ĐA XƠ CỨNG LÀ BỆNH GÌ?

Đa xơ cứng (xơ cứng rải rác) là bệnh ảnh hưởng đến não và tủy sống, được xem là một bệnh rối loạn tự miễn. Đa xơ cứng không phải là một bệnh phổ biến, thường xảy ra ở người trẻ, bệnh có thể nhẹ hoặc nặng đến mức gây tàn phế.

 
Đa xơ cứng là kết quả của sự phá hủy các sợi bao myelin

1. Đa xơ cứng là bệnh gì?

Đa xơ cứng hay xơ cứng rải rác (Multiple Sclerosis, MS) là một bệnh hệ thần kinh ảnh hưởng đến não và tủy sống, liên quan đến sự mất các sợi bao myelin của hệ thần kinh trung ương.

Myelin là vật liệu bao quanh và bảo vệ các tế bào thần kinh. Tổn thương Myelin làm chậm hoặc gián đoạn việc truyền thông tin giữa não và cơ thể, dẫn đến các cơn loạn chức năng gián đoạn và hồi quy của tủy sống, cuống não, tiểu não, dây thần kinh thị giác và loạn chức năng não.

Đa phần các trường hợp đa xơ cứng bệnh nhẹ, nhưng một số người có thể mất khả năng đi lại, nói và viết.

2. Nguyên nhân gây bệnh đa xơ cứng

Đa xơ cứng được xem là một bệnh tự miễn dịch hiếm gặp ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Thông thường, hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân có hại như vi rút, vi khuẩn. Ở người bị đa xơ cứng, các kháng thể này tấn công, phá hủy vỏ myelin.

Còn nguyên nhân chính xác dẫn đến điều này thì vẫn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu cho rằng nó có liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường hoặc nhiễm một số loại virus trong thời thơ ấu.

3. Ai có thể bị đa xơ cứng?

Bệnh đa xơ cứng gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, với tỉ lệ gấp 2-3 lần. Bệnh thường khởi phát nhất vào giai đoạn 20-40 tuổi, mặc dù những người trẻ hơn hoặc lớn tuổi hơn cũng có thể mắc bệnh.

Những người da trắng (Caucasian) có nhiều nguy cơ phát triển bệnh đa xơ cứng hơn các chủng tộc khác. Nguy cơ cũng tăng lên khi trong gia đình có người mắc bệnh này, đặc biệt là cha, mẹ, anh, chị, em ruột.

Những người mắc bệnh tự miễn khác như bệnh đái tháo đường loại 1 hay bệnh tuyến giáp tự miễn sẽ có nguy cơ cao hơn một chút.

Về môi trường sống, bệnh đa xơ cứng phổ biến hơn ở các nước có khí hậu ôn đới, như Canada, miền Bắc Hoa Kỳ, New Zealand, Đông Nam Australia, châu Âu.

4. Triệu chứng của bệnh đa xơ cứng

Các triệu chứng đa xơ cứng thường gặp bao gồm:

- Rối loạn thị giác: nhìn đôi, mờ mắt, mù màu một phần, đau mắt, mất một phần thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn.

- Các vấn đề về tư duy và trí nhớ.

- Mệt mỏi.

- Yếu cơ.

- Chóng mặt.

- Tê hoặc yếu ở một bên hoặc phần dưới cơ thể.

- Khó giữ thăng bằng.

- Khó phối hợp cơ thể.

- Cứng, co thắt cơ (phổ biến hơn ở chân).

- Cảm giác tê, châm chích.

- Các rối loạn về tình dục, đường ruột, chức năng bàng quang.

- Thay đổi tâm trạng, trầm cảm.

 
Đa xơ cứng gây ra các vấn đề về thị giác

Các triệu chứng ít gặp hơn:

- Nói ngọng, khó nói.

- Mất vị giác.

- Khó nuốt.

- Run, co giật..

- Mất thính lực.

Các triệu chứng có thể xuất hiện rồi biến mất sau đó. Các đợt tái phát kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng, theo sau là giai đoạn thuyên giảm bệnh có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí là vài năm. 

5. Chẩn đoán bệnh đa xơ cứng

Chẩn đoán bệnh đa xơ cứng dựa trên tiền sử sức khỏe, triệu chứng, thực hiện các bài kiểm tra và xét nghiệm cận lâm sàng.

Các bài kiểm tra thần kinh có thể bao gồm kiểm tra: ý thức, dây thần kinh sọ não, vận động, lực cơ, dáng đi, phối hợp động tác, cảm giác, phản xạ, hệ thần kinh tự chủ.

Một số xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán hoặc loại trừ chẩn đoán là:

- Xét nghiệm máu.

- Chọc dò dịch tủy não.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI).

Chẩn đoán đa xơ cứng khi có ít nhất hai khu vực của thần kinh trung ương bị hủy myelin và đã có ít nhất hai lần tái phát hoặc từng đợt gây tổn thương.

6. Điều trị bệnh đa xơ cứng

Hiện tại không có cách chữa khỏi bệnh đa xơ cứng. Nhiều người chỉ bị ảnh hưởng nhẹ và có xu hướng tự cải thiện thì không cần điều trị, nhất là khi hầu hết các loại thuốc sử dụng để điều trị đa xơ cứng đều có tác dụng phụ.

Đối với các trường hợp bệnh nặng hơn, việc điều trị sẽ giúp giảm triệu chứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh, điều trị các đợt tái phát và đảm bảo chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị bao gồm sử dụng thuốc và vật lý trị liệu.

a. Sử dụng thuốc

Một số thuốc được sử dụng lâu dài để điều trị bệnh đa xơ cứng nhằm làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn chặn tế bào phá hủy myelin. Loại thuốc được lựa chọn tùy theo giai đoạn bệnh cũng như khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể. 

Các thuốc khác được sử dụng để làm giảm các triệu chứng và điều trị các tình trạng do đa xơ cứng gây ra, ví dụ như thuốc giảm đau, giảm viêm, thuốc điều trị táo bón, trầm cảm, cứng và co thắt cơ…

b. Vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu như kéo căng, tăng cường sức mạnh cơ có thể giúp cải thiện khả năng đi lại, giữ thăng bằng, duy trì tư thế, giảm đau và mệt mỏi. Một số người có thể cần đến các thiết bị hỗ trợ di chuyển như nẹp chân, gậy, khung tập đi, xe lăn.

Ngoài ra, tránh hoạt động quá sức và tránh nóng cũng là những cách cần thiết để chống lại bệnh.

 
Hiện nay vẫn chưa thể chữa khỏi được bệnh đa xơ cứng

7. Bệnh đa xơ cứng có nguy hiểm không?

Mức độ tổn thương của bệnh đa xơ cứng khó đoán trước được. Bệnh có thể tương đối lành tính cho đến gây ra tàn tật. Bệnh có thể gây ra các tổn thương vĩnh viễn đối với dây thần kinh ở khu vực bị ảnh hưởng. Những người bị đa xơ cứng có thể bị:

- Cứng, co thắt cơ.

- Tê liệt.

- Mất trương lực cơ, tư thế xấu, giảm mật độ xương.

- Nhiễm trùng đường tiết niệu do rối loạn chức năng bàng quang.

- Suy giảm nhận thức: khó tập trung, chú ý, hay quen, tính tình thay đổi.

- Trầm cảm.

- Loét do phải nằm một chỗ trong thời gian dài.

Ở phụ nữ mang thai, đa xơ cứng không làm tăng rủi ro thai kỳ, nhưng một số loại thuốc điều trị có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Do đó, phụ nữ cần lập kế hoạch mang thai, để thay đổi loại thuốc điều trị trước khi có thai nếu cần. Hãy đến gặp bác sĩ điều trị và trao đổi về kế hoạch mang thai và sinh con.

8. Sống chung với bệnh đa xơ cứng

Không thể phòng ngừa hoặc chữa khỏi được bệnh đa xơ cứng vì nguyên nhân gây ra nó vẫn chưa được xác định. Điều quan trọng là cần có thái độ tích cực và có một lối sống lành mạnh để cải thiện chất lượng cuộc sống:

- Có chế độ ăn cân bằng, dinh dưỡng, ít chất béo và nhiều chất xơ.

- Tăng cường tập thể dục để cải thiện sức mạnh của cơ, cân bằng, phối hợp. Nhưng lưu ý nên tập trong phòng mát hoặc địa điểm mát mẻ, uống nước lạnh để giữ nhiệt độ cơ thể ở mức thấp.

- Tránh hoạt động quá sức, nghỉ ngơi nhiều (theo nhu cầu cơ thể).

- Tránh nóng, tắm nước nóng hoặc phòng xông hơi, tốt nhất là nên tắm nước mát và sử dụng điều hòa nhiệt độ.

- Cố gắng duy trì các hoạt động bình thường.

- Không hút thuốc.

Tư vấn chuyên môn: BS Chuyên khoa II Lâm Thùy Nga