1. Dấu hiệu nhận biết người thân hoặc ai đó bị đột quỵ?
Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong. Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi giới tính và tuổi tác. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế. Để giúp đỡ người thân hoặc ai đó bị đột quỵ, trước tiên bạn cần nhận biết các triệu chứng của đột quỵ bằng B.E.F.A.S.T để có hành động phù hợp:
- Balance – Cân bằng: Chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng hoặc khó khăn trong phối hợp cơ thể.
- Eyes – Mắt: Đột nhiên nhìn mờ hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt.
- Face – Khuôn mặt: Một bên mặt đột nhiên méo xệ, miệng méo sụp xuống kèm theo cảm giác tê cứng.
- Arm – Cánh tay: Tê hoặc yếu một cánh tay, không thể nâng cả hai cánh tay lên như nhau.
- Speech – Ngôn ngữ: Đột nhiên nói ngọng, không lưu loát hoặc không thể nói.
- Time – Thời gian: Gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ ngay lập tức.
Nếu bạn nghi ngờ người thân đang bị đột quỵ thì dưới đây là những điều bạn nên và không nên làm:
2. Bạn cần làm gì khi người thân bị đột quỵ?
Nhận biết triệu chứng đột quỵ để giúp đỡ kịp thời
Khi thấy người thân hoặc một ai đó bị đột quỵ, điều quan trọng là bạn cần phải hành động ngay. Trong cấp cứu đột quỵ, “thời gian là não”. Bởi vì cứ mỗi phút thiếu oxy sẽ có gần hai triệu tế bào não chết đi. Sự trì hoãn cấp cứu càng lâu sẽ gây ra càng nhiều tổn thương cho não.
Bạn cần hành động ngay:
- Đỡ người bệnh nằm xuống để tránh ngã dẫn đến chấn thương. Đặt người bệnh nằm xuống một mặt phẳng ở vị trí an toàn, nằm nghiêng một bên với đầu hơi nâng cao để thúc đẩy lưu lượng máu, cũng tránh trường hợp bệnh nhân bị tắc đường thở khi nôn ói.
- Nếu người bệnh chảy dãi hoặc nôn, cần làm sạch để bệnh nhân dễ thở.
- Gọi xe cấp cứu hoặc taxi đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt, đặc biệt trong 4,5 giờ đầu.
- Nới lỏng quần áo để người bệnh dễ thở hơn.
- Nếu bệnh nhân bị hôn mê, cần liên tục theo dõi, kiểm tra nhịp tim và nhịp thở của người bệnh. Nếu ngừng thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo ngay.
- Bạn nên lưu ý thời gian bắt đầu xuất hiện triệu chứng để bác sĩ cấp cứu có quyết định phương pháp can thiệp phù hợp.
- Nếu người bị đột quỵ vẫn có thể giao tiếp. Hãy hỏi họ về loại thuốc đang dùng, bệnh lý hiện có và bệnh dị ứng đã biết. Hãy ghi nhớ thông tin và báo cho bác sĩ.
Trong quá trình này, bạn cần giữ bình tĩnh, tập trung và hành động nhanh chóng. Hãy luôn ở bên cạnh người đột quỵ để giúp đỡ. Nếu người bệnh sợ hãi, hãy trò chuyện nhẹ nhàng để trấn an họ.
3. Bạn không nên làm gì khi người thân bị đột quỵ?
Đưa người bị đột quỵ đến bệnh viện càng sớm càng tốt
Điều trị đột quỵ càng sớm sẽ đem lại cơ hội phục hồi càng cao, giảm nguy cơ tàn tật và tổn thương não vĩnh viễn. Nhưng bạn cần lưu ý một số hành động sau đây để tránh gây nguy hiểm cho người đang bị đột quỵ:
- Không để người bệnh tự lái xe hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện bằng xe máy vì có thể gây thêm chấn thương.
- Không chủ quan, mang tâm lý chờ đợi sự thuyên giảm tự nhiên. Đột quỵ kéo dài càng lâu càng nguy hiểm.
- Không kéo hay làm căng bất kỳ chi nào (tay, chân) bị yếu.
- Tuyệt đối không cạo gió, bôi dầu hay sử dụng các biện pháp dân gian, truyền miệng để điều trị. Vì các biện pháp này không chỉ có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân mà còn làm chậm trễ thời gian đưa người bệnh đến bệnh viện.
- Không nên cho người bệnh ăn hay uống bất kỳ thứ gì. Đột quỵ có thể làm giảm chức năng nhai và nuốt, người bệnh có thể bị sặc hoặc khó thở.
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc cấp cứu điều trị mà không có chỉ định của bác sĩ, kể cả aspirin. Nếu người bệnh bị đột quỵ xuất huyết não, sử dụng aspirin có thể gây nguy hiểm.
Có một tình trạng tắc nghẽn tạm thời được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua – TIA. Người bệnh có thể có các triệu chứng nhẹ, sau đó biến mất. Nếu bạn hoặc người thân bị TIA, hãy đến bệnh viện để kiểm tra đánh giá nguy cơ. Vì có rất nhiều người đã bị một cơn đột quỵ thực sự sau đó.