CHÓNG MẶT: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Chóng mặt là cảm giác mất thăng bằng như thể bản thân hoặc đồ vật xung quanh đang quay đảo. Những cơn chóng mặt thực sự có nguồn gốc từ bệnh lý của cơ quan tiền đình. Chóng mặt không phải bệnh nguy hiểm, nhưng chóng mặt thường xuyên hoặc chóng mặt nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, cần được điều trị.

 
Chóng mặt gây ra cảm giác mất thăng bằng

1. Chóng mặt là gì?

Chóng mặt dùng để chỉ tất cả những cảm giác mất thăng bằng có nguồn gốc từ cơ quan tiền đình. Nó tạo ra ảo giác hoàn toàn trái ngược về mặt vận động hoặc tư thế của người bệnh.

Chóng mặt biểu hiện dưới dạng cảm giác dịch chuyển, mọi vật xung quanh quay đảo với người bệnh hoặc chính bản thân người bệnh quay đảo với vật xung quanh, hoặc cả hai.

2. Phân biệt chóng mặt tiền đình với choáng váng, hoa mắt

Từ “chóng mặt” được sử dụng trong rất nhiều trường hợp.

Chóng mặt thực sự là một tình trạng xảy ra do rối loạn cơ quan tiền đình. Nó khác với các cảm giác chóng mặt, cảm giác sợ ngã hay choáng váng, hoa mắt.

Cảm giác chóng mặt có thể xảy ra do sinh lý khi não có sự mất cân đối trong hệ tiền đình, hệ thị giác và hệ cảm giác sâu. Vd: chóng mặt do say xe, lên độ cao, chóng mặt thị giác do chuyển động nối tiếp nhau, say sóng, cúi đầu hoặc ngửa đầu quá mức…

Cảm giác chóng mặt cũng có thể xảy ra do tâm lý sợ ngã, nhưng thực tế chưa bao giờ bị ngã. Khi tổn thương tiền đình thật sự, nó gây ra cảm giác sợ ngã, cảm giác mất thăng bằng và thực tế là đã bị ngã một hoặc nhiều lần.

Cảm giác chóng mặt được mô tả là tình trạng đầu óc quay cuồng, choáng váng, hoa mắt nhưng không kết hợp ảo giác vận động thì nó chủ yếu xảy ra trong điều kiện não bị rối loạn cung cấp máu hoặc rối loạn sức khỏe tâm thần. Vd: kích thích thần kinh quá mức, hạ huyết áp tư thế, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, hạ oxy máu, hạ đường huyết, rối loạn lo âu. Nó thường kèm theo triệu chứng đổ mồ hôi, dị cảm, nặng hơn dẫn đến mất ý thức, ngất xỉu.

 
Chóng mặt khiến người bệnh bị ngã 

3. Biểu hiện của chóng mặt như thế nào?

Chóng mặt do rối loạn tiền đình có đặc điểm sau:

- Cảm giác mọi vật xung quanh quay đảo hoặc qua lắc qua lắc lại. Cảm giác mọi vật xung quanh dịch chuyển quay vòng hoặc chạy theo chiều dựng đứng hoặc chiều ngang.

- Chóng mặt thường xuất hiện thành từng cơn, nhất là khi cử động hoặc thay đổi tư thế đầu.

- Chóng mặt thường xuất hiện cùng các triệu chứng: buồn nôn, nôn, da tái xanh, hạ huyết áp… (nhưng không mất ý thức).

- Chóng mặt cũng có thể kèm theo: ù tai, cảm giác tai đầy, giảm thính lực (tạo thành hội chứng tiền đình).

4. Nguyên nhân chóng mặt

Có nhiều nguyên nhân tổn thương tiền đình ngoại biên và trung ương có thể dẫn đến chóng mặt. Trong đó có ba nhóm nguyên nhân chính là do bệnh lý mê đạo, do bệnh lý sau mê đạo và do trung tâm tiền đình.

a. Chóng mặt do bệnh lý mê đạo

Mê đạo là hệ thống hình cuộn gồm các ống màng và các khoang nằm trong mê đạo xương tạo thành cơ quan tai trong, giúp nghe và giữ thăng bằng.

Các bệnh lý mê đạo có thể dẫn đến chóng mặt:

- Bệnh lý thạch nhĩ: chóng mặt kịch phát lành tính (thạch nhĩ lạc chỗ), thiểu sản thạch nhĩ.

- Nhiễm độc tiền đình do thuốc, kháng sinh aminozid.

- Rò ngoại dịch tai trong: do chấn thương, tăng áp lực nội dịch tai trong, sang chấn vùng khớp bàn đạp tiền đình, sau viêm mê nhĩ, kích thích âm thanh quá mạnh, cholesteatoma.

- Do bệnh chuyển hóa: Làm tăng lipid máu gây tăng xơ hóa nội mạch cung cấp máu cho tiền đình.

- Cách bệnh lý viêm tai: viêm tai mạn tính, viêm tai giữa cấp tính, viêm tai thanh dịch, viêm tai giữa cholesteatoma, viêm tai do lao, viêm tai sau phẫu thuật tai.

- Bệnh xốp xơ tai.

- Bệnh lỏng khớp bàn đạp – tiền đình.

- Hội chứng Ménière. 

 
Bệnh lý mê đạo có thể gây chóng mặt

b. Chóng mặt do nguyên nhân sau mê đạo

Các nguyên nhân sau mê đạo có thể gây chóng mặt là:

- Viêm dây thần kinh tiền đình.

- U dây thần kinh số VIII.

-U góc cầu tiểu não: u màng não, phình mạch, u nang…

c. Chóng mặt do nguyên nhân ở trung tâm tiền đình hành não và trên hành não

Các nguyên nhân ở trung tâm tiền đình hành não và trên hành não có thể gây chóng mặt là:

- Bệnh lý mạch máu não: thiểu năng tuần hoàn động mạch cột sống – thân nền, hội chứng Wallenberg.

- Bệnh lý u não: u tiểu não, áp xe tiểu não, u hành cầu não, u củ não sinh tư, u trên lều tiểu não.

- Bệnh lý thần kinh trung ương: bệnh xơ cứng rải rác, bệnh rỗng hành não, bệnh Tabès, bệnh thất điều.

5. Cách chẩn đoán nguyên nhân gây chóng mặt

Chẩn đoán chóng mặt do tổn thương tiền đình ngoại biên hay tổn thương tiền đình trung ương dựa vào triệu chứng chóng mặt, phản xạ tiền đình mắt và tùy vào từng đối tượng mà thực hiện các nghiệm pháp kiểm tra như:

- Dấu hiệu Romberg

- Nghiệm pháp đi bộ

- Nghiệm pháp giơ ngang hai tay

- Nghiệm pháp bước đi hình sao

- Nghiệm pháp past pointing

- Nghiệm pháp nhiệt

- Nghiệm pháp quay giao động

- Nghiệm pháp Nylen-Bárány

Ngoài ra, có thể cần thêm các xét nghiệm thăm dò chức năng nghe và chẩn đoán hình ảnh khác.

 
Thực hiện các nghiệm pháp tìm nguyên nhân chóng mặt

6. Điều trị chóng mặt như thế nào

Khi bị chóng mặt, điều đầu tiên là cần điều trị cơn chóng mặt, sau đó là điều trị nguyên nhân gây chóng mặt.

Điều trị cơn chóng mặt bằng cách:

- Tránh cử động hay thay đổi tư thế đột ngột.

- Tránh các kích thích tâm lý.

- Ở nơi yên tĩnh, tối.

- Không tắm lạnh.

- Tránh ăn: socola, lạp xưởng, xúc xích, mì chính, rượu bia, caffein, cola.

- Sử dụng thuốc để cắt cơn chóng mặt, chống nôn, an thần.

Điều trị nguyên nhân gây chóng mặt thì tùy vào nguyên nhân mà có phương pháp điều trị phù hợp như sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. 

Vd: phẫu thuật giải quyết bệnh tích viêm trong trường hợp viêm tai giữa, phẫu thuật thần kinh sọ não trong trường hợp phình mạch hoặc thoái hóa đốt sống cổ, phẫu thuật mở túi nội dịch điều trị bệnh Ménière, cắt dây thần kinh tiền đình, phẫu thuật hủy diệt mễ nhĩ…

7. Khi nào chóng mặt cần đi khám bác sĩ?

Chóng mặt là một triệu chứng thường gặp. Chóng mặt có thể làm tăng nguy cơ bị ngã và bị chấn thương do ngã. Bị chóng mặt khi lái xe hoặc vận hành máy móc có thể làm tăng nguy cơ gặp tai nạn. Ngoài ra, các tình trạng sức khỏe hiện tại gây chóng mặt có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị.

Nếu bạn thường xuyên bị chóng mặt, chóng mặt không rõ nguyên nhân, chóng mặt xuất hiện đột ngột, kéo dài hoặc nghiêm trọng thì nên đi khám bác sĩ. Nhất là khi nó xuất hiện cùng các triệu chứng cảnh báo một bệnh lý khác như:

- Đau đầu đột ngột, dữ dội

- Đau tức ngực

- Khó thở

- Tê hoặc yếu cánh tay, chân

- Ngất xỉu

- Nhìn đôi

- Nhịp tim nhanh, không đều

- Nhầm lẫn, nói lắp

- Đi lại khó khăn, loạng choạng

- Nôn mửa liên tục

- Co giật

- Thính giác có vấn đề

- Tê hoặc yếu mặt.

Tư vấn chuyên môn: BS Chuyên khoa II Lâm Thùy Nga