1. Ung thư thực quản là gì
Ung thư thực quản (Tiếng Anh: Esophageal Cancer) là tình trạng các tế bào ác tính hình thành trong các mô của thực quản. Ung thư thực quản thường xảy ra ở người 50-60 tuổi, nam nhiều hơn nữ, với các yếu tố nguy cơ chính là sử dụng nhiều rượu bia, hút thuốc lá, có thói quen ăn uống nóng và bệnh Barrett thực quản. Ung thư thực quản có tiên lượng rất xấu vì ít khi được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm.
2. Có mấy loại ung thư thực quản
Ung thư thực quản được chia thành hai loại:
- Ung thư biểu mô vảy: Ung thư phát triển từ các tế bào dạng biểu bì ở thành thực quản. Xảy ra hầu hết ở đoạn 1/3 giữa và 1/3 trên của thực quản.
- Ung thư biểu mô tuyến: Ung thư bắt đầu từ các tế bào tuyến. Thường gặp ở đoạn 1/3 dưới thực quản, gần dạ dày.
Ung thư thực quản nằm trong top 10 những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo Globocan 2020, trên thế giới có khoảng 604.000 ca mắc mới và 544.000 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, có 3.281 trường hợp được chẩn đoán mới và khoảng 3.000 ca tử vong vì ung thư thực quản mỗi năm.
Đa phần các trường hợp ung thư thực quản không được chẩn đoán sớm, khi phát hiện ung thư đã ở giai đoạn sau, khó điều trị, kết quả và tiên lượng xấu.
Tế bào ung thư hình thành tại thực quản
3. Các triệu chứng của ung thư thực quản là gì?
Trong giai đoạn sớm, ung thư thực quản không có triệu chứng đặc hiệu nào. Các phản ứng nuốt vướng thường bị bỏ qua. Đây là lý do tại sao bạn nên tầm soát ung thư thực quản định kỳ nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ bị ung thư thực quản.
Một số triệu chứng thường gặp của ung thư thực quản là:
- Nuốt nghẹn: ở giai đoạn sớm thỉnh thoảng bị nuốt vướng. Chứng nuốt nghẹn nghiêm trọng hơn khi khối u phát triển và xấm lấn rộng. Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư thực quản.
- Đau khi nuốt: là một triệu chứng thường gặp. Thường đau sau xương ức. Có thể đau bụng nếu khối u thực quản thấp. Cơn đau có thể lan ra sau lưng, lên cằm, sau tai hoặc vùng trước tim.
- Các triệu chứng khác như: ợ hơi, buồn nôn và nôn mửa, tăng tiết nước bọt, sặc.
- Các dấu hiệu tiến triển, xâm lấn: nôn ra máu, đi ngoài phân đen, viêm phổi, ho dai dẳng, khàn tiếng, hội chứng Horner (mí mắt rũ xuống, co đồng tử, giảm tiết mồ hơi một bên mặt).
- Triệu chứng toàn thân: sút cân, da khô, mệt mỏi, thiếu máu…
Có một trong các triệu chứng trên không có nghĩa là bạn chắc chắn bị ung thư thực quản. Tuy nhiên bạn vẫn cần đi khám bác sỹ vì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác cần được điều trị.
4. Các yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản là gì?
Thuốc lá là một yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản
Một người có yếu tố nguy cơ nào đó không nhất định sẽ bị ung thư thực quản. Nhưng khi có yếu tố nguy cơ tức là khả năng bị ung thư thực quản của bạn cao hơn. Dưới đây là những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến ung thư thực quản:
- Sử dụng thuốc lá, thuốc lào: Đây một nguy cơ chính của ung thư thực quản. Thời gian hút thuốc càng lâu và số lượng hút càng nhiều thì nguy cơ càng cao.
- Uống nhiều rượu bia: Sử dụng rượu bia với số lượng lớn làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Rượu bia kết hợp với thuốc lá rất nguy hiểm, càng làm tăng nguy cơ, đặc biệt là loại ung thư biểu mô vảy.
- Béo phì: Những người thừa cân - béo phì có nguy cơ bị ung thư thực quản vì dễ bị trào ngược dạ dày hơn.
- Chế độ ăn: Ăn nhiều thịt chế biến sẵn, đồ ngâm muối, ngâm chua có nguy cơ bị ung thư thực quản cao hơn những người ăn nhiều trái cây và rau quả. Ăn uống đồ quá nóng thường xuyên cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư thực quản cần lưu ý.
- Barrett thực quản: Nguy cơ ung thư biểu mô tuyến cao hơn ở những người bị Barrett thực quản. Đa phần Barrett thực quản xuất hiện ở người bị trào ngược dạ dày thực quản mạn tính.
- Co thắt tâm vị (Achalasia): Những người bị chứng co thắt tâm vị có nguy cơ ung thư thực quản cao hơn nhiều lần bình thường.
- Hội chứng Plummer-Vinson (hoặc Paterson-Kelly): Đây là hội chứng hiếm gặp. Khoảng 1/10 người mắc hội chứng này cuối cùng phát triển thành ung thư thực quản hoặc ung thư hạ họng.
- Tổn thương thực quản: Những người bị tổn thương thực quản do uống phải chất tẩy rửa gây bỏng hóa chất ở thực quản có thể để lại mô sẹo. Những người này có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản nhiều năm sau đó.
- Nhiễm virus HPV: HPV là virus u nhú ở người. HPV chủ yếu gây ra ung thư vòm họng, ung thư hậu môn và đặc biệt là ung thư cổ tử cung. HPV là một nguyên nhân hiếm gặp của ung thư thực quản.
Bên cạnh đó, nam giới có khả năng bị ung thực quản cao gấp 3 lần nữ giới. Nguy cơ ung thư thực quản tăng lên theo tuổi tác, phổi biến nhất ở những người trên 50 tuổi.
5. Ung thư thực quản được chẩn đoán như thế nào?
Đau ngực là triệu chứng thường gặp ở ung thư thực quản
Các phương pháp cận lâm sàng được sử dụng trong chẩn đoán ung thư thực quản:
- Nội soi thực quản quan sát trực tiếp hình ảnh khối u, giúp xác tổn thương, vị trí tổn thương, đánh giá nhu động của thực quản, mức độ tổn thương, kết hợp với bấm sinh thiết xét nghiệm mô bệnh học. Đây là phương pháp rất có giá trị trong chẩn đoán ung thư thực quản.
- Chụp X-quang cho thấy bất kỳ hình ảnh bất thường nào về hình dạng của thực quản.
- Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư trong máu như SCC, Cyfra 21-1, CA 19-9, CEA.
- Siêu âm nội soi thực quản giúp đánh giá khối u còn khu trú hay đã xâm lấn, di căn hạch cạnh thực quản.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) và chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp đánh giá mức độ xâm lấn của khối u, các tổn thương di căn…
- Một số xét nghiệm khác: Chụp PET/CT, Xét nghiệm HER-2, xạ hình xương …
6. Điều trị ung thư thực quản như thế nào?
Việc điều trị phụ thuộc vào loại, vị trí, mức độ tổn thương và giai đoạn ung thư, cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các phương điều trị chính cho ung thư thực quản là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, miễn dịch hoặc kết hợp các phương pháp:
a. Phẫu thuật
Được sử dụng cho ung thư ở giai đoạn có thể phẫu thuật được. Nhưng đối với ung thư thực quản 1/3 trên việc phẫu thuật sẽ rất khó khăn. Tùy vào vị trí và mức độ mà phẫu thuật có thể cắt khối u, cắt hớt niêm mạc, cắt đoạn thực quản bị ung thư hay phẫu thuật mở thông dạ dày.
b. Xạ trị
Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng trước hoặc sau khi phẫu thuật và thường được sử dụng kết hợp với hóa trị.
c. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị bằng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc thường được dùng trước hoặc sau khi phẫu thuật hoặc kết hợp với xạ trị cho những người bị ung thư thực quản.
Khi ung thư thực quản ở giai đoạn muộn và có di căn xa, điều trị tùy vào tổn thương di căn, kết hợp nhiều phương pháp cùng với điều trị triệu chứng, dinh dưỡng cho người bệnh.
7. Tiên lượng của ung thư thực quản
Tùy theo giai đoạn ung thư khi được chẩn đoán lần đầu tiên mà ung thư thực quản có kết quả tiên lượng khác nhau. Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ trên những người được chẩn đoán mắc ung thư thực quản từ năm 2010 đến năm 2016 thì nếu ung thư ở giai đoạn khu trú (chỉ phát triển ở thực quản), tỷ lệ sống trong 5 năm là 47%. Thời gian sống giảm mạnh qua từng giai đoạn. Khi ung thư ở giai đoạn di căn xa (lan đến hạch bạch huyết ở xa hoặc lan đến cơ quan khác), tỷ lệ sống trong 5 năm chỉ còn 5%.
8. Có cách nào để phòng ngừa ung thư thực quản không?
Không có cách để loại trừ hoàn toàn khả năng bị ung thư thực quản, nhưng một biện pháp dưới đây có thể giúp hạn chế nguy cơ ung thư thực quản:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào, kể cả các hình thức sử dụng khác.
- Không uống rượu bia.
- Hạn chế thức ăn chứa nitrosamine. Đây là các hợp chất có thể xuất hiện tự nhiên trong quá trình bảo quản thực phẩm cá, thịt, thức ăn chế biến sẵn. Thực phẩm ướp muối hay ngâm muối như cá muối, dưa chua, đặc biệt là dưa muối bị khú có hàm lượng nitrosamine cao.
- Tăng cường các loại vitamin từ thực phẩm, nhất là trái cây và rau củ.
- Giảm cân nếu bị thừa cân/béo phì.
- Điều trị triệt để các bệnh thực quản.
- Nội soi thực quản tầm soát ung thư
Những người từ 40 tuổi trở lên hoặc có yếu tố nguy cơ nên tầm soát ung thư thực quản để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ có thể phát triển thành ung thư. Việc phát hiện ung thư thực quản ở giai đoạn sớm sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong điều trị và cải thiện cuộc sống cho người bệnh.
BS CK I NGUYỄN VĂN THÔNG