ĐỒNG THỜI NHIỄM CÚM VÀ COVID-19 NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?


 

1. Bạn có thể vừa bị Covid-19 vừa bị cúm không?

Flurona là thuật ngữ được sử dụng để chỉ trường hợp một người đồng thời nhiễm cúm và Covid-19. Mặc dù việc nhiễm nhiều loại virus đường hô hấp không phải là rất phổ biến nhưng đồng nhiễm Covid-19 với các bệnh đường hô hấp khác bao gồm cúm là hoàn toàn có thể xảy ra. 


Một người có thể vừa bị cúm vừa bị Covid-19

2. Đồng thời nhiễm cúm và Covid-19 nguy hiểm như thế nào?

Một nhóm chuyên gia các trường Đại học Edinburgh, Đại học Liverpool, Imperial College London và Đại học Leiden ở Hà Lan đã tiến hành xem xét dữ liệu của hơn 305.000 người điều trị tại bệnh viện ở Anh sau khi nhiễm Covid-19 từ tháng 02/2020 đến tháng 12/2021.

Kết quả xét nghiệm cho thấy có 6965 bệnh nhân mắc Covid-19 đồng nhiễm virus đường hô hấp. Trong đó 227 người nhiễm cùng lúc virus Covid-19 và virus cúm bị bệnh nghiêm trọng hơn so với nhóm còn lại. Cụ thể, người nhiễm đồng thời Covid-19 và cúm có nguy cơ bị bệnh nặng phải thở máy cao gấp 4 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 2,4 lần so với người chỉ bị nhiễm một trong hai loại virus.

Đây là nghiên cứu lớn nhất về đồng nhiễm Covid-19 với bệnh đường hô hấp cho đến thời điểm này. Nghiên cứu giúp chúng ta nhận ra cần phải tăng cường phòng chống hai loại virus này. 

Đối tượng dễ bị bệnh nặng khi nhiễm Covid-19 và cúm bao gồm người lớn tuổi, người bị suy giảm hệ miễn dịch và người có bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, bệnh phổi, bệnh tim, bệnh thận, v.v.

Cả bệnh cúm và Covid-19 nặng đều có thể gây ra các biến chứng như:

- Viêm phổi

- Suy hô hấp

- Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS)

- Nhiễm trùng huyết

- Tổn thương tim 

- Suy đa cơ quan

- Tình trạng bệnh mạn tính nghiêm trọng hơn

- Viêm tim, não hoặc các mô cơ

- Nhiễm trùng thứ phát

Ngoài ra, Covid-19 có thể gây ra tình trạng đông máu và hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).

3. Làm thế nào để biết bạn bị cúm hay Covid-19?

Rất khó để phân biệt giữa cúm và Covid-19 nếu chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng vì chúng có một số biểu hiện tương đồng như:

- Sốt hoặc ớn lạnh;

- Đau họng;

- Ho;

- Sổ mũi, nghẹt mũi;

- Đau đầu;

- Đau nhức cơ thể;

- Mệt mỏi;

- Nôn mửa;

- Tiêu chảy;

- Thay đổi vị giác hoặc khứu giác.

Cảm cúm có thể gây đau nhức hốc mắt, chảy nước mắt; nôn mửa và tiêu chảy thường gặp hơn ở trẻ em. Trong khi Covid-19 có thể gây mất vị giác hoặc khứu giác nhiều hơn so với cúm.

Rất khó để nhận ra nếu bạn bị nhiễm cả hai loại virus SARS-CoV-2 và virus cúm cùng lúc, do đó điều quan trọng là bạn cần tiêm đầy đủ vaccine và thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.

4. Đã tiêm vaccine Covid-19 có cần tiêm vaccine cúm nữa không?

 
Nên tiêm cả hai loại vaccine cúm và Covid-19

Khi mọi sự tập trung dồn vào Covid-19, chúng ta có thể quên mất việc tiêm phòng một loại vaccine khác là cúm. Covid-19 và cúm đều là những bệnh dễ lây lan. Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan là tiêm vaccine. Bạn cần tiêm phòng cả vaccine cúm và Covid-19 vì vaccine cúm không thể bảo vệ cơ thể khỏi Covid-19 và ngược lại. 

Cúm và Covid-19 đều là bệnh đường hô hấp nhưng gây ra bởi hai loại virus khác nhau. Covid-19 là virus SARS-CoV-2. Còn cảm cúm do virus cúm gây ra, lưu hành chủ yếu là chủng cúm A và B. Vaccine cúm và Covid-19 hiện nay được sản xuất đặc hiệu cho chính loại virus gây ra bệnh đó, không giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch với bất kỳ loại virus nào khác.

Tiêm vaccine cúm rất quan trọng đối với những người có nguy cơ bị bệnh nặng và biến chứng do bệnh cúm. Ở một khía cạnh nào đó, vaccine cúm cũng giúp bảo vệ bạn trong mùa dịch Covid-19 nhờ giảm tác động cùng lúc của hai bệnh đường hô hấp. Vaccine cúm luôn được nghiên cứu và sản xuất mới để phù hợp với sự biến đổi liên tục của virus cúm. Vì vậy, tất cả mọi người trên 6 tháng tuổi đều nên tiêm phòng cúm mỗi năm một lần, nhất là các đối tượng:

- Nhân viên y tế

- Người trên 60 tuổi

- Trẻ em 

- Phụ nữ mang thai

- Người có bệnh lý nền

- Người bị suy giảm hệ miễn dịch

Đối với vaccine Covid-19, đây là loại vaccine mới chưa xác định được tần suất tiêm chủng. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Vaccine cúm và Covid-19 có thể tiêm cùng lúc mà không gây ảnh hưởng gì đến tính an toàn và hiệu quả của vaccine.

5. Cách phòng ngừa cúm và Covid-19

Về bản chất, cúm và Covid-19 đều là bệnh đường hô hấp gây ra bởi virus, vì vậy các biện pháp phòng ngừa tương đối giống nhau, bao gồm:

- Tiêm vaccine;

- Rửa tay thường xuyên, nhất là trước và sau khi ăn, sau khi đi ra ngoài trở về hoặc tiếp xúc với đồ vật và bề mặt nơi công cộng;

- Tránh chạm vào mắt, mũi hay miệng;

- Giữ khoảng cách với người đang bị bệnh đường hô hấp;

- Đeo khẩu trang che mũi và miệng;

- Ho, hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy;

- Thường xuyên xịt mũi, súc họng bằng dung dịch chăm sóc mũi miệng hằng ngày hoặc nước muối sinh lý;

- Ăn uống lành mạnh, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng.

6. Lưu ý khi nhiễm Covid-19 và cúm

Các triệu chứng sau khi nhiễm Covid-19 hoặc cúm cần liên hệ ngay với cơ sở y tế:

- Sốt hoặc ho đã thuyên giảm nhưng tái phát và nghiêm trọng hơn;

- Mất khả năng nói hoặc vận động;

- Khó thở, thở gấp;

- Môi đổi màu tím hoặc xanh;

- Đau hoặc nặng ngực;

- Lú lẫn, chóng mặt, choáng váng, bất tỉnh;

- Co giật;

- Đau cơ nghiêm trọng;

- Nôn mửa dữ dội.