Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim cung cấp nhiều thông tin hữu ích để phát hiện, chẩn đoán, đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh lý tim mạch và giúp lên kế hoạch điều trị phù hợp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vai trò, quy trình, lợi ích, hạn chế và rủi ro của MRI tim.
Chẩn đoán hình ảnh tim bằng MRI
1. Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim là gì?
Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không đau, không tiếp xúc với bức xạ. MRI sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết về cấu trúc bên trong và xung quanh tim. Hình ảnh MRI có thể được lưu trữ trên máy tính hoặc in ra trên phim.
Ngoài ra, MRI còn được sử dụng để chụp các bộ phận khác trên cơ thể như: não, cột sống, bụng, vùng chậu, mạch máu, vú, xương khớp và mô mềm.
2. Tại sao cần chụp cộng hưởng từ tim
Chụp cộng hưởng từ tim được sử dụng để chẩn đoán nhiều loại bệnh tim. Đây là phương pháp hiệu quả để chẩn đoán các trường hợp bệnh tim phức tạp hoặc để bổ sung cho các xét nghiệm trước đó.
MRI tim thường được thực hiện sau các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh khác, chẳng hạn như siêu âm tim. Nếu kết quả siêu âm tim cho thấy tình trạng phức tạp hoặc hình ảnh siêu âm tim không rõ ràng thì có thể cần chụp MRI tim. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định MRI là xét nghiệm đầu tiên.
MRI cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao, rõ ràng, giúp bác sĩ quan sát được mạch máu và sự lưu thông máu, lượng máu tâm thất trái bơm ra và kiểm tra chức năng tim, giúp lập kết hoạch điều trị hoặc phẫu thuật.
MRI an toàn vì vậy xét nghiệm này có thể được thực hiện ở các đối tượng cần chụp tim nhiều lần trong một thời gian, ví dụ như người mắc cả bệnh tim bẩm sinh.
Chụp cộng hưởng từ tim sẽ chẩn đoán được nhiều bệnh tim khác nhau như:
- Tổn thương tim do nhồi máu cơ tim.
- Bệnh động mạch vành.
- Rách, phình, hẹp động mạch chủ.
- Bệnh màng ngoài tim.
- Bệnh cơ tim.
- Suy tim.
- Khối u tim.
- Bệnh van tim.
- Bệnh tim bẩm sinh.
Chụp cộng hưởng từ giúp chẩn đoán nhiều loại bệnh tim
3. Quy trình chụp cộng hưởng từ tim
a. Trước khi chụp MRI tim
Nhân viên y tế sẽ đưa cho bạn một bảng câu hỏi chi tiết để xác định các thông tin:
- Bạn có đang mang thai hoặc đang cho con bú không?
- Bạn có tiền sử dị ứng với bất kỳ chất gì không?
- Bạn có các thiết bị điện tử được đặt trong cơ thể như máy trợ thính, máy bơm thuốc không?
- Có đang đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo không?
- Có các kẹp (clips), vật kim loại nội sọ, vật kim loại trong hốc mắt không?
- Có mảnh kim khí trong cơ thể không?
- Trên cơ thể có bộ phận nào là kim loại không? Vd: khớp giả, răng giả, nẹp xương, đinh nội tủy…
- Có dụng cụ kim loại trong can thiệp mạch máu như đặt stent mạch máu hay coils không?
- Có đang bị bệnh đái tháo đường, bệnh thận, tăng huyết áp hoặc một số bệnh lý khác không?
Trước khi bước vào phòng MRI, bạn cần:
- Cởi hết quần áo trên người và thay đồ do nhân viên y tế cung cấp.
- Tháo tất cả mọi thứ trên người, kể cả kính mắt, đồ trang sức, kẹp tóc, đồng hồ, điện thoại, ví tiền, thẻ ngân hàng, máy trợ thính, tóc giả…
Máy chụp MRI giống như một cỗ nam châm lớn, vì vậy những bệnh nhân có thiết bị kim loại trong người sẽ không thể chụp MRI trừ khi thiết bị đó được chứng nhận là an toàn với MRI.
Ngoài ra, nếu bạn có hội chứng sợ bóng tối, sợ không gian kín hay sợ ở một mình thì hãy trao đổi với bác sĩ trước khi tiến hành xét nghiệm.
Phòng chụp MRI chống chỉ định với kim loại
b. Trong khi chụp MRI tim
Trong một số trường hợp, chụp MRI tim có thể sử dụng thuốc tương phản từ để tăng hiệu quả hình ảnh. Thuốc này sẽ được tiêm qua đường truyền tĩnh mạch IV trước khi chụp. Bạn có thể không cảm thấy gì hoặc sẽ có cảm giác châm chích hoặc nhói nhẹ khi tiêm thuốc.
Bạn sẽ nằm lên trên một chiếc bàn trượt vào máy MRI. Máy MRI tạo ra một từ trường mạnh xung quanh và sóng vô tuyến sẽ hướng vào vùng cơ thể cần chụp.
Trong khi chụp, bạn sẽ nghe thấy tiếng ồn khá lớn. Trước đó kỹ thuật viên sẽ đưa nút tai hoặc tai nghe cho bạn đeo để giảm tiếng ồn.
Trong suốt quá trình chụp, bạn cần nằm yên hết mức có thể. Các cử động cơ thể sẽ gây nhiễu hình ảnh. Kỹ thuật viên sẽ theo dõi bạn từ một phòng khác và hướng dẫn cho bạn qua micro để quá trình chụp MRI diễn ra thuận lợi.
Quá trình chụp MRI thường kéo dài từ 10-30 phút tùy trường hợp.
c. Sau khi chụp MRI tim
Thường thì bạn có thể hoạt động ngay sau khi chụp MRI xong.
Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ đọc kết quả và gửi cho bác sĩ chuyên khoa để thảo luận, trao đổi và tư vấn cho bạn về kết quả MRI tim.
Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc kết quả chụp MRI
4. Lợi ích và hạn chế của chụp cộng hưởng từ tim
a. Lợi ích của chụp MRI tim
- MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không tiếp xúc với bức xạ.
- MRI cung cấp hình ảnh tim tốt hơn các phương pháp khác trong một số điều kiện nhất định, đặc biệt là các bất thường liên quan đến cơ tim.
- MRI có giá trị chẩn đoán cao trong các tình trạng giải phẫu tim bất thường (dị tật tim bẩm sinh), bất thường chức năng tim (suy van), khối u và bệnh liên quan đến động mạch vành.
- MRI có thể sử dụng trong một số thủ thuật can thiệp.
- MRI có thể phát hiện các tổn thương bị che khuất bởi xương mà các phương pháp khác không phát hiện ra được.
b. Hạn chế của MRI tim
- Chất lượng hình ảnh phụ thuộc nhiều vào việc bệnh nhân phải nằm yên trong quá trình chụp.
- Một số người quá béo hoặc khung xương quá to không phù hợp với máy MRI.
- Cấy ghép hoặc có thiết bị kim loại trong người gây khó khăn trong việc chụp MRI và những đối tượng này có thể không chụp MRI được.
- Nhịp tim không đều hoặc rung nhĩ có thể gây khó khăn trong việc ghi nhận hình ảnh MRI tim.
- MRI thường không được khuyến cáo ở những bệnh nhân bị thương nặng.
- Thuốc tương phản từ được khuyến nghị không sử dụng ở phụ nữ mang thai.
- Khả năng đánh giá hình ảnh động mạch vành và cách nhánh động mạch kém hơn so với chụp CT.
- Chi phí chụp MRI khá cao.
- Thời gian chụp MRI lâu hơn các phương pháp khác như CT, X-quang hay siêu âm.
MRI rất hiệu quả để chẩn đoán bệnh cơ tim
5. Chụp MRI tim có rủi ro nào không?
Nhìn chung, MRI là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh rất an toàn nhờ vào việc sử dụng từ trường và sóng vô tuyến, người bệnh sẽ không tiếp xúc với bất kỳ bức xạ nào trong quá trình này. MRI không xâm lấn sẽ không gây ra bất kỳ tổn thương nào trên cơ thể.
Rủi ro của MRI đến từ việc cơ thể người bệnh có thiết bị kim loại trong người. Vì vậy, bạn cần khai báo trung thực và lưu ý về bất kỳ thiết bị, đồ vật kim loại nào trong cơ thể. Nếu bạn không chắc chắn là trong cơ thể có kim loại hay không, ví dụ bạn từng có mảnh đạn trong người chẳng hạn, thì hãy báo với nhân viên y tế. Các xét nghiệm khác có thể được tiến hành để thay thế cho MRI như chụp X-quang hay chụp CT.
Rủi ro khác của MRI là thuốc tương phản từ:
- Tác dụng phụ của thuốc: Buồn nôn, nôn, đau tay, dị ứng, giảm chức năng thận thoáng qua. Các tác dụng phụ này rất hiếm và chỉ là tạm thời, không cần điều trị đặc hiệu.
- Gây tổn thương thận: Chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) và bệnh nhân bị bệnh thận tiến triển. Nếu bạn có bệnh thận, có thể bạn sẽ cần đánh giá chức năng thận trước khi chụp MRI.
- Dị ứng và sốc phản vệ: Rất hiếm khi xảy ra và hiếm khi đe dọa tính mạng. Các triệu chứng: đau đầu, hắt hơi, nôn mửa, lú lẫn, suy nhược, đổ mồ hôi, khó thở, khó chịu vùng thượng vị, chảy nước mắt, ngứa mắt, nổi ngứa trên da, đỏ da, da nhợt nhạt. Bạn cần thông báo cho bác sĩ nếu có tiền sử dị ứng với bất kỳ chất hay thuốc nào, đặc biệt là từng dị ứng trong lần chụp MRI trước. Trong quá trình chụp, cần thông báo cho kỹ thuật viên ngay lập tức nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên.
6. Chụp MRI tim tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1
Khoa Chẩn đoán hình ảnh của Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 được được trang bị máy MRI 1.5 Tesla cho ra hình ảnh có độ phân giải cao, hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong chẩn đoán, đánh giá các tổn thương và bệnh lý tim mạch.