế biến thức ăn. Vì thế, cho đến khi tình trạng viêm nhiễm được điều trị khỏi hoàn toàn, người bệnh không nên chế biến hay chuẩn bị thức ăn cho người khác.
3. Phòng tránh bệnh viêm gan A
Để phòng bệnh viêm gan A, cách tốt nhất là tiêm phòng vaccine viêm gan A. Phác đồ vaccine viêm gan A thường tiêm 2 mũi với mũi thứ hai sẽ được tiêm nhắc lại sau khi tiêm mũi đầu từ 6 đến 12 tháng.
Các đối tượng sau được khuyến nghị tiêm vaccine viêm gan A:
- Tất cả trẻ em từ 1 tuổi trở lên.
- Người trưởng thành có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan A như:
+ Trong gia đình có người bị nhiễm virus HAV.
+ Người có tính chất công việc hoặc đi du lịch tại những nơi có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan A cao.
- Nhân viên phòng thí nghiệm hay đối tượng đang làm các công việc có nguy cơ bị phơi nhiễm cao với virus HAV như y tá, nhân viên xử lý nước thải, hộ lý …
- Người mắc các vấn đề sức khỏe khiến nguy cơ nhiễm bệnh viêm gan A tăng như bệnh gan mãn tính (gồm cả viêm gan B hoặc viêm gan C), rối loạn đông máu …
- Người sử dụng ma túy trái phép …
Bên cạnh tiêm phòng vaccine, bạn cũng nên chủ động thực hiện các biện pháp đơn giản sau để hạn chế khả năng lây nhiễm của virus viêm gan A:
- Rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước ấm, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Tự rửa sạch và gọt vỏ tất cả các loại rau quả xanh, trái cây tươi trước khi ăn.
- Chế biến thực phẩm an toàn vệ sinh, hạn chế ăn ngoài và ăn chín uống sôi.

Tiêm vaccine viêm gan A là cách tốt nhất để phòng bệnh viêm gan siêu vi A
4. Tầm soát bệnh viêm gan A tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1
Gói khám tầm soát viêm gan, ung thư gan tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tiễn của khách hàng, nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về gan.
Khi tham gia gói khám, khách hàng sẽ được tiến hành các xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu để đánh giá chính xác chức năng gan hiện tại, đồng thời phát hiện sớm các bệnh như viêm gan A, viêm gan siêu vi B, viêm gan C, xơ gan, ung thư gan.
Qua đó, khách hàng sẽ nhận được hướng dẫn điều trị kịp thời, tối ưu từ đội ngũ bác sĩ.
Đặt lịch hẹn tầm soát viêm gan nhanh chóng qua tổng đài 1900 6923.