KHI NÀO CẦN ĐIỀU TRỊ NANG BAO HOẠT DỊCH CỔ TAY?

 
U nang bao hoạt dịch cổ tay

1. Nang bao hoạt dịch cổ tay là gì?

Nang bao hoạt dịch cổ tay xuất phát từ bao khớp hay bao gân. Nó có thể phát triển ở nhiều vị trí khác nhau trên cổ tay, mặt lòng hay mặt lưng, bên quay hay bên trụ. Đôi khi, nang bao hoạt dịch cũng xảy ra ở mắt cá chân hoặc bàn chân.

Vị trí thường gặp nhất là ở mặt lưng cổ tay, có thể phát hiện khi gấp tối đa cổ tay và thấy lồi lên ngay đỉnh cao của cổ tay. Những khối này không đau và biến mất khi duỗi thẳng cổ tay nếu kích thước nhỏ hơn 2cm. Một số khác có thể tự mất đi mà không cần điều trị gì đặc biệt.

2. Nguyên nhân gây nang bao hoạt dịch cổ tay

Đến nay vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân hình thành nang bao hoạt dịch.

Các yếu tố nguy cơ:

- Giới tính: Nang bao hoạt dịch cổ tay thường xảy ra ở phụ nữ hơn so với nam giới.

- Độ tuổi: Phổ biến hơn ở độ tuổi từ 20 đến 40.

- Dãn bao khớp do những chấn động lặp đi lặp lại ở những người làm nội trợ.

- Tiền sử khớp hoặc gân bị chấn thương trong quá khứ.

3. Triệu chứng nang bao hoạt dịch cổ tay

Nang bao hoạt dịch cổ tay là một tổn thương lành tính, không viêm, không đau trừ khi u nang quá lớn gây ảnh hưởng tới khả năng vận động của khớp. Cụ thể, u nang hoạt dịch cổ tay có các đặc điểm sau:

- Là một khối có dạng tròn hoặc bầu dục, nhẵn, mềm và ít di động.

- Kích thước thường nhỏ hơn 2cm, một số nhỏ đến mức không thể nhận ra được.

- Kích thước thay đổi có lúc to lúc nhỏ theo tư thế vận động của khớp cổ tay. Nhưng nhìn chung sẽ không thay đổi kích thước sau một thời gian dài.

- Thường không đau. Nhưng khi có tình trạng viêm cấp tính màng hoạt dịch, chấn thương cổ tay, sử dụng khớp cổ tay quá nhiều, nhiễm trùng hoặc nang lớn làm chèn ép các sợi dây thần kinh cảm giác vùng cổ tay - sẽ gây đau, ngứa ran hoặc tê.

Kích thước nang không phải là yếu tố gây ra triệu chứng đau của bệnh nhân, vì có những nang tuy nhỏ không nổi lên da nhưng lại gây đau nhiều hơn các nang lớn. Những tình huống này thường khó khăn để chẩn đoán và dễ nhầm với một viêm khớp dẫn đến điều trị sai hướng.

4. Chẩn đoán nang bao hoạt dịch cổ tay

Nang hoạt dịch với đặc tính thường có triệu chứng:

- Không đau.

- Kích thuớc thay đổi theo tư thế cổ tay.

- Không thay đổi sau một thời gian dài.

Các cận lâm sàng thường được sử dụng để phân biệt với các tình trạng khác:

- Chụp X-quang: Loại trừ u xương.

- Siêu âm: Phân biệt với các khối u phần mềm khác như bướu mỡ, bướu bã.

- MRI: Được sử dụng với những nang nhỏ không sờ thấy hay nhìn thấy được

 
Một số nang bao hoạt dịch cổ tay khó quan sát được bằng mắt thường

5. Điều trị nang bao hoạt dịch cổ tay

Nang bao hoạt dịch không đau, không gây phiền phức gì cho người bệnh thì chỉ cần theo dõi mà không cần điều trị. Một số trường hợp nang gây đau hoặc cản trở chuyển động của khớp, bác sĩ sẽ đưa các hướng điều trị là:

-Bất động: Cử động khớp nhiều có thể làm tăng kích thước của nang bao hoạt dịch nên có thể dùng nẹp cổ tay để hạn chế sự vận động và giúp giảm đau đối với những ca gây chèn ép thần kinh lân cận. Khi u nang co lại sẽ giải phóng áp lực lên dây thần kinh, nhờ đó giảm đau. Phương pháp nẹp không thể sử dụng trong thời gian dài vì có thể khiến các cơ lân cận bị suy yếu.

- Thoát dịch: Nếu nang bị đau hay hạn chế vận động do kích thước lớn thì có thể chọc hút dịch trong nang ra. Tuy nhiên sau đó nang hoạt dịch có tỉ lệ tái phát cao, vì thế giải pháp phẫu thuật sẽ được xem xét.

- Phẫu thuật: Là lựa chọn khi các phương pháp khác không hiệu quả. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ cắt bỏ bọc hoạt dịch và khâu lại phần cuống thông với khớp. Cần cố định khớp cổ tay 2 – 3 tuần. 

Trong trường hợp đã phẫu thuật thì u nang vẫn có thể tái phát. Vì vậy người bệnh sẽ cần quay lại tái khám nếu nang bao hoạt dịch cổ tay tái phát và gây ra các triệu chứng.