CÁC BỆNH PHỤ KHOA THƯỜNG GẶP VÀ TRIỆU CHỨNG

Bệnh phụ khoa là bệnh lý liên quan đến bộ phận sinh dục người phụ nữ. 90% phụ nữ Việt Nam ở độ tuổi sinh sản ít nhất một lần mắc bệnh phụ khoa trong đời.

 

1. Bệnh phụ khoa có nguy hiểm không?

Bệnh lý liên quan đến bộ phận sinh dục người phụ nữ như âm đạo, âm hộ, cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng … được gọi là bệnh phụ khoa. Bệnh phụ khoa không chỉ ảnh hưởng sức khỏe phụ nữ mà còn khiến chị em khó chịu nơi vùng kín, đánh mất tự tin trong cuộc sống.

Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 90% phụ nữ tại Việt Nam ở độ tuổi sinh sản ít nhất một lần mắc bệnh phụ khoa trong đời. Tuy nhiên, chị em phụ nữ nước ta có thói quen khám phụ khoa khá ít và chỉ đi khám khi bệnh bắt đầu có biểu hiện trở nặng.

Bệnh phụ khoa có nguy hiểm không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ cùng bác sĩ từ 6 tháng đến 1 năm 1 lần. Việc khám phụ khoa định kỳ giúp tầm soát các bệnh phụ khoa thường gặp như bệnh viêm âm đạo, bệnh u nang buồng trứng, bệnh liên quan đến u xơ tử cung … hay các trường hợp mắc bệnh ung thư phụ khoa ở giai đoạn sớm, nâng cao hiệu quả điều trị và hồi phục.

 

2. Một số bệnh phụ khoa thường gặp và triệu chứng

Thông thường, chị em phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Vì thế, khi bị rối loạn kinh nguyệt hay ra máu kinh nhiều hơn, kỳ kinh kéo dài, chị em phụ nữ nên đi thăm khám phụ khoa sớm cùng bác sĩ.

Dưới đây là một số bệnh phụ khoa thường gặp cùng các triệu chứng người bệnh có thể mắc phải như

2.1. Bệnh viêm sinh dục

Bệnh viêm âm hộ, viêm âm đạo là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân gây bệnh viêm âm hộ, viêm âm đạo do môi trường vi khuẩn bên trong âm đạo bị mất cân bằng, vi khuẩn không có lợi dễ dàng phát triển, gây nên các bệnh lý phụ khoa viêm nhiễm. 

Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày, chị em phụ nữ có một số thói quen có thể gây nên bệnh lý viêm nhiễm như nhiều chị em hay ngâm hoặc rửa vùng kín từ đằng sau ra trước. Điều này vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tồn tại ở hậu môn xâm nhập vào âm đạo. Từ đó dẫn đến vùng kín không được vệ sinh đúng cách, khiến vùng kín bị viêm nhiễm.

Một số triệu chứng cụ thể của bệnh viêm nhiễm bộ phận sinh dục ở phụ nữ như:

- Ra nhiều khí hư, có mùi và màu bất thường như màu vàng, xanh.

- Âm đạo đau, ngứa rát và có mùi, đôi khi có mụn bất thường.

- Khi quan hệ vùng kín bị đau, đi tiểu cảm thấy ngứa rát. 

2.2. Bệnh u xơ tử cung

Đây là khối u thường gặp ở tử cung, phần lớn là lành tính và phổ biến ở nữ giới từ 35 đến 50 tuổi hay thậm chí trẻ hơn. Vị trí của khối u xơ tử cung có thể ở dưới niêm mạc, dưới thanh mạc hay bên trong cơ với kích thước khác nhau. 

Bệnh u xơ tử cung là bệnh phụ khoa phổ biến ở nữ giới từ 35 đến 50 tuổi

Tùy vào kích thước và vị trí, người bệnh có thể có các triệu chứng khác nhau chẳng hạn như khối u xơ xâm lấn vào lòng tử cung. Từ đó có thể gây tình trạng chảy máu bất thường dẫn đến các triệu chứng rong huyết, rong kinh. Ngoài ra, khi các khối u xơ to có thể gây chèn ép lên các cơ quanh xung quanh như trực tràng, bàng quang dẫn đến các triệu chứng như tiểu khó, tiểu lắt nhắt, táo bón …

Nguy hiểm hơn, một số loại u xơ tử cung có thể tăng nguy cơ sảy thai, vô sinh hay ngôi thai bất thường …

Bệnh u xơ tử cung có thể gây ra một số triệu chứng cụ thể ở người bệnh như:

- Máu kinh ra nhiều, kinh nguyệt không đều, xuất huyết bất thường.

- Ra nhiều khí hư. 

- Đau bụng dưới.

- Đi tiểu nhiều lần.

- Khi quan hệ tình dục cảm thấy đau và bị chảy máu.

- Táo bón.

2.3. Bệnh u nang buồng trừng

Bệnh u nang buồng trứng xảy ra khi một khối u khởi phát từ buồng trứng có chứa dịch đặc hoặc lỏng hoặc hỗn hợp. U nang buồng trứng có thể là u nang thực thể hoặc nang chức năng. 

Thông thường nang chức năng sẽ tự biến mất nhưng u nang thực thể có thể phát triển một cách âm thầm. Đến khi kích thước khối u đủ to có thể gây chèn ép đến các tạng lân cận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người phụ nữ.

Bệnh u nang buồng trứng có thể gây ra một số triệu chứng cụ thể ở người bệnh như:

- Đau lưng, đau vùng chậu.

- Cảm giác căng tức, nặng nề ở bụng dưới.

- Quá trình tiểu tiện hoặc đại tiện có thể gặp khó khăn.

- Khi gần gũi bạn tình cảm thấy đau.

- Giảm cân không rõ nguyên nhân.

- Khi gần gũi với người bạn tình cảm thấy đau bất thường.

- Đau trong chu kỳ kinh nguyệt.

- Âm đạo xuất huyết bất thường.

2.4. Bệnh viêm lộ tuyến tử cung

Bệnh viêm lộ tuyến tử cung là một trong các bệnh lý phụ khoa phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân gây bệnh viêm lộ tuyến tử cung do tế bào tuyến nằm bên trong ống cổ tử cung ở phía dưới lớp tế bào và phát triển ra bên ngoài. 

Bệnh viêm lộ tuyến tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản

Từ đó dẫn đến khả năng tăng tiết dịch ở vùng âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại xâm nhập dễ dàng, gây viêm nhiễm.

Bệnh viêm lộ tuyến tử cung có thể gây ra một số triệu chứng cụ thể ở người bệnh như:

- Ra nhiều khí hư bất thường, có màu vàng hoặc xanh, vùng kín có mùi khó chịu. Chị em có thể cảm thấy mệt mỏi, không chỉ thấy đau bụng dưới mà còn đau ở vùng kín, đau ở thắt lưng.

- Tiểu nhiều lần, tiểu rắt.

- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

2.5. Bệnh polyp cổ tử cung

Bệnh polyp cổ tử cung xảy ra khi các khối u phát triển có kích thước từ vài mm đến vài cm trên cổ tử cung. Khối u polyp cổ tử cung khi chạm vào dễ bị chảy máu, chúng thường có cuống, không nguy hiểm, lành tính và ít khi ảnh hưởng khả năng mang thai và sinh con sau này. 

Tuy nhiên, ở một số ít trường hợp, khối u polyp cổ tử cung vẫn có khả năng biến chứng nguy hiểm thành ung thư.

Bệnh polyp cổ tử cung có thể gây ra một số triệu chứng cụ thể ở người bệnh như:

- Đau lưng, đau vùng chậu.

- Vùng kín xuất huyết hay ra dịch bất thường.

- Tiểu tiện bất thường.

- Khi khối ung thư đã lan đến các hạnh bạch huyết hay các cơ quan khác, khối u có thể gây chèn ép và ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan đó. Chẳng hạn như khối u có thể đè lên, làm tắc tĩnh mạch và chèn ép bàng quang.

2.6. Bệnh lạc nội mạc tử cung

Bệnh lạc nội mạc tử cung xảy ra khi tế bào nội mạc tử cung được phát hiện bên ngoài tử cung của phụ nữ. Thông thường, bệnh lạc nội mạc tử cung có thể khiến người phụ nữ cảm thấy đau trong chu kỳ kinh nguyệt. 

Đồng thời bệnh có thể gây vô sinh khi ống dẫn trứng và buồng trứng bị tổn thương, từ đó ảnh hưởng quá trình phõng noãn và cản trở sự nhu động của ống dẫn trứng.

Bệnh lạc nội mạc tử cung có thể khiến phụ nữ đau trong chu kỳ kinh nguyệt

Bệnh lạc nội mạc tử cung có thể gây một số triệu chứng cụ thể ở người bệnh như:

- Trong thời gian hành kinh, phụ nữ có thể xuất hiện các triệu chứng đau vùng chậu, theo thời gian tần suất cơn đau tăng theo. Triệu chứng này có thể không giảm ngay cả khi đã uống thuốc giảm đau. 

- Vùng bụng và vùng thắt lưng thường xuyên đau mỏi.

- Khi quan hệ tình dục cảm thấy đau.

- Khi tiểu tiện, đại tiện trong thời gian hành kinh cảm thấy đau.

- Tiêu hóa có thể bị rối loạn, táo bón, tiêu chảy, người bệnh có thể thấy mệt mỏi, buồn nôn. Các triệu chứng này đặc biệt xuất hiện nhiều trong thời gian hành kinh.

2.7. Bệnh rối loạn sàn chậu

Bệnh rối loạn sàn chậu là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ đã trải qua việc mang thai, sinh nở, người bị thiếu hụt nội tiết ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Khi cơ thể phụ nữ phải đảm nhận sức nặng trong thai kỳ và áp lực của sự căng giãn khi sinh khiến cơ sàn chậu bị ảnh hưởng đến chức năng, hoạt động kém hiệu quả từ trong thai kỳ đến sau khi sinh.

Bệnh rối loạn sàn chậu có thể gây một số triệu chứng cụ thể ở người bệnh như:

- Tiểu tiện bị rối loạn: Són tiểu, tiểu không hết, tiểu nhiều lần, tiểu về đêm hay khó tiểu là các triệu chứng người bệnh có thể thường gặp khi bị rối loạn sàn chậu.

- Đại tiện bị rối loạn: Són phân, đau hậu môn, táo bón khi đại tiện nhiều lần, mắc đại tiện là triệu chứng phổ biến ở người mắc bệnh rối loạn sàn chậu.

- Sinh hoạt tình dục bị rối loạn: Giao hợp bị giảm cảm giác hoặc không có cảm giác, giãn rộng âm đạo hay không giao hợp được.

2.8. Bệnh buồng trứng đa nang

Bệnh buồng trứng đa nang là bệnh lý phụ khoa có liên quan đến việc các cơ quan nội tiết bị rối loạn và chuyển hóa. Người bị buồng trứng đa nang không chỉ tăng nguy cơ mắc bệnh lý nghiêm trọng khác mà còn phải đối mặt với khả năng sinh sản có thể bị ảnh hưởng đáng kể.

Bệnh buồng trứng đa nang có thể tác động nhiều đến buồng trứng khiến người bệnh bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Đồng thời, bệnh có thể tăng nồng độ nội tiết tố nam, rối loạn quá trình phóng noãn, từ đó nhiều nang nhỏ được hình thành bên trong buồng trứng.

Hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới

Bệnh buồng trứng đa nang có thể gây một số triệu chứng cụ thể ở người bệnh như:

- Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Trong nhiều tháng liền, người bệnh có thể bị mất kinh nguyệt do trục trặc trong quá trình rụng trứng.

- Hiện tượng rậm lông, lông tóc phát triển bất thường: Khi bị hội chứng buồng trứng đa nang, hơn 70% phụ nữ có hiện tượng rậm lông. Ngoài ra, số ít người bệnh bị tình trạng ngược lại như nang tóc yếu, hói đầu, rụng tóc … Nguyên nhân có thể do nồng độ các hormone nam trong cơ thể tăng lên.

- Béo phì, thừa cân.

- Da mặt bị nhiều mụn trứng cá, tăng tiết dầu hay da sạm hơn.

- Thường xuyên cảm thấy lo âu, căng thẳng, tâm trạng thất thường.

- Cảm giác tức, khó chịu nhiều và đau ở vùng chậu.

2.9. Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục hay bệnh STDs hình thành khi vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng lây lan từ người này sang người khác qua đường quan hệ tình dục không an toàn.

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp như bệnh lậu, bệnh giang mai, bệnh sùi mào gà …

Trên đây là một số bệnh phụ khoa thường gặp và các triệu chứng cụ thể có thể gặp phải khi mắc bệnh phụ khoa. Không phải ai có các triệu chứng trên đều mắc bệnh lý phụ khoa nhưng khi cơ thể đang trải qua các triệu chứng bất thường, chị em phụ nữ nên thăm khám phụ khoa cùng bác sĩ sớm nhất có thể để được chẩn đoán bệnh kịp thời, nâng cao hiệu quả điều trị.

Đồng thời, chị em phụ nữ cũng có thể thăm khám phụ khoa định kỳ kể cả khi không có triệu chứng bất thường. Điều này giúp tầm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh sớm và phòng tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.