Theo dõi và tuân thủ các cột mốc khám thai định kỳ quan trọng giúp mẹ bầu chăm sóc sức khỏe thai nhi, phòng ngừa nguy cơ biến chứng sản khoa.

1. Ý nghĩa của việc khám thai định kỳ
Người mẹ nào cũng mong muốn con mình ra đời an toàn, khỏe mạnh. Nhưng trong giai đoạn mang thai có thể xảy ra rất nhiều vấn đề bất thường. Điều này có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thai nghén được phân loại thành thai nghén có nguy cơ thấp và thai nghén có nguy cơ cao. Có thể hiểu rằng, không có thai nghén nào là an toàn tuyệt đối.

Tuân thủ lịch khám thai định kỳ giúp mẹ bầu phát hiện sớm các triệu chứng bất thường và nguy cơ sản khoa có thể gặp phải
Vì thế, khám thai định kỳ rất quan trọng và không thể thiếu đối với phụ nữ mang thai. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai nên khám thai định kỳ tối thiểu 3 lần ở từng tam cá nguyệt (thời gian từ khi mang thai đến lúc sinh nở).
Tuân thủ lịch khám thai định kỳ giúp mẹ bầu phát hiện sớm các triệu chứng bất thường và nguy cơ sản khoa có thể gặp phải. Trong mỗi lần khám, bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc và tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp theo từng giai đoạn của thai kỳ để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé, kịp thời xử lý các vấn đề bất thường.
2. Các cột mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần lưu ý
Sau khi xác định chính xác mình đang mang thai, việc định kỳ khám thai là một phần quan trọng để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Ở những giai đoạn khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp khám thai khác nhau để sàng lọc và tầm soát các nguy cơ có thể gặp phải. Đây cũng là cơ hội để bác sĩ hỗ trợ và tư vấn cho mẹ bầu về các biện pháp chăm sóc và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Dưới đây là các cột mốc khám thai quan trọng giúp mẹ bầu theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các vấn đề bất thường:
2.1. Khám thai lần đầu: Thai kỳ đã được 5-8 tuần
Lần khám thai đầu tiên vô cùng quan trọng, thường thực hiện khi thai kỳ đã được 5-8 tuần sau khi nhận biết mang thai. Mẹ bầu có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu trễ kinh, sử dụng que thử thai hay các dấu hiệu đặc trưng khác như thai nghén.
Ở lần khám đầu tiên, mẹ bầu có thể được bác sĩ yêu cầu thực hiện các kiểm tra xét nghiệm như:
- Kiểm tra chỉ số BMI (liên quan đến cân nặng và chiều cao): Để đánh giá tình trạng thừa cân hay béo phì của mẹ bầu. Nếu chỉ số BMI cao, mẹ bầu sẽ được bác sĩ hướng dẫn kiểm soát cân nặng trong thai kỳ để giảm nguy cơ biến chứng xảy ra.
- Kiểm tra huyết áp: Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra huyết áp để phòng ngừa nguy cơ tăng huyết áp và tiền sản giật.
- Siêu âm: Để xác định vị trí làm tổ của phôi thai và loại trừ các trường hợp mang thai ngoài tử cung gây nguy hiểm, mẹ bầu cũng sẽ được thực hiện siêu âm bởi chỉ định của bác sĩ trong lần khám thai đầu tiên.
- Xét nghiệm máu: Trong trường hợp siêu âm không thấy rõ túi thai (túi bao bọc thai nhi) hoặc có dấu hiện bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ bầu tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện của hormone hCG (hormone giúp xác định phụ nữ có thai hay không)
Cuối cùng, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tính tuổi thai và dự đoán ngày sinh dựa trên kết quả siêu âm hoặc ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng của mẹ.
Bên cạnh các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán, bác sĩ cũng sẽ hỏi thêm thông tin về tiền sử bệnh lý của mẹ bầu và gia đình để đề phòng các bệnh lý có thể xảy ra như bệnh Down, bệnh tăng huyết áp, bệnh tiểu đường … Đồng thời tầm soát các nguy cơ trong thai kỳ như sảy thai, sinh non, tiền sản giật hay sản giật …
Trong lần khám đầu tiên này, mẹ bầu sẽ được hướng dẫn bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết để đáp ứng đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ tư vấn về lối sống lành mạnh về chế độ ăn uống khoa học và những điều cần tránh trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
2.2. Khám thai lần thứ hai: Thai kỳ đã được 8-10 tuần
Nếu ở lần siêu âm đầu tiên, bác sĩ chưa quan sát được phôi thai hay nghe được tim thai thì mẹ bầu sẽ được hẹn lịch khám khi thai nhi đã được 8-10 tuần. Lúc này, bác sĩ sẽ kiểm tra chi tiết hơn về sức khỏe của phôi thai và thực hiện siêu âm tim thai. Các xét nghiệm thường giống như trong lần khám thai đầu tiên nếu chưa thực hiện.
2.3. Khám thai lần thứ ba: Thai kỳ đã được 11-13 tuần 6 ngày
Thai nhi đạt 11-13 tuần 6 ngày tuổi là thời điểm quan trọng trong kế hoạch khám thai định kỳ của mẹ bầu. Đây là thời điểm lý tưởng để phát hiện và loại bỏ các dị tật bẩm sinh. Bác sĩ sẽ tiến hành đo độ mờ da gáy và tầm soát cấu trúc của thai nhi, đồng thời gợi ý khả năng bất thường về nhiễm sắc thể...
Ở lần khám này, mẹ bầu sẽ được chỉ định siêu âm để phát hiện các dị tật như vô sọ, hở bụng, thoát vị rốn, bất thường về xương mũi, tim, não... Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu, đo huyết áp cho mẹ bầu để tầm soát về số lượng nhiễm sắc thể bất thường và kiểm tra nguy cơ tiền sản giật.
2.4. Khám thai lần thứ tư: Thai kỳ đã được 16-18 tuần
Để theo dõi tình trạng và sự phát triển của thai nhi, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm thai cho mẹ bầu. Đối với mẹ bầu có tiền sử sinh non hoặc thai kỳ có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ chỉ định đo chiều dài của kênh cổ tử cung để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.
2.5. Khám thai lần thứ năm: Thai kỳ đã được 20-24 tuần
Buổi khám thai định kỳ thứ năm sẽ giúp theo dõi sự phát triển của thai nhi và tầm soát dị tật chính xác hơn. Ở lần khám này, mẹ bầu không thể bỏ lỡ bởi các xét nghiệm quan trọng bao gồm siêu âm hình thái thai nhi để phát hiện sớm những vấn đề bất thường. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ tầm soát cho mẹ bầu các dấu hiệu dọa sinh non bằng cách đo chiều dài của kênh cổ tử cung. Các xét nghiệm chuyên sâu hơn cũng được chỉ định thực hiện để kiểm tra chính xác hơn nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường.
-cho-m%E1%BA%B9-b%E1%BA%A7u.png)
Khám thai định kỳ lần thứ 5 khuyến cáo tiêm vắc xin uốn ván (VAT) cho mẹ bầu
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm mà mẹ bầu được khuyến cáo tiêm vắc xin uốn ván (VAT) mũi đầu tiên để bảo vệ sức khỏe của bản thân và thai nhi.
2.6. Khám thai lần thứ sáu: Thai kỳ đã được 24-28 tuần
Tương tự các lần khám trước, mẹ bầu sẽ trải qua một loạt các kiểm tra cần thiết để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Các kiểm tra có thể bao gồm kiểm tra cân nặng, xét nghiệm nước tiểu, đo huyết áp và các kiểm tra cần thiết khác theo yêu cầu của bác sĩ.
Nghiệm pháp dung nạp đường là một trong các xét nghiệm quan trọng được thực hiện trong buổi khám thai này, hỗ trợ tầm soát nguy cơ đái tháo đường trong thai kỳ.
Ngoài ra, ở giai đoạn này, mẹ bầu cũng sẽ tiếp tục tiêm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (Boostrix) nếu thai nhi đã được hơn 27 tuần.
Đối với mẹ bầu có nguy cơ bị bệnh viêm gan B, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu cho mẹ để biết được tình trạng của thai kỳ và quyết định cần phải điều trị viêm gan B để giảm nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi hay không.
2.7. Khám thai lần bảy: Thai kỳ đã được 28-32 tuần
Ở lần khám này, sau khi đã thực hiện các kiểm tra cần thiết như đo cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm tim thai. Thai nhi sẽ tiếp tục được siêu âm hình thái học quý 3. Điều này giúp phát hiện và theo dõi bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xuất hiện muộn ở giai đoạn cuối của thai kỳ.

Khám thai định kỳ thực hiện siêu âm hình thái học cho thai nhi
2.8. Khám thai lần thứ tám: Thai kỳ đã được 32-36 tuần
Khi thai nhi đạt đến 32-36 tuần tuổi, mẹ bầu cần đến khám thai để kiểm tra ngôi thai và sự phát triển của thai nhi. Ở giai đoạn này, bác sĩ thường thăm khám cho mẹ bầu đều đặn hơn mỗi hai tuần một lần. Đối với những trường hợp đặc biệt, mẹ bầu có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của mẹ và thai nhi.
2.9. Khám thai lần thứ chín: Thai kỳ đã được 36-40 tuần
Lần khám thai thứ 9 diễn ra khi thai nhi đạt đến 36-40 tuần tuổi. Trong thời gian này, mẹ bầu sẽ được hẹn tái khám mỗi tuần. Bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe của thai nhi thông qua kết quả siêu âm và đo nhịp tim của thai nhi. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể đưa ra dự đoán về khả năng sinh ngả âm đạo (khả năng sinh thường) thông qua đánh giá cổ tử cung và khung chậu của người mẹ.
Tùy theo từng giai đoạn phát triển của thai kỳ, bác sĩ sẽ sắp xếp lịch khám thai định kỳ và các phương pháp kiểm tra phù hợp. Mẹ bầu hãy cố gắng đúng hẹn lịch khám định kỳ với bác sĩ để theo dõi liên tục sự phát triển của thai nhi, đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé.
3. Khi khám thai mẹ bầu cần lưu ý những gì?
Tùy vào từng giai đoạn của thai kỳ, mẹ bầu sẽ được các bác sĩ áp dụng các phương pháp khám thai phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý giúp mẹ bầu có sự chuẩn bị tốt nhất, tiết kiệm thời gian, công sức, đặc biệt ở các giai đoạn cuối thai kỳ, khó di chuyển:
- Đặt lịch khám trước với bác sĩ: Để tiết kiệm thời gian đăng ký khám thai và chờ tới lượt khám như bình thường, mẹ bầu có thể chủ động hẹn lịch khám trước với bác sĩ.
- Tuân thủ lịch hẹn khám thai định kỳ: Để không bỏ lỡ các xét nghiệm hay kiểm tra quan trọng nào, mẹ bầu nên nhớ kỹ lịch hẹn với bác sĩ.

Đặt lịch khám thai định kỳ trước với bác sĩ giúp mẹ bầu tiết kiệm thời gian và công sức
- Lựa chọn trang phục thoải mái: Mặc đồ rộng rãi và thoải mái sẽ giúp mẹ bầu dễ dàng đăng ký thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, siêu âm thuận tiện.
- Chuẩn bị trước khi siêu âm: Trước khi tiến hành siêu âm, ở giai đoạn đầu của thai kỳ, mẹ bầu cần uống đủ nước và tránh đi tiểu. Điều này giúp bàng quang căng đầy, bác sĩ dễ dàng quan sát kết quả siêu âm. Ngược lại, ở giai đoạn tiếp theo, khi thai nhi đã lớn hơn, mẹ cần đi tiểu trước để làm trống bàng quang, giúp bác sĩ thuận tiện theo dõi.
- Ăn uống và vệ sinh sạch sẽ trước khi khám: Tránh sử dụng chất kích thích như cà phê, hạn chế ăn uống trước khi khám thai và vệ sinh sạch sẽ cơ thể trước khi đến phòng khám là những điều quan trọng mẹ cần lưu ý.
- Vệ sinh cơ thể trước khi khám: Để đảm bảo vệ sinh trong quá trình khám, mẹ bầu nên chú ý vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vùng kín. Tránh sử dụng nước hoa có mùi quá nồng. Ở những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu có thể sử dụng lớp băng vệ sinh mỏng nếu cần thiết để giữ cho vùng kín khô ráo.
- Chế độ ăn phù hợp trước khi khám: Phụ nữ mang thai cần tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, nước ngọt, và thuốc lá. Nếu ngày khám có thực hiện kiểm tra đường huyết, hãy tuân thủ chỉ dẫn nhịn ăn từ bác sĩ. Đối với siêu âm tim thai hoặc hình thái học 4D, hãy ăn no trước đó. Có thể chuẩn bị thêm bánh, sữa cho mẹ bầu ăn trong thời gian chờ đợi hoặc sau khi xét nghiệm.
Trên đây là một số lưu ý giúp mẹ bầu có thể dễ dàng khám thai định kỳ, nhanh chóng và không tốn nhiều công sức. Tuy nhiên, tùy theo từng tình trạng của thai kỳ, bác sĩ có thể chỉ định khác đi cho phù hợp với các xét nghiệm thai kỳ cần thiết.
Mong rằng bài viết này có thể hỗ trợ mẹ bầu và những ai có dự định sinh con trong thời gian sắp tới. Chị em có thể lên kế hoạch cho việc theo dõi và thăm khám định kỳ hợp lý. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé, an tâm chào đón sự xuất hiện của các thiên thần nhỏ.