XÉT NGHIỆM HPV GENOTYPE TRONG TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

 
Xét ngiệm HPV genotype phát hiện nhiễm virus HPV

1. Xét nghiệm HPV genotype PCR là gì?

HPV (Human papiloma virus) là virus gây u nhú ở người. Có hơn 100 chủng virus HPV, trong đó có 40 chủng được biết lây qua quan hệ tình dục. Các chủng HPV lây truyền qua đường tình dục được chia thành hai loại:

- HPV nguy cơ thấp: Đây là các chủng HPV hiếm khi gây ra bệnh, một số có thể gây mụn cóc sinh học, hậu môn hay miệng. 

- HPV nguy cơ cao (HrHPV): Có khoảng 14 chủng, có thể gây ung thư. Trong đó hai chủng phổ biến nhất gây ung thư cổ tử cung là HPV 16 và HPV 18; các chủng còn lại là 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66, 68.

Đối với HPV nguy cơ thấp thường không cần làm xét nghiệm để chẩn đoán. Trong khi HPV nguy cơ cao nên được kiểm tra định kỳ ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ từ 30 tuổi trở đi. 

Trong các xét nghiệm HPV nguy cơ cao, xét nghiệm HPV genotype là một xét nghiệm thường được ưu tiên thực hiện vì có thể xác định được cụ thể chủng HPV gây bệnh.
Xét nghiệm HPV genotype được thực hiện bằng cách kiểm tra mẫu tế bào cổ tử cung để xác định có nhiễm HPV hay không. Xét nghiệm này định dạng gen dựa trên phản ứng chuỗi polymerase thời gian thực (Realtime PCR).

2. Xét nghiệm HPV genotype PCR được thực hiện khi nào?

Mục đích của xét nghiệm HPV là để phát hiện nhiễm virus HPV. Xét nghiệm này được thực hiện trong một số trường hợp:

- Tầm soát ung thư cổ tử cung. HPV là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này giúp bệnh nhân bị nhiễm chủng HPV nguy cơ cao được theo dõi nhằm phát hiện kịp thời và loại bỏ bất kỳ bất thường nào có thể tiến triển thành ung thư. 

- Xét nghiệm HPV sau khi xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung cho ra kết quả bất thường.

- Lập kế hoạch điều trị ung thư vòm họng. Phần lớn các trường hợp ung thư vòm họng là do virus HPV gây ra. Phương án điều trị ung thư vòm họng gây ra bởi HPV với nguyên nhân khác có thể khác nhau, vì vậy xét nghiệm HPV là điều cần thiết.

3. Cách thực hiện xét nghiệm HPV genotype PCR

 
Xét nghiệm HPV bằng mẫu tế bào cổ tử cung

Cách thực hiện xét nghiệm HPV genytype:

- Bệnh nhân nằm trên bàn khám với chân dạng kiềng.

- Đưa mỏ vịt vào mở rộng âm đạo để quan sát được cổ tử cung.

- Sử dụng công cụ lấy mẫu tế bào cổ tử cung. Tùy từng trường hợp mà mẫu này có thể sử dụng cho cả xét nghiệm Pap và HPV, hoặc cần lấy 2 mẫu.

- Mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Sau khi hoàn tất xét nghiệm, bệnh nhân có thể hoạt động bình thường ngay. Kết quả xét nghiệm có thể có trong 1-3 tuần sau đó.

Lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm HPV

- Không xét nghiệm HPV trong kỳ kinh nguyệt, cần đợi 5-7 ngày sau ngày kinh cuối cùng.

- Không dùng băng vệ sinh trong hai ngày trước đó.

- Không sử dụng thuốc đặt âm đạo trong hai ngày trước đó.

- Không thụt rửa âm đạo trong hai ngày trước đó.

- Không quan hệ tình dục trong hai ngày trước đó.

- Trước khi thực hiện xét nghiệm nên đi tiểu để cảm thấy thoải mái hơn.

4. Ai cần làm xét nghiệm HPV genotype PCR

Thời điểm và tần suất phụ nữ cần làm xét nghiệm HPV genotype phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và quá trình tầm soát ung thư cổ tử cung trước đó.

Phụ nữ có thể tầm soát cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap smear, xét nghiệm HPV hoặc thực hiện cả hai cùng lúc. Trong đó, xét nghiệm HPV được khuyến khích thực hiện định kỳ cho phụ nữ từ 30-65 tuổi ít nhất mỗi 5 năm 1 lần, kết hợp cùng Pap smear mỗi 1-3 năm 1 lần.

Phụ nữ dưới 30 tuổi có thể không cần làm xét nghiệm này, vì HPV lây qua đường tình dục rất phổ biến ở người trẻ, nhưng đa phần có thể tự khỏi sau đó. Trong khi những thay đổi ở cổ tử cung cần nhiều năm để phát triển thành ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm HPV ở phụ nữ trẻ có thể gây nhầm lẫn hoặc lo sợ không cần thiết.

Tuy nhiên, những phụ nữ có yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung, có thể cần làm xét nghiệm HPV sớm hơn, hoặc thực hiện các xét nghiệm tầm soát thường xuyên hơn:

- Xét nghiệm Pap smear trước đó bất thường.

- Đã được chẩn đoán tiền ung thư cổ tử cung.

- Đã được chẩn đoán mắc HPV.

- Trước đây từng bị ung thư cổ tử cung.

- Bị nhiễm HIV hoặc các bệnh lây qua đường tình dục khác.

5. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm HPV genotype PCR

 
Phụ nữ nên tiêm vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung

Kết quả xét nghiệm HPV genotype sẽ cho biết người bệnh có nhiễm chủng HPV nguy cơ cao không. Kết quả này không khẳng định một người bị ung thư cổ tử cung nhưng đó là dấu hiệu cảnh báo.

Từ kết quả xét nghiệm HPV, bác sĩ sẽ cân nhắc dựa vào kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung, yếu tố nguy cơ, tuổi tác, tiền sử để xác định nguy cơ bị ung thư cổ tử cung hiện tại và tương lai. Từ đó chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm tiếp theo hoặc có kế hoạch điều trị, theo dõi thích hợp.

Tùy vào từng trường hợp, các bước tiếp theo bạn cần làm có thể là:

- Theo dõi.  Xét nghiệm lại HPV sau 1 năm nếu kết quả xét nghiệm HPV dương tính nhưng xét nghiệm Pap cho kết quả bình thường. Xét nghiệm lại HPV sau 5 năm nếu kết quả âm tính hoặc theo khuyến nghị của bác sĩ.

- Soi cổ tử cung. Sử dụng ống kính phóng đại để kiểm tra cổ tử cung, thường được chỉ định nếu xét nghiệm Pap cho kết quả bất thường.

- Sinh thiết. Kiểm tra mẫu mô bất thường, thường được tiến hành cùng lúc với soi cổ tử cung nếu phát hiện mô bất thường.

- Điều trị để loại bỏ tế bào tiền ung thư hoặc điều trị ung thư cổ tử cung.

Virus HPV có tiến triển thành ung thư cổ tử cung sau nhiều năm hoặc hàng chục năm, vì vậy việc tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ là rất quan trọng để phát hiện những thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung trước khi chuyển thành ác tính. Mọi phụ nữ từ 9-26 tuổi cần tiêm vaccine ngừa HPV và từ 30 tuổi nên làm xét nghiệm HPV định kỳ.