BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở TRẺ EM CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Bệnh đái tháo đường là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi và người có thói quen ăn uống không khoa học. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xảy ra ở trẻ em, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu trẻ không được điều trị đúng cách và kịp thời. 

 

1. Bệnh đái tháo đường ở trẻ em là gì?

Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là bệnh tiểu đường) xảy ra khi lượng đường glucose tăng cao trong máu, mãn tính. Thông thường, hormone insulin có chức năng giúp chuyển đổi glucose thành năng lượng từ máu đến các tế bào.

Tuy nhiên, khi trẻ mắc bệnh tiểu đường, lượng insulin được tạo ra trong tuyến tụy có thể thiếu hụt so với lượng glucose nạp vào hoặc các phản ứng của cơ thể với insulin diễn ra bất thường khiến glucose không thể chuyển hóa thành năng lượng khiến lượng đường trong máu ngày càng tăng.

Khi chăm sóc trẻ, ba mẹ nên đặc biệt chú ý nếu nghi ngờ hoặc thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường, ba mẹ nên đưa trẻ sớm thăm khám cùng bác sĩ để được kiểm tra và hỗ trợ điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Bệnh đái tháo đường ở trẻ em là gì?

Khi trẻ bị mất nước nghiêm trọng, bắt đầu nôn mửa và hôn mê, ba mẹ cần nhanh chóng gọi cấp cứu để đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra khẩn cấp. Đây có thể là tình trạng nguy hiểm hay còn gọi là tình trạng nhiễm toan ceton do đái tháo đường, đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Ngoài ra, ngay khi trẻ có các triệu chứng sau cũng nên được đưa đến thăm khám cùng bác sĩ:

- Da nhợt nhạt, thở nhanh, tay chân lạnh.

- Nước tiểu sẫm màu, mắt thâm quầng hoặc mắt trùng.

 

2. Nguyên nhân nào gây bệnh đái tháo đường ở trẻ em?

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp có thể gây bệnh đái tháo đường ở trẻ em như:

- Yếu tố di truyền: Khoảng 10 đến 15% trẻ mắc bệnh đái tháo đường liên quan đến yếu tố di truyền. Điều này khiến quá trình cơ thể tự sản xuất insulin bị ảnh hưởng, gây tình trạng mất cân bằng đường huyết và dẫn đến bệnh tiểu đường.

- Mẹ bầu mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ: Giai đoạn mang thai khiến mẹ bầu có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao dẫn đến trẻ sinh ra cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Vì thế, để giảm nguy cơ mắc bệnh cho cả mẹ và trẻ, thai phụ nên thực hiện tốt các cách phòng bệnh tiểu đường và thăm khám thai sản định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để sớm phát hiện bệnh (nếu có).

- Trẻ có chế độ ăn uống không lành mạnh: Trẻ em thường có sở thích ăn thức ăn nhanh, đồ ăn chiên rán, các món ăn vặt, nước uống có ga và bánh kẹo … Đây đều là những thực phẩm có thể chứa các chất không tốt cho sức khỏe của trẻ cũng như có thể không đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

- Trẻ có lối sống, sinh hoạt không khoa học: Trẻ ăn uống không đúng bữa, ngủ nghỉ không đúng giờ giấc, lười vận động … là một số nguyên nhân có thể khiến trẻ béo phì. Nếu tình trạng này kéo dài có thể hình thành bệnh tiểu đường ở trẻ em.

Trẻ thường xuyên ăn đồ chiên rán có thể tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

 

3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị đái tháo đường?

Khi trẻ mắc bệnh đái tháo đường có thể xảy ra sự thiếu hụt insulin trong máu khiến glucose tích tụ quá mức. Điều này dẫn đến lượng glucose sẽ bị “tràn” vào nước tiểu khiến cơ thể người bệnh sản xuất quá nhiều nước tiểu.

Mặt khác khi các tế bào của cơ thể không được dung nạp đủ năng lượng khi glucose không được chuyển hóa sẽ dẫn đến tình trạng các chất béo dự trữ bên trong cơ thể bị phá vỡ và sản xuất ceton để thay thế. Điều này dẫn đến máu có tính axit bất thường. Vì thế, khi trẻ mắc bệnh đái tháo đường có thể biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng như:

- Khát nước tột độ.

- Liên tục cảm thấy đói bụng

- Sụt cân bất thường.

- Thường xuyên đi tiểu.

- Buồn nôn, nôn, mắt mờ, thờ ơ, mệt mỏi …

 

4. Điều trị bệnh đái tháo đường ở trẻ em như thế nào?

Khi trẻ xuất hiện tình trạng nhiễm toan và mất nước, bác sĩ có thể yêu cầu điều trị tại viện cho đến khi bệnh đã được kiểm soát ở mức an toàn. Bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em là loại bệnh tự miễn, không có phương thuốc chữa trị dứt điểm.

Vì thế, bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu và dựa vào kết quả này để bổ sung lượng insulin phù hợp cho trẻ bằng cách tiến hành liệu pháp bơm insulin hoặc tiêm insulin cho trẻ.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả điều trị, tăng cường sức đề kháng và cải thiện nồng độ đường trong máu ở mức ổn định, trẻ cần ăn kiêng phù hợp và tập thể dục thể thao đều đặn ít nhất mỗi ngày 30 phút.

Đối với trẻ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bác sĩ có thể áp dụng phương án điều trị như:

- Trẻ ăn uống lành mạnh, cân bằng nhóm chất dinh dưỡng cần thiết.

- Trẻ nên thường xuyên vận động, hoạt động thể chất.

- Tiêm insulin cho trẻ hoặc một số loại thuốc cần thiết khác.

- Ở một số trường hợp đặc biệt khi áp dụng các phương pháp điều trị không hiệu quả hoặc một số yếu tố khác, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ thực hiện phẫu thuật giảm cân.

Tập thể dục đều đặn để cải thiện bệnh đái tháo đường ở trẻ

 

5. Cách phòng ngừa bệnh đái tháo đường ở trẻ em

Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở trẻ như:

- Trẻ nên ăn uống với chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Trẻ cần được đảm bảo bổ sung đủ 4 nhóm dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của cơ thể bao gồm chất béo, chất đạm, khoáng chất và vitamin. Ba mẹ có thể cho trẻ ăn các thực phẩm như rau xanh, sữa, trái cây, bánh mì, ngũ cốc và protein nạc …

- Ba mẹ nên thường xuyên chú ý cân nặng của trẻ, tránh tình trạng trẻ tăng cân quá mức.

- Ba mẹ nên hạn chế cho trẻ uống quá nhiều đồ uống có đường, không ăn quá nhiều thức ăn đặc biệt là các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh.

- Ba mẹ nên khuyến khích trẻ vận động thể chất như đi dạo, tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng.

- Ba mẹ không nên để trẻ dành quá nhiều thời gian để xem TV, chơi điện tử …

- Trẻ nên cân bằng thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và học tập.