TÌM HIỂU VỀ NGHIỆM PHÁP ĐO GẮNG SỨC TIM MẠCH – HÔ HẤP (CPET)

Nghiệm pháp Đo gắng sức tim mạch hô hấp (CPET) đang dần trở thành một công cụ hữu ích để đánh giá, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, hô hấp. Đồng thời, CPET là nghiệm pháp quan trọng để đánh giá tình trạng hạn chế tập luyện chưa được chẩn đoán, xác định khách quan về khả năng gắng sức và mức độ suy giảm chức năng. 

 
Nghiệm pháp đo gắng sức tim mạch hô hấp (CPET)

1. Đo gắng sức tim mạch hô hấp (CPET) là gì?

CPET là từ viết tắt của Cardiopulmonary Exercise Testing, trong Tiếng Việt gọi là đo gắng sức tim mạch hô hấp.

Sự vận chuyển oxy đến các mô cơ thể phụ thuộc phần lớn vào cung lượng tim, nồng độ hemoglobin, độ bão hòa oxy, trương lực mạch máu động mạch và mật độ của mạng lưới mao mạch. Ngưỡng gắng sức của một người có thể hiểu đơn giản là khả năng tối đa của hệ thống tim mạch và hô hấp để đáp ứng với việc tập luyện.

Đo CPET là một bài kiểm tra để đánh giá toàn diện về hệ thống tim mạch và hô hấp trong lúc bệnh nhân nghỉ ngơi và trong khi tập luyện gắng sức.

2. Mục đích của đo gắng sức tim mạch hô hấp là gì?

Đo CPET đánh giá phản ứng của cơ thể khi gắng sức liên quan đến hệ thống hô hấp, tuần hoàn  và cơ xương. Thông qua đó giúp đánh giá các tình trạng hạn chế gắng sức chưa được chẩn đoán và đánh giá khách quan về khả năng gắng sức và mức suy giảm chức năng.

Nghiệm pháp này được công nhận là có giá trị chẩn đoán vượt trội hơn hẳn so với các xét nghiệm khác trong việc phát hiện các bệnh lý tim mạch hoặc hô hấp tiềm ẩn không thể phát hiện được khi nghỉ ngơi. Việc chẩn đoán được các bệnh lý này rất quan trọng nhằm phòng tránh nguy cơ đột tử trong lúc luyện tập.

Đồng thời, kết quả kiểm tra tim mạch, hô hấp kết hợp với khí máu động mạch thông qua đo CPET rất hữu ích trong việc chẩn đoán và tiên lượng bệnh ở những bệnh nhân đồng thời bị bệnh tim và phổi.

Ngoài ra, thông qua CPET người bệnh sẽ biết được ngưỡng tập luyện an toàn của thân, để có kế hoạch vận động và tập luyện phù hợp với thể trạng sức khỏe của bản thân.

3. Đối tượng cần đo gắng sức tim mạch hô hấp

Đo CPET có thể được chỉ định trong các trường hợp:

- Đánh giá khả năng tập luyện tối đa và liên tục của một cá nhân bất kỳ.

- Đánh giá ngưỡng gắng sức an toàn ở người có bệnh lý làm suy giảm khả năng vận động để hướng dẫn trước khi tham gia phục hồi chức năng hoặc tập luyện trở lại.

- Chẩn đoán nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của chứng khó thở khi gắng sức, bị hạn chế khi tập thể dục hoặc giảm oxy máu do gắng sức.

- Đánh giá nguy cơ trước phẫu thuật lớn, đặc biệt là ở bệnh nhân đã biết bị bệnh tim hoặc phổi.

- Đánh giá chức năng tim mạch ở bệnh nhân bị suy tim hoặc phẫu thuật tim mạch.

- Đánh giá chức năng hô hấp ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh phổi mô kẽ, bệnh mạch máu phổi, xơ phổi và những bệnh khác.

- Xác định giới hạn tập thể dục là do tim hay phổi ở những người bị cả bệnh tim và phổi.

- Phân loại mức độ nghiêm trọng của bệnh để đưa ra quyết định điều trị.

- Đánh giá đáp ứng với phương pháp điều trị (nội khoa, phục hồi chức năng, cấy ghép, phẫu thuật…).

- Hướng dẫn và theo dõi năng lực tập luyện thể chất của vận động viên.

- Đánh giá sức khỏe trước khi tham gia chương trình tập luyện.

4. Cần chuẩn bị gì trước khi đo gắng sức tim mạch hô hấp

Trước khi đo CPET, bạn cần lưu ý:

- Không ăn uống gì thêm trong 2-3 giờ trước khi thực hiện nghiệm pháp NÀY.

- Không hút thuốc lá, thuốc lào và kể cả thuốc lá điện tử vào ngày đo CPET.

- Không uống rượu bia hoặc đồ uống chứa caffein vào ngày đo CPET.

- Không gắng sức trong ít nhất 30 phút trước đó.

- Đi giầy thể thao, mặc trang phục thoải mái phù hợp cho vận động. Không mặc quần áo chật vì có thể gây hạn chế hô hấp.

- Đem theo kết quả xét nghiệm cận lâm sàng trong lần khám gần nhất và toa thuốc đang sử dụng.

- Vẫn uống thuốc theo đơn đang sử dụng nếu bác sĩ không có dặn dò gì khác.

5. Quy trình đo gắng sức tim mạch hô hấp

 
Điều dưỡng gắn mặt nạ chuẩn bị đo CPET cho bệnh nhân

a. Trước khi đo gắng sức tim mạch hô hấp

Trước khi đo CPET, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và kiểm tra một số kết quả xét nghiệm trước đây để đảm bảo bạn đủ điều kiện để thực hiện nghiệm pháp này.

Sau đó, bác sĩ sẽ giải thích cho bạn cách thực hiện CPET và giải đáp một số câu hỏi mà bạn đưa ra nếu có. 

b. Trong khi đo gắng sức tim mạch hô hấp

Quá trình đo gắng sức tim mạch hô hấp sẽ diễn ra như sau:

- Bạn cần để lộ vùng ngực, điều dưỡng sẽ gắn các điện cực lên ngực bạn để theo dõi điện tim. Bạn có thể mặc áo do phòng khám cung cấp sau đó nếu cần.

- Gắn vòng bít đo huyết áp lên bắp tay.

- Gắn mặt nạ che miệng mũi và bạn sẽ thở qua một đồng hồ đo lưu lượng có gắn ống. Đây là thiết bị giúp phân tích khí thở oxy, carbon dioxide và đo lường mức độ thở sâu và nhanh trong khi vận động.

- Gắn máy đo oxy xung lên ngón tay, trán hoặc tai để đo độ bão hòa oxy trong máu.

- Máy sẽ thu thập thông tin trong 2-3 phút đầu tiên khi bạn đang trong trạng thái nghỉ.

- Sau đó, điều dưỡng sẽ hướng dẫn cho bạn cách vận động (ví dụ đạp xe hoặc chạy trên máy chạy bộ) và cách sử dụng tín hiệu tay để giao tiếp khi tập luyện.

- Bác sĩ liên tục theo dõi sự thay đổi của các chỉ số trên màn hình hiển thị.

- Bạn sẽ được yêu cầu vận động với cường độ tăng dần liên tục trong khoảng 8-12 phút cho đến khi các thông số đạt ngưỡng, hoặc khi sức chịu đựng của bạn đã đến giới hạn, hoặc bạn xuất hiện các triệu chứng cho đau ngực, khó thở, chóng mặt… bạn sẽ nhận được tín hiệu dừng lại. 

- Lúc này, bạn không nên ngừng vận động đột ngột mà nên vận động chậm dần rồi dừng hẳn.

c. Sau khi đo gắng sức tim mạch hô hấp

Sau khi dừng vận động, bạn cần nghỉ ngơi một lúc cho đến khi các thông số trở lại bình thường. Sau đó, điều dưỡng sẽ tháo tất cả các thiết bị ra khỏi người bạn và bác sĩ sẽ giải thích kết quả đo CPET cho bạn biết.

Nếu kết quả bình thường, bạn có thể yên tâm vận động trong ngưỡng gắng sức của mình. Còn nếu kết quả bất thường, bác sĩ sẽ có hướng dẫn tiếp theo cho tình trạng của bạn.

 
Bác sĩ theo dõi các chỉ số tim mạch – hô hấp trong quá trình đo CPET

6. Chống chỉ định đo gắng sức tim mạch hô hấp

Có một số lý do mà bạn không thể thực hiện CPET được, bao gồm:

- Có bệnh lý cơ xương khớp không thể đạp xe đạp hoặc chạy trên máy chạy bộ.

- Đang bị bệnh nội khoa cấp tính hoặc bệnh mạn tính chưa được kiểm soát (hen suyễn, suy hô hấp, suy tim, viêm nội tâm mạc, đau thắt ngực…)

- Bị nhồi máu cơ tim gần đây.

- Tăng huyết áp nghiêm trọng hoặc chưa được kiểm soát.

- Độ bão hòa oxy trong máu thấp.

- Các rối loạn nhịp tim chưa kiểm soát gây ra các triệu chứng.

- Không hợp tác được trong quá trình đo.

Nếu bạn đang bị nhiễm trùng cấp tính hoặc bị chấn thương gần đây, hãy thông báo cho bác sĩ.

7. Đo gắng sức tim mạch hô hấp có nguy hiểm không? Có rủi ro gì không?

Nhìn chung, đo gắng sức tim mạch hô hấp là một nghiệm pháp an toàn. Một số nguy cơ có thể gặp khi đo CPET cũng giống như đối với tập thể dục nhẹ và vừa. 

Một số ít trường hợp có thể tụt huyết áp kéo dài, nhịp tim quá chậm, rung thất, nhịp nhanh thất… Bác sĩ và điều dưỡng sẽ luôn theo sát bệnh nhân để đảm bảo phát hiện ngay các dấu hiệu bất thường và yêu cầu dừng kiểm tra.

8. Đo gắng sức tim mạch hô hấp ở đâu?

Không phải cơ sở y tế nào cũng có thiết bị đo gắng sức tim mạch hô hấp. Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 là một trong những đơn vị Tim mạch – Hô hấp được trang trị máy đo CPET, công cụ hữu ích hỗ trợ các bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị các bệnh Tim mạch – Hô hấp.