CẨN THẬN BIẾN CHỨNG TIM MẠCH HẬU COVID-19

 

1. Các biến chứng tim mạch hậu Covid-19

Sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã dẫn đến một đại dịch chưa từng có trên toàn cầu. Covid-19 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và ảnh hưởng chủ yếu đến phổi, biểu hiện từ nhiễm trùng nhẹ cho đến hội chứng suy hô hấp cấp nặng (ARDS) phải thở máy và nằm trong đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Ngoài ra, Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như tim, gan, não, thận và hệ thống mạch máu. 

Virus SARS-CoV-2 không chỉ gây bệnh trong giai đoạn cấp tính mà hội chứng hậu Covid của nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi khỏi bệnh. Và đặc biệt cần lưu ý các biến chứng tim mạch hậu Covid-19.

Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine vào tháng 2/2022, Covid-19 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong ít nhất một năm sau khi khỏi bệnh. So với những người chưa từng nhiễm Covid-19 thì người bị nhiễm Covid-19 có nhiều khả năng hơn bị các biến chứng tim mạch như viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.


Cảnh giác với biến chứng tim mạch hậu Covid-19

Đáng lưu ý là biến chứng tim mạch có thể xảy ra ở cả những bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ tim mạch hay bệnh lý tim mạch trước đó. 

Nguy cơ biến chứng tim mạch tăng lên cùng mức độ nghiêm trọng trong giai đoạn mắc Covid-19 cấp tính. Những người điều trị ICU có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nhất sau khi hồi phục.

Các biến chứng tim và mạch máu liên quan đến Covid-19 rất da dạng như:

- Viêm cơ tim

- Rối loạn nhịp tim

- Viêm màng ngoài tim

- Tràn dịch màng ngoài tim

- Bệnh cơ tim

- Hội chứng mạch vành cấp tính (ACS)

- Nhồi máu cơ tim (MI)

- Suy tim (HF)

- Sốc tim

- Thuyên tắc phổi 

- Đột quỵ.

Trẻ em ít gặp hội chứng hậu Covid-19 hơn so với người lớn. Nhưng một vài trẻ nhiễm Covid-19 có thể bị viêm cơ tim cả trong giai đoạn Covid-19 cấp và giai đoạn hậu Covid-19. Ngoài ra, một biến chứng không phổ biến nhưng nghiêm trọng là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) có thể gây tổn thương tim, sốc tim hoặc tử vong.

2. Nguyên nhân xảy ra biến chứng tim mạch hậu Covid-19

Nguyên nhân biến chứng tim mạch liên quan đến Covid-19 chưa được hiểu đầy đủ. Nhưng được cho là có liên quan đến virus xâm nhập trực tiếp vào tế bào cơ tim, bão cytokine và phản ứng viêm quá mức.

3. Triệu chứng báo hiệu biến chứng tim mạch hậu Covid-19

Các tình trạng hậu Covid-19 như mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở có thể xảy ra do rối loạn tim mạch hoặc do các yếu tố khác, ví dụ di chứng của việc ốm nặng và không vận động trong thời gian dài mắc Covid-19. 

Thực tế so với số bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì chỉ có một số ít người bị biến chứng tim mạch nghiêm trọng như suy tim hay nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, khi có các triệu chứng có thể liên quan đến biến chứng tim mạch, người bệnh không nên chủ quan mà nên đi khám:

- Mệt mỏi kéo dài.

- Tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực.

- Khó thở, khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm.

- Khó thở kèm theo mệt mỏi hoặc sưng mắt cá nhân.

- Cảm giác nặng ngực, tức ngực dai dẳng hoặc nghiêm trọng hơn.

- Đau ngực khi gắng sức.

- Cảm giác lâng lâng, chóng mặt, nhất là khi đứng.

Đặc biệt, khi có các triệu chứng sau cần liên hệ cơ sở y tế ngay:

- Khó thở kèm theo độ bão hòa oxi thấp (dưới 92%) 

- Khó thở kèm theo môi hoặc mặt hơi xanh.

- Khó thở khởi phát đột ngột.

- Đau ngực dữ dội, đau thắt ngực đột ngột.

- Tức ngực kèm theo buồn nôn, khó thở, choáng váng hoặc đổ mồ hôi. 

4. Cách hạn chế biến chứng tim mạch hậu Covid-19

 
Tầm soát tim mạch hậu Covid-19

Mặc dù những biến chứng tim mạch rất nguy hiểm, nhưng bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng không nên quá lo lắng. Quan trọng là có kế hoạch phục hồi sức khỏe hậu Covid-19 bằng cách:

- Tập các bài tập thở: hít sâu và thở ra từ từ, thở lồng ngực, thở bụng,…

- Chế độ ăn uống lành mạnh: nhiều rau xanh, củ quả, trái cây, protein tốt, chất béo tốt; hạn chế thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, nhiều muối, nhiều đường; hạn chế uống rượu bia; không hút thuốc lá, thuốc lào.

- Vận động: không nên tập gắng sức mà nên tập các bài tập nhẹ nhàng trước, sau đó tăng dần cường độ.

- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng.

Bên cạnh đó, tầm soát sức khỏe hậu Covid-19 giúp phát hiện được các biến chứng tim mạch (nếu có) để kịp thời can thiệp. 

Những người có yếu tố nguy cơ tim mạch trước khi nhiễm Covid-19 có nhiều khả năng gặp biến chứng tim mạch liên quan đến Covid-19 hơn so với người không có bệnh lý tim mạch nào trước đó.

Những bệnh nhân bị bệnh Covid-19 nặng nhập viện, kể cả không có yếu tố nguy cơ tim mạch trước đó cũng nên đi tầm soát sức khỏe hậu Covid-19. Đặc biệt là thực hiện các xét nghiệm: công thức máu, đánh giá tình trạng viêm (LDH, VS, CRP) và tình trạng đông máu (D-dimer, APTT, Prothrombin); cũng như các chẩn đoán hình ảnh như: điện tim, siêu âm tim,....

Những bệnh nhân Covid-19 phải nằm trong ICU nên thực hiện chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu hơn như: siêu âm động mạch cảnh, siêu âm mạch máu chi dưới, MRI não mạch não,… để đánh giá tổn thương tăng đông dẫn đến tắc nghẽn mạch nếu có.