ẢNH HƯỞNG CỦA TRẦM CẢM ĐẾN CƠ THỂ NHƯ THẾ NÀO?

I. ẢNH HƯỞNG CỦA TRẦM CẢM ĐẾN CƠ THỂ NHƯ THẾ NÀO?

Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn ảnh hưởng đến thể chất của bạn. Nó làm tăng biến chứng của bệnh lý mà bạn đang mắc phải và là yếu tố nguy cơ dẫn đến một số bệnh như đau đầu, béo phì, tim mạch và loãng xương. 

 
Trầm cảm gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất

II. MỘT SỐ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA TRẦM CẢM ĐẾN CƠ THỂ

1. Trầm cảm và sức khỏe của bạn

Trầm cảm là trạng thái buồn bã, trống rỗng và tuyệt vọng kéo dài hàng tuần, thậm chí là hàng tháng. Những cảm xúc tiêu cực này khiến cuộc sống hàng ngày của bạn bị xáo trộn. 

Tình trạng chán ăn, biếng ăn khiến bạn không có đủ chất dinh dưỡng và làm suy nhược cơ thể. Bạn cũng bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, cảm thấy mất tinh thần, mệt mỏi và thiếu năng lượng. Tình trạng này kéo dài khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, khó chống lại một số bệnh tật thông thường, tăng khả năng bị các bệnh truyền nhiễm và làm nặng hơn tình trạng viêm của một số bệnh lý.

Bên cạnh đó, trầm cảm khiến cho một người có ý nghĩ tự hại bản thân, luôn suy nghĩ đến cái chết và dẫn đến nguy cơ tự tử.

2. Trầm cảm và thừa cân béo phì

 
Người trầm cảm có xu hướng ăn uống quá độ

Khi bị trầm cảm, bạn sẽ liên tục trải qua tâm trạng chán nản và buồn bã, kèm theo là những rối loạn về ăn uống. Trong khi có một số người bị chán ăn thì số khác lại ăn nhiều hơn để cải thiện cảm xúc.

Khi bị trầm cảm bạn cảm thấy mệt mỏi và không muốn phải chuẩn bị một bữa ăn lành mạnh. Thay vào đó, bạn sẽ chuyển sang sử dụng thức ăn nhanh và bất kì loại đồ ngọt nào có sẵn tại nhà. Những thức ăn kích thích khẩu vị nhiều chất béo hay nhiều đường sẽ giúp khôi phục hormone serotonin – một loại hormone giúp cho bạn có tâm trạng tốt hơn. Vì vậy người trầm cảm có xu hướng ăn uống quá độ, ăn bất kể khi nào cảm thấy buồn.

Bên cạnh đó, trầm cảm sẽ khiến bạn ít vận động, không thích tập thể dục dẫn đến nguy cơ thừa cân béo phì.

3. Trầm cảm và bệnh tiểu đường

Trầm cảm làm bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát việc bổ sung các thức ăn nhiều calo. Đặc biệt là đồ ngọt kích thích não có thể khiến bạn bị nghiện. Trầm cảm ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể với căng thẳng và tình trạng viêm, là một rào cản trong quá trình chuyển đổi glucose thành năng lượng, làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường, nhất là bệnh tiểu đường loại 2.

Sherita Golden, phó giáo sư y học và dịch tễ học tại Johns Hopkins, cho biết: “Bị trầm cảm làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 của một người và điều trị bệnh tiểu đường loại 2 làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm của một người”.

Nếu bạn bị tiểu đường, sau đó lại bị trầm cảm, bạn dễ bị tăng đường huyết, khó kiểm soát lượng đường trong máu và thường khó duy trì được kế hoạch điều trị, sẽ làm cho bệnh tiểu đường càng nghiêm trọng hơn.

4. Trầm cảm và bệnh viêm khớp dạng thấp

Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp (RA) bạn rất dễ bị trầm cảm. Bệnh trầm cảm khiến cho tình trạng viêm và khả năng bùng phát của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Nó còn khiến cho cảm xúc của bạn trở nên tồi tệ hơn khi phải chịu đựng những cơn đau “đau hơn mức bình thường”.
Trầm cảm cũng làm hạn chế các hoạt động của bạn, dẫn ra các suy nghĩ tiêu cực, làm bạn mất hy vọng vào việc điều trị và từ bỏ dần các thói quen lành mạnh như tập thể dục và tránh hút thuốc, uống rượu.

5. Trầm cảm và chứng đau nửa đầu

 
Trầm cảm có liên quan với chứng đau nửa đầu

Trầm cảm có liên quan với chứng đau nửa đầu, những người bị trầm cảm có nhiều khả năng bị đau nửa đầu hơn những người bình thường. Người ta vẫn chưa giải thích được rõ ràng, nhưng một trong những nguyên nhân là rối loạn giấc ngủ do trầm cảm có thể dẫn đến những cơn đau đầu.

Trầm cảm cũng làm tồi tệ hơn chứng đau nửa đầu của bạn. Bộ não sử dụng nhiều chất hóa học, bao gồm serotonin và norepinephrine để điều chỉnh cơn đau. Khi bạn bị trầm cảm có thể làm thay đổi mức độ của các chất này, khiến khả năng chịu đau của bạn giảm đi, cảm thấy các cơn đau dường như đau hơn rất nhiều.

Những cơn đau nửa đầu kéo dài sẽ làm cản trở các hoạt động hàng ngày và khiến bạn khó chịu, gây căng thẳng trong các mối quan hệ gia đình và bạn bè.

6. Trầm cảm và hệ thần kinh trung ương

Người bị trầm cảm kéo dài có khả năng bị rối loạn chức năng điều hành, giảm sự chú ý, khó kiểm soát suy nghĩ, rối loạn tâm trạng và khó điều hòa cảm xúc.
Cortisol là một hormone được giải phóng khi bạn bị căng thẳng mãn tính hoặc trầm cảm. Qua thời gian, cortisol có thể gây hại cho não, trực tiếp làm tổn thương não, dẫn đến chứng giảm trí nhớ.

Thường trầm cảm ở người già sẽ khó phát hiện hơn. Phần lớn chúng ta đều nhận định việc mất trí nhớ hay phản ứng của họ với các hoạt động chậm lại là do “tuổi tác” nên dễ bỏ qua các dấu hiệu trầm cảm.

Một số người trầm cảm mắc sai lầm là sử dụng rượu bia, thuốc lá hoặc các chất kích thích khác để cải thiện tâm trạng. Nhưng những chất này không chỉ làm tình trạng trầm cảm tồi tệ hơn mà còn làm cho hệ thần kinh trở nên suy yếu.

7. Trầm cảm và hệ tiêu hóa

Cảm xúc của bạn ảnh hưởng nhiều tới hệ tiêu hóa. Khi bạn buồn, lo lắng hay căng thẳng, hệ tiêu hóa của bạn sẽ không hoạt động tốt, có thể gây ra các triệu chứng như: đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng, nôn và buồn nôn.

Những cảm xúc này kèm theo sự chán ăn hoặc ăn uống vô độ, sức khỏe suy yếu có thể làm tăng nguy cơ một số bệnh như: đau dạ dày, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản…

8. Trầm cảm và bệnh tim

Bạn có khả năng mắc bệnh tim nếu bạn bị trầm cảm. Nguyên nhân là do khi trầm cảm bạn thường bị lo âu. Lo lắng và căng thẳng làm cơ thể bạn sẽ rơi vào tình trạng khẩn cấp, nhịp tim tăng nhanh, các mạch máu thắt chặt. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến đánh trống ngực, đau ngực và nguy cơ mắc các bệnh huyết áp và tim mạch.

Nguy cơ bệnh tim cũng có thể là do người trầm cảm khó duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên sử dụng thuốc lá, rượu bia, ít vận động, rối loạn ăn uống và giấc ngủ.
Có một điều đáng chú ý là nếu bạn đang bị bệnh tim, trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ biến cố mạch vành và khả năng tử vong do đột quỵ.

9. Trầm cảm và tình dục

 
Trầm cảm có thể làm giảm ham muốn tình dục

Bộ não kiểm soát ham muốn tình dục thông qua việc giải phóng các kích thích tố và xung thần kinh. Khi bị trầm cảm, các chất trong não bị mất cân bằng làm một người bị giảm hứng thú với nhiều hoạt động, bao gồm cả tình dục. Đây là một triệu chứng khá phổ biến của trầm cảm.

Tuy nhiên có một điều khá kì lạ là thuốc chống trầm cảm có thể gây ra tác dụng phụ là rối loạn chức năng tình dục. Nó có thể gây ra rối loạn cương dương và ức chế khoái cảm tình dục. Mặc dù thuốc chống trầm cảm là biện pháp đầu tiên được áp dụng trong phương pháp điều trị trầm cảm.

10. Trầm cảm và loãng xương

Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến xương và cơ, góp phần làm giảm khối lượng xương do giảm lượng canxi và các khoáng chất khác có trong xương khi bạn già đi. Những cơn đau nhức không rõ nguyên nhân có thể khiến bạn khó chịu khi tập thể dục. Bên cạnh đó là việc chán ăn làm bạn không bổ sung đủ canxi và vitamin D khiến xương không được bảo vệ.

Đôi khi bệnh trầm cảm khiến một cảm thấy vô vọng trong quá trình điều trị bệnh, khiến họ gặp khó khăn khi kiểm soát các cơn đau. Họ có xu hướng suy nghĩ ngày càng tiêu cực hơn, đôi khi là nghĩ đến cái chết và cố gắng tự tử.