Tại sao bé bị viêm da nhưng xét nghiệm không tìm được nguyên nhân
Có rất nhiều trường hợp các mẹ bỉm sữa có con bị viêm da cơ địa cho bé đến khám dị ứng tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 nói với Bác sĩ Phòng khám rằng “ Em đã cho bé khám dị ứng ở nhiều nơi và được chỉ định làm test dị ứng (IgE đặc hiệu) rồi thậm chí làm cả xét nghiệm 36 dị nguyên luôn nhưng ra kết quả âm tính, không tìm được nguyên nhân dị ứng của bé….
Để giải thích cho vấn đề này TS.BS Phạm Lê Duy – Đơn vị hô hấp và Dị ứng miễn dịch lâm sàng- Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 đã chia sẻ và có những nhận định sau:
Trước tiên chúng ta cần biết:
1. Các bệnh dị ứng liên quan đến hệ miễn dịch là gì.
Các bệnh dị ứng liên quan đến hệ miễn dịch thường xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với những thứ xung quanh như: (thức ăn, thuốc, hoá chất, hay các phân tử lơ lửng trong không khí….) thì sẽ gây nên các bệnh lý dị ứng.
Các tác nhân thường gặp đó không gây triệu chứng gì cho số đông dân số, chỉ gây triệu chứng cho một nhóm nhỏ người, thì nhóm nhỏ người đó gọi là người có cơ địa dị ứng (atopy).
2. Thành phần của hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch có 2 thành phần chính tham gia vào phản ứng dị ứng: kháng thể IgE và tế bào lympho T (tên của 1 loại bạch cầu trong máu).
a. Kháng thể IgE
Nếu do kháng thể IgE gây ra dị ứng, bé sẽ có biểu hiện cấp tính, tức là triệu chứng dị ứng xuất hiện liền ngay và lập tức, thường vài phút đến 2 tiếng sau ăn phải, uống phải, hít phải hay chạm phải chất gây dị ứng.
Biểu hiện thường là: nổi mày đay, khò khè, nôn ói, tiêu hảy, hoặc nặng hơn là phản vệ (có từ 2 loại triệu chứng trở lên). Đây là triệu chứng của “Dị ứng cấp”
b. Tế bào Lympho
Trong trường hợp bé bị dị ứng do tế bào lympho T gây ra thì bé sẽ không có biểu hiện ngay, mà thường xuất hiện triệu chứng sau 24 giờ tiếp xúc với chất gây dị ứng. Triệu chứng của loại dị ứng này có thể là chàm (viêm da), nôn ói, tiêu lỏng với phân có thể có nhầy máu, và bé chậm tăng trưởng. Đây là các triệu chứng của “Dị ứng muộn”
Như vậy, nếu bé có triệu chứng của dị ứng cấp, mình sẽ tìm được kháng thể IgE đặc hiệu với dị nguyên làm em bé bị dị ứng; còn nếu em bé chỉ có triệu chứng của dị ứng muộn, thì việc không tìm thấy kháng thể IgE trong máu của em bé là chuyện bình thường.
3. Test máu sàng lọc 36 loại dị ứng nguyên là gì
Test máu sàng lọc 36 loại dị ứng nguyên (hay được gọi là Panel 1 hay 4) là test để tìm kháng thể IgE đặc hiệu với các dị nguyên đó, cho nên, em bé bị chàm khi làm xét nghiệm IgE thường không thấy gì bất thường, do nó là loại dị ứng muộn.
Trong các trường hợp bé bị dị ứng muộn thì test dị ứng có thể làm là test áp da nhưng loại test này thường khó thực hiện ở trẻ nhỏ vì bé cựa quậy, hiếu động nên không thể lưu miếng dán trên lưng bé 48 giờ được, ngoài ra có một cách dế nhất đó là hoặc dễ nhất là cho bé ngưng sử dụng thức ăn nghi ngờ gây dị ứng.
4. Khi nào bé bị chàm có kháng thể IgE
Thông thường sẽ có 02 trường hợp thường gặp khi bé bị chàm có chứa kháng thể IgE đó là:
– Bé có cả 2 loại dị ứng cấp và dị ứng muộn thì sẽ có IgE đặc hiệu trong máu.
– Ở các bé lớn (thường sau 3 tuổi) bị chàm lâu ngày có thể sẽ có IgE trong máu, lý do là các dị nguyên khi tiếp xúc vùng da bị viêm có thể kích thích cơ thể sản xuất ra IgE. Khi đó, bé có thể bị thêm các bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, hoặc mày đay do dị ứng…
Ngoài ra còn một lý do nữa khiến không tìm thấy IgE ở bé bị chàm (viêm da cơ địa) là do tình trạng chàm nội sinh thường liên quan đến khiếm khuyết loại protein cấu trúc của da gọi là Filaggrin (và 1 số loại khác nhưng không phổ biến).
Khi đó, da của bé có thể xuất hiện tình trạng viêm do các tác nhân vật lý (nhiệt độ, độ ẩm, chất kích thích như xà phòng, chất tẩy rửa, hoá chất khác), hoặc do nguyên nhân bên trong của cơ thể bé như tình trạng nhiễm siêu vi hoặc nhiễm vi khuẩn ở đâu đó.
Tình trạng chàm của các bé này thường không liên quan dị ứng. Tuy nhiên, nếu chàm da của bé không được điều trị tốt, các vị trí viêm da sẽ là nơi tiếp xúc dị nguyên và bé có thể dị ứng với chúng sau này nếu bé có di truyền cơ địa dị ứng từ gia đình.
Do đó bố mẹ đừng quá hoang mang khi kết quả xét nghiệm dị ứng của bé nhà mình âm tính nhưng vẫn bị các bệnh về viêm da. Hơn nữa nếu bé bị viêm da thì việc điều trị hồi phục hàng rào da là cực kỳ quan trọng do đó bố mẹ hãy lưu tâm hơn về điều này để việc điều trị viêm da ở trẻ hiệu quả hơn.
TS.BS. Phạm Lê Duy – Đơn vị hô hấp và Dị ứng miễn dịch – Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1
Liên hệ khám dị ứng tại:
Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1
20-22 Dương Quang Trung, Phường 12, Quận 10
Hotline: 1800 6023
Đặt lịch khám tại: https://umcclinic.com.vn/dat-lich-kham/