Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh dựa vào từ trường và sóng vô tuyến để phát hiện các bệnh lý vùng thắt lưng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về mục đích, vai trò, lưu ý và quy trình khi chụp MRI cột sống thắt lưng.
Chụp MRI chẩn đoán bệnh cột sống thắt lưng
1. Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng là gì?
Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của cột sống thắt lưng và các cấu trúc xung quanh ở lưng dưới.
Cột sống thắt lưng bao gồm 5 đốt sống liền kề nhau, nằm giữa khung xương sườn và xương chậu, tạo ra đường uốn cong thắt lưng, được kết nối và nâng đỡ thông qua khớp đốt sống và đĩa đệm. Tủy sống và dây thần kinh đi qua cột sống và kết thúc ở phần cột sống thắt lưng trên. Ngoài ra, còn có các cấu trúc mô mềm xung quanh như dây chằng, cơ, gân.
MRI tái tạo lại hình ảnh 3 chiều bằng từng lát cắt trong ba mặt phẳng, mọi vị trí của cột sống thắt lưng đều được nhìn thấy, nhờ đó có thể phát hiện được các tổn thương nhỏ nhất. So với CT thì MRI cung cấp hình ảnh rõ nét hơn và vượt trội hơn khi chẩn đoán các tổn thương mô mềm.
2. Mục đích chụp MRI cột sống thắt lưng
Chụp cộng hưởng từcột sống thắt lưng có thể phát hiện nhiều tình trạng ở lưng dưới, bao gồm các vấn đề về xương, mô mềm, dây thần kinh và đĩa đệm.
Bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI cột sống thắt lưng nếu bạn:
- Bị đau thắt lưng không thuyên giảm sau khi điều trị.
- Đau lưng lan xuống gây tê, yếu hai chân.
- Đau lưng kèm theo sốt.
- Dị tật bẩm sinh, cong vẹo cột sống dưới.
- Chấn thương cột sống dưới.
- Rối loạn kiểm soát bàng quang.
- Đau thắt lưng ở người nghi ngờ hoặc đang bị ung thư.
Ngoài ra, chụp MRI còn giúp lập kế hoạch phẫu thuật cột sống trong trường hợp chèn ép dây thần kinh hoặc dính đốt sống.
Chụp MRI trong trường hợp có tổn thương gây đau cột sống thắt lưng
3. MRI cột sống thắt lưng để chẩn đoán bệnh gì?
Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng giúp phát hiện và chẩn đoán những bệnh lý sau:
- Thoát vị hoặc thoái hóa đĩa đệm cột sống
- Bệnh lý rễ thần kinh thắt lưng
- Hội chứng chùm đuôi ngựa (Cauda Equina Syndrome – CES)
- Hẹp ống sống
- Viêm cột sống
- Viêm cột sống dính khớp
- Nhiễm khuẩn cột sống
- Gãy lưng dưới do loãng xương
- Viêm đĩa đệm
- Áp xe tủy sống
- Chấn thương tủy sống
- Khối u cột sống
- Bệnh rỗng tủy (Syringomyelia)
4. Một số lưu ý khi chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng?
MRI là xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không sử dụng bức xạ và rất an toàn. Các rủi ro liên quan đến chụp MRI là rất hiếm gặp, thường liên quan đến việc đem thiết bị kim loại vào phòng chụp MRI và phản ứng với thuốc tương phản từ.
Do MRI sử dụng nam châm mạnh, do đó các thiết bị kim loại có thể bị hỏng hoặc làm biến dạng hình ảnh. Vì vậy mà những bệnh nhân có thiết bị cấy ghép hoặc thiết bị y tế trên người cần thông báo chính xác cho nhân viên y tế để có biện pháp phòng ngừa hoặc chuyển qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như CT, X-quang hay siêu âm.
MRI sử dụng từ trường mạnh chống chỉ định với kim loại
Thường thì khi chụp MRI cột sống thắt lưng không cần dùng thuốc tương phản từ gadolinium. Nhưng một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định sử dụng để nâng cao chất lượng hình ảnh. Mặc dù loại thuốc này an toàn, nhưng hiếm khi, nó có thể gây suy giảm chức năng thận ở bệnh nhân tiểu đường đang điều trị bằng một số loại thuốc và bệnh nhân bị bệnh thận nặng. Do đó, các trường hợp bị bệnh thận cần đánh giá chức năng thận trước đó hoặc chụp MRI mà không dùng thuốc tương phản từ.
Một số ít các trường hợp có thể bị phản ứng với thuốc tương phản từ, gây ra triệu chứng sốc phản vệ. Trước đó những bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng cần thận trọng, cân nhắc xem có nên dùng thuốc tương phản từ hay không. Ở những bệnh nhân chưa biết đến tiền sử dị ứng, nếu xảy ra dị ứng, bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị ngay lập tức.
Ngoài ra, vì máy chụp MRI là một cổ máy khá kín nên một số người mắc hội chứng sợ không gian kín có thể sẽ cảm thấy khó chịu và lo lắng khi chụp MRI. Nếu bạn cảm thấy lo lắng hãy trao đổi với bác sĩ để được cung cấp thuốc an thần trước khi chụp MRI.
MRI không sử dụng bức xạ, do đó có thể thực hiện ở phụ nữ mang thai từ tháng thứ 4 trở đi. Mặc dù chưa có thông tin về việc MRI gây hại cho thai nhi nhưng không khuyến nghị chụp MRI cho phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu trừ khi yếu tố lợi ích vượt trội hơn nguy cơ.
Phụ nữ đang có thai và cho con bú cần thông báo với bác sĩ để cân nhắc có dùng thuốc tương phản từ hay không.
Để quá trình chụp MRI diễn ra an toàn, bạn cần khai báo đầy đủ và trung thực các thông tin về tình trạng sức khỏe của mình.
Chụp MRI rất an toàn vì không sử dụng bức xạ
5. Quy trình chụp MRI cột sống thắt lưng
a. Chuẩn bị trước khi chụp MRI cột sống thắt lưng?
Bạn có thể ăn uống bình thường trước khi chụp MRI cột sống thắt lưng. Nhưng nếu chụp MRI có thuốc tương phản từ thì bạn cần nhịn ăn trước đó 4-6 tiếng.
Bạn cần thông báo cho bác sĩ các thông tin sau:
- Có kim loại hoặc thiết bị cấy ghép trong cơ thể: Máy tạo nhịp tim nhân tạo, máy kích thích thần kinh phế vị, máy bơm thuốc, cấy ghép ốc tai điện tử, vật kim loại nội sọ, kẹp kim loại, các bộ phận kim loại như khớp giả, nẹp xương, đinh nội tủy, dụng cụ kim loại trong can thiệp mạch máu, mảnh đạn bom hoặc bất kỳ mảnh kim loại nào khác trong cơ thể…
- Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai.
- Phụ nữ đang cho con bú.
- Tiền sử dị ứng với bất kỳ chất nào.
- Các bệnh lý nền hiện có, đặc biệt là tiểu đường và bệnh thận.
Trước khi chụp MRI, bạn cần thay trang phục do nhân viên y tế cung cấp, tháo bỏ hết các vật dụng, thiết bị, trang sức trên người.
Báo cho bác sĩ nếu bạn có thiết bị y tế trong cơ thể
b. Điều gì xảy ra trong khi chụp MRI cột sống thắt lưng?
Nếu chụp MRI cột sống thắt lưng có sử dụng thuốc tương phản từ thì thuốc này sẽ được tiêm trước khi chụp MRI qua đường truyền tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay. Khi tiêm thuốc, bạn có thể có cảm giác nóng bừng mặt hoặc cảm thấy lạnh, có vị kim loại trong miệng, nhức đầu thoáng qua, ngứa hoặc buồn nôn. Những triệu chứng này thường chỉ là tạm thời.
Bạn sẽ nằm trên bàn quét trượt vào ống tròn mở của máy MRI. Bạn sẽ nghe thấy tiếng ồn lạch cạch, bíp bíp khá lớn. Đôi khi sẽ có cảm giác giật, rung nhẹ. Trước đó, bạn sẽ được cung cấp tai nghe hoặc nút bịt tai để hạn chế tiếng ồn.
Trong suốt quá trình chụp MRI, bạn cần nằm yên và làm theo các hướng dẫn của kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh. Kỹ thuật viên sẽ theo dõi và liên lạc với bạn từ phòng ngoài.
Nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề gì trong quá trình này như sợ hãi hay gặp các triệu chứng bất thường thì cần thông báo ngay cho nhân viên.
Quá trình chụp MRI diễn ra trong 10-30 phút hoặc lâu hơn tùy trường hợp.
c. Làm gì sau khi chụp MRI cột sống thắt lưng?
Bạn nên ngồi dậy và di chuyển chậm khỏi máy chụp MRI để tránh chóng mặt do nằm thẳng trong thời gian dài. Sau khi ra khỏi phòng MRI, bạn có thể hoạt động bình thường ngay. Nếu bạn dùng thuốc an thần thì cần nghỉ ngơi cho đến khi thuốc hết tác dụng và tránh lái xe sau đó.
Kết quả MRI được đọc bởi bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn kết quả cho bạn.
6. Chụp MRI cột sống thắt lưng tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1
Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 với Khoa Chẩn đoán hình ảnh sử dụng máy chụp cộng hưởng từ MRI 1.5 Tesla thế hệ mới, có nhiều ưu điểm vượt trội như tạo ra vùng từ trường mạnh, rút ngắn thời gian chụp và giảm tiếng ồn. Đây là công cụ hữu ích giúp phát hiện các tổn thương và hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở cột sống thắt lưng.