10 ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ BỆNH TIM MẠCH

Bệnh tim mạch có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc ngừng tim đột ngột đe dọa đến tính mạng. Hầu hết bệnh tim mạch không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát và cải thiện bằng cách có lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh.

Bác sĩ Tim mạch Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 đưa ra 5 điều không nên làm và 5 điều nên làm đối với người bị bệnh tim mạch như sau:

1. Không nên ăn mặn

 
Người bị tim mạch cần hạn chế ăn mặn

Người bị bệnh tim mạch không nên ăn lượng muối quá 6gram/ngày. Nếu bạn là người ăn mặn, hãy thay đổi thói quen và tập ăn nhạt hơn. Đặc biệt là không nên sử dụng thêm các loại đồ chấm khác như nước mắm, nước tương.

Tương tự, bạn không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn vì chúng thường có nhiều muối như: thực phẩm đóng hộp, thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích, khoai tây chiên, gà rán, snack, bánh quy, bánh nướng mặn và các loại thức ăn nhanh khác.

2. Không nên ăn ngọt

Những người bị bệnh tim mạch rất dễ bị bệnh tiểu đường, nhất là người có chế độ ăn nhiều đường nhưng ít chất xơ và lười vận động. Bên cạnh đó, bổ sung nhiều đường làm lượng đường trong máu tăng cao, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ở người bị bệnh tim.

Do đó, không nên ăn đường và các loại thực phẩm ngọt như nước ngọt, soda, chè ngọt, kem, bánh kẹo ngọt và bất kỳ loại thực phẩm nào thêm đường. Nước trái cây đóng chai hoặc nước ép trái cây cũng không phải lựa chọn tốt cho người bị tim mạch, kể cả khi chúng không thêm đường.

3. Không nên căng thẳng

Căng thẳng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng tim đập nhanh. Đối với những người bị bệnh tim mạch, căng thẳng có thể gây ra những ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe. Vì vậy, bạn cần hạn chế lo lắng và căng thẳng. Hãy nghỉ ngơi và chợp mắt một chút nếu cảm thấy quá mệt mỏi. Một số cách để giảm căng thẳng là hít thở sâu, liệu pháp hương thơm, tập yoga hoặc thiền.

4. Không nên uống nhiều rượu

Một số nghiên cứu cho rằng uống một ly rượu vang mỗi ngày có thể đem đến một số lợi ích sức khỏe cho tim mạch. Nhưng khi bạn bị tim mạch thì lại là câu chuyện khác, uống rượu không hề tốt cho tim của bạn. 

Đối với nam, mỗi ngày không nên uống quá 2 lon bia, 300ml rượu vang hoặc 100ml rượu mạnh. Đối với nữ, mỗi ngày không nên uống quá 1 lon bia, 150ml rượu vang hoặc 50ml rượu mạnh.

Tuy nhiên, tốt nhất là hãy nói không với đồ uống có cồn nếu bạn bị bệnh tim mạch.

5. Không nên hút thuốc lá

Bỏ thuốc lá rất quan trọng cho sức khỏe dù bạn có bị bệnh tim hay không. Khói thuốc rất có hại cho tim mạch, phổi, gan và hô hấp. Nó là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch và mạch vành.

Hút thuốc làm tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông do làm giảm các tế bào oxy trong máu, là tiền đề dẫn đến các cơn đau tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Hãy nhớ việc hấp thu khói thuốc lá thụ động cũng là yếu tố nguy cơ cao. Vì vậy, hãy tránh tiếp xúc với khói thuốc từ những người hút thuốc lá.

6. Nên tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên làm giảm hormone adrenaline, thư giãn các mạch máu, làm nhịp tim chậm hơn, ổn định huyết áp và cholesterol, rất tốt cho tim mạch. Một số bài tập có nhịp điệu đều đặn đem lại nhiều lợi ích như bơi lội, đạp xe, chạy bộ, đi bộ nhanh. Tập luyện cũng là một cách để chuyển chất béo thành cơ và tăng tỷ lệ trao đổi chất, hạn chế nguy cơ béo phì và tiểu đường tuýp 2.

7. Nên ăn uống nhiều trái cây tươi và rau củ

Tăng cường ăn trái cây tươi và rau củ có thể cải thiện bệnh tim và ngăn ngừa nguy cơ bị các cơn đau tim và ngừng tim đột ngột.

Trái cây và rau củ chứa ít calo, chất béo nhưng giàu vitamin và khoáng chất lành mạnh, góp phần duy trì cân nặng và tăng cường sức khỏe. Chúng cũng là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời giúp giảm mức cholesterol và kiểm soát lượng đường trong máu. 

Một số loại trái cây như việt quất, mâm xôi, dâu tây…; một số loại rau như cà rốt, khoai lang, ớt chuông, cải bó xôi, bông cải xanh… giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe tim mạch. 

Bên cạnh đó, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu cũng là một lựa chọn lành mạnh, góp phần bảo vệ tim mạch và giảm các tác động tiêu cực của bệnh tim mạch.

8. Nên bổ sung chất béo lành mạnh

 
Những thực phẩm giàu chất béo tốt cho tim mạch

Trong khi chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cực kỳ có hại, thì chất béo không bão hòa là nhóm thực phẩm nên được bổ sung vào chế độ ăn cho người bị bệnh tim mạch. Chất béo lành mạnh có thể làm giảm cholesterol và làm giảm nguy cơ các cơn đau tim và đột quỵ.

Trong đó, dầu oliu có khả năng chịu nhiệt cao và rất tốt để nấu ăn. Nó còn chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm. 

Một số loại hạt rất giàu chất béo lành mạnh là hạt lanh, hạnh nhân, hạt óc chó, hạt bí ngô…

Một số loại cá béo rất giàu omega-3 đã được chứng mình là đem lại nhiều lợi ích tích cực cho tim mạch như: cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu…

9. Nên giữ cân nặng hợp lý

Thừa cân - béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim. Vì vậy, kiểm soát cân nặng hợp lý là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe ở những người bị bệnh tim mạch. Đặc biệt là lượng mỡ nội tạng (mỡ bụng) không chỉ làm tăng tình trạng viêm và bệnh mạch vành, mà có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe khác như tiểu đường, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ…

Chỉ số BMI = Cân nặng/[(Chiều cao)2] nên nằm trong khoảng 18,5 – 22,9 kg/m2 đối với người Châu Á.

Nếu bạn đang bị thừa cân, hãy lên một kế hoạch giảm cân thích hợp dựa trên nguyên tắc hạn chế chất béo, cân bằng dinh dưỡng và tăng cường tập luyện.

10. Nên ngủ đủ giấc

Trong khi ngủ, cơ thể sẽ bước vào giai đoạn phục hồi, cân bằng lại sự trao đổi chất, lượng đường trong máu và đào thải độc tố. 

Ngủ muộn có thể làm tăng tình trạng viêm, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì - những yếu tố làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch. Vì vậy, nếu bạn bị bệnh tim mạch, hãy đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng mỗi đêm tùy theo nhu cầu của cơ thể.

Nếu bạn đang gặp các vấn đề về giấc ngủ, hãy đến gặp bác sĩ và điều trị dứt điểm để có một giấc ngủ ngon hơn.