Chất chỉ điểm ung thư (tumor markers) là các chất do tế bào ung thư sản sinh hoặc do tế bào khác của cơ thể sản xuất để phản ứng với ung thư. Xét nghiệm các chất chỉ điểm ung thư được sử dụng để tầm soát, hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi quá trình điều trị ung thư.
Các chất chỉ điểm ung thư cơ bản
Theo GLOBOCAN năm 2020, Việt Nam có khoảng 350.000 người bị ung thư và hơn 120.000 người đã tử vong vì ung thư. Trong đó năm loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là: ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến. Năm loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới là: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư gan.
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm là rất quan trọng để nâng cao hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sót. Ngược lại nếu không được phát hiện, ung thư tiến triển và di căn xa thì việc điều trị chỉ giúp làm chậm quá trình và kéo dài thời gian sống, chứ không thể điều trị khỏi được.
Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư là một xét nghiệm máu đơn giản, dễ thực hiện để tầm soát ung thư và định hướng điều trị. Ưu điểm của xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư là:
- Tầm soát và phát hiện sớm ung thư
- Hỗ trợ chẩn đoán ung thư
- Xác định hiệu quả điều trị ung thư
- Đánh giá mức độ ung thư hoặc sự tiến triển của bệnh
- Phát hiện ung thư tái phát sau khi điều trị
Dưới đây là những chỉ dấu sinh học cơ bản của những loại ung thư phổ biến hiện nay:
1. AFP (Alpha Fetoproteine)
AFP là globulin protein được hình thành trong túi noãn hoàng và gan của bào thai, sau khi em bé sinh ra thì mức AFP sẽ giảm dần. Ở người trưởng thành khỏe mạnh và không mang thai thì lượng AFP trong máu rất thấp (nhỏ hơn 10ng/ml).
Khi một người bị ung thư gan nguyên phát thì AFP rất cao (có thể >1000ng/ml). AFP cũng tăng trong ung thư buồng trứng và ung thư tinh hoàn.
Ở những người mắc bệnh về gan hoặc phụ nữ đang mang thai, AFP cũng sẽ tăng lên. AFP còn được sử dụng để kiểm tra thai nhi có khuyết tật bẩm sinh hoặc rối loạn di truyền không (ví dụ: hội chứng Down).
2. CEA (Carcino Embryonic Antigen)
CEA là glycoprotein được sản xuất trong mô đường tiêu hóa của thai nhi và ngừng sản xuất trước khi sinh. Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nồng độ CEA chỉ tồn tại ở một lượng rất nhỏ dưới 10ng/ml.
CEA trong máu tăng cao ở người bị ung thư đại trực tràng (ruột kết và trực tràng). Ngoài ra, CEA cũng tăng lên trong ung thư tuyến tụy, vú, dạ dày, phổi, buồng trứng.
Ở người bị xơ gan do rượu, viêm gan, viêm đại tràng, viêm tụy, nồng độ CEA cũng có thể tăng lên.
3. CA 72-4 (Cancer Antigen 72-4)
Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nồng độ CA 72-4 trong máu dưới 5,4U/ml. CA 72-4 trong máu tăng lên cảnh báo một số bệnh ung thư.
CA 72-4 là một dấu ấn chỉ điểm ung thư có độ đặc hiệu tốt với ung thư dạ dày. Ngoài ra, nó còn được tìm thấy trên bề mặt nhiều tế bào ung thư như ung thư buồng trứng, vú, ruột kết, phổi và tuyến tụy.
CA 72-4 cũng có thể tăng ở một số tình trạng khác không phải ung thư như xơ gan, viêm tụy, viêm phổi hoặc thấp khớp.
4. CA 19-9 (Carbohydrate Antigen 19-9)
CA 19-9 là một kháng nguyên carbohydrate. Nồng độ CA 19-9 tăng cao ở người bị ung thư tuyến tụy. Nó có ý nghĩa trong việc phân biệt ung thư và các bệnh tuyến tụy khác. CA 19-9 cũng có thể tăng cao trong các loại ung thư đường tiêu hóa và ung thư gan.
Ngoài ra một số tình trạng không phải ung thư như viêm gan, xơ gan, viêm tụy và bệnh đường mật cũng có thể làm tăng CA 19-9.
5. CA 15-3 (Cancer Antigen 15-3)
Nồng độ CA 15-3 ở người trưởng thành khỏe mạnh thường thấp. Nồng độ CA 15-3 huyết tương càng cao thì nguy cơ ung thư vú càng cao. Tuy nhiên nó sẽ có độ nhạy cao hơn trong trường hợp ung thư vú di căn hoặc tái phát.
Ngoài ra, CA 15-3 có thể tăng trong các bệnh ung thư khác như ung thư buồng trứng, nội mạc tử cung; hoặc tình trạng u vú lành tính, viêm gan hoặc viêm tụy.
6. CA 125 (Cancer antigen 125)
CA 125 là chất chỉ điểm ung thư buồng trứng
CA 125 là xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư buồng trứng.
Ở người khỏe mạnh, nồng độ CA 125 thấp. Khi một người bị ung thư buồng trứng, nồng độ CA 125 trong máu tăng. Ngoài ra nó cũng tăng trong bệnh lý viêm buồng trứng, viêm màng tim hoặc viêm màng phổi…
7. PSA toàn phần (Prostate-Specific Antigen)
PSA là chất chỉ dấu ung thư tuyến tiền liệt. Nó được tìm thấy trong tinh dịch, tuyến tiền liệt và một lượng nhỏ trong máu.
PSA thường tăng cao ở đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt. Mức PSA tăng theo thời gian cũng có thể là một dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt. Một số tình trạng khác cũng làm tăng mức PSA như viêm tuyến tiền liệt hoặc tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (BPH).
8. Cyfra 21-1
Cyfra 21-1 là chất chỉ điểm ung thư thường tăng cao trong ung thư phổi. Ngoài ra, nó tăng nhẹ ở một số bệnh lành tính như bệnh phổi, bệnh gan, bệnh thận và một số loại ung thư khác như ung thư bàng quang hay ung thư đường tiêu hóa.
Ngoài việc sử dụng Cyfra 21-1 để tầm soát và theo dõi điều trị ung thư phổi, nó còn được dùng để theo dõi việc điều trị ung thư bàng quang.
Một số chất chỉ điểm ung thư đặc hiệu cho một loại ung thư cụ thể, trong khi một số chất chỉ điểm khác được tìm thấy ở một số loại ung thư khác nhau. Do đó chất chỉ điểm ung thư chỉ dùng để sàng lọc, theo dõi tiến triển và hiệu quả điều trị ung thư chứ không được sử dụng để khẳng định chẩn đoán. Khi nồng độ chất chỉ điểm ung thư cao cần làm thêm một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí và mức độ ung thư như: siêu âm, CT, MRI kết hợp sinh thiết…
Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 xây dựng gói huyết thanh chỉ dấu ung thư dựa trên nguyên tắc: khoa học, hiệu quả và tiết kiệm thời gian cho khách hàng.
BS CKI Trần Hữu Lợi - Trưởng khoa Nội Tổng Quát PK BV Đại học Y Dược 1