XÉT NGHIỆM INSULIN LÀ GÌ?

Xét nghiệm insulin đánh giá nồng độ hormone insulin trong máu. Mức độ insulin tăng hoặc giảm phản ánh một số tình trạng như u tụy nội tiết, hạ đường huyết, kháng insulin hay đái tháo đường. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về xét nghiệm này.

 
Xét nghiệm insulin đo nồng độ insulin trong máu

1. Xét nghiệm insulin là gì?

Xét nghiệm insulin là xét nghiệm đo nồng độ insulin trong máu.

Insulin là một hormone peptide được sản xuất bởi tế bào beta của tuyến tụy. Insulin tham gia và quá trình điều hòa chuyển hóa và vận chuyển một số chất, trong đó được biết đến nhiều nhất là glucose. Glucose có nguồn từ thực phẩm, là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, insulin tham gia vào quá trình nhập glucose từ máu vào tế bào.

Ngoài ra insulin còn vận chuyển carbohydrat, axit amin, protein và lipid; đồng thời còn kích thích tổng hợp và dự trữ triglyceride và protein.

Ở bệnh nhân đái tháo đường, tiết insulin thường giảm hoặc ngừng hoàn toàn. Ở trường hợp có khối u tiết insulin, insulin được tiết ra tăng lên và mất khả năng kiểm soát.

2. Mối quan hệ giữa insulin và bệnh đái tháo đường

Insulin đóng vai trò quan trọng trong việc giữ glucose trong máu ở mức thích hợp. Khi nồng độ glucose trong máu tăng lên, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin; khi nồng độ glucose trong máu giảm xuống; tuyến tụy sẽ ngừng tiết insulin. 

Nếu glucose trong máu tăng nhưng không có đủ insulin, glucose sẽ được giữ lại trong máu gây ra tình trạng tăng đường huyết.  Ngược lại, nếu có quá nhiều insulin trong máu thì glucose trong máu sẽ rất thấp gây ra tình trạng hạ đường huyết. Tăng đường huyết hay hạ đường huyết đều rất nguy hiểm.

Ở bệnh đái tháo đường tuýp 1, cơ thể sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin dẫn đến tăng đường huyết.

Kháng insulin là tình trạng tế bào không phản ứng với insulin dẫn đến glucose bị giữ lại trong máu. Tình trạng này thường phát triển trước bệnh đái tháo đường tuýp 2. Lúc đầu, kháng insulin khiến cơ thể sản xuất ra nhiều insulin hơn để bù đắp cho lượng insulin hoạt động kém hiệu quả, có thể gây hạ đường huyết. Nhưng tình trạng kháng insulin kéo dài sẽ làm giảm khả năng sản xuất insulin, từ đó dẫn đến lượng đường trong máu tăng lên, gây ra bệnh đái tháo đường loại 2.

3. Mục đích của xét nghiệm insulin?

Xét nghiệm insulin được thực hiện cùng xét nghiệm glucose máu để chẩn đoán u tụy nội tiết (khối u tiết insulin), được gọi là insulinoma. Nếu bệnh nhân đã điều trị, xét nghiệm này có thể được chỉ định để theo dõi hiệu quả điều trị và theo dõi ung thư tái phát.

Xét nghiệm insulin góp phần đánh giá và theo dõi tình trạng kháng insulin. Nếu nồng độ insulin máu cao trong khi nồng độ glucose máu bình thường hoặc hơi cao cho thấy tuyến tụy đang phải hoạt động tích cực hơn mức bình thường.

Xét nghiệm insulin giúp tìm nguyên nhân hạ đường huyết, đặc biệt là khi có dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết; thường được thực hiện đồng thời với xét nghiệm đường huyết, proinsulin, kháng thể kháng insulin và C-peptide.

Xét nghiệm insulin được sử dụng để hỗ trợ cho chẩn đoán tình trạng đái tháo đường tuýp 2 và xác định thời điểm cần chuyển sang điều trị bằng insulin bổ sung. Đôi khi, nó cũng được chỉ định cùng với các xét nghiệm khác như glucose, hemoglobin AIC để chẩn đoán và theo dõi bệnh đái tháo đường tuýp 1.

Đôi khi, xét nghiệm insulin còn được sử dụng để xác định và theo dõi sự thành công của một ca ghép tụy, bằng cách đánh giá khả năng sản xuất insulin của mô ghép.

 
Xét nghiệm insulin ở người có triệu chứng hạ đường huyết

4. Ai cần làm xét nghiệm insulin

Bạn có thể cần xét nghiệm insulin trong máu nếu có triệu chứng của hạ đường huyết như:

- Vã mồ hôi

- Run 

- Đánh trống ngực

- Hồi hộp, lú lẫn

- Chóng mặt

- Mờ mắt

- Cảm giác cực kỳ đói

- Co giật

- Ngất xỉu

Các triệu chứng trên có thể là do tình trạng hạ đường huyết gây ra, nhưng cũng có thể gặp ở một số bệnh lý khác.

Xét nghiệm insulin cũng được chỉ định ở các đối tượng:

- Bệnh nhân đái tháo đường mà bác sĩ cần theo dõi việc sản xuất insulin.

- Có tình trạng kháng insulin hoặc có triệu chứng nghi ngờ kháng insulin.

- Sau điều trị u tụy nội tiết.

- Sau cấy ghép tụy.

5. Cách thực hiện xét nghiệm insulin

Xét nghiệm insulin tiến hành trên huyết thanh. Nhân viên y tế sẽ sử dụng một kim tiêm nhỏ để lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay của bạn. Mẫu máu được thu thập trong một ống nghiệm và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Xét nghiệm này yêu cầu nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi lấy máu xét nghiệm. Nếu bạn đang điều trị bằng insulin thì bác sĩ có thể sẽ yêu cầu ngừng sử dụng trước khi xét nghiệm.

Xét nghiệm insulin cũng giống như các xét nghiệm máu khác, rất an toàn và nhanh chóng. Các rủi ro khi lấy máu là rất nhỏ, ngoài cảm giác châm chích như kiến cắn, có thể chảy một ít máu hoặc bầm tím nhẹ ở vị trí đâm kim. Các triệu chứng này hầu hết sẽ biến mất nhanh chóng.

6. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm insulin

Giá trị insulin bình thường là 6-29IU/ml hay 43-208 pmol/L. Giá trị tham chiếu này có thể khác nhau, còn tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm của từng phòng xét nghiệm.

Insulin trong máu có thể tăng vì một số nguyên nhân sau:

- Khối u tụy nội tiết (insulinoma)

- Đái tháo đường tuýp 2

- Tình trạng kháng insulin

- Hạ đường huyết

- Hội chứng Cushing – một rối loạn của tuyến thượng thận

- Bệnh to đầu chi

- Không dung nạp fructose hoặc galactose

- Tiêm insulin ngoại sinh

- Béo phì

Insulin trong máu có thể giảm vì một số nguyên nhân sau:

- Tăng đường huyết

- Đái tháo đường tuýp 1

- Viêm tụy mạn tính

Insulin và glucose có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, bác sĩ có thể sẽ chỉ định và phân tích kết quả của 2 xét nghiệm cùng nhau trước khi đưa ra chẩn đoán. Ngoài ra, một số xét nghiệm máu khác có thể được thực hiện cùng insulin là: proinsulin, C-peptite, cortisol, beta-hydroxybutyrate (BHOB)

7. Những yếu tố có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm

Một số yếu tố sau có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm:

- Dùng chất đồng vị phóng xạ để chụp xạ hình trong vòng 7 ngày gần đây.

- Bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu sẽ gây phá hủy insulin.

- Có kháng thể kháng insulin.

- Một số thuốc làm tăng nồng độ insulin máu: leucine, arginine, lysine, steroid, adrenalin, albuterol, canxi gluconat, fructose, glucagon, glucose, insulin, sulfonylurea, glinide, levodopa, acetat medroxy-progesteron, thuốc ngừa thai uống, prednisolon, quinidin, spironolacton, sucrose, terbutalin, hormone tuyến giáp, tolazamid, tolbutamid, chất chủ vận beta 2.

- Một số thuốc làm giảm nồng độ insulin máu: asparaginase, thuốc chẹn beta, calcitonin, cimetidin, axit ethacrynic, ethanol, ete, furosemid, acarbose, metformin, octreotide, phenobacbital, phenytoin, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid.

- Mức insulin cũng có thể giảm do tan máu hoặc chạy thận nhân tạo.