TÌM HIỂU VỀ XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG TRIGLYCERID

Xét nghiệm định lượng triglycerid đo lượng chất béo trung tính trong máu. Kết quả xét nghiệm triglycerid cho biết nguy cơ rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch, viêm tụy và một số tình trạng khác. Xét nghiệm này thường được thực hiện cùng xét nghiệm định lượng cholesterol.

 
Xét nghiệm định lượng triglycerid đo nồng độ chất béo trong máu

1. Xét nghiệm định lượng triglycerid là gì?

Xét nghiệm định lượng triglycerid là xét nghiệm cơ bản để đánh giá tình trạng cân bằng giữa hấp thu và chuyển hóa lipid trong cơ thể.

Triglycerid là chất béo trung tính được tổng hợp ở gan từ axit béo, protein và glucose. Triglycerid được trữ trong mô mỡ và cơ, được mang ra sử dụng như một nguồn cung cấp năng lượng khi cần. 

Trong tuần hoàn, triglycerid được vận chuyển chủ yếu bởi lipoprotein chylomicron (các vi thể dưỡng chấp) và phần lớn lượng triglycerid tập trung trong VLDL (lipoprotein tỉ trong rất thấp). Tăng triglycerid máu phản ánh tình trạng quá tải VLDL hoặc là hậu quả tích tụ bất thường khi đói của các chylomicron.

2. Mục đích của xét nghiệm định lượng triglycerid?

Xét nghiệm định lượng triglycerid là một phần của bảng lipid máu, thường được kiểm tra cùng với: cholesterol toàn phần, HDL cholesterol và LDL cholesterol để đánh giá tình trạng rối loạn mỡ máu. Xét nghiệm này được đưa vào bài kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để xác định các biến đổi của lipid máu. Tất cả mọi người nên xét nghiệm mỡ máu lúc đói định kỳ, bất kể có yếu tố nguy cơ hay không.

Nồng độ triglycerid máu là một thông số quan trọng để đánh giá nguy cơ xơ vữa động mạch. Nồng độ triglycerid cao kết hợp với yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ bị bệnh lý tim mạch và đột quỵ.

Tình trạng tăng triglycerid máu thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường và béo phì – hai trong các yếu tố nguy cơ tim mạch. Ở bệnh nhân tiểu đường không được kiểm soát tốt, mức triglycerid trong máu sẽ rất cao. Do đó, bệnh nhân tiền tiểu đường hoặc tiểu đường cần theo dõi mức triglycerid máu thường xuyên.

Triglycerid có thể gây ra viêm tụy. Do đó, bệnh nhân bị viêm tụy cần kiểm tra nồng độ triglycerid để chẩn đoán hoặc loại trừ nguyên nhân viêm tụy do tăng triglycerid máu.

3. Cách thực hiện xét nghiệm định lượng triglycerid

Xét nghiệm định lượng triglycerid được thực hiện như những xét nghiệm máu khác. Nhân viên y tế sử dụng kim tiêm lấy mẫu máu từ tĩnh mạch khuỷu tay hoặc bàn tay. Xét nghiệm tiến hành trên huyết thanh và được phân tích trong phòng thí nghiệm.

Xét nghiệm định lượng triglycerid yêu cầu nhịn ăn từ 8-12 tiếng. Đồng thời, không được uống rượu bia hay các chất có cồn trong 24 tiếng trước khi lấy máu xét nghiệm.

4. Nồng độ triglycerid tăng hoặc giảm có ý nghĩa gì?

 
Xét nghiệm triglycerid giúp đánh giá nguy cơ xơ vữa động mạch

Nồng độ triglycerid trong máu ở người khỏe mạnh < 1,7 mmol/L.

Nồng độ triglycerid tăng do các nguyên nhân thường gặp sau:

- Nghiện rượu.

- Viêm tụy.

- Xơ gan.

- Đái tháo đường.

- Chế độ ăn ít protein, giàu carbohydrat.

- Tăng lipoprotein máu có tính chất gia đình.

- Bệnh lý kho dự trữ glycogen.

- Bệnh gout.

- Tăng huyết áp.

- Suy giáp.

- Nhồi máu cơ tim.

- Hội chứng thận hư.

- Bệnh thận.

Nồng độ triglycerid giảm do các nguyên nhân thường gặp sau:

- Không có beta lipoprotein máu.

- Nhồi máu não.

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Cường giáp.

- Hội chứng giảm hấp thu.

- Suy dinh dưỡng.

- Chế độ ăn nghèo chất béo.

Kết quả xét nghiệm triglycerid có thể thay đổi bởi một số yếu tố như:

- Có thai.

- Bệnh nhân không nhịn ăn.

- Uống rượu bia.

- Một số thuốc làm tăng nồng độ triglycerid máu: thuốc chẹn beta – giao cảm, cholestyramin, corticosteroid, estrogen, thuốc ngừa thai, thuốc lợi tiểu thiazid.

- Một số thuốc làm giảm nồng độ triglycerid máu: axit ascorbic, asparaginase, colestipol, clofibrat, dextrothyroxin, metformin, niacin.

5. Cần làm gì khi nồng độ triglycerid trong máu tăng?

Triglycerid tăng là yếu tố nguy cơ của các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Vì vậy, bệnh nhân tăng triglycerid cần được điều trị thích hợp. Việc điều trị tăng triglycerid phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tăng triglycerid, mục đích là giảm LDL cholesterol để làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Điều trị bao gồm tăng cường hoạt động thể chất, giảm cân và điều trị bằng thuốc cho đối tượng có nguy cơ cao.

Trong một số ít trường hợp có nồng độ triglycerid quá cao, cần điều trị để giảm nhanh nồng độ triglycerid nhằm dự phòng viêm tụy cấp. Viêm tụy cấp là tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến hậu quả cuối cùng là suy đa tạng và tử vong. Lúc này, điều trị bao gồm sử dụng thuốc làm giảm triglycerid, có chế độ ăn rất ít mỡ, giảm cân và tăng cường hoạt động thể chất.

Tăng triglycerid và tăng LDL-C thường xảy ra cùng nhau. Để hạn chế nguy cơ rối loạn mỡ máu, bạn cần có chế độ ăn uống và lối sống sinh hoạt lành mạnh. Đồng thời, cần thường xuyên xét nghiệm kiểm tra mỡ máu để có biện pháp can thiệp và dự phòng hiệu quả.