COVID-19 ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHOẺ TÂM THẦN CỦA BẠN NHƯ THẾ NÀO

1.Covid-19 ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của bạn như thế nào?

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, sức khỏe tâm thần được quan tâm hơn bao giờ hết bởi những tác động của dịch bệnh đến tâm lý và sức khỏe của nhiều người là rất lớn. Cảm giác sợ hãi, lo lắng và căng thẳng trong đại dịch Covid-19 là điều mà nhiều người đang phải trải qua. Đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của Covid-19 đến sức khỏe tâm thần trong thời kỳ này.

Theo báo cáo trong dân số chung ở Trung Quốc, Đan Mạch, Iran, Ý, Nepal, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, tỷ lệ gặp các rối loạn tâm thần tương đối cao với:

- Triệu chứng lo âu: 6-51%

- Triệu chứng trầm cảm: 15-48%

- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD): 7-54%

- Tâm lý đau buồn không cụ thể: 34-38%

Nhiều người sau khi nhiễm Covid-19, mặc dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn gặp hàng loạt các vấn đề về sức khỏe. Trong đó các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần thường gặp như: stress, lo âu, buồn bã, sợ hãi, kiệt sức, mất động lực để làm việc, khả năng tập trung kém, mất ngủ kéo dài, chán ăn.

Theo kết quả phân tích của Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương 1 từ 66 nghiên cứu trên thế giới về rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 cho thấy: tỷ lệ trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%.

2. Ai dễ bị rối loạn sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19

Một cuộc thăm dò được UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) thực hiện trên 8.444 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13-29 tại 9 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Mỹ Latinh và Carbie. Báo cáo cho thấy một trong các lý do chính ảnh hưởng đến cảm xúc là tình hình kinh tế (chiếm 30%).

Dịch bệnh gây ra rất nhiều khó khăn như thất nghiệp tạm thời, khó tìm việc làm; con cái ở nhà học online; ít tiếp xúc với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp; nỗi sợ bệnh tật đe dọa tính mạng và mất người thân đột ngột. Tình trạng sợ hãi, căng thẳng và lo lắng trở thành nguy cơ gây ra rối loạn sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm và rối loạn hành vi sử dụng chất kích thích.

Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19 bao gồm nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu chống dịch, nhóm người bị nhiễm Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19 nặng phải nhập viện. 

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, việc điều trị các tình trạng tâm thần bị gián đoạn đáng kể do khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Cảm giác sợ hãi, buồn bã và bị tách biệt khỏi xã hội khiến các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Những người bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất có nhiều nguy cơ tái nghiện, tái sử dụng chất kích thích và không tuân thủ điều trị.

3. Triệu chứng phổ biến của rối loạn sức khỏe tâm thần 

 
Nhiều người bị rối loạn sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19

Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra vấn đề mình đang gặp phải để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp. Một số triệu chứng cần lưu ý là:

- Cảm giác buồn bã, lo lắng, sợ hãi hoặc thất vọng

- Khó kiểm soát cảm xúc của bản thân, dễ tức giận hoặc dễ khóc

- Rối loạn giấc ngủ (ngủ nhiều hơn hoặc mất ngủ)

- Thay đổi cảm giác ăn uống, thèm ăn hơn hoặc chán ăn

- Cảm thấy mất năng lượng, không còn hứng thú với các hoạt động từng yêu thích

- Khó tập trung và đưa ra quyết định

- Giảm cân không rõ lý do

- Các phản ứng thể chất như: đau đầu, đau mỏi cơ thể, đau bụng và các vấn đề tiêu hóa

- Bệnh mạn tính trở nên nghiêm trọng hơn

- Tình trạng sức khỏe tâm thần vốn có trở nên tồi tệ hơn

- Tăng sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất khác.

4. Lời khuyên chăm sóc sức khỏe tâm thần trong mùa dịch

Dưới đây là những lời khuyên chăm sóc sức khỏe tâm thần của Bác sĩ CK II Trần Minh Khuyên – Trưởng khoa Tâm Thần kinh & Trị liệu tâm lý - Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 người đã tữ vấn và hỗ trợ điều trị sức khoẻ tâm thần cho hàng ngàn F0 trong đại dịch Covid-19:

a. Duy trì thói quen lành mạnh

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn không thể duy trì được một số hoạt động hàng ngày như trước đại dịch Covid-19. Đặc biệt là cảm xúc lo lắng, căng thẳng có thể làm thay đổi đáng kể các thói quen tập thể dục, ăn uống và giấc ngủ. Ngay cả khi bạn cảm thấy không có động lực để làm gì, hãy cố gắng duy trì chúng, bắt đầu từ những hoạt động yêu thích. Điều này sẽ giúp ích cho sức khỏe tâm thần của bạn.

- Tập thể dục mỗi ngày, đặc biệt là thiền và yoga rất tốt cho tâm trạng.

- Hạn chế uống trà, cà phê và thức uống có caffein, đặc biệt là vào buổi tối.

- Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa và hãy ăn uống có ý thức (xác định rõ mình ăn gì, ăn bao nhiêu).

- Cố gắng đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày, ngủ đủ giấc từ 7-9 giờ tùy vào nhu cầu của cơ thể.

- Tránh tình trạng làm việc quá sức. Hãy dành ra một khoảng thời gian để thư giãn với các hoạt động yêu thích.

- Hạn chế sử dụng điện thoại, tivi và máy tính. Hãy để đôi mắt được thư giãn giữa và sau khi sử dụng các thiết bị này. 

- Không nên chơi trò chơi điện tử cả ngày, phải cân bằng với các hoạt động khác. 

b.Hạn chế xem tin tức về Covid-19

Các tin tức về Covid-19 liên tục cập nhật trên báo chí và mạng xã hội, đôi khi sẽ khiến bạn lo lắng, sợ hãi và căng thẳng hơn. Đặc biệt là tin tức về số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng lên hàng ngày. Hãy hạn chế đọc những tin tức này bằng cách chọn một thời điểm trong ngày để kiểm tra thông tin về Covid-19, và sau đó không đọc thêm thông tin nào nữa.

c. Tăng tiếp xúc xã hội

 
Tăng kết nối với mọi người có thể làm giảm cảm giác cô đơn

Việc giãn cách xã hội, cách ly theo dõi hoặc điều trị Covid-19 khiến tâm trạng của chúng ta tồi tệ hơn. Bên cạnh việc sợ hãi dịch bệnh thì cảm giác cô đơn, lạc lõng  tăng lên đáng kể. Thật may mắn vì hiện nay chúng ta có rất nhiều cách để kết nối với nhau ngoài việc gặp mặt trực tiếp.

- Hãy kết nối với người khác thông qua điện thoại hoặc các mạng xã hội.

- Thường xuyên trò chuyện với người lớn tuổi trong gia đình qua điện thoại, ứng dụng nhắn tin hoặc mạng xã hội.

- Những người đang cách ly theo dõi hoặc điều trị Covid-19 nên duy trì kết nối với người thân để đảm bảo tâm lý được ổn định.

- Kết nối với chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần kinh hoặc người mà bạn tin tưởng để kể về những cảm xúc tiêu cực mà mình đang có. 

d. Không sử dụng rượu và ma túy

Sử dụng rượu hoặc chất kích thích khi bị lo lắng, căng thẳng, buồn bã sẽ chỉ làm cho tình hình tội tệ hơn. 

Rượu không diệt virus và cũng không thể điều trị bệnh nhiễm trùng. Ngược lại nó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng hiệu quả điều trị và làm cho bệnh nghiêm trọng hơn. 

Rượu cũng khiến chúng ta chủ quan hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 như rửa tay sát khuẩn hay giữ khoảng cách an toàn.
Vì vậy, lời khuyên đưa ra là bạn không nên uống rượu bia hay sử dụng các chất kích thích khác. 

e. Suy nghĩ tích cực

Luôn suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn bớt căng thẳng và lo âu hơn vì đại dịch Covid-19. 

- Cuối mỗi ngày hãy viết ra 3 điều mà bạn cảm thấy biết ơn và may mắn.

- Nói ra cảm xúc sợ hãi và lo lắng của bản thân cho một người bạn biết lắng nghe sẽ giúp bạn bớt đau khổ hơn.

- Hãy hiểu rằng, mỗi ngày nhiều người đang khỏe mạnh và phục hồi sau khi mắc Covid-19.

- Khi đối mặt với tình huống khó khăn, biết chấp nhận và hãy tập trung vào những gì bạn có thể cải thiện, thay đổi được.

f. Điều trị các vấn đề sức khỏe hiện tại

Khi tâm trạng trở nên tồi tệ, bạn có xu hướng bỏ bê việc điều trị các bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe đang mắc phải như bệnh mạn tính hay tình trạng trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi sử dụng chất…

Nếu bạn đang mắc bệnh mạn tính, hãy duy trì sử dụng thuốc và tái khám đều đặn. Nếu việc tái khám trực tiếp tại bệnh viện quá khó khăn thì hãy liên hệ với bác sĩ qua điện thoại để được hỗ trợ kịp thời. 

Bạn cần hiểu rằng những vấn đề sức khỏe hiện tại cũng nghiêm trọng không kém Covid-19 nếu chúng không được điều trị. 

g. Giúp đỡ người khác bằng cách nào?

Cách mà chúng ta đối xử với người khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của họ. Trong đại dịch, rất nhiều người dễ bị tổn thương, chúng ta cần tử tế hơn.

- Hãy tử tế và đừng kỳ thị với người bị nhiễm Covid-19.

- Đừng phân biệt đối xử với nhân viên y tế hay người đang tham gia chống dịch chỉ vì họ có yếu tố nguy cơ cao.

- Đừng gán cho một nhóm người nào đó là lây nhiễm Covid-19.

- Nếu bạn biết ai đó đang thấy buồn bã, lo lắng và tuyệt vọng, hãy nói chuyện và lắng nghe họ.

5. Bạn cần hiểu rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần phải được điều trị khi cần thiết

Không phải tất cả chúng ta đều có khả năng duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Một số người có thể dễ dàng vượt qua, số khác thì không. Đó không phải là biểu hiện của sự yếu đuối hay bất lực. Đôi khi những cảm xúc này không thể tự biến mất bằng suy nghĩ hay ý chí mà phải được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp khác. 
Khi những tâm trạng tiêu cực kéo dài liên tục quá 2 tuần mà không có dấu hiệu tốt lên, bạn cần được chăm sóc y tế. Nhất là khi những cảm xúc đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, bạn có suy nghĩ hại người khác hoặc chính mình, suy nghĩ đến cái chết hoặc tự tử. Bác sĩ tâm thần kinh sẽ giúp bạn chẩn đoán, theo dõi và điều trị để bạn cảm thấy tốt hơn.

Bác sĩ CK II Trần Minh Khuyên