CHỤP X-QUANG PHỔI: THÔNG TIN BẠN CẦN BIẾT

Chụp X-quang phổi được sử dụng để đánh giá tim phổi, thành ngực; giúp chẩn đoán nguyên nhân gây khó thở, ho dai dẳng, đau ngực hoặc chấn thương. Chụp X-quang phổi rất hữu hiệu để bác sĩ đưa ra chẩn đoán và hướng dẫn điều trị các bệnh tim phổi.

 
Chụp X-quang phổi là xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh tim phổi

1. Chụp X-quang phổi là gì?

Chụp X-quang phổi là loại chụp X-quang chẩn đoán được sử dụng phổ biến nhất. Phương pháp này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh giống như bóng của các cấu trúc bên trong lồng ngực: tim, phổi, đường thở, mạch máu, vùng ngực giữa, xương ngực...

Tia X có xu hướng tán xạ và dễ dàng đi xuyên qua các vùng mô mềm; trong khi đó nó bị hấp thụ bởi các vùng cứng, dày đặc. Các cấu trúc trong cơ thể như xương, mô mềm, mạch máu... có độ dày và mật độ khác nhau. Khi tia X đi qua, mỗi cấu trúc này sẽ hấp thụ và tán xạ một lượng bức xạ không đồng đều tạo ra sự khác biệt giữa các hình ảnh. 

Ví dụ: Xương với thành phần chính Ca, P có độ dày lớn, hấp thụ nhiều bức xạ nên xương sẽ có màu trắng trên phim X-quang. Phổi là phần mô mềm cho phép nhiều bức xạ đi qua hơn nên phổi có màu xám trên phim X-quang. 
Bác sĩ sẽ dựa vào màu sắc và bóng được thể hiện trên hình ảnh X-quang để đưa ra chẩn đoán hoặc gợi ý chẩn đoán các tình trạng tim phổi.

 
X-quang phổi cung cấp hình ảnh cấu trúc bên trong cơ thể

2. Khi nào cần chụp X-quang phổi

Chụp X-quang phổi hay chụp X-quang ngực là xét nghiệm thường quy trong bài kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ, nhất là những đối tượng có nguy cơ bệnh phổi (hút thuốc lá, môi trường làm việc khói bụi, di truyền...). Chụp X-quang có thể được thay thế bằng chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner).

Chụp X-quang được chỉ định để tìm kiếm nguyên nhân gây ra các triệu chứng liên quan đến bệnh tim phổi như:

- Khó thở

- Ho nhiều 

- Ho dai dẳng

- Đau tức ngực 

- Sốt kèm theo dấu hiệu nhiễm trùng

Chụp X-quang được sử dụng trong chẩn đoán hoặc theo dõi các tình trạng:

- Chấn thương vùng ngực

- Xẹp phổi

- Ứ máu phổi

- Áp xe phổi

- Viêm phế quản

- Viêm phổi

- Viêm màng phổi

- Lao phổi

- Khí phế thũng

- Tràn dịch màng phổi

- Tràn khí màng phổi

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

- U phổi

- Ung thư phổi

- Giãn phế quản

- Giãn phế nang

- Giãn động mạch – tĩnh mạch

- Suy tim 

- Các bệnh lý tim: tràn dịch màng ngoài tim, hẹp hở van hai lá, bệnh tim bẩm sinh…

Ở những bệnh nhân mắc bệnh phổi, chụp X-quang giúp theo dõi hiệu quả điều trị, diễn tiến bệnh, phát hiện các biến chứng phổi nếu có.

Chụp X-quang phổi còn có thể được chỉ định trước khi phẫu thuật, kiểm tra phổi và khoang ngực sau phẫu thuật, kiểm tra vị trí của thiết bị y tế cấy ghép.

 
Chụp X-quang phổi được ứng dụng rộng rãi

3. Ưu điểm và nhược điểm của chụp X-quang phổi

Chụp X-quang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng rộng rãi. Nhờ chi phí đầu tư và chi phí khám thấp nên hầu hết các cơ sở y tế đều có máy chụp X-quang. 

a. Ưu điểm khi chụp X-quang phổi

- Không xâm lấn, không đau.

- Liều bức xạ khi chụp phổi thường thấp hơn.

- Chi phí chụp X-quang thấp hơn nhiều so với chụp MRI, CT.

- Máy chụp X-quang có sẵn ở hầu hết các cơ sở y tế, dễ dàng tiếp cận.

- Thời gian chụp nhanh, kỹ thuật đơn giản.

- Hữu ích trong chẩn đoán và điều trị những trường hợp khẩn cấp.

- Có máy chụp X-quang di động với kích thước nhỏ, có thể sử dụng cho những bệnh nhân tại giường.

b. Nhược điểm khi chụp X-quang

- Một số hình ảnh không hiển thị được trên X-quang, nhất là các tổn thương nhỏ và bị che lấp.

- Khả năng hiển thị hình ảnh của X-quang không rõ nét, chi tiết bằng CT và MRI.

- Luôn tồn tại một ít rủi ro khi tiếp xúc với bức xạ thường xuyên. 

- Chụp X-quang có chống chỉ định tương đối cho phụ nữ đang mang thai. 

 
Máy chụp X-quang 

4. Quy trình chụp X-quang phổi

a. Trước khi chụp X-quang phổi

Chụp X-quang phổi không cần nhịn ăn uống hay chuẩn bị gì trước ở nhà. Trước khi vào phòng chụp X-quang, bạn cần mặc đồ mỏng nhẹ hoặc thay áo/áo choàng của phòng khám. 

Bạn cần cởi bỏ bất kỳ đồ vật nào có thể cản trở hình ảnh X-quang: trang sức, quần áo có kim loại, áo lót, điện thoại, mắt kính... Tóc dài nên búi tóc cao trên đầu.

Phụ nữ có thai cần thông báo cho kỹ thuật viên hoặc bác sĩ trước khi chụp X-quang. Hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ không chụp X-quang để tránh thai nhi tiếp xúc với bức xạ. Trừ những trường hợp thực sự cần thiết phải chụp X-quang, bác sĩ sẽ có biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu bức xạ.

b. Trong khi chụp X-quang phổi

Bộ phận thu nhận là các tấm nhận ảnh X-quang, là một thiết bị kim loại dạng hộp gắn trên tường. Cách đó là một ống tạo tia X được điều chỉnh để chùm tia X nhắm vào trung tâm. Máy này tạo ra một luồng bức xạ nhỏ đi qua cơ thể bạn đến tấm nhận ảnh, được máy tính xử lý tín hiệu và tạo hình ảnh, lưu trữ dưới dạng tập tin kỹ thuật số.

Bạn vào phòng chụp X-quang đứng trước tấm ghi hình, chống tay lên hông hoặc dang tay và ép vai ngực vào tấm ghi hình. Đôi khi bạn sẽ được chụp thêm ở tư thế nghiêng. Giữ yên cơ thể, hít vào và nín thở trong vài giây theo hướng dẫn của kỹ thuật viên.

Chụp X-quang là một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh không đau và diễn ra nhanh chóng, toàn bộ quá trình chỉ kéo dài vài phút.

 
Quy trình chụp X-quang đơn giản, nhanh chóng

c. Sau khi chụp X-quang phổi

Kết quả chụp X-quang phổi sẽ được bác sĩ chẩn đoán hình ảnh xem, phân tích và đưa ra báo cáo. Kết quả này sẽ được bác sĩ điều trị giải thích, đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị; hoặc chỉ định bạn làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác nếu cần.

5. Lưu ý khi chụp X-quang phổi

Chụp X-quang phổi khiến bạn phải tiếp xúc với tia X. Mặc dù lượng bức xạ này thấp hơn nguồn bức xạ tự nhiên mà chúng ta tiếp xúc trong môi trường, nhưng bác sĩ sẽ không để bạn chụp X-quang quá thường xuyên. Bạn cũng không cần quá lo sợ điều này, vì những rủi ro do phát hiện bệnh trễ có thể lớn hơn nhiều so với rủi ro do tia bức xạ y tế gây ra.

Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai cần thông báo cho bác sĩ ngay để có biện pháp bảo vệ hoặc thay thế bằng một phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác an toàn hơn cho thai nhi. Trừ trường hợp lợi ích nhiều hơn rủi ro, nếu không phụ nữ mang thai không nên chụp X-quang.

6. Chụp X-quang phổi ở đâu

Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 sử dụng máy chụp X-quang kỹ thuật số Drgem cung cấp hình ảnh chất lượng cao, đáng tin cậy với liều lượng bức xạ thấp. Đây là công cụ hữu ích trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý tim phổi.
Hiện nay, phòng khám đã áp dụng trả kết quả chụp X-quang qua Hệ thống lưu trữ và quản lý hình ảnh (PACS). Hệ thống PACS dễ dàng lưu trữ và chia sẻ, tạo thuận tiện cho việc theo dõi và chẩn đoán bệnh; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Người bệnh có thể sử dụng điện thoại để truy cập hệ thống, nhận kết quả nhanh chóng, xem lại kết quả khi cần mọi lúc mọi nơi mà không cần in phim như trước.