1. Ung thư gan là gì?
Ung thư gan là tình trạng tế bào ở gan tăng sinh và phát triển bất thường tạo thành khối u, cản trở khả năng hoạt động bình thường của gan.
Ung thư có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Ung thư gan nguyên phát bắt đầu từ các tế bào gan, có thể từ biểu mô, đường mật hoặc mạch máu gan. Trong khi ung thư gan thứ phát là tế bào ung thư ở vị trí khác phát triển và tách rời khỏi vị trí ban đầu, di chuyển theo máu hoặc hệ thống bạch huyết đến gan. Các tế bào ung thư này tập hợp trong gan và bắt đầu phát triển ở gan. Chính vì vậy, khi phát hiện một khối u gan, thường bệnh nhân sẽ cần làm thêm một số xét nghiệm khác để xác định khối u ở gan là nguyên phát hay thứ phát.
Ung thư gan là loại ung thư phổ biến, có tỷ lệ tử vong cao do phần lớn các trường hợp chỉ được chẩn đoán khi ung thư đã ở giai đoạn sau. Dưới đây là thông tin về các loại ung thư gan, triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ung thư gan.
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu Globocan, năm 2020 trên thế giới có khoảng 905.600 ca mắc mới và 830.100 trường hợp tử vong vì ung thư gan. Con số này tại Việt Nam là khoảng 26.400 ca mắc mới và 25.200 trường hợp tử vong. Ung thư gan rất phổ biến ở những nước Đông Á và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và phổ biến biến thứ hai ở nữ giới chỉ sau ung thư vú.
Ung thư gan là loại ung thư phổ biến ở Gan
2. Các loại ung thư gan nguyên phát
Ung thư gan nguyên phát có thể phát triển tại một vị trí hoặc nhiều vị trí trong gan. Những người tổn thương gan nặng có thể bị ung thư ở nhiều vị trí. Hai loại ung thư gan nguyên phát thường gặp là ung thư biểu mô tế bào gan và ung thư đường mật trong gan. Ngoài ra còn có u mạch máu gan và u nguyên bào gan.
a. Ung thư biểu mô tế bào gan (Hepato-cellular Carcinoma)
Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là loại phổ biến nhất, chiếm đa số các trường hợp ung thư gan. Ung thư biểu mô tế bào gan có thể di căn từ gan đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như tuyến tụy, dạ dày và ruột.
Những người bị tổn thương gan nặng do nhiễm virus viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV) và do lạm dụng rượu có nhiều khả năng bị ung thư biểu mô tế bào gan.
b. Ung thư đường mật (Cholangio-cellular Carcinoma)
Ung thư đường mật phát triển trong các tế bào lót ống dẫn mật trong gan. Khi ung thư hình thành trong các ống dẫn mật bên trong gan được gọi là ung thư đường mật trong gan. Khi ung thư hình thành trong các ống dẫn bên ngoài gan được gọi là ung thư đường mật ngoài gan.
c. Angiosarcoma và hemangiosarcoma
Đây là những loại u mạch máu gan phát triển từ các tế bào lót trong mạch máu của gan, rất hiếm gặp. U mạch máu gan rất khó điều trị vì khối u phát triển nhanh và thường lan rộng, rất khó loại bỏ bằng phẫu thuật vào thời điểm được chẩn đoán.
d. U nguyên bào gan (Hepatoblastoma)
U nguyên bào gan là một loại ung thư gan hiếm gặp, đối tượng thường là trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 4 tuổi.
U nguyên bào gan có triển vọng rất tốt nếu được điều trị trong giai đoạn đầu. Nó được điều trị bằng phẫu thuật và hóa trị với tỷ lệ sống sót cao. Khi khối u di căn ra ngoài gan sẽ khó điều trị hơn.
3. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan
Uống rượu quá mức có thể dẫn đến ung thư gan
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan là:
- Người trên 50 tuổi.
- Virus viêm gan B (HBV): Theo WHO năm 2016 tỉ lệ nhiễm HBV ở người lớn tại Việt Nam khoảng 8,2-19%. Nguy cơ ung thư gan ở người nhiễm HBV mạn tính trong cuộc đời là 10-25%.
- Virus viêm gan C (HCV): Theo WHO năm 2016 tỉ lệ nhiễm HCV ở người lớn tại Việt Nam khoảng 1-3,3%. Nguy cơ ung thư gan ở người nhiễm HCV cao gấp 17 lần so với người không nhiễm.
- Đồng nhiễm HBV, HCV, HIV, HDV làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan lên nhiều lần.
- Xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào cũng làm tăng nguy cơ ung thư gan. Sử dụng rượu bia và viêm gan B, C mạn tính là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra xơ gan.
- Aflatoxin là một chất độc được tạo ra bởi một loại nấm mốc phát triển trên đậu phộng, ngũ cốc và ngô do bảo quản không đúng cách. Tiếp xúc với aflatoxin có thể dẫn đến ung thư gan.
- Sử dụng đồ uống có cồn gây ra tổn thương gan không thể phục hồi và làm tăng nguy cơ ung thư gan
- Những người hút thuốc, bị bệnh đái tháo đường và thừa cân/béo phì có thể bị các vấn đề về gan, do đó có nguy cơ bị ung thư gan cao hơn người khỏe mạnh.
4. Các triệu chứng của ung thư gan
Ung thư gan ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ (đau bụng mơ hồ). Khi ung thư tiến triển có thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:
- Đau, tức bụng trên
- Sưng bụng (cổ chướng)
- Gan to, cảm giác đầy ở hạ sườn phải
- Lá lách to, cảm giác đầy hạ sườn trái
- Ăn mất ngon
- Cảm thấy no dù chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn
- Giảm cân mà không rõ lý do
- Buồn nôn và ói mửa
- Ngứa ngáy
- Vàng da, vàng mắt
- Mệt mỏi
Có một trong những triệu chứng trên không có nghĩa là bạn chắc chắn bị ung thư gan. Nhưng nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào cũng nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
5. Chẩn đoán ung thư gan
Khám lâm sàng tìm hiểu các yếu tố nguy cơ và kiểm tra các triệu chứng có thể nhìn, sờ thấy được.
Các xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra công thức máu, chức năng đông máu, đường huyết, chức năng gan thận, xét nghiệm miễn dịch virus HBV,HCV, các chỉ dấu sinh học ung thư. Trong đó, nồng độ alpha-fetoprotein (AFP) trong máu tăng cao là một dấu hiệu của ung thư gan.
- X-quang phổi thẳng, siêu âm doppler mạch máu gan, siêu âm, chụp CT hoặc MRI bụng tạo ra hình ảnh chi tiết của gan và các cơ quan khác trong ổ bụng, cho phép xác định vị trí, tổn thương, kích thước và đánh giá xem liệu ung thư đã di căn hay chưa.
- Sinh thiết gan được dùng để xác định chẩn đoán và phân biệt các loại ung thư gan.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm hỗ trợ điều trị khác.
6. Điều trị ung thư gan
Phẫu thuật gan như thế nào phụ thuộc vào loại và mức độ ung thư gan
Điều trị ung thư gan phụ thuộc vào số lượng, kích thước và vị trí của các khối u trong gan; tình trạng hoạt động của gan và khối u còn khu trú hay đã di căn. Điều trị có thể dùng một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau.
Một số phương pháp điều trị ung thư gan như:
- Phẫu thuật cắt gan (Cắt bỏ phần gan có mang khối u)
- Phẫu thuật ghép gan
- Đốt u (phá hủy khối u tại chỗ)
- Hóa trị
- Xạ trị
- Miễn dịch trị liệu
Giai đoạn ung thư mà người bệnh được chẩn đoán và điều trị rất quan trọng trong tiên lượng sống. Theo số liệu của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khi thống kê những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan từ năm 2010 đến năm 2016, khi ung thư gan ở giai đoạn khu trú (không có dấu hiệu lan ra ngoài gan) tỷ lệ sống trung bình trong 5 năm là 34%. Khi ung thư xâm lấn các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết lân cận, tỷ lệ sống trong 5 năm là 12%. Khi ung thư đã di căn đến các vị trí xa, tỷ lệ sống trong 5 năm chỉ còn 3%.
7. Làm thế nào có thể ngăn ngừa ung thư gan?
Tiêm phòng viêm gan B để ngăn ngừa các bệnh về gan
Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ ung thư gan cao nhất thế giới. Theo TS.BS. Bùi Hữu Hoàng, Trưởng phân khoa Tiêu hóa Gan mật - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, ung thư gan ở Việt Nam gia tăng nhanh và tỷ lệ tử vong cao là do tiêm phòng viêm gan B chưa đầy đủ, người dân không biết đến việc tầm soát ung thư gan định kỳ.
Phòng ngừa ung thư gan dựa trên nguyên tắc ngăn chặn sự phát triển của các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan.
a. Phòng ngừa virus viêm gan B
Virus viêm gan B lây lan từ người này sang người khác qua đường máu, quan hệ tình dục hoặc từ mẹ sang con. Tiêm vaccine viêm gan B là cách tốt nhất để phòng ngừa lây nhiễm virus HBV.
Vaccine viêm gan B nên được chủng ngừa cho tất cả trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh để ngăn ngừa nhiễm HBV. Người lớn cần tiêm ngừa nếu chưa từng tiêm hoặc tiêm nhắc lại nếu xét nghiệm cho thấy hiệu lực vaccine đã giảm đi.
Những người đã nhiễm HBV nên duy trì điều trị.
b. Phòng ngừa virus viêm gan C
Hiện nay vẫn chưa có vaccine viêm gan C, các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng các biện pháp bảo hộ khi quan hệ, chẳng hạn như bao cao su. Tuy nhiên, đôi khi bao cao su không phải an toàn tuyệt đối, vì vậy không nên quan hệ với nhiều người, đảm bảo đối tượng quan hệ không bị viêm gan B, C hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Không sử dụng ma túy và không sử dụng chung kim tiêm với người khác.
- Thận trọng với hình xăm và xỏ khuyên.
Những người đã nhiễm HCV nên tích cực điều trị để đạt được đáp ứng virus bền vững (sustained virologic response – SVR).
c. Giảm nguy cơ xơ gan
Các biện pháp ngăn ngừa xơ gan cũng giúp hạn chế nguy cơ bị ung thư gan:
- Phụ nữ không nên uống nhiều hơn một ly rượu mỗi ngày và nam giới không nên uống nhiều hơn hai ly rượu mỗi ngày.
- Tập thể dục thường xuyên, mỗi tuần nên tập ít nhất 5 ngày, mỗi lần tối thiểu 30 phút.
- Có chế độ ăn uống cân bằng với protein nạc, trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bị thừa cân/béo phì, hãy giảm cân bằng cách tăng giải phóng calo và hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể.
- Không hút thuốc lá.
- Điều trị lâu dài và hiệu quả các bệnh lý gan đang hoạt động, bao gồm gan nhiễm mỡ, viêm gan…
d. Khám sức khỏe định kỳ
Việc phòng ngừa không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị ung thư gan. Vì vậy khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng để phát hiện ra các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến bệnh về gan và một số vấn đề sức khỏe khác có thể gây ung thư gan.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì nhóm đối tượng có nguy cơ cao (nhiễm HBV mạn, nhiễm HCV mạn, xơ gan không liên quan đến virus viêm gan) nên tầm soát ung thư gan mỗi 6 tháng một lần; nhóm đối tượng có nguy cơ rất cao (xơ gan liên quan đến viêm gan do virus) nên tầm soát mỗi 3 tháng một lần.
Việc tầm soát ung thư gan định kỳ giúp phát hiện sớm ung thư hoặc các tổn thương tiền ung thư để được can thiệp kịp thời, nâng cao hiệu quả điều trị và khả năng sống cho người bệnh.
ThS.BS Võ Thị Thiên Hương