NHỮNG LẦM TƯỞNG VÀ SỰ THẬT VỀ TRẦM CẢM

1. Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một rối loạn sức khỏe tâm thần vẫn chưa được nhìn nhận một cách cởi mở. Nhiều người e ngại hoặc xem nhẹ những bất ổn tinh thần mà mình đang gặp phải. Trong khi một số người khác lại kì thị người bị trầm cảm và liên hệ nó với rối loạn tâm thần. Cũng như nhiều bệnh lý khác, có những quan điểm sai lầm về trầm cảm mà chúng ta cần nhìn nhận lại:

 
Trầm cảm vẫn chưa được nhìn nhận một cách cởi mở

2. Trầm cảm không phải là một vấn đề về sức khỏe 

Một số người cho rằng trầm cảm chỉ là một trạng thái tâm lý, nó không phải là một tình trạng bệnh thực sự. Nhiều người còn phán xét những người mắc chứng trầm cảm là cố tình tỏ ra buồn bã và làm quá vấn đề lên.

Sự thật là: Trầm cảm được kí hiệu F32 theo Phân loại quốc tế về bệnh tật ICD-10 (International Classification of Diseases). Người bị trầm cảm có thể gặp khó khăn trong cuộc sống do suy sụp tinh thần, thậm chí là có suy nghĩ tự làm hại mình và tự tử. Bên cạnh đó, trầm cảm còn gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe như rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý.

3. Trầm cảm chỉ là cảm thấy buồn và bạn có thể tự khỏi được 

Người ta lầm tưởng rằng những người bị trầm cảm chỉ đơn giản là cảm thấy “buồn”, họ có thể tự mình vượt qua bằng cách suy nghĩ tích cực hơn.

Sự thật là: Trầm cảm là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phức tạp mà nỗi buồn chỉ là một trong những biểu hiện của nó. Khi bị trầm cảm, các chất dẫn truyền thần kinh trong não bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố môi trường hoặc sinh học. Không có cách nào để tự khỏi trầm cảm, trừ khi bạn áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp, đặc biệt là trầm cảm ở giai đoạn vừa và nặng.

4. Sự bận rộn có thể chữa khỏi trầm cảm

Một số người tin rằng trầm cảm là do suy nghĩ tiêu cực nên nếu làm cho bản thân bận rộn, ít suy nghĩ hơn, họ có thể chữa khỏi được trầm cảm.

Sự thật là: Nếu bạn làm quá nhiều việc sẽ làm tăng sự căng thẳng, mệt mỏi, giảm chất lượng các bữa ăn và giấc ngủ, từ đó làm cho chứng trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn. Khuyến nghị được đưa ra cho người trầm cảm là hãy tập thể dục, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời dành thời gian gặp gỡ gia đình, bạn bè.

5. Tất cả mọi người đều có biểu hiện trầm cảm giống nhau

Người ta thường định nghĩa trầm cảm là tâm trạng buồn bã, chán nản, mất ngủ, giảm hứng thú với các hoạt động hằng ngày và ai cũng sẽ có những biểu hiện này khi bị trầm cảm.

Sự thật là: Không phải ai bị trầm cảm cũng có tất cả các triệu chứng này. Biểu hiện trầm cảm ở mỗi người có thể khác nhau tùy thuộc vào đối tượng, độ tuổi, giới tính. Chính vì vậy, phương pháp điều trị cho các đối tượng khác nhau cũng sẽ khác nhau. 

6. Uống thuốc trầm cảm là có thể chữa khỏi được trầm cảm

 
Có nhiều quan điểm sai lầm về thuốc chống trầm cảm

Có một số quan điểm sai lầm về thuốc chống trầm cảm như: Thuốc trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn trầm cảm, thuốc trầm cảm sẽ làm thay đổi tính cách hay bạn phải uống thuốc trầm cảm cả đời.

Sự thật là: Thuốc chống trầm cảm làm thay đổi một số chất dẫn truyền thần kinh trong não. Nghe thì có vẻ đáng sợ nhưng nó chỉ góp phần giải quyết các vấn đề sinh học giúp cải thiện tình trạng trầm cảm, hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính cách của bạn. Nhưng chỉ sử dụng thuốc chống trầm cảm thôi là không đủ, bạn cần kết hợp với liệu pháp tâm lý trò chuyện cũng như có sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và lối sống. Ngoài ra, bạn không nhất định phải uống thuốc trầm cảm cả đời. Nó phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và phương pháp điều trị có hiệu quả hay không. Một số người chỉ cần uống thuốc trong thời gian ngắn, một số người khác thì cần thời gian dài hơn.

7. Bạn chỉ bị trầm cảm khi gặp cú sốc tinh thần

Đa số mọi người đều nghĩ rằng một người bị trầm cảm là do họ phải trải qua một cú sốc tinh thần nặng nề.

Sự thật là: Những biến cố bạn gặp phải trong công việc, hôn nhân, tai nạn hoặc cái chết của người thân yêu có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm. Nhưng trầm cảm không phải lúc nào cũng do biến cố mà ra. Bạn có thể bị trầm cảm do một số yếu tố nguy cơ khác như căng thẳng kéo dài, do môi trường, tác dụng phụ của một số loại thuốc…

8. Bạn sẽ bị trầm cảm nếu bố mẹ bạn bị trầm cảm

Có những người cho rằng trầm cảm là do di truyền, họ lo sợ rằng bản thân cũng bị trầm cảm vì có bố mẹ hoặc anh chị em đã từng bị trầm cảm.

Sự thật là: Bạn có nguy cơ bị trầm cảm nếu gia đình có tiền sử trầm cảm, nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy. Ngay cả các chuyên gia cũng không chắc chắn về vai trò của di truyền trong việc xác định nguy cơ trầm cảm. Trầm cảm đa phần liên quan đến môi trường sống của bạn. Đó là lý do tại sao những người có mối quan hệ gắn bó, được hỗ trợ từ gia đình và bạn bè thường ít bị trầm cảm hơn.

9. Đàn ông không bị trầm cảm

Quan điểm này được đưa ra là do nhiều người nghĩ rằng: Chỉ những ai yếu đuối mới có khả năng bị trầm cảm. 

Sự thật là: Đàn ông và phụ nữ đều có khả năng bị trầm cảm như nhau, nhưng phụ nữ thường cởi mở hơn về cảm xúc của mình, do vậy các trường hợp trầm cảm được phát hiện đa phần là phụ nữ. Một số đàn ông khi bị trầm cảm họ không hề tỏ ra buồn bã hay chán nản, thay vào đó, họ trở nên nóng tính, cáu gắt hoặc đả kích người khác. Một số khác thì sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích để đối phó với những cảm xúc tiêu cực do trầm cảm gây ra.

10. Người lớn tuổi không thể bị trầm cảm

Người ta cho rằng chỉ có những người nhỏ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống, cảm xúc chưa ổn định, dễ căng thẳng mới có khả năng bị trầm cảm. Còn khi đã lớn tuổi thì người ta không thể bị trầm cảm nữa.

Sự thật là: Trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, dân tộc, nhóm kinh tế và giới tính. Người lớn tuổi khi bị trầm cảm sẽ khó phát hiện hơn vì những dấu hiệu buồn bã, ít nói, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, mất trí nhớ có thể bị quy về là do “tuổi tác”.

11. Bạn không nên nói hay nghĩ về chứng trầm cảm của mình

 
Trong trường hợp không thể nói với ai thì bác sĩ tâm lý là lựa chọn tốt cho bạn

Có một quan niệm phổ biến rằng khi bạn nghĩ hay nói về chứng trầm cảm chính là bạn đang tập trung vào những cảm xúc tiêu cực, có thể làm cho chứng trầm cảm càng nghiêm trọng hơn.

Sự thật là: Nếu bạn nói về những cảm xúc của mình cho người nghe đáng tin cậy - người yêu thương, ủng hộ và không phán xét về bạn, thì nó sẽ rất có ích trong việc cải thiện tâm trạng. Trong trường hợp không thể nói với ai thì bác sĩ tâm thần kinh hoặc bác sĩ tâm lý sẽ là lựa chọn tốt cho bạn.

12. Những người trầm cảm đều có ý định tự tử

Nhiều người cho rằng người trầm cảm luôn có ý định hoặc cố gắng tự tử do những suy nghĩ tiêu cực kéo dài.

Sự thật là: Hành vi tự tử chỉ xuất hiện trong giai đoạn trầm cảm nặng. Và nó chỉ xảy ra với một số ít người trầm cảm vì trầm cảm khiến người ta không muốn hoạt động, thậm chí không muốn rời khỏi giường. Nếu bạn đang chán nản kéo dài và có ý định tự tử, hãy nhanh chóng liên hệ với Bác sĩ Tâm thần kinh để được hỗ trợ. 

Những suy nghĩ chủ quan về tính chất và mức độ nghiêm trọng của trầm cảm hay sự e ngại với thuốc trầm cảm đang là trở ngại lớn trong việc phát hiện và điều trị trầm cảm. Vì vậy trang bị cho mình những cách để tránh trầm cảm như có chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục và cân bằng cuộc sống là rất cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cần chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ Bác sĩ Tâm thần kinh khi có các triệu chứng trầm cảm hoặc nghi ngờ người thân của mình bị trầm cảm.