Bệnh viêm gan là tình trạng các tế bào mô gan bị tổn thương và bị viêm dẫn đến chức năng gan suy giảm. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh viêm gan có thể diễn tiến suy gan, xơ gan và ung thư gan.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm gan
Viêm gan là bệnh lý về gan thường gặp khi các tế bào mô gan bị viêm và bị tổn thương gây suy giảm chức năng gan. Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh viêm gan ở người như:
1.1. Viêm gan do nhiễm virus
Có nhiều loại virus khác nhau gây bệnh viêm gan. Trong số đó, virus được biết đến nhiều như virus gây bệnh viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, ... Nhiều trường hợp bệnh viêm gan không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt, đặc biệt là tình trạng viêm gan mạn tính (trên 6 tháng).
Người bệnh chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi thăm khám sức khỏe hay tiến hành xét nghiệm ghi nhận men gan tăng sau đó được bác sĩ kiểm tra, tầm soát nguyên nhân.
Tình trạng viêm gan cấp tính đôi khi có các biểu hiện lâm sàng tương tự các triệu chứng cúm thông thường như đau đầu, sốt nhẹ, mỏi khớp, đau cơ, mệt mỏi, ho khan, chán ăn ...

Viêm gan xảy ra khi các tế bào mô gan bị viêm và tổn thương
Khi gan bị tổn thương có thể gây ra một số triệu chứng có thể gặp nhưng không nhiều điển hình như vàng mắt, tiểu vàng sậm, vàng da, đau ở vùng hạ sườn phải.
1.2. Viêm gan do rượu
Gan bị tổn thương do tác động của rượu thường diễn tiến qua các giai đoạn từ gan nhiễm mỡ do rượu đơn thuần đến thành bệnh gan nhiễm mỡ, cuối cùng là xơ gan dẫn đến ung thư gan nguy hiểm.
Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời, viêm gan do rượu có thể tiến triển thành căn bệnh xơ gan hoặc ung thư gan nguy hiểm.
Tuy viêm gan do rượu có thể gây nhiều triệu chứng hoặc biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến suy gan đột ngột nhưng ở giai đoạn đầu, bệnh hầu như không gây ra bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào đến người bệnh.
Nguy cơ gan bị tổn thương càng cao khi người bệnh có tiền căn thường xuyên sử dụng rượu bia trong thời gian dài đi kèm các yếu tố nguy cơ như béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
1.3. Viêm gan do nhiễm ký sinh trùng
Ký sinh trùng gây bệnh viêm gan thường gặp nhất là ký sinh trùng sốt rét plasmodium falciparum. Ngoài ra, một số loại amip cũng có thể gây bệnh viêm gan.
1.4. Viêm gan tự miễn
Viêm gan tự miễn là bệnh lý về gan hiếm gặp, xảy ra khi hệ thống miễn dịch có sự rối loạn. Lúc này, hệ miễn dịch tấn công các tế bào gan thay vì tấn công vi khuẩn, virus gây hại khiến gan bị tổn thương.
Điều này gây ra tình trạng viêm gan liên tục khiến chức năng gan bị ảnh hưởng. Về lâu dài, gan có thể ngừng hoạt động khi bị tổn thương quá mức. Người bệnh viêm gan tự miễn có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Tuy nhiên ở phần lớn các trường hợp bệnh, viêm gan tự miễn là tình trạng viêm gan mạn tính, khó điều trị dứt điểm.
2. Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm gan
Gan là cơ quan trọng của cơ thể giúp tạo ra mật để tiêu hóa thức ăn và dự trữ tường cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể, hỗ trợ lọc máu và đào thải chất thải khỏi cơ thể, chống lại nhiễm trùng.
Vì thế, nếu bệnh viêm gan không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh gan mạn tính, ung thư gan, xơ gan … ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều chức năng quan trọng của cơ thể.

Bệnh viêm gan không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ung thư gan
Đặc biệt, xơ gan và ung thư gan là hai trong những bệnh cảnh nguy hiểm nhất của bệnh viêm gan. Chúng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe người bệnh như:
- Cổ trướng: Dịch tích tụ trong khoang bụng.
- Tĩnh mạch thực quản giãn bị vỡ khiến người bệnh đi cầu ra máu và ói ra máu, tăng tỉ lệ tử vong đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
- Nhiễm trùng dịch báng: Khi xảy ra tình trạng nhiễm trùng dịch trong khoang màng bụng, người bệnh có thể biểu hiện các triệu chứng như sốt, lơ mơ, hôn mê, đau bụng thậm chí tử vong.
- Bệnh não gan: Khi người bệnh mắc bệnh não gan có thể gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, ngủ gà, suy giảm trí nhớ, hôm mê, lơ mơ và nguy hiểm hơn là tử vong.
- Tổn thương thận cấp tính: Khi người bệnh bị tổn thương thận cấp tính có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh não gan cũng như tỉ lệ tử vong cũng tăng theo.
3. Điều trị bệnh viêm gan
Nhiều người bị viêm gan cấp tính đều có thể hồi phục sức khỏe. Tình theo nguyên nhân gây bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị đặc hiệu hoặc điều trị không sử dụng thuốc bằng cách loại bỏ tác nhân khiến gan bị tổn thương như nấm, thuốc, rượu ...
Nhiều trường hợp điều trị viêm gan do rượu chỉ là điều trị hỗ trợ, bổ sung vitamin và bù dịch. Bên cạnh đó, ngưng uống rượu là việc chăm sóc sức khỏe và cải thiện tình trạng bệnh quan trọng nhất.
Khi điều trị viêm gan tự miễn, mục tiêu chính là làm giảm các triệu chứng và kiểm soát tình trạng bệnh. Lúc này, bác sĩ có thể cân nhắc một số loại thuốc hỗ trợ ngăn chặn hoặc làm chậm hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa các tế bào gan bị tấn công.

Ngừng uống rượu để cải thiện tình trạng viêm gan cho rượu
Khi người bệnh bị tổn thương gan nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng như bệnh gan giai đoạn cuối, suy gan cấp tính, kháng thuốc ... thì biện pháp điều trị viêm gan tối ưu là tiến hành ghép gan.
4. Phòng ngừa bệnh viêm gan
- Tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh viêm gan.
- Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây nhiễm virus viêm gan.
- Không dùng chung kim tiêm, các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng …
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ, chung thủy với 1 người bạn tình.
- Ăn chín uống sôi
- Duy trì lối sống lành mạnh, hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan và nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Hạn chế uống rượu bia, đồ uống có cồn.
- Kiểm soát căng thẳng, nghỉ ngơi đầy đủ.
- Tuân thủ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Kiểm soát cân nặng cân đối, tránh cơ thể béo phì, thừa cân.