ĐAU NỬA ĐẦU (MIGRAINE): NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

Đau nửa đầu gây ra cơn đau đầu dữ dội kèm theo các dấu hiệu nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng và mùi hương; rối loạn thị lực hoặc rối loạn ngôn ngữ; ngứa ngáy và buồn nôn… Đau nửa đầu có thể không gây ra vấn đề lớn, nhưng đôi khi đau nửa đầu mạn tính có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

 
Đau nửa đầu là cơn đau dữ dội xảy ra ở bên trái hoặc bên phải đầu

1. Đau nửa đầu là gì?

Đau nửa đầu (migraine) là chứng đau đầu nguyên phát, xuất hiện thành đợt với các triệu chứng kéo dài từ 4 đến 72 giờ. Đau nửa đầu xảy ra ở bên trái hoặc bên phải, kiểu mạch đập, nặng hơn khi gắng sức và kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nhảy cảm với âm thanh, ánh sáng hoặc mùi hương. 

Migraine phổ biến nhất ở tuổi dậy thì và thanh niên, thường giảm đi sau tuổi 50. Các triệu chứng đau nửa đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên nhìn chung khá giống đau nửa đầu ở người lớn. 

2. Nguyên nhân nào gây ra chứng đau nửa đầu?

Không xác định được nguyên nhân chính xác gây ra chứng đau nửa đầu, nhưng một số yếu tố dưới đây được xem là có liên quan đến chứng đau nửa đầu:

- Sự suy giảm nồng độ hormone serotonin

- Nắng nóng gay gắt hoặc thời tiết khắc nghiệt

- Mất nước

- Đèn nhấp nháy hoặc quá sáng

- Âm thanh lớn

- Mùi hương nồng, thơm hoặc khó ngửi

- Thay đổi thời tiết hoặc khí áp

- Thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone ở nữ trong thời kỳ bắt đầu có kinh, trong thời gian hành kinh, mang thai, sau khi sinh con hoặc mãn kinh

- Căng thẳng (stress) quá mức

- Hoạt động thể chất quá mức

- Nhịn ăn, bỏ bữa

- Thay đổi về chu kỳ ngủ, ngủ quá ít hoặc quá nhiều

- Sử dụng một số loại thuốc có thể làm nặng thêm chứng đau nửa đầu

- Hút thuốc lá

- Sử dụng rượu bia

- Một số loại thức ăn như phomat, socola, bột ngọt, cafein…

Chứng đau nửa đầu có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái. Nếu cha hoặc mẹ bị đau nửa đầu, khả năng con bị đau nửa đầu là 50%. Nếu cả cha và mẹ bị đau nửa đầu thì con có 75% nguy cơ bị đau nửa đầu.

3. Các triệu chứng đau nửa đầu là gì?

Đau nửa đầu có thể có hoặc không có triệu chứng báo trước. Khoảng 1/3 số trường hợp có thể gặp các dấu hiệu như thay đổi khí sắc, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, mất thăng bằng hoặc sự phối hợp cơ, rối loạn thị lực, rối loạn chức năng thân não… kéo dài vài phút cho tới một giờ. 

Các triệu chứng này có thể tiếp tục tồn tại ngay cả khi cơn đau đầu xuất hiện. Cơn đau đầu thay đổi từ trung bình đến dữ dội, kéo dài từ 4 giờ đến vài ngày, thường bớt đau khi ngủ. Cơn đau thường ở bên trái hoặc bên phải đầu, nhưng đôi khi có thể xảy ra ở cả hai bên, phổ biến nhất ở vùng trán – thái dương.

 
Đau nửa đầu với aura phổ biến nhất là rối loạn thị giác 

Đau nửa đầu có tiền triệu (migraine aura) (nếu không có tiền triệu thì không có 4 giai đoạn này) có thể phân loại thành 4 giai đoạn với các triệu chứng khác nhau, mặc dù không phải ai bị đau nửa đầu cũng trải qua tất cả 4 giai đoạn này:

- Giai đoạn triệu chứng sớm (prodrome)

- Giai đoạn tiền triệu (aura) 

- Giai đoạn đau đầu (headache)

- Giai đoạn sau cơn đau (postdrome)

Giai đoạn triệu chứng sớm (prodrome)

Các triệu chứng của giai đoạn này thường xuất hiện trước cơn đau đầu 1-2 ngày, bao gồm:

- Mệt mỏi

- Thay đổi tâm trạng

- Lo lắng hoặc buồn bã

- Cáu gắt hoặc hưng phấn

- Khát nước

- Thèm ăn đồ ngọt

- Cảm giác thắt hoặc đau cổ

- Táo bón

- Buồn ngủ

Giai đoạn tiền triệu (aura)

Aura xảy ra ngay trước hoặc trong cơn đau nửa đầu với triệu chứng phổ biến nhất là rối loạn thị giác. Các triệu chứng hình thành và kéo dài từ 20-60 phút. Khoảng 30% các trường hợp đau nửa đầu có kèm theo aura.

Các triệu chứng của aura có thể bao gồm:

- Nhìn thấy những điểm sáng hoặc những tia sáng lóe lên, nhấp nháy

- Mất thị lực hoặc nhìn thấy các điểm tối

- Cảm giác ngứa ngáy như kim châm ở cánh tay hoặc chân 

- Rối loạn ngôn ngữ (rối loạn giọng nói hoặc mất ngôn ngữ)

- Ù tai

Giai đoạn đau đầu

Cơn đau đầu kéo dài vài giờ đến vài ngày với các triệu chứng sau:

- Đau đầu dữ dội ở bên phải hoặc bên trái

- Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi hương

- Cơn đau nặng hơn khi hoạt động thể chất

- Cơn đau có thể cản trở các hoạt động bình thường

- Buồn nôn, có hoặc không có ói mửa

- Đau bụng hoặc ợ chua

- Ăn mất ngon

- Cảm giác lâng lâng

- Mờ mắt

- Ngất xỉu

Người bị đau nửa đầu sẽ cảm giác dễ chịu hơn khi nằm nghỉ ngơi trong phòng tối và yên tĩnh, tránh ánh sáng, âm thanh và vận động.
Giai đoạn sau cơn đau (postdrome)

Ở giai đoạn này, cơ thể sẽ bước vào giai đoạn phục hồi với các triệu chứng mệt mỏi, kiệt sức, nhưng cơn đau nửa đầu sẽ giảm dần đi.

Đau đầu do căng thẳng hoặc đau đầu do xoang có thể gây ra các triệu chứng dễ nhầm lẫn với đau nửa đầu. Nhưng khác với những cơn đau kéo dài và gây mệt mỏi, đau đầu do căng thẳng thường có mức độ nhẹ hơn, đau khắp đầu và biến mất trong vài giờ sau đó. Đau đầu do căng thẳng có thể gây nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh; nhưng không gây ra các triệu chứng về thị giác hay buồn nôn hoặc nôn mửa. Trong khi đó, đau đầu do xoang thường đau ở mức độ vừa phải và có thể khỏi nhờ việc điều trị xoang.

4. Điều trị và phòng ngừa chứng đau nửa đầu

 
Khi bị đau nửa đầu người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý

Nếu cơn đau nửa đầu xảy ra nhiều hơn sáu lần mỗi tháng hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, người bệnh cần được điều trị để loại bỏ các triệu chứng đau nửa đầu bằng các loại thuốc như:

- Thuốc chẹn beta cho bệnh cao huyết áp hoặc bệnh mạch vành

- Thuốc chẹn kênh canxi cho tình trạng cao huyết áp

- Thuốc chống trầm cảm ba vòng 

- Thuốc chống động kinh

- Thuốc giảm đau

- …
Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ, vì vậy thuốc sử dụng cho chứng đau nửa đầu phải được kê đơn trực tiếp từ bác sĩ, đặc biệt là các đối tượng có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, tiểu đường hay tâm thần..

Ngoài ra, có một số phương pháp điều trị không dùng thuốc như:

- Châm cứu

- Liệu pháp hành vi nhận thức

- Massage

- Thảo dược, vitamin và khoáng chất

Một số cách để phòng ngừa chứng đau nửa đầu, bao gồm:

- Tránh các yếu tố gây ra cơn đau nửa đầu

- Uống đủ nước

- Tránh bỏ bữa

- Ngủ đủ giấc

- Bỏ thuốc lá

- Hạn chế rượu bia

- Kiểm soát căng thẳng

- Học kỹ năng thư giãn

- Tập thể dục thường xuyên

Đau nửa đầu có thể trở nên rất nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Sử dụng thuốc và thực hiện một số thay đổi trong lối sống có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu và ngăn ngừa tái phát.

Đôi khi các triệu chứng của đột quỵ có thể bị nhầm thành đau nửa đầu. Vì vậy, cần hết sức lưu ý với một cơn đau đầu xảy ra đột ngột, kèm theo các triệu chứng như xệ một bên mặt, tê yếu một bên tay hoặc chân, khó giữ thăng bằng, khó khăn khi nói, mờ mắt hoặc co giật, hôn mê.