CHẾ ĐỘ ĂN CHO NGƯỜI VIÊM DẠ DÀY

Đối với bệnh viêm dạ dày, ngoài việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì chế độ ăn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và làm các triệu chứng, giúp người bệnh dễ chịu hơn. 

 
Chế độ ăn giúp giảm triệu chứng viêm dạ dày

1. Chế độ ăn kiêng cho người viêm dạ dày

Viêm dạ dày là bệnh lý thường gặp, là tình trạng viêm lớp niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày có 02 loại chính là viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mạn tính. 

Viêm dạ dày cấp tính là tình trạng niêm mạc dạ dày vị viêm, sưng đột ngột và nghiêm trọng. Nó gây ra cơn đau dữ dội và dai dẳng, nhưng cơn đau chỉ là tạm thời, thường kéo dài từng đợt ngắn tại một thời điểm. Viêm dạ dày mạn tính đến chậm và kéo dài hơn. Nó có thể gây ra những cơn đau âm ỉ, có thể là vài năm nếu không được điều trị.

Khi bị viêm, niêm mạc dạ dày của bạn sẽ thay đổi và mất đi một số tế bào bảo vệ. Nó cũng có thể gây ra cảm giác no sớm. Ngoài ra, một số triệu chứng thường gặp khác là buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu.

Nguyên nhân gây viêm dạ dày có thể do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), sự suy yếu của niêm mạc dạ dày theo tuổi tác, tiêu thụ quá nhiều rượu, thuốc lá, caffein, sử dụng thường xuyên thuốc chống viêm không steroid (NSAID), căng thẳng mạn tính hoặc các vấn đề rối loạn tự miễn dịch khác.

Một số yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát được, nhưng những yếu tố khác như lối sống, chế độ rèn luyện và ăn uống, có thể thay đổi được.

Ngoài việc tập luyện thì chế độ ăn uống không chỉ đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe tổng thể nói chung, mà còn rất tốt cho hệ tiêu hóa nói riêng. Ăn theo chế độ ăn uống phù hợp với bệnh viêm dạ dày có thể giúp giảm các triệu chứng, điều tiết axit dạ dày, ngăn ngừa các mô bị tổn thương nhiều hơn và có thời gian để chữa lành. 

Mục tiêu của chế độ ăn kiêng viêm dạ dày là giảm viêm. Bạn có thể bắt đầu từ việc tránh thức ăn và đồ uống gây kích ứng dạ dày – những loại thực phẩm gây đầy hơi và buồn nôn ngay khi ăn như cà phê và trái cây có vị chua.

Đa số các ca bị viêm dạ dày có thể khỏi nhanh chóng sau khi điều trị. Tuy nhiên, một vài trường hợp viêm dạ dày mạn tính có thể tạo ra vết loét hoặc làm tăng nguy cơ ung thư. Vì vậy, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì bạn nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ về những gì nên ăn và không nên ăn.

2. Người bị viêm dạ dày nên ăn gì?

 
Người bị viêm dạ dày nên ăn thực phẩm giàu chất xơ

Nhìn chung thì chế độ ăn uống sẽ không gây ra viêm dạ dày mạn tính, nhưng nếu bạn đang bị viêm dạ dày thì ăn một số loại thực phẩm sẽ làm cho các triệu chứng nặng hơn. Chúng bao gồm thực phẩm cay nóng, chiên và có tính axit cao.

Ngược lại, một số loại thức ăn và đồ uống có thể giúp kiểm soát chứng viêm dạ dày và giảm bớt các triệu chứng. Bao gồm:

- Đậu và các loại đậu;

- Trứng, lòng trắng trứng (luộc, hấp, xào);

- Hải sản (không chiên);

- Mật ong;

- Nghệ;

- Rau củ ít axit, giàu vitamin (bí đỏ, bí xanh, khoai tây, khoai lang, cà rốt, bắp cải, cải xoăn, cải bó xôi…);

- Trái cây ít axit (việt quất, mâm xôi, dâu tây, chuối, táo ngọt);

- Đậu như đậu lăng, đậu nành;

- Phô mai nhẹ, ít muối;

- Gừng, nghệ;

- Sữa chua nguyên chất, ít béo, ít đường;

- Gạo trắng;

- Gia cầm nạc không da (gà, gà tây);

- Bánh mì nguyên hạt và mì ống;

- Yến mạch, lúa mạch và diêm mạch.

Men vi sinh được cho là tốt đối với các vấn đề về dạ dày do vi khuẩn HP gây ra. Do đó, ăn các thực phẩm chứa probiotic trong các bữa ăn đem lại lợi ích cho sức khỏe và có thể giúp cải thiện các triệu chứng của viêm dạ dày. Ví dụ: sữa chua, kim chi và dưa cải bắp.

Cháo, khoai lang, khoai sọ luộc nhừ là những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và giàu tinh bột cũng rất tốt cho viêm loét dạ dày.

3. Người bị viêm dạ dày không nên ăn gì?

 
Người bị viêm dạ dày cần kiêng rượu bia

Rượu bia, thực phẩm cay, giàu axit và giàu chất béo có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm niêm mạc dạ dày.

Nếu bạn nhận thấy một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm nhất định làm cho các triệu chứng viêm dạ dày của bạn tồi tệ hơn, việc hạn chế hoặc tránh sử dụng những thực phẩm này có thể ngăn ngừa các triệu chứng. 

Một số thực phẩm có thể gây kích ứng dạ dày mà bạn nên tránh là:

- Rượu bia;

- Cà phê và trà đặc;

- Nước tăng lực;

- Soda, nước giải khát có ga;

- Các loại nước ép trái cây;

- Sản phẩm từ sữa nhiều chất béo;

- Sô cô la;

- Trái cây chua (cam, chanh, quýt) và rau (hành tây, giá đỗ, hẹ, cần tây);

- Đồ ăn chiên, nướng hoặc chế biến nhiều dầu mỡ;

- Đồ ăn cay;

- Tỏi (có thể sử dụng ít, nhưng cần chú ý phản ứng của cơ thể);

- Kem, kể cả nhân kem trong bánh;

- Bánh ngọt, bánh nướng, pudding;

- Nước xốt, sốt mayonnaise, sốt kem;

- Khoai tây chiên, đồ ăn nhẹ đóng gói;

- Thịt chế biến (lạp xưởng, xúc xích, thịt xông khói, giăm bông);

- Thịt đỏ, vịt, ngỗng;

- Ngũ cốc tinh chế, bánh mì tươi, mì ống làm từ bột tinh chế;

- Gia vị và rau thơm (ớt, bột ớt, mù tạt, tiêu đen);

- Cà chua và các sản phẩm từ cà chua (nước ép, nước sốt cà chua).

4. Người bị viêm dạ dày nên ăn như thế nào?

Một số thói quen trong khi nấu ăn hoặc ăn uống có thể khiến cho tình trạng viêm dạ dày trở nên nặng hơn. Do đó, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

- Thức ăn cần thái nhỏ, nấu chín kỹ và mềm. Ưu tiên luộc hoặc hấp thay vì xào, rán hay chiên để thức ăn dễ hấp thu và tiêu hóa hơn.

- Tránh ăn các loại thức ăn cứng, đặc hoặc thức ăn quá lỏng và nhiều nước, chúng sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa.

- Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Chúng làm gia tăng cơn đau. Thức ăn ấm là tốt nhất cho tiêu hóa.

- Ăn các bữa ăn nhỏ và thường xuyên hơn giúp giảm bớt tác động của axit dạ dày.

- Không để bụng quá đói hoặc ăn quá no. Dạ dày rỗng hay dạ dày căng đều ảnh hưởng không tốt đến chứng viêm dạ dày, chúng có thể làm gia tăng cơn đau và sự khó chịu cho bạn.

- Không nên ăn thức ăn sống, đặc biệt là hải sản sống.

- Khi ăn, nên ăn chậm và nhai kỹ nhằm gia tăng bài tiết nước bọt, giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Không đọc sách, xem tivi hay sử dụng điện thoại trong lúc ăn. Chúng có thể khiến bạn ăn nhanh hơn, nhai không kỹ và không kiểm soát được lượng thức ăn vào cơ thể.

Thời gian viêm dạ dày kéo dài bao lâu từ khi bắt đầu điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ngoài việc tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, bạn cần kiêng ăn một số loại thực phẩm gây kích ứng dạ dày như thực phẩm cay, chiên, béo, rượu bia và caffein để việc điều trị được hiệu quả hơn.

Hầu hết các trường hợp viêm dạ dày sẽ nhanh chóng cải thiện ngay khi bắt đầu điều trị. Nếu các triệu chứng viêm dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn một tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra lại. Đặc biệt là nếu bạn bị sụt cân, nôn ra máu hoặc đi phân ra máu.