TÌM HIỂU VỀ TÁC DỤNG PHỤ CỦA NHÓM THUỐC CHỐNG TRẦM CẢM THƯỜNG GẶP

 
Thuốc chống trầm cảm được sử dụng để điều trị trầm cảm

1. Thuốc chống trầm cảm là gì?

Thuốc chống trầm cảm là loại thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm và một số rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Thuốc chống trầm cảm làm tăng các chất dẫn truyền thần kinh trong não như serotonin, norepinephrine và dopamine – những chất giúp cải thiện tâm trạng, tạo cảm giác hưng phấn, giảm sự chán nản. 

Phản ứng khi sử dụng thuốc chống trầm cảm ở mỗi người khác nhau. Đó là lý do tại sao bạn cần trao đổi với bác sĩ điều trị về các tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm mà bạn có thể gặp phải.

2. Các loại thuốc chống trầm cảm và tác dụng phụ của chúng

Sau đây là một số loại thuốc chống trầm cảm chính và tác phụ thường gặp. Trong một vài trường hợp, bạn có thể không gặp tác dụng phụ nào hoặc sẽ gặp các tác dụng phụ khác ngoài các tác dụng phụ được liệt kê dưới đây.

a. Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) 

SSRIs là loại thuốc chống trầm cảm được ưu tiên sử dụng hàng đầu vì tính hiệu quả, khả năng dung nạp cao và ít tác dụng phụ. Thậm chí là trong trường hợp một người bị trầm cảm tự gây hại cho bản thân bằng cách sử dụng thuốc chống trầm cảm quá liều cũng sẽ gặp ít nguy hiểm hơn.

Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh giúp nâng cao tâm trạng và kiểm soát cảm xúc. Theo cơ chế thì sau khi gửi thông điệp qua não, một phần lớn serotonin thường được tái hấp thu bởi các tế bào thần kinh đã gửi chúng đi. SSRIs là những chất có tác dụng ngăn chặn sự tái hấp thu của serotonin một cách có chọn lọc, từ đó làm tăng hoạt động của serotonin có trong não dẫn đến tâm trạng tốt hơn.

SSRIs còn được sử dụng để điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu lan tỏa, ám ảnh sợ xã hội, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và rối loạn hoảng sợ.

Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) thường gặp:

- Citalopram (Celexa)

- Escitalopram (Lexapro)

- Paroxetine (Brisdelle, Paxil, Pexeva)

- Fluoxetine (Prozac)

- Fluvoxamine (Luvox)

- Sertraline (Zoloft)

- Vortioxetine (Trintellix)

- Vilazodone (Viibryd)

Một số tác dụng phụ bạn có thể gặp phải khi sử dụng SSRIs:

- Cảm giác lo lắng

- Buồn nôn 

- Tiêu chảy

- Chóng mặt

- Đau đầu

- Khó ngủ

- Nhìn mờ

- Tăng cân

- Mất ham muốn tình dục

- Khó đạt cực khoái

- Rối loạn cương dương

Những tác dụng phụ này thường biến mất trong tháng đầu tiên sử dụng SSRIs.

b. Các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIs) 

 
SNRIs có thể gây chóng mặt và mệt mỏi 

SNRIs được giới thiệu như một loại thuốc chống trầm cảm lần đầu vào năm 1990. Tương tự như SSRIs, SNRIs giúp ngăn chặn quá trình tái hấp thu chất dẫn truyền thần kinh. Nhưng ngoài serotonin, SNRIs còn ảnh hưởng tới norepinephrine. 

SNRIs có thể được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa, tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường và đau cơ xơ hóa.

Một số loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIs):

 - Desvenlafaxine (Khedezla, Pristiq)

- Duloxetine (Cymbalta)

- Levomilnacipran (Fetzima)

- Milnacipran (Savella)

- Venlafaxine (Effexor XR)

Một số tác dụng phụ phổ biến của SSNIs:

- Đau đầu

- Buồn nôn

- Mất ngủ hoặc buồn ngủ

- Khô miệng

- Chóng mặt

- Ăn mất ngon

- Táo bón

- Suy nhược và mệt mỏi

- Đổ mồ hôi

SNRIs có thể ảnh hưởng tới chức năng tình dục như giảm ham muốn hoặc rối loạn cương dương ở nam giới, nhưng ít ảnh hưởng hơn so với SSRIs.

c. Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs) 

TCAs là nhóm thuốc chống trầm cảm được phát triển vào những năm 1950-1960. Giống như SNRIs, TCAs giúp giữ lại serotonin và norepinephrine trong não. 

Nhưng chúng có thể làm giảm lượng acetylcholine – một chất dẫn truyền thần kinh được sử dụng ở chỗ nối thần kinh cơ, từ đó làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như nhược cơ, tê liệt đến co giật. Do đó, thuốc chống trầm cả ba vòng thường chỉ được chỉ định khi SSRIs và SNRIs không có nhiều hiệu quả. TCAs có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu sử dụng quá liều.

TCAs có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh lý khác như đau dây thần kinh do bệnh zona, tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường, đau cơ xơ hóa, ám ảnh sợ xã hội, đau nửa đầu.

Một số loại thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs):

 - Amitriptyline (Elavil)

- Clomipramine (Anafranil)

- Desipramine (Norpramin)

- Doxepin

- Imipramine (Tofranil)

- Nortriptyline (Pamelor)

Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng TCAs:

- Đau đầu

- Khô miệng

- Mờ mắt

- Đau dạ dày

- Buồn nôn

- Táo bón

- Chóng mặt

- Buồn ngủ hoặc khó ngủ

- Vấn đề về trí nhớ

- Mệt mỏi

- Tăng cân

- Rối loạn chức năng tình dục

- Khó đi tiểu

- Nhịp tim nhanh

- Đổ mồ hôi

Tác dụng phụ của TCAs có thể xuất hiện thường xuyên và gây khó chịu hơn so với hai nhóm thuốc SSRIs và SNRIs. Một số trường hợp hiếm hoi có thể bị co giật hoặc hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim.

d. Các chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs) 

 
Người được chỉ định sử dụng MAOIs phải kiểm soát chế độ ăn uống

MAOIs là nhóm thuốc chống trầm cảm được phát hiện sớm nhất. Hiện nay MAOIs ít được chỉ định để điều trị trầm cảm trừ khi các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả và người bị trầm cảm có khả năng kiểm soát chế độ ăn uống nghiêm ngặt.

MAOIs ngăn chặn monoamine oxidase – enzyme tham gia vào quá trình phá vỡ một số chất dẫn truyền thần kinh, từ đó làm tăng mức serotonin, norepinephrine và dopamine trong não, giúp cải thiện tâm trạng.

MAOIs đôi khi được sử dụng để điều trị chứng rối loạn hoảng sợ, ám ảnh sợ xã hội và bệnh Parkinson.

Một số thuốc MAOIs phổ biến:

- Isocarboxazid (Marplan)

- Phenelzine (Nardil)

- Tranylcypromine (Parnate)

- Selegiline (Eldepryl, Emsam)

Các tác dụng phụ có thể gặp của MAOIs:

- Huyết áp thấp

- Buồn nôn

- Đau đầu

- Buồn ngủ

- Chóng mặt

- Khô miệng

- Tăng cân

- Đau bụng

- Lú lẫn

- Bệnh tiêu chảy

- Sổ mũi

- Rối loạn chức năng tình dục

MAOIs có nhiều khả năng gây huyết áp thấp hơn so với các loại thuốc chống trầm cảm khác. Bên cạnh đó, nhóm thuốc này làm suy giảm khả năng phân hủy tyramine – một loại acid amin hình thành từ sự phân hủy của protein trong thực phẩm, có khả năng gây đau đầu và huyết áp cao nguy hiểm.

3. Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc chống trầm cảm

Mỗi người sẽ có một phản ứng khác nhau với thuốc chống trầm cảm. Có thể bạn sẽ không gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng nào hoặc tác dụng phụ của thuốc sẽ biến mất sau một thời gian, trong khi một số người khác có thể gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn.

Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm phải được chỉ định từ bác sĩ chuyên môn. Việc bạn được chỉ định loại thuốc nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng trầm cảm, khả năng đáp ứng thuốc và tác dụng của liệu pháp trị trầm cảm khác, cùng với tình trạng một số bệnh lý khác mà bạn đang mắc phải.

Bạn cần hỏi bác sĩ về một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc chống trầm cảm được kê đơn. Trong trường hợp các tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng, bạn cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được thay đổi loại thuốc hoặc phương pháp điều trị.

Đặc biệt là bạn không được tự ý ngừng sử dụng thuốc chống trầm cảm đột ngột. Bởi nếu giảm liều hoặc ngừng thuốc chống trầm cảm mà không có chỉ định từ bác sĩ, bạn có thể gặp các triệu chứng về thể chất và cảm xúc nghiêm trọng như chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, kích động, tăng lo lắng, ác mộng, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa, thay đổi tâm trạng và trầm cảm nặng hơn.