SỐT XUẤT HUYẾT: TRIỆU CHỨNG, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

1. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết Dengue (Dengue Hemorrhagic Fever, DHF), hay gọi chung là bệnh sốt xuất huyết, là bệnh lưu hành phổ biến ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là bệnh do virus lây truyền qua muỗi thường gặp nhất ở người.

Tác nhân gây bệnh là virus Dengue (chi Flavivirus), lây truyền bởi muỗi Aedes cái. Trong đó, muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) là vector truyền bệnh chủ yếu. Muỗi vằn sau khi hút máu từ người mang mầm bệnh sốt xuất huyết sẽ mang theo virus ở tuyến nước bọt rồi truyền nhiễm virus Dengue cho những người khỏe mạnh khác khi đốt. 

Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Một người sau khi nhiễm chủng virus Dengue nào có thể tạo ra kháng thể miễn dịch với chủng đó. Nhưng vẫn có thể bị sốt xuất huyết với chủng khác. 

Sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa mưa và có xu hướng trở thành dịch. Bệnh gặp ở cả người lớn và trẻ em, nhưng phổ biến hơn ở trẻ dưới 15 tuổi. Các triệu chứng ban đầu của bệnh dễ nhầm lẫn với những bệnh sốt virus thông thường khác, khiến người bệnh chủ quan dẫn đến bệnh trở nặng, thậm chí có thể gây tử vong.


Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

2. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Sau khi bị nhiễm virus từ muỗi, người bệnh trải qua giai đoạn ủ bệnh từ 3-10 ngày (một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày). Trong giai đoạn này thường không có triệu chứng. 

Sốt xuất huyết thường bắt đầu với cơn sốt đột ngột. Sốt cao kèm theo nhức đầu dữ đội, đau mỏi cơ khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, nhức hai hốc mắt trong 1-2 ngày đầu. Có thể kèm theo phát ban, nổi mẩn đỏ. 

Ở thể nhẹ, người bệnh có thể phục hồi sau khoảng 1 tuần. Nhưng bệnh có thể tiến triển nặng lên với dấu hiệu xuất huyết:

- Xuất huyết ngoài da (mặt trước hai cẳng chân, mặt trong cánh tay, bụng, đùi)

- Chảy máu cam

- Chảy máu chân răng

- Đau bụng nghiêm trọng

- Nôn mửa, nôn ra máu

- Đi ngoài phân đen

- Tiểu ra máu

- Xuất huyết âm đạo (ở nữ)

- Mệt mỏi, lừ đừ, vật vã

- Tay chân lạnh, người li bì, vật vã, hốt hoảng

- Tràn dịch màng phổi, ổ bụng

- Phù gan, có thể đau

Các triệu chứng này có thể xuất hiện vào ngày thứ 3-7 sau khi khởi phát bệnh. Trong giai đoạn này người bệnh có thể chủ quan vì bệnh thường giảm và hết sốt, nhưng thực tế đây lại là giai đoạn nguy hiểm nhất vì tình trạng giảm tiểu cầu nặng và thoát huyết tương.

3. Biến chứng của sốt xuất huyết

 
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Trong giai đoạn bệnh nặng, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như:

- Sốc xuất huyết

- Suy tim

- Suy gan

- Suy thận

- Xuất huyết nội tạng

- Xuất huyết não

- Chảy máu võng mạc

Các tình trạng trên nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến hậu quả cuối cùng là tử vong. Ở phụ nữ đang mang thai, nếu bị sốt xuất huyết có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, nhất là dễ bị sẩy thai trong những tháng đầu của thai kỳ.

4. Cần làm gì khi bị sốt xuất huyết?

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám, không nên tự điều trị tại nhà. Sau khi được khám, xét nghiệm và tư vấn, người bệnh có thể điều trị và theo dõi ngoại trú theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp cần thiết thì phải nằm viện để điều trị.

Trong thời gian bị bệnh, người bệnh lưu ý:

- Mặc quần áo thoáng mát, nằm nghỉ ngơi, không vận động mạnh.

- Uống nhiều nước, ít nhất 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Có thể sử dụng nước lọc, dung dịch oresol, nước ép hoa quả như cam, chanh, bưởi, dừa.

- Tránh sử dụng thức ăn, nước uống có màu (huyết động vật, socola, cà phê, củ dền, dưa hấu…) vì dễ gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.

- Không uống nước ngọt có gas, rượu bia hay thuốc lá.

- Ăn những món ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp. Có thể chia thành nhiều bữa ăn nhỏ.

- Chườm mát ở nách, bẹn, các nếp gấp; lau người bằng nước ấm để hạ nhiệt.

- Theo dõi thân nhiệt thường xuyên.

- Chỉ uống thuốc hạ sốt Pacecetamol đơn chất theo hướng dẫn của bác sĩ, không sử dụng quá liều. Tuyệt đối không dùng aspirin hay ibuprofen để hạ sốt vì làm tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày.

- Không tự ý mua thuốc kháng sinh để uống vì sốt xuất huyết do virus gây ra, dùng kháng sinh không có tác dụng gì.

Đặc biệt cần lưu ý, nếu xuất hiện các triệu chứng: đau bụng, nôn mửa nhiều, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen, tiểu ra máu hoặc các triệu chứng lơ mơ, vật vã, hốt hoảng, li bì, không tỉnh táo, thì cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế.

5. Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết 

 
Phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách phòng ngừa muỗi đốt

Hiện nay chưa có vaccine hữu hiệu nào có thể phòng ngừa sốt xuất huyết, đặc biệt là ở khu vực có dịch bệnh phổ biến như nước ta. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa duy nhất là kiểm soát vector truyền bệnh:

- Loại bỏ môi trường muỗi có thể sinh sản như vũng nước tù đọng, bồn chứa nước, lốp xe cũ, thùng xốp, chậu cây, bình bông, mảnh chai sành, vỏ dừa, hốc cây, bẹ lá…

- Diệt loăng quăng, bọ gậy.

- Đậy kín vật dụng chứa nước và thường xuyên thay rửa.

- Phòng chống muỗi đốt: mặc đồ dài, mắc mùng khi ngủ, bôi kem chống muỗi, sử dụng thiết bị diệt muỗi…

- Phối hợp với chính quyền, đơn vị y tế trong các đợt phun hóa chất phòng muỗi.

Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, vì vậy người bệnh không nên chủ quan. Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt thì người bệnh cần chú ý các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm, hạn chế các biến chứng của sốt xuất huyết.