BÉO PHÌ: ĐỊNH NGHĨA, NGUYÊN NHÂN, BIẾN CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Béo phì không đơn giản là vấn đề thẩm mỹ mà là một tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp và một số loại ung thư. Giảm cân có thể giúp cải thiện và ngăn ngừa các vấn đề này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin chi tiết về bệnh béo phì.

 
Béo phì là một vấn đề sức khỏe cần được quan tâm

1. Béo phì là gì?

Thừa cân béo phì là tình trạng chất béo trong cơ thể tích tụ bất thường hoặc quá mức, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo WHO, năm 2016 trên thế giới có hơn 1,9 tỷ người trên 18 tuổi bị thừa cân, trong đó có hơn 650 triệu người bị béo phì. Con số này tương đương 39% dân số thế giới bị thừa cân và 13% bị béo phì. Béo phì cũng là một tình trạng đang ngày càng phổ biến ở trẻ em. Năm 2016 có hơn 340 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-19 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. 

Béo phì có thể được phân loại theo độ tuổi hoặc sự phân bố mỡ như sau:

Phân loại theo tuổi: 

- Béo phì bắt đầu ở tuổi trưởng thành .

- Béo phì thiếu niên.

Phân loại theo sự phân bố mỡ:

- Béo phì dạng nam: mỡ tập trung chủ yếu ở gáy, cổ, mặt, vai, cánh tay, ngực, bụng trên rốn.

- Béo phì dạng nữ: mỡ tập trung chủ yếu ở đùi, mông, cẳng chân.

- Béo phì hỗn hợp: mỡ phân bố khá đồng đều.

Vậy làm cách nào để biết bạn có đang thừa cân hoặc béo phì không? Có một cách rất đơn giản đó là tính chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) dựa trên cân nặng và chiều cao.

2. Đánh giá mức độ béo phì theo chỉ số BMI

Chỉ số BMI của người lớn được tính như sau: BMI = trọng lượng (kg) ÷ (chiều cao x chiều cao)(m). Ví dụ: Một người cao 1,8m, nặng 75kg thì BMI = 72 ÷ (1.8 x 1.8) = 22,2
Dựa vào chỉ số BMI để đánh giá mức độ béo phì theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là:

- BMI < 18,5: Gầy

- BMI từ 18,5 – 24,9: Bình thường

- BMI từ 25 – 29,9: Tăng cân

- BMI từ 30 – 34,9: Béo phì độ 1

- BMI từ 35 – 39,9: Béo phì độ 2

- BMI ≥ 40: Béo phì độ 3

Tuy nhiên, để phù hợp với đặc điểm của người châu Á, nhiều nước trong đó có Việt Nam áp dụng theo bảng tiêu chuẩn dưới đây:

- BMI < 18,5: Gầy

- BMI từ 18,5 – 22,9: Bình thường

- BMI từ 23 – 24,9: Tăng cân (nguy cơ béo phì)

- BMI từ 25 – 29,9: Béo phì độ 1

- BMI ≥ 30: Béo phì độ 2

Chỉ số BMI không đo trực tiếp lượng mỡ trong cơ thể, do đó ở một số đối tượng như vận động viên thể hình có thể có chỉ số BMI cao mặc dù họ không có mỡ thừa.

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên 5-19 tuổi, BMI sẽ được tính dựa vào giới tính và độ tuổi cụ thể theo tiêu chuẩn của WHO. Đánh giá nhanh sự tăng trưởng của trẻ bằng công thức đánh giá của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.

3. Nguyên nhân béo phì? Ai có nguy cơ bị béo phì?

Dưới đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến béo phì:

a. Ăn nhiều

Ăn nhiều calo hơn mức mà cơ thể sử dụng hàng ngày trong một thời gian dài có thể dẫn đến béo phì. Béo phì liên quan đến ăn nhiều có thể là do:

- Thức ăn nhanh.

- Thực phẩm giàu chất béo bão hòa.

- Thực phẩm chứa nhiều carbohydrat (đặc biệt là đường, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, bia rượu…).

- Do thói quen ăn uống của gia đình.

- Ăn nhiều do bệnh lý tâm thần (rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống vô độ…)

 
Sử dụng thức ăn nhanh chiên ngập dầu làm tăng nguy cơ béo phì

b. Ít vận động

Ít vận động, ít sử dụng năng lượng dẫn đến calo dư thừa và tích lũy dần theo thời gian. Ít vận động kết hợp với ăn nhiều là nguyên nhân gây ra béo phì phổ biến nhất. Những đối tượng có thể bị béo phì do ít vận động là:

- Có lối sống tĩnh tại.

- Nghề nghiệp ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, nhân viên thiết kế…

- Hạn chế vận động do tuổi tác, bệnh lý.

c. Di truyền

Di truyền đóng một vai trò đáng kể trong bệnh béo phì, ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý thức ăn thành năng lượng và cách lưu trữ chất béo trong cơ thể. Gia đình có bố và mẹ béo phì thì khả năng con cái bị béo phì lên đến 80%, trong khi bố mẹ không béo phì thì tỷ lệ này chỉ có 7%.

d. Nguyên nhân nội tiết

- Hội chứng Cushing

- Hội chứng buồng trứng đa nang

- Hội chứng Prader-Willi

- U tiết insulin

- Suy giáp

4. Béo phì có thể gây ra biến chứng gì? Tác hại của béo phì?

Béo phì không chỉ là tăng cân đơn thuần, nó là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý khác. Các bệnh lý này nếu không được phát hiện và điều trị có thể đe dọa cuộc sống và tính mạng của người bệnh.

Béo phì là hội chứng chuyển hóa có thể dẫn đến nhiều hội chứng chuyển hóa khác:

- Tiền đái tháo đường.

- Đái tháo đường type 2.

- Rối loạn lipid máu.

- Rối loạn chuyển hóa acid uric, có thể gây cơn gout cấp.

Béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch:

- Tăng huyết áp.

- Xơ vữa động mạch.

- Thiếu máu cơ tim.

- Nhồi máu cơ tim.

- Đột quỵ: xuất huyết não và thiếu máu cục bộ.

Béo phì có thể gây ra các bệnh hệ tiêu hóa:

- Gan nhiễm mỡ, tiến triển thành viêm gan mỡ, xơ gan.

- Sỏi túi mật.

- Viêm tụy cấp.

- Trào ngược dạ dày thực quản.

Béo phì gây biến chứng ở phổi:

- Suy chức năng hô hấp.

- Ngưng thở khi ngủ.

Béo phì làm tăng nguy cơ bệnh xương khớp:

- Thoái hóa khớp.

- Thoát vị đĩa đệm.

- Trượt cột sống.

Các biến chứng khác của béo phì:

- Đục thủy tinh thể liên quan đến kháng insulin.

- Giảm khả năng sinh dục.

- Rối loạn kinh nguyệt.

- Chứng rậm lông.

- Tăng nguy cơ ung thư (nội mạc tử cung, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, gan, túi mật, thận và đại tràng).

- Sừng hóa gan bàn tay, bàn chân.

- Rạn da.

- Biến chứng thai kỳ: nhiễm độc thai nghén, khó sinh.

Các nguy cơ biến chứng này tăng lên cùng mức độ béo phì. Trẻ em bị béo phì có nguy cơ béo phì, tử vong sớm và tàn tật cao hơn khi trưởng thành. Ngoài ra, trẻ béo phì có thể bị khó thở, tăng nguy cơ gãy xương, tăng huyết áp, bệnh tim mạch sớm, kháng insulin và ảnh hưởng tâm lý.

 
Tình trạng béo phì ở trẻ em ngày một gia tăng

5. Chẩn đoán béo phì như thế nào?

Tính chỉ số khối cơ thể BMI là cách chẩn đoán béo phì được quốc tế công nhận. Ngoài ra, có thể chẩn đoán béo phì dựa vào công thức Lorenz: 

- Công thức: (Trọng lượng thực / trọng lượng lý tưởng) x 100%.

- Kết quả: > 120-130% là tăng cân, > 130% là béo phì.

Một số xét nghiệm khác được sử dụng trong chẩn đoán béo phì là:

- Đo độ dày nếp gấp da.

- Đo chỉ số cánh tay đùi.

- Đo chỉ số vòng bụng mông.

- Cận lâm sàng: siêu âm, CT.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán nguy cơ sức khỏe liên quan đến béo phì như:

- Tầm soát rối loạn lipid máu: Cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C, Triglyceride.

- Tầm soát bệnh đái tháo đường.

- Kiểm tra chức năng gan.

- Xét nghiệm tuyến giáp.

- Đánh giá sức khỏe tim, ví dụ như điện tâm đồ.

6. Điều trị béo phì

Ở những bệnh nhân chưa có biến chứng do béo phì thì giảm ăn kết hợp tập luyện là chỉ định đầu tiên để điều trị. Nếu giảm ăn và tập luyện không đạt được hiệu quả mong muốn thì cần chỉ định thuốc và can thiệp khác.

a. Giảm ăn

Nguyên tắc giảm ăn là lượng calo hấp thụ cần ít hơn nhu cầu sử dụng, để cơ thể huy động năng lượng từ mô mỡ, từ đó đạt được mục đích giảm cân.

- Hạn chế năng lượng khoảng 20-25kcal/kg/ngày. Mức độ này sẽ còn phụ thuộc và tuổi tác, mức độ tập luyện và mục tiêu giảm cân.

- Cân bằng khẩu phần carbohydrat, lipid và protein.

- Hạn chế đường đơn, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.

- Hạn chế uống rượu bia.

- Bổ sung nhiều chất xơ, vitamin và yếu tố vi lượng từ trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt.

- Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa.

Người bị béo phì nên giảm ăn theo cách giảm carbohydrat, nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Không nên nhịn ăn để giảm cân vì có thể gây tổn thương các cơ quan. Để có kế hoạch ăn uống giảm cân tốt hơn, bạn nên liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng.

 
Người bị béo phì cần kiểm soát lượng calo hấp thụ để giảm cân

b. Tăng cường tập luyện

Hoạt động thể chất nhằm mục đích tăng sử dụng năng lượng dự trữ ở mô mỡ, từ đó giúp giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng. Ngoài ra, vận động sẽ giúp giảm lipid máu và kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp.

Thời gian tập luyện phù hợp là khoảng 60-75 phút mỗi ngày. Loại vận động và cường độ vận động sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng cá nhân.

Một yếu tố rất quan trọng là người bệnh cần hiểu được béo phì là một bệnh lý chứ không phải là chuyện bình thường, từ đó có thái độ tích cực trong điều trị, tuân thủ chế độ ăn và rèn luyện để giảm cân.

c. Sử dụng thuốc

Thuốc chỉ để hỗ trợ cho biện pháp giảm ăn và tăng cường tập luyện. Thực tế, phần lớn các trường hợp béo phì không nên điều trị bằng thuốc vì có nhiều tác dụng phụ. Điều trị bằng thuốc cần theo một liệu trình lâu dài và không phải ai cũng đạt được hiệu quả khi dùng thuốc. Vì vậy, thay đổi thói quen ăn uống và vận động vẫn là biện pháp giảm cân hiệu quả nhất.

d. Can thiệp khác

Béo phì có thể gây hạn chế sinh hoạt ở người quá béo phì, lúc này có thể cần áp dụng một số biện pháp điều trị đặc biệt như:

- Đặt bóng vào dạ dày.

- Phẫu thuật nối shunt hỗng tràng dạ dày.

- Khâu nhỏ dạ dày.

- Phẫu thuật lấy mỡ ở bụng.

7. Cách để phòng ngừa béo phì

Rất khó để giảm cân sau khi bị béo phì, vì vậy tốt nhất là cần phòng ngừa béo phì ngay khi cân nặng vượt quá trọng lượng lý tưởng.

- Chế độ ăn uống: nhiều rau, củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, sản phẩm từ sữa ít béo, sử dụng chất béo không bão hòa; hạn chế thực phẩm và đồ uống thêm đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối.

- Tăng cường tập luyện, vận động: Trẻ em nên hoạt động thể chất ít nhất 60 phút mỗi ngày với cường độ từ vừa phải đến mạnh. Người lớn nên tập luyện ít nhất 150 phút mỗi ngày, mỗi ngày ít nhất 30 phút.

- Ngủ đủ giấc tùy theo độ tuổi: Trẻ sơ sinh ngủ từ 14-17 tiếng mỗi ngày. Thanh thiếu niên cần ngủ 8-10 tiếng mỗi ngày và người lớn cần ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày.

- Có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng, lo âu trong cuộc sống.

- Tính chỉ số BMI định kỳ.

BMI là công cụ sàng lọc béo phì, nhưng không cho biết tình trạng sức khỏe và nguy cơ bệnh lý. Vì vậy, ngay khi phát hiện béo phì cần đi khám để được kiểm tra huyết áp, lipid máu, glucose máu, acid uric… để phát hiện sớm biến chứng béo phì.