1. Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em
COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên ít nghiêm trọng hơn người lớn. Hầu hết các trường hợp trẻ em nhiễm COVID-19 đều nhẹ và hồi phục nhanh chóng.
Một số trẻ có các yếu tố sau có nguy cơ bị bệnh COVID-19 nặng hơn:
- Béo phì
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh hen suyễn
- Bệnh tim bẩm sinh
- Các bệnh lý hệ thần kinh hoặc trao đổi chất
Một số trẻ bị COVID-19 nặng phải nhập viện, điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt hoặc phải đặt máy thở. Các trẻ này có nguy cơ bị hội chứng hậu COVID-19 cao hơn.
Một số trẻ khác, mặc dù chỉ bị bệnh COVID-19 nhẹ hoặc trung bình nhưng vẫn có thể bị hội chứng hậu COVID-10. Mặc dù số trẻ em bị hội chứng hậu COVID-19 ít, nhưng cha mẹ cũng không nên vì thế mà chủ quan. Đặc biệt cần lưu ý là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Khám sức khỏe hậu COVID-19 cho trẻ em
2. Một số tình trạng ảnh hưởng đến trẻ em sau COVID-19
Sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, trẻ bị các triệu chứng COVID-19 kéo dài hoặc tái phát mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế thì cha mẹ nên cân nhắc theo tình trạng sức khỏe của trẻ để đưa trẻ đi khám bệnh.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ có thể bị một số vấn đề hậu COVID-19 sau:
- Các triệu chứng hô hấp kéo dài: Đau ngực, ho, khó thở hơn khi tập thể dục. Một số triệu chứng có thể kéo dài trong 03 tháng hoặc lâu hơn.
- Các triệu chứng tim mạch: Trẻ có thể bị viêm cơ tim có sau khi nhiễm COVID-19 với các triệu chứng gồm đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi.
- Rối loạn khứu giác và vị giác: Trẻ bị mất khứu giác, vị giác hoặc ngửi, nếm ra vị khác. Điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen ăn uống. Các triệu chứng này thường biến mất sau vài tuần.
- Hệ thần kinh: Trẻ có thể khó tập trung, đãng trí, đọc chậm hơn, khó hiểu bài giảng của thầy cô giáo, chữ viết xấu. Tình trạng căng thẳng, thiếu ngủ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Hiếm hoi mới xảy ra trường hợp đột quỵ hoặc viêm não.
- Mệt mỏi về thể chất: Sau khi nhiễm COVID-19, sức chịu đựng của trẻ kém đi, không có tinh thần, dễ bị mệt mỏi, nhất là khi vận động.
- Nhức đầu: Đây là triệu chứng phổ biến trong và sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, ăn đầy đủ và kiểm soát căng thẳng có thể giúp giảm nhức đầu.
- Sức khỏe tâm thần và hành vi: Một số trẻ có thể bị rối loạn sức khỏe tâm thần, nhất là ở trẻ bị COVID-19 nặng phải nhập viện, trẻ bị cách ly trong thời gian dài và trẻ đã bị một chứng rối loạn tâm thần nào trước đó.
- Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).
Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) là một nhóm các dấu hiệu viêm nghiêm trọng. Các triệu chứng ban đầu như sốt cao kéo dài kèm theo phát ban, mắt đỏ, môi lưỡi đỏ, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, tim đập nhanh, chóng mặt có thể trở nên nặng hơn trong vài ngày. Tình trạng viêm ảnh hưởng đến tim, mạch máu và các cơ quan, có thể khiến trẻ ốm nặng và cần chăm sóc y tế khẩn cấp.
- MIS-C là biến chứng hiếm gặp của COVID-19 nhưng nguy hiểm. Các triệu chứng có thể giống một số bệnh khác.
- MIS-C có thể gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên ở mọi độ tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi 3-12, phổ biến nhất là trẻ 8-9 tuổi.
- Các triệu chứng MIS-C xuất hiện từ 2-6 tuần sau khi nhiễm COVID-19.
- MIS-C có thể điều trị. Hầu hết trẻ em đều bình phục hoàn toàn nhờ điều trị kịp thời, kiểm soát tình trạng viêm và tránh được các tổn thương cơ quan lâu dài.
Hiện nay vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra MIS-C. Mặc dù MIS-C không phổ biến nhưng có thể rất nghiêm trọng. Một số trường hợp rất hiếm, MIS-C có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn hoặc thậm chí là tử vong
Một số trẻ có thể bị hội chứng hậu Covid-19
3. Điều trị cho trẻ bị hội chứng hậu COVID-19 như thế nào?
Hội chứng hậu COVID-19 rất đa dạng, mỗi trẻ có một biểu hiện khác nhau. Không có trường hợp điển hình nào về hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em, và do đó cũng không có phương pháp điều trị cố định nào cho tất cả trẻ em.
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng cũng như các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và kiểm tra chức năng liên quan.
4. Phòng ngừa hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em
- Vaccine ngừa COVID-19 là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ và gia đình chống lại COVID-19 và các tình trạng sau COVID-19. Vaccine ngừa COVID-19 hiện có sẵn cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Hoặc sử dụng nước rửa tay sát khuẩn có chứa cồn.
- Giữ khoảng cách với người đang mắc bệnh. Đặc biệt là những người đang ho, hắt hơi hoặc các dấu hiệu khác cho thấy họ đang nhiễm bệnh và có khả năng lây bệnh.
- Khi đi ra ngoài, đến nơi công cộng hoặc tiếp xúc với người khác, cần đeo khẩu trang che mũi và miệng.
- Cha mẹ hướng dẫn cho trẻ không chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
- Che miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi hắt hơi hay ho.
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều mỗi ngày.
- Giặt quần áo và các vật dụng khác khi cần thiết.