1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan phổ biến toàn cầu do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. Viêm gan B có thể chuyển sang mạn tính và gây hậu quả cuối cùng là xơ gan hoặc ung thư gan. Virus viêm gan B (Hepatitis B virus, viết tắt là HBV) là một virus có cấu trúc DNA gây ra bệnh viêm gan B. Viêm gan B là một trong năm loại viêm gan siêu vi bên cạnh viêm gan A, C, D và E.
Ở người trưởng thành, hơn 90% trường hợp viêm gan vi rút B diễn biến cấp tính có thể khỏi hoàn toàn, gần 10% chuyển sang viêm gan mạn tính. Ở trẻ sơ sinh, có tới 90% trường hợp nhiễm viêm gan B trở thành mạn tính, các triệu chứng có thể không được chú ý cho đến khi nó gây ra biến chứng.
Theo WHO ước tính vào năm 2019 có 296 triệu người đang sống chung với viêm gan B mạn tính, với 15 triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Cũng trong năm này, bệnh viêm gan B đã dẫn đến khoảng 820.000 ca tử vong, chủ yếu là do xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.
Virus HBV gây viêm gan B
2. Bệnh viêm gan B có lây không?
Virus viêm gan B thường lây truyền từ mẹ sang con khi sinh (lây truyền chu sinh) hoặc lây truyền ngang (tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh), đặc biệt là từ trẻ bị nhiễm bệnh sang trẻ chưa bị nhiễm bệnh trong 5 năm đầu đời.
Viêm gan B có thể lây lan qua que kim hoặc tiếp xúc với các dụng cụ sắc nhọn như sử dụng lại kim và ống tiêm trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe hoặc giữa những người tiêm chích ma túy; các thủ thuật y tế, phẫu thuật và nha khoa; xăm mình, xỏ lỗ; hoặc sử dụng dao cạo có dính máu bị nhiễm bệnh. Nó còn lây qua tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể bị nhiễm bệnh, bao gồm dịch kinh nguyệt, dịch âm đạo và tinh dịch.
Mặc dù virus viêm gan B có thể tìm thấy trong nước bọt, nhưng chúng không lây lan khi dùng chung dụng cụ ăn uống, ôm hoặc hôn nhau. Virus cũng không lây lan qua hắt hơi, ho hoặc cho con bú.
Virus viêm gan B có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài cơ thể trong 1 tuần. Trong thời gian này, virus có thể xâm nhập vào cơ thể người không được vắc xin bảo vệ. Thời gian ủ bệnh của virus dao động từ 1 - 6 tháng, trung bình là 75 ngày. Đôi khi các triệu chứng của bệnh viêm gan B có thể không xuất hiện trong 3 tháng sau đó. Nếu virus không được phát hiện, nó có thể tồn tại và phát triển thành viêm gan B mạn tính.
3. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B?
Virus viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con
Một số nhóm có nguy cơ lây nhiễm HBV cao, bao gồm:
- Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HBV
- Nhân viên y tế
- Người tiêm chích ma túy hoặc dùng chung kim tiêm
- Người sống chung với người bị viêm gan B
- Người quan hệ tình dục với người bị viêm gan B
- Người có quan hệ tình dục với nhiều người
- Người bị bệnh gan mạn tính
- Người sử dụng thuốc IV (thuốc tiêm qua tĩnh mạch)
- Bệnh nhân chạy thận nhân tạo
- Người trên 60 tuổi bị đái tháo đường (tiểu đường)
- Người đi du lịch đến các nước có tỷ lệ mắc viêm gan B cao
- Bị nhiễm HIV hoặc viêm gan C.
4. Các triệu chứng của bệnh viêm gan B là gì?
Hầu hết mọi người không gặp bất kỳ triệu chứng nào khi mới bị nhiễm bệnh. Khi biểu hiện ra ngoài, người bị viêm gan B thường có các triệu chứng sau:
- Chán ăn, mệt mỏi
- Vàng da, vàng mắt
- Tiểu ít, nước tiểu sẫm màu
- Đau tức vùng gan
- Buồn nôn
- Nôn
- Phân nhạt màu
- Sốt
Những người trên 60 tuổi hoặc có bệnh lý nền có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
5. Bệnh viêm gan B được chẩn đoán như thế nào?
Xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B
Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, không thể phân biệt bệnh viêm gan B với bệnh viêm gan do các loại virus khác gây ra, do đó cần thực hiện một trong các xét nghiệm dưới đây để chẩn đoán:
- HBsAg – Kháng nguyên bề mặt viêm gan B
- HBcAb – Kháng thể lõi viêm gan B
- HbsAb – Kháng thể bề mặt viêm gan B
- Anti-HBc IgM hoặc Anti-HBc IgG
- HBeAg – Kháng nguyên e viêm gan B
- HBeAb - Kháng thể e viêm gan B
- ADN Virus Viêm gan B
Ngoài ra một số xét nghiệm chức năng gan giúp đánh giá tình trạng viêm gan B hoặc bất kỳ bệnh gan nào, bao gồm:
- Xét nghiệm chức năng gan và men gan
- Alanin Aminotransferase (ALT hoặc SGPT)
- Protein Alpha-Feto (AFP)
- Chẩn đoán hình ảnh gan
6. Các phương pháp điều trị viêm gan B là gì?
Viêm gan B mạn tính cần điều trị lâu dài
Trong trường hợp nghi ngờ mình tiếp xúc với vi rút viêm gan B, cần lập tức đến bệnh viện. Khi bị phơi nhiễm, tiêm globulin miễn dịch trong vòng 12 giờ sau khi tiếp xúc với virus có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi viêm gan B. Những người chưa chủng ngừa viêm gan B cũng cần tiêm cùng lúc.
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm gan B cấp tính. Việc điều trị chủ yếu để hỗ trợ, bao gồm nghỉ ngơi, uống nhiều nước, kiêng rượu bia và cân bằng dinh dưỡng. Quan trọng nhất là tránh sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan.
Đối với viêm gan B mạn tính cần được điều trị bằng thuốc, bao gồm thuốc kháng virus. WHO khuyến cáo sử dụng các phương pháp điều trị bằng đường uống như tenofovir hoặc entecavir – là những loại thuốc mạnh nhất để ngăn chặn virus viêm gan B.
Ở hầu hết mọi người, điều trị viêm gan B mạn tính không thể loại bỏ hoàn toàn viêm gan B mà chỉ ngăn chặn sự nhân lên của virus. Vì vậy, hầu hết những người được chẩn đoán bị viêm gan B mạn tính đều phải điều trị lâu dài, đôi khi là suối đời. Việc điều trị nhằm làm chậm quá trình tiến triển thành xơ gan, giảm nguy cơ mắc ung thư gan và cải thiện khả năng sống lâu dài.
7. Những biến chứng của bệnh viêm gan B
Viêm gan B mạn tính có thể gây ra các biến chứng:
- Xơ gan
- Suy gan
- Ung thư gan
- Tử vong
- Nhiễm viêm gan D
Trong số các biến chứng lâu dài của HBV, xơ gan và ung thư gan nguyên phát gây ra gánh nặng bệnh tật lớn. Ung thư gan tiến triển nhanh chóng, có tiên lượng xấu.
Virus viêm gan D (HDV) chỉ có thể lây nhiễm cho những người đã bị nhiễm viêm gan B. Viêm gan D không phổ biến nhưng các triệu chứng do nó gây ra nghiêm trọng hơn, đặc biệt là tình trạng mạn tính có thể dẫn đến bệnh gan mãn tính, bao gồm sẹo gan, xơ gan, suy gan và ung thư gan.
8. Biện pháp phòng ngừa viêm gan B
Trẻ sơ sinh nên tiêm vắc xin viêm gan B càng sớm càng tốt
Theo ước tính của WHO vào năm 2019, nhờ có vắc xin tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm HBV mạn tính đã giảm từ 5% trong giai đoạn tiền vắc xin xuống chỉ còn dưới 1%.
Thuốc chủng ngừa viêm gan B là cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm vi rút viêm gan B. Tất cả trẻ sơ sinh nên tiêm vắc xin viêm gan siêu vi B càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh. Tiêm đủ 03 liều vắc xin tạo ra mức kháng thể bảo vệ ở hơn 95% trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh niên. Kháng thể có thể kéo dài đến 20 năm, tuy nhiên lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian.
Ở người trưởng thành khi xét nghiệm máu nếu nhận thấy kháng thể viêm gan B yếu thì cần tiêm nhắc lại để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.
Ngoài ra, một số biện pháp khác để giảm nguy cơ nhiễm HBV là:
- Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
- Không sử dụng ma túy.
- Tiêm phòng đầy đủ trước khi đi du lịch đến khu vực có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao.
- Phụ nữ nên tiêm phòng vắc xin viêm gan B trước khi mang thai.
- Nếu phụ nữ bị nhiễm vi rút viêm gan B khi đang mang thai có nguy cơ cao truyền virus cho con của họ. Vì vậy, phụ nữ mang thai có nồng độ HBV DNA (tải lượng virus) và/hoặc sự hiện diện của HBeAg cao nên điều trị dự phòng kháng virus trong thai kỳ để ngăn ngừa lây nhiễm HBV cho trẻ.
- Sàng lọc và đảm bảo chất lượng máu hiến tặng và các thành phần máu được sử dụng để truyền cho người bệnh không bị nhiễm vi rút viêm gan B.
- Thực hành tiêm an toàn, loại bỏ các mũi tiêm đã sử dụng và không an toàn.