PHÂN BIỆT BUỒN BÃ VÀ TRẦM CẢM


Một số người cảm thấy buồn bã thì nghi ngờ mình bị trầm cảm, trong khi những người mắc chứng trầm cảm thì cho rằng mình chỉ đang buồn. Vậy đâu là sự khác biệt giữa buồn bã và trầm cảm? 

1. Buồn bã và biểu hiện của buồn bã

Buồn bã là tâm trạng tiêu cực của con người mà bất kỳ ai đều có thể cảm thấy vào một vài thời điểm trong cuộc đời. Buồn bã có nhiều mức độ khác nhau tùy vào tình huống mà bạn gặp phải. Một số lý do khiến bạn buồn như vừa làm mất một món đồ yêu thích, bạn bị điểm kém trong học tập, bạn không hoàn thành được mục tiêu như mong muốn, một người thân của bạn bị bệnh hoặc qua đời, bạn gặp khó khăn trong công việc, tình bạn hoặc tình yêu…

Cảm xúc buồn bã hoàn toàn bình thường và không hề có hại, nó không gây cản trở đáng kể nào cho cuộc sống và hoạt động hàng ngày của bạn.

Cảm xúc buồn bã có thể kéo theo một số triệu chứng như:

- Cảm thấy chán nản

- Đau khổ

- Mệt mỏi

- Ngủ không ngon

- Không muốn ăn hoặc ăn mọi lúc

- Khó tập trung

- Cảm giác vô dụng, vô giá trị

- Tuyệt vọng.

Tâm trạng buồn bã có thể tốt lên khi bạn đã giải quyết được vấn đề, gặp một chuyện vui, được giải tỏa cảm xúc hoặc được an ủi. Nó sẽ cải thiện và biến mất theo thời gian, cảm xúc của bạn có thể trở lại như trước.

Tuy nhiên, khi nỗi buồn của bạn không giảm mà còn gia tăng hoặc tồn tại trong một thời gian dài thì đây là lúc bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ tâm lý vì có thể bạn đang phải đối mặt với chứng trầm cảm.


Trầm cảm khác với buồn bã

2. Trầm cảm và các triệu chứng của trầm cảm

Trong khi ai cũng đều sẽ buồn bã vào một lúc nào đó thì trầm cảm chỉ xảy ra với một số người. Trầm cảm khác với buồn bã. Khi bạn bị trầm cảm, bạn sẽ cảm thấy buồn với mọi thứ, không có năng lượng, không có động lực, không thấy vui ngay trong những dịp vui vẻ, bạn cũng không tìm thấy sự thích thú với bất kỳ điều gì, kể cả các hoạt động mà bạn từng yêu thích.

Thời gian là liều thuốc tốt nhất cho nỗi buồn, nhưng trầm cảm thì không như vậy. Trầm cảm là một vấn đề sức khỏe tâm thần có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí là vài năm, bạn sẽ không thể cảm thấy tốt lên nếu không được điều trị.

 
Buồn bã kéo dài trên hai tuần là biểu hiện của trầm cảm

Các biểu hiện của trầm cảm bao gồm:

- Cảm thấy chán nản vào hầu hết các ngày

- Mệt mỏi, không có năng lượng

- Khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn

- Ăn không ngon hoặc ăn rất nhiều 

- Rối loạn tiêu hóa

- Khó chịu, bồn chồn hoặc dễ kích động

- Dễ tức giận, cáu gắt, trở nên nóng tính

- Khó tập trung, giảm trí nhớ, khó đưa ra quyết định

- Mất hứng thú với các hoạt động, kể cả những hoạt động từng yêu thích

- Cảm giác tội lỗi, vô dụng, vô giá trị

- Cảm thấy tuyệt vọng

- Trở nên ít nói và xa lánh các mối quan hệ

- Suy nghĩ thường xuyên về cái chết

- Có ý nghĩ hoặc hành vi tự tử.

Bạn cũng có thể gặp những triệu chứng này nếu bạn đang buồn bã, nhưng chúng không kéo dài quá hai tuần. Riêng suy nghĩ và hành vi tự tử chỉ xuất hiện khi bạn bị trầm cảm.

Khi bạn bị trầm cảm, những cảm xúc này sẽ gây khó khăn cho bạn trong các các hoạt động hàng ngày. Suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn có thể chậm đi đáng kể. Đôi khi bạn còn cảm thấy những cơn đau lưng, đau bụng, đau đầu, đau xương khớp mà không tìm được lý do. 

3. Các yếu tố rủi ro của chứng trầm cảm

Trầm cảm có thể xảy ra với cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi, không phân biệt dân tộc, trình độ giáo dục hay nền tảng kinh tế. Một vài yếu tố có thể dẫn đến chứng trầm cảm là:

- Bạn gặp một cú sốc tâm lý và không thể vượt qua nó, chẳng hạn như cái chết của người thân yêu, gặp tình huống đe dọa tính mạng, chấn thương thể chất hoặc bị bạo lực;

- Chấn thương tâm lý thời thơ ấu, bao gồm mối quan hệ lợi dụng, lạm dụng, bạo lực gia đình trong thời gian dài;

- Lòng tự trọng thấp;

- Tiền sử rối loạn sức khỏe tâm thần, bao gồm rối loạn ăn uống, rối loạn căng thẳng sau chấn thương hay rối loạn lo âu;

- Tiền sử gia đình mắc bệnh trầm cảm hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác;

- Lạm dụng chất kích thích, bao gồm rượu bia và ma túy;

- Mắc bệnh lý nguy hiểm như ung thư, đột quỵ, bệnh tim hay đau mãn tính;

- Căng thẳng và lo lắng kéo dài do công việc hay do các mối quan hệ xã hội;

- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc corticosteroid, thuốc nội tiết tố…

- Không nhận được sự chấp nhận, đồng cảm và giúp đỡ của bạn bè và người thân, trong đó bao gồm các trường hợp người đồng tính…

Việc bạn có những yếu tố rủi ro không đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn sẽ bị trầm cảm. Bên cạnh đó, một số người có thể bị trầm cảm do các yếu tố khác như đang trong thời kỳ mang thai, sau khi sinh con hoặc do yếu tố môi trường, thời tiết…

4. Làm gì khi bạn bị trầm cảm?

 
Hãy đến gặp bác sĩ tâm thần kinh nếu bạn nghi ngờ mình bị trầm cảm

Trầm cảm không phải là điều đáng xấu hổ hay là biểu hiện của sự yếu đuối. Bạn cần có cái nhìn tích cực và đừng đổ lỗi cho mình về chứng trầm cảm mà bạn đang gặp phải. Một số điều bạn có thể làm khi bị trầm cảm là:

- Đến gặp bác sĩ tâm thần kinh để có phương pháp điều trị thích hợp như liệu pháp trò chuyện hoặc sử dụng thuốc chống trầm cảm;

- Đừng cô lập chính mình, hãy yêu cầu sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình;

- Hãy cố gắng cởi mở và chia sẻ cảm xúc của bản thân với người bạn tin tưởng;

- Tập thể dục và chơi thể thao thường xuyên, đặc biệt là các môn như yoga và thiền rất tốt cho tâm trạng;

- Hãy cố gắng ngủ đủ giấc và có giấc ngủ chất lượng;

- Ăn đúng giờ, không bỏ bữa và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh;

- Nghe nhạc, đọc sách, xem các chương trình tivi hài hước, vui nhộn; tránh nghe nhạc hay xem phim buồn;

-Hãy tiếp tục với những sở thích trước đây hoặc bắt đầu với một sở thích mới như nuôi thú cưng, trồng cây, vẽ tranh…

- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý;

- Tuyệt đối không hút thuốc lá, sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác;

- Uống rượu bia có chừng mực, tốt nhất là không uống;

- Nếu bạn đang mắc bệnh nào đó, hãy uống thuốc và điều trị tích cực theo lời dặn của bác sĩ.

Khi bạn đang buồn bã, một số thay đổi trong lối sống có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Nhưng hãy nhớ rằng chỉ thay đổi lối sống thôi là không đủ nếu bạn bị trầm cảm. Việc khám sức khỏe tâm thần là rất cần thiết để giải quyết tình trạng trầm cảm của bạn, đặc biệt là trong trường hợp bạn đã có suy nghĩ về cái chết hay hành vi tự tử. Hãy đến các cơ sở khám chữa bệnh để gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh ngay khi bạn có những triệu chứng trầm cảm hoặc tâm trạng buồn bã của bạn đã kéo dài trên hai tuần.