HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TRẺ MẮC COVID-19 TẠI NHÀ

1. Cha mẹ cần chuẩn bị gì khi trẻ mắc COVID-19

Khi phát hiện trẻ mắc covid-19, cha mẹ cần bình tĩnh, xác nhận mức độ bệnh của con. Nếu trẻ bị covid mức độ nhẹ và không có yếu tố nguy cơ diễn tiến bệnh nặng (không khó thở, SpO2 ≥ 96%, nhịp thở bình thường theo tuổi, không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đã ổn định) thì trẻ có thể điều trị tại nhà. 

Cha mẹ cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết để chăm sóc trẻ tại nhà như: khẩu trang, nước rửa tay, cặp nhiệt độ, máy đo SpO2, thùng chứa chất thải lây nhiễm. Thuốc điều trị tại nhà như: thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc cân bằng điện giải Oresol, thuốc giảm ho, nước muối sinh lý.


Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C 

2. Hướng dẫn chăm sóc cho trẻ mắc COVID-19 tại nhà

Trong suốt quá trình chăm sóc, cha mẹ cần ở bên và theo dõi liên tục nhưng không nên quá lo lắng, hãy tạo cho trẻ bầu không khí thoải mái.

Khi trẻ sốt trên 38,5oC, cha mẹ cần:

- Cho trẻ sử dụng Paracetamol theo khuyến cáo 10-15mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn), nhưng không quá 500mg mỗi lần. Mỗi lần sử dụng cách nhau 4-6 giờ. Tổng liều một ngày không quá 60mg/kg/ngày.

- Bổ sung nước bằng nước thường, nước trái cây hoặc nước điện giải (pha và dùng đúng hướng dẫn). Biểu hiện trẻ mất nước: khát nước, tiểu ít, nước tiểu đậm màu, môi khô. Biểu hiện bổ sung đủ nước: nước tiểu có màu trong, môi không khô.

- Lấy khăn ấm chườm cổ, nách, bẹn cho trẻ. Không cho trẻ tắm lạnh.

- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, không nên vì sợ con lạnh mà ủ ấm khiến nhiệt độ cơ thể trẻ tăng cao.

Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý:

- Nếu trẻ đau đầu, có thể là do trẻ mất ngủ hoặc do sốt cao. Lúc này cần chú ý hạ sốt và cho trẻ nghỉ ngơi, chơi nhẹ nhàng, không nên cho trẻ xem tivi hay sử dụng điện thoại.

- Nếu trẻ nhỏ ho, có thể dùng siro ho thảo dược để giảm triệu chứng. Trẻ lớn hơn có thể dùng thuốc giảm ho theo độ tuổi. Ngoài ra, trẻ lớn có thể uống thêm nước gừng/chanh mật ong.

- Nếu trẻ bị nghẹt mũi, xổ mũi cần dùng xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%. 

- Nếu trẻ bị tiêu chảy thì cho trẻ dùng men vi sinh, men tiêu hóa, chú ý uống nhiều nước. 

- Chú ý tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường trái cây tươi, rau xanh. Không ép trẻ ăn nhiều một lúc, nên chia nhỏ các lần cho trẻ bú hoặc ăn để dễ hấp thụ hơn.

- Đối với trẻ lớn, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ vận động hợp lý để tăng cường sức khỏe.

 
Cần cho trẻ uống nhiều nước khi mắc COVID-19

Nhóm trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi có thể bị co giật khi sốt cao. Quan trọng là hạ sốt và đo nhiệt độ thường xuyên. Thông thường cơn co giật do sốt cao chỉ diễn ra trong 1-2 phút. Lúc này, cha mẹ cần bình tĩnh và:

- Đặt trẻ nằm trên mặt phẳng, ngửa đầu nhẹ và nghiêng đầu sang một bên. 

- Tuyệt đối không cho trẻ ngậm bất cứ thứ gì, không ôm chầm hoặc hoặc bế dựng trẻ dậy. 

- Cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ, đo nhiệt độ, sử dụng thuốc hạ sốt nhét đường hậu môn. 

- Lấy khăn ấm chườm cổ, nách, bẹn. 

- Sau 1-2 phút mà môi và chân tay trẻ ấm hồng bình thường thì có thể yên tâm. 

Nếu được chăm sóc đúng cách, hầu hết trẻ sau 1-2 ngày sẽ hết sốt, sau 1-2 tuần có thể khỏi bệnh hoàn toàn. 

Cần đặc biệt lưu ý với trẻ bị sinh non nhẹ cân, trẻ mắc bệnh suy giảm miễn dịch hoặc trẻ mắc các bệnh nền về hô hấp, tim mạch, thần kinh, huyết học… mà chưa được kiểm soát. Để bảo vệ trẻ tốt hơn, tốt nhất là cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để theo dõi.

3. Triệu chứng bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế

Nhìn chung, nếu trẻ vẫn bú, vẫn ăn, vẫn chơi được thì có thể tiếp tục chăm sóc tại nhà. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nặng thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám.

Các triệu chứng bất thường: 

- Trẻ quấy khóc không chịu chơi, lừ đừ, phản ứng chậm hoặc li bì

- Sốt cao liên tục trên >39oC không giảm dù đã uống thuốc hạ sốt và chườm người bằng khăn ấm. 

- Sốt cao không cải thiện sau 2 ngày.

- Trẻ thở nhanh hơn bình thường. Cụ thể: trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút; trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút; trẻ từ 5-12 tuổi khi thở ≥ 30 lần/phút; trẻ từ 12 tuổi khi thở ≥ 20 lần/phút.

- Trẻ bị khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức…

- Nếu có máy đo SpO2 thì SpO2 <96% kèm thở mệt

- Trẻ bị đau tức ngực, than mệt, không chịu chơi

- Môi, móng tay hoặc da tím tái

- Nôn ói liên tục, không bú hay ăn uống được gì

- Hoặc bất cứ tình trạng nào mà bố mẹ thấy không ổn thì có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Những triệu chứng này cho dù là do COVID-19 hay do bất kỳ bệnh nào khác thì cũng phải đưa trẻ đi khám ngay.
Sau khi trẻ khỏi bệnh, cha mẹ cần tiếp tục theo dõi trẻ trong 2-6 tuần sau đó, để kịp thời phát hiện nếu trẻ bị hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) – một hội chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm.

4. Những điều cần đặc biệt lưu ý

 
Điều trị COVID-19 cho trẻ bằng cách điều trị triệu chứng

- Nếu trẻ nhiễm COVID-19 mà không có triệu chứng thì không cần cho trẻ uống thuốc, chỉ cần uống nhiều nước và nghỉ ngơi hợp lý.

- Trẻ bị COVID-19 chủ yếu điều trị triệu chứng, chỉ cần sử dụng các loại thuốc điều trị thông thường, không cần dùng loại thuốc đặc biệt nào khác. Nhất là không nghe theo lời khuyên hay đơn thuốc trôi nổi trên mạng để điều trị cho trẻ.

- Hiện nay ở các nhà thuốc đã bán thuốc Molnupiravir để điều trị COVID-19, nhưng Molnupiravir chống chỉ định cho trẻ dưới 18 tuổi. Do đó, cha mẹ không cho trẻ uống thuốc Molnupiravir. 

- Trẻ đau họng và sốt hai ngày đầu không cần uống kháng sinh. Khi trẻ sốt tái phát, họng đau đỏ, nếu muốn dùng kháng sinh thì cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

- Các loại thuốc kháng viêm, chống đông nếu không có chỉ định của bác sĩ thì tuyệt đối không được sử dụng cho trẻ.

- Không xông cho trẻ em.

BS CKI Phạm Thị Minh Hà