Cường giáp là một rối loạn nội tiết phổ biến, có thể dẫn đến nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Ai có thể mắc bệnh cường giáp?
Bệnh cường giáp thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ và những người trên 60 tuổi. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh cường giáp:
• Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tuyến giáp.
• Mắc các vấn đề sức khỏe như thiếu máu ác tính (do thiếu vitamin B12), bệnh tiểu đường loại 1 hoặc 2, suy thượng thận nguyên phát, hoặc các rối loạn nội tiết tố.
• Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa i-ốt như tảo, rong biển.
• Dùng thuốc chứa i-ốt trong điều trị.
• Đã mang thai trong vòng 6 tháng qua.

Người tiêu thụ quá nhiều tảo, rong biển có thể mắc bệnh cường giáp
2. Bệnh cường giáp có nguy hiểm không?
Nếu bệnh cường giáp không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
• Biến chứng tim mạch: Cường giáp có thể gây rối loạn nhịp tim (như rung nhĩ), làm tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim sung huyết do tim không thể bơm máu hiệu quả.
• Loãng xương: Mức độ hormone giáp quá cao làm tăng quá trình chuyển hóa canxi, gây loãng xương, khiến xương yếu và dễ bị gãy.
• Biến chứng mắt: Đặc biệt ở bệnh nhân mắc bệnh Basedow, có thể xuất hiện tình trạng lồi mắt, mắt sưng và đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, mờ hoặc đôi khi nhìn đôi. Trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể dẫn đến mù lòa.
• Bão giáp: Mặc dù hiếm gặp, nhưng bão giáp là biến chứng cực kỳ nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng. Biến chứng này thường xảy ra ở những bệnh nhân cường giáp không được điều trị đúng cách hoặc khi điều trị không ổn định, và có thể bị kích thích bởi các yếu tố như phẫu thuật, nhiễm trùng hay chấn thương.
Do đó, bệnh nhân cường giáp cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, đồng thời tái khám định kỳ tại chuyên khoa nội tiết để kiểm soát tốt chức năng tuyến giáp và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.
3. Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh cường giáp

Người mắc bệnh cường giáp có thể cảm thấy đau nhức cơ xương khớp
Dưới đây là những biểu hiện sớm có thể giúp nhận diện bệnh cường giáp, một rối loạn nội tiết phổ biến nhưng có thể được kiểm soát nếu phát hiện kịp thời:
• Bướu cổ: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất, thường là lý do chính khiến bệnh nhân tìm đến bác sĩ để kiểm tra tuyến giáp.
• Nhịp tim nhanh: Người bệnh cảm thấy tim đập nhanh, hồi hộp và có thể gặp phải cảm giác trống ngực liên tục, gây lo lắng và thậm chí là khó thở.
• Huyết áp tăng, tay run, da ẩm, đổ mồ hôi nhiều: Đây là những dấu hiệu thể hiện sự kích thích quá mức của hệ thần kinh và các tuyến nội tiết.
• Mắt lồi, chói mắt, chảy nước mắt: Một số người mắc cường giáp có thể gặp tình trạng mắt lồi, chói mắt hoặc chảy nước mắt không kiểm soát.
• Sụt cân đột ngột: Dù ăn uống đầy đủ và ngon miệng, người bệnh vẫn có thể sụt cân nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.
• Vận động yếu: Các cơ bắp có thể bị suy yếu, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, giảm sức lao động và vận động.
• Tinh thần căng thẳng: Người mắc cường giáp thường cảm thấy dễ stress, khó tập trung, mất ngủ và dễ cáu gắt, kích động mà không rõ lý do.
• Đau nhức cơ xương khớp và rối loạn tiêu hóa: Cảm giác đau nhức cơ thể và các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy cũng là những triệu chứng điển hình.
• Rối loạn kinh nguyệt: Đối với phụ nữ, bệnh cường giáp có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
Để xác định bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm chức năng tuyến giáp, bao gồm TSH và hormone giáp, trong đó TSH sẽ giảm và hormone giáp sẽ tăng. Các phương pháp như xạ hình tuyến giáp và xét nghiệm máu cũng được sử dụng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
4. Điều trị bệnh cường giáp
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị cường giáp, tùy thuộc vào tình trạng bệnh và nhu cầu của từng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị bao gồm:
• Thuốc: Các loại thuốc có thể giúp ức chế sự sản xuất hormone giáp, từ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh.
• I-ốt phóng xạ: Đây là phương pháp sử dụng i-ốt phóng xạ để phá hủy tế bào tuyến giáp, giúp giảm khả năng sản xuất hormone giáp và làm giảm các triệu chứng bệnh.
• Phẫu thuật tuyến giáp: Được chỉ định trong trường hợp cần thiết, phẫu thuật có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.
Tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Do đó, bệnh nhân mắc cường giáp cần được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết để lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất cho mình.
5. Phòng bệnh cường giáp như thế nào?
Ở giai đoạn đầu, bệnh cường giáp thường không có triệu chứng rõ rệt hoặc dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, vì vậy việc tầm soát sức khỏe định kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm bệnh.

Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và kịp thời điều trị bệnh tuyến giáp
Bên cạnh việc khám sức khỏe thường xuyên, một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
• Cung cấp đầy đủ i-ốt: Việc thiếu hoặc thừa i-ốt đều có thể gây ra các vấn đề về tuyến giáp. Đặc biệt, phụ nữ mang thai, người cao tuổi cần bổ sung i-ốt với lượng đầy đủ mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe.
• Bổ sung thực phẩm giàu oxy hóa: Các thực phẩm chứa nhiều oxy hóa như trái cây, đặc biệt là các loại quả mọng (quả việt quất, dâu tây…) và rau xanh (cải xoăn, súp lơ…) sẽ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây hại và hỗ trợ chức năng tuyến giáp.
• Xây dựng lối sống lành mạnh: Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, luyện tập thể thao đều đặn, ngủ đủ giấc và hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, chiên rán, hạn chế uống đồ uống có cồn hoặc sử dụng chất kích thích sẽ giúp duy trì sức khỏe tổng thể và phòng ngừa các bệnh lý tuyến giáp cũng như các bệnh lý khác.