XÉT NGHIỆM ACID URIC MÁU ĐỂ LÀM GÌ

Xét nghiệm acid uric máu là một xét nghiệm thường quy được sử dụng để chẩn đoán một số bệnh lý gây tăng hoặc giảm acid uric trong máu. Xét nghiệm này thường rất hữu ích trong xác định bệnh gout, bệnh thận và một số tình trạng khác. Dưới đây là một thông tin về mục đích, cách thực hiện và ý nghĩa của xét nghiệm acid uric máu.

 
Tăng acid uric máu là dấu hiệu của bệnh gout

1. Acid uric và bệnh gout

Acid uric được tạo ra khi cơ thể phân hủy các bazơ purin ngoại sinh có trong thực phẩm hoặc purin nội sinh tạo ra trong quá trình phá hủy tế bào tự nhiên trong cơ thể. Quá trình này được thực hiện chủ yếu ở gan, sau đó acid uric được lọc ở thận và bài tiết ra ngoài theo nước tiểu. Một ít acid uric được thải qua đường tiêu hóa. Acid uric trong máu tăng được gọi là hội chứng tăng acid uric máu.

Thông thường, acid uric chỉ tồn tại một lượng nhỏ trong máu và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng khi tăng quá mức nồng độ acid uric huyết thanh có thể gây ra sự lắng đọng tinh thể muối urate (monosodium urate) tại các khớp và mô mềm, gây ra bệnh gout. 

Song tăng acid uric máu không nhất định là bị bệnh gout. Thực tế có rất nhiều người bị tăng acid uric máu, nhưng chỉ có một số tiến triển thành gout. Ngoài gout, tăng acid uric máu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bệnh thận và rối loạn chuyển hóa khác.

Có nhiều nguyên nhân làm acid uric tăng bao gồm chế độ ăn và một số bệnh lý. Vì vậy mà xét nghiệm acid uric máu có thể chỉ ra một số tình trạng sức khỏe làm tăng tổng hợp quá mức acid uric và/hoặc giảm thải acid uric. Ví dụ như bệnh gan, thận, ung thư,…

Mức độ acid uric máu có thể được phát hiện dễ dàng qua xét nghiệm máu.

2. Mục đích của xét nghiệm acid uric máu

Xét nghiệm acid uric là một phần của khám sức khỏe tổng quát định kỳ để kiểm tra nồng độ acid uric trong máu. Từ đó kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng khác để tìm nguyên nhân gây tăng sản xuất acid uric hoặc giảm thải acid uric, cũng như tầm soát các bệnh lý do tăng acid uric máu gây ra.

Xét nghiệm acid uric máu là một xét nghiệm không thể thiếu trong việc chẩn đoán xác định các tình trạng: cơn đau quặn thận, thận ứ nước suy thận không rõ nguồn gốc, viêm khớp, đau khớp.

Một số triệu chứng của bệnh gout cần làm xét nghiệm acid uric máu là:

- Đau các khớp, đặc biệt là ngón chân cái, mắt cá chân và đầu gối;

- Vùng khớp bị ảnh hưởng đỏ, sưng;

- Khớp có cảm giác ấm khi chạm vào;

Xét nghiệm acid uric có thể được chỉ định để theo dõi bệnh gout, suy giảm chức năng thận, suy thận, các bệnh máu và thiếu máu do tan máu, bệnh nhân nghiện rượu. Ở bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị, xét nghiệm acid uric đảm bảo rằng nồng độ acid acid không tăng cao nguy hiểm.

Ngoài ra, xét nghiệm acid uric còn hữu ích để theo dõi mức độ bệnh và tiên lượng ở bệnh nhân nhiễm độc thai nghén nặng với nguy cơ tiền sản giật.

3. Xét nghiệm acid uric máu như thế nào

Xét nghiệm acid uric được thực hiện như những xét nghiệm máu thông thường khác:

- Người bệnh ngồi ở tư thế thích hợp.

- Nhân viên y tế khử trùng vị trí lấy máu, có thể quấn một sợi dây thun quanh cánh tay.

- Sử dụng kim tiêm lấy máu từ tĩnh mạch cánh tay hoặc bàn tay.

- Sau khi đã lấy đủ lượng máu cần cho xét nghiệm, rút kim tiêm ra bơm máu vào ống nghiệm.

- Dán băng cá nhân lên vị trí lấy máu.

- Gửi mẫu máu đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Đây là một xét nghiệm máu rất an toàn. Tùy vào cảm giác đau mà bạn có thể không cảm thấy gì hoặc đau nhói nhẹ tại vị trí đâm kim. 
Xét nghiệm acid uric thường yêu cầu nhịn ăn 6-8 tiếng trước khi làm xét nghiệm.

4. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm acid uric máu

 
Xét nghiệm axit uric ở người có triệu chứng bệnh gout

Nồng độ acid uric ở người khỏe mạnh thường là 154 - 428 μmol/L. Giá trị tham chiếu có thể khác nhau tùy theo giới tính và phương pháp của từng phòng thí nghiệm. Mức độ acid uric ở nam giới thường cao hơn nữ giới.

Xét nghiệm acid uric không phải là xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout, nhưng các triệu chứng của gout kết hợp với acid uric máu cao là cơ sở để chẩn đoán. Tuy nhiên, khoảng 20-30% trường hợp bị gout nhưng có nồng độ acid uric bình thường. Cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác để xác định nguyên nhân gây tăng acid uric.

Acid uric trong máu tăng do tăng sản xuất axit uric. Một số nguyên nhân gây tăng sản xuất acid uric thường gặp là:

- Tăng axit uric máu tiên phát (vô căn).

- Điều trị ung thư (sau hóa trị liệu, xạ trị).

- Bệnh lơ xê mi cấp.

- U lympho

- Thiếu máu do tan máu (bệnh hồng cầu hình liềm, sốt rét…).

- Béo phì.

- Chế độ ăn giàu purin.

Acid uric trong máu tăng do giảm bài tiết acid uric. Một số nguyên nhân gây giảm bài tiết acid uric thường gặp là:

- Suy thận.

- Nghiện rượu.

- Dùng thuốc lợi tiểu.

- Nhiễm toan lactic.

- Suy tim ứ huyết.

- Một số loại thuốc (aspirin liều thấp, thuốc lợi tiểu…)

Ngoài ra, acid uric trong máu có thể tăng do các nguyên nhân khác là:

- Nhiễm virus Epstein-Barr.

- Nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật.

- Suy cận giáp trạng.

- Suy giáp.

- Ngộ độc chì.

- Chấn thương.

Ngược lại, nồng độ acid uric trong máu cũng có thể thấp hơn bình thường. Các nguyên nhân thường gặp gây giảm nồng độ acid uric trong máu là:

- Bệnh Wilson.

- Hội chứng Fanconi.

- Hòa loãng máu.

- Hội chứng tiết ADH không thích hợp (SIADH).

- Tổn thương ống thận gần.

- Một số loại thuốc (benzbromaron, allopurinol, cortison…)

- Bệnh Celiac.

- Bệnh Hodgkin.

- To đầu chi.

- Thiếu enzym xanthin oxydase.

5. Cần làm gì khi kết quả acid uric máu cao 

 
Thực phẩm giàu purin làm tăng acid uric

Acid uric trong máu cao hơn bình thường nhưng không gây ra triệu chứng nào được gọi là tăng acid uric máu không triệu chứng. Trường hợp này khá phổ biến, phần lớn không cần điều trị mà chỉ cần điều chỉnh lối sống bao gồm tránh rượu bia, tăng uống nước và hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều purin.  

Một số thực phẩm chứa nhiều purin là: măng tây, đồ uống chứa caffein, nấm, rau bina, rượu bia và nội tạng động vật.

Những người đã điều chỉnh chế độ ăn uống nhưng không thay đổi được tình trạng tăng acid uric, hoặc có thành viên trong gia đình bị bệnh gout, sỏi thận hoặc bệnh thận do tăng acid uric máu cần được điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Khi acid uric tăng cao kèm theo triệu chứng, tùy vào tình trạng của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Nếu được chẩn đoán gout, bạn cần điều trị bao gồm dùng thuốc và điều chỉnh lối sống. 
---
Tham khảo:
Sách “Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng”