Rối loạn lo âu là tình trạng căng thẳng mạn tính, không thể kiểm soát đến mức trở thành gánh nặng cản trở sinh hoạt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn. Rối loạn lo âu được chẩn đoán và phân loại dựa vào các triệu chứng và tác nhân gây ra lo âu.
1. Ám ảnh sợ khoảng trống (Agoraphobia)
Những người bị rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống có nỗi sợ với các tình huống không thể trốn thoát như: bị mắc kẹt, cảm giác bơ vơ, lạc lõng, sự bất lực, sự xấu hổ. Vì vậy họ thường:
- Sợ ra khỏi nhà trong thời gian dài.
- Sợ chỉ có một mình trong một hoạt động xã hội nào đó.
- Sợ đám đông.
- Sợ đi đến những nơi có không gian mở như: siêu thị, nhà hàng, bãi đậu xe, cầu đường,…
- Sợ đi đến những nơi có không gian kín như: rạp chiếu phim, cửa hàng nhỏ, thang máy,…
- Sợ đi ô tô, tàu hỏa, xe buýt hoặc máy bay.
- Sợ đi du lịch một mình.
Bên cạnh những nỗi sợ, các triệu chứng của trầm cảm, ám ảnh và ám ảnh sợ xã hội được xem là triệu chứng phụ của chứng ám ảnh sợ khoảng trống.
Một số triệu chứng thể chất xảy ra khi ở trong tình huống gây lo lắng là:
- Tim đập nhanh, tức ngực.
- Buồn nôn.
- Chóng mặt và khó thở.
- Đổ mồ hôi, run rẩy.
- Đỏ bừng mặt hoặc cảm giác ớn lạnh.
- Cảm giác tê tái hoặc ngứa râm ran.
- Cảm giác mất kiểm soát.
- Rối loạn tiêu hóa.
Chứng ám ảnh sợ khoảng trống có thể cản trở rất nhiều hoạt động hàng ngày của một người. Nếu không được điều trị, họ có thể sẽ không dám ra khỏi nhà, thậm chí là không dám giao tiếp với ai và tự nhốt mình trong nhà. Nặng hơn thì có thể dẫn đến các chứng rối loạn lo âu khác và rối loạn nhân cách.
Người bị ám ảnh sợ khoảng trống thường không dám ra khỏi nhà
2. Ám ảnh sợ xã hội (Social phobias)
Người bị ám ảnh sợ xã hội mang nỗi sợ bị đánh giá
Ám ảnh sợ xã hội thường xuất hiện ở độ tuổi thiếu niên, đôi khi xuất hiện ở trẻ nhỏ. Nếu không được điều trị, chứng ám ảnh sợ xã hội có thể kéo dài cả đời.
Một người bị ám ảnh sợ xã hội sợ bị quan sát bởi những người xung quanh. Họ cảm thấy tự ti, sợ bị phê bình, sợ bị hạ thấp. Họ có xu hướng né tránh các tình huống phải gặp gỡ, giao tiếp. Tự bản thân họ cũng cảm thấy những nỗi sợ là vô lý nhưng không thể kiểm soát và vượt qua được.
Một số phản ứng thể chất của chứng ám ảnh sợ xã hội là:
- Đỏ mặt.
- Toát mồ hôi, run tay hoặc run sợ khi ở chỗ có nhiều người.
- Buồn nôn hay mắc tiểu khẩn cấp.
- Nhịp tim nhanh.
- Choáng váng, chóng mặt.
- Khó để nói chuyện.
Một số triệu chứng tâm lý như:
- Lo lắng khi đối mặt với người khác mà không phải người thân của mình.
- Rất để ý ánh mắt và suy nghĩ của người khác về mình.
- Lo âu, thậm chí là hoảng loạn khi bị người khác soi mói, đánh giá.
- Cảm thấy xấu hổ, sợ hãi hoặc lo lắng dữ dội về các hoạt động xã hội.
- Không thích đến những chỗ có đông người.
- Né tránh hoặc cố gắng chịu đựng cảm giác lo sợ khi tham gia sự kiện đông người.
- Cố gắng khiến mình mờ nhạt, không gây chú ý.
- Sợ bắt chuyện với người lạ, sợ nói trước đám đông, sợ ăn trong nhà hàng hoặc không dám sử dụng nhà vệ sinh công cộng.
- Khó kết bạn và khó duy trì mối quan hệ với người khác.
Ám ảnh sợ xã hội khác với nhút nhát ở chỗ nhút nhát chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và thường không ảnh hưởng tới cuộc sống. Trong khi ám ảnh xã hội kéo dài gây ảnh hưởng đến công việc, các mối quan hệ xã hội và có thể khiến cơ thể suy nhược.
3. Ám ảnh sợ đặc hiệu (Specific phobias)
Ám ảnh sợ đặc hiệu là một loại rối loạn lo âu khá phổ biến
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ đặc hiệu là nỗi sợ hãi quá mức đối với một đồ vật, con vật, hiện tượng hoặc tình huống ít gây nguy hiểm nhưng lại gây ra phản ứng tâm lý và thể chất dữ dội. Những nỗi sợ này đôi khi xuất hiện một cách phi lý và khá phổ biến.
Các ám ảnh sợ đặc hiệu sẽ khác nhau ở từng người, một số ám ảnh phổ biến như:
- Sợ động vật: sợ nhện, sợ động vật thân mềm, sợ chó, sợ mèo…
- Sợ độ cao.
- Sợ sấm sét.
- Sợ bóng tối.
- Sợ tiếng động lớn.
- Sợ kim tiêm hoặc các vật nhọn.
- Sợ nhìn thấy máu hoặc vết thương.
- Sợ đến phòng khám nha khoa.
- Sợ ăn một số đồ ăn.
- Sợ các chỗ đóng kín.
- Sợ đi máy bay.
Khi tiếp xúc với yếu tố ám ảnh sẽ có các triệu chứng như:
- hãi đến hoảng loạn.
- Buồn nôn và nôn.
- Ngất xỉu.
- Tim đập nhanh.
- Ngột ngạt và khó thở.
- Đổ mồ hôi .
- Run tay hoặc run rẩy cả người.
- Cảm giác tê hoặc ngứa râm ran.
- Cảm giác ớn lạnh.
Những người bị ám ảnh sợ đặc hiệu vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng khi họ tiếp xúc với yếu tố ám ảnh có thể bị hoảng loạn với các triệu chứng như ám ảnh sợ khoảng trống hoặc ám ảnh sợ xã hội.
Không phải chứng ám ảnh sợ nào cũng cần phải điều trị, nhưng khi chúng trở nên nghiêm trọng và gây ảnh hưởng tới cuộc sống thì cần phải điều trị dứt điểm. Vì chúng có thể gây ra đau khổ về mặt tinh thần, dẫn đến các dạng rối loạn lo âu khác, trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện, thậm chí là có ý định tự tử.
4. Rối loạn hoảng sợ (Panic disorder)
Các cơn hoảng sợ thường xuyên xuất hiện một cách đột ngột
Biểu hiện cơ bản của chứng rối loạn hoảng sợ là những cơn sợ hãi dữ hội xuất hiện liên tục nhưng không do bất kỳ một tình huống nguy hiểm hoặc nguyên nhân rõ ràng nào gây nên.
Rối loạn hoảng sợ có một số triệu chứng như các rối loạn lo âu khác:
- Nhịp tim tăng nhanh, đánh trống ngực.
- Đổ mồ hôi, run rẩy.
- Đau ngực, ngột ngạt hoặc khó thở.
- Bị choáng, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Đau bụng và buồn nôn.
- Cảm giác nóng bức hoặc ớn lạnh.
- Thấy ngứa râm ran hoặc cảm giác tê tái.
- Cảm giác không thực tế hoặc tách rời khỏi chính mình.
- Cảm giác sắp có nguy hiểm xảy ra.
- Sợ mất kiểm soát
- Sợ bị điên hoặc chết.
- Một số biểu hiện khác có thể bao gồm lạnh tay, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, mệt mỏi và suy nghĩ không tập trung.
Các cơn hoảng sợ thường tái diễn một cách đột ngột và không có dấu hiệu báo trước. Người bị rối loạn hoảng sợ luôn muốn chạy trốn và có cảm giác mình mất kiểm soát, sắp lên cơn đau tim hoặc sắp chết. Rối loạn hoảng sợ trong thời gian dài có thể làm thay đổi tính cách của một người khiến họ trở nên thụ động, phụ thuộc hoặc thu mình hơn.
5. Rối loạn lo âu lan toả (Generalized anxiety disorder)
Rối loạn lo âu lan tỏa là tình trạng lo lắng quá mức, dai dẳng và khó kiểm soát nhưng không phụ thuộc vào bất kỳ hoàn cảnh môi trường đặc biệt nào. Nó có các triệu chứng tương tự như rối loạn khoảng trống hoặc các rối loạn lo âu khác.
Người bị rối loạn lo âu lan tỏa thường lo lắng và lo lắng quá mức về một số sự kiện và hoạt động. Kèm theo một số các triệu chứng dưới đây kéo dài trên 6 tháng:
- Không thể thư giãn, luôn cảm thấy bồn chồn, căng thẳng hoặc khó chịu.
- Do dự hoặc sợ quyết định sai.
- Không có khả năng kiểm soát lo lắng.
- Khó tập trung và đầu óc trống rỗng.
- Dễ mệt mỏi.
- Dễ cáu gắt.
- Bị căng cơ hoặc đau nhức cơ.
- Run rẩy, co giật.
- Dễ bị giật mình.
- Khó ngủ.
- Rối loạn tiêu hóa.
Những người bị rối loạn lo âu lan tỏa thường lo sợ bản thân hoặc người thân của mình sẽ bị mắc bệnh nguy hiểm hay bị tai nạn, hoặc luôn suy nghĩ về những trường hợp xấu có thể xảy ra. Những cơn lo lắng xảy ra liên tục sẽ gây khó khăn trong hoạt động hàng ngày và công việc.
6. Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm (Mixed anxiety and depressive disorder)
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm có triệu chứng của cả hai loại
Một người được chẩn đoán bị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm khi đồng thời có triệu chứng của cả hai loại. Và các triệu chứng này không đủ rõ rệt để xác định và chẩn đoán riêng biệt.
Một số triệu chứng thường gặp là:
- Lo lắng quá mức.
- Mạch đập nhanh, đổ mồ hôi tay, run rẩy và khô miệng
- Bồn chồn, đứng ngồi không yên.
- Khó tập trung.
- Mất kiên nhẫn và dễ cáu kỉnh.
- Sợ hãi hoặc né tránh các tình huống xã hội.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Rối loạn ăn uống.
- Bị căng cơ.
- Rối loạn tiêu hóa.
Chỉ khi một trong hai triệu chứng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm có mức độ ảnh hưởng trầm trọng hơn mới có thể đưa ra chẩn đoán riêng biệt. Khi đó người bệnh sẽ được chẩn đoán là bị rối loạn lo âu hoặc bị trầm cảm.
Một người có thể bị rối loạn lo âu mà không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng ta có thể hạn chế lo âu bằng một số cách đơn giản sau:
- Có chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
- Uống men vi sinh và ăn thực phẩm lên men giúp cải thiện sức khỏe tâm thần.
- Hạn chế cafein vì cafein có thể làm tăng sự lo âu.
- Kiêng rượu vì rượu và rối loạn lo âu có liên quan đến nhau
- Bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe tâm thần
- Tập thể dục thường xuyên giúp tăng sức đề kháng và nâng cao tinh thần. Đặc biệt yoga và thiền rất tốt cho người dễ bị lo lắng.