ƯNG THƯ BUỒNG TRỨNG: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư phụ khoa phổ biến ở nữ giới. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, giai đoạn, phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư buồng trứng.

1. Ung thư buồng trứng là gì?

Theo thống kê của Globocan, năm 2020 trên thế giới có thêm 313.959 ca mắc mới và 207.252 trường hợp tử vong vì ung thư buồng trứng. Tại Việt Nam, con số này là 1.404 ca mắc mới và 923 trường hợp tử vong vì ung thư.

Buồng trứng là cơ quan nằm ở hai bên tử cung, có nhiệm vụ sản xuất trứng và tạo ra các hormone nữ estrogen và progesterone. Ung thư buồng trứng xảy ra khi tế bào buồng trứng phân chia và tăng sinh bất thường một cách không kiểm soát. Nếu không được điều trị, khối u có thể xâm lấn các mô xung quanh và mô ở xa.

Ung thư buồng trứng có thể xảy ra ở các vị trí khác nhau của buồng trứng. Có 03 loại ung thư buồng trứng thường gặp là:

- Ung thư biểu mô buồng trứng: chiếm 80-90%.

- Ung thư tế bào mầm: chiếm 5-10%.

- Ung thư có nguồn gốc mô đệm sinh dục: hiếm gặp hơn.

Trong đó, ung thư biểu mô buồng trứng là một trong những ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh. Loại ung thư này ít có triệu chứng trong giai đoạn đầu, hầu hết các trường hợp chỉ được chẩn đoán khi ung thư đã ở giai đoạn nặng, triển vọng điều trị không tốt. 

Ung thư tế bào mầm hay gặp ở phụ nữ trẻ, phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi 20. Ung thư tế bào mầm có xu hướng phát triển nhanh nhưng dễ điều trị. Đa phần các trường hợp được phát hiện sớm, ung thư lại có độ nhạy cao với điều trị hóa chất, vì vậy có tỷ lệ chữa khỏi cao, tiên lượng rất tốt.

Ung thư tế bào mô đệm của buồng trứng rất hiếm gặp và phát triển chậm. Các triệu chứng của loại ung thư này khá dễ nhận thấy nên có nhiều khả năng được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, triển vọng thường tốt.


Ung thư buồng trứng phát triển từ tế bào buồng trứng

2. Yếu tố nguy cơ gây ung thư buồng trứng

Đến nay nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư buồng trứng vẫn chưa rõ ràng. Nhưng một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ phát triển loại ung thư này ở phụ nữ.
Trong số đó, yếu tố gia đình là một trong những yếu tố nguy cơ cao đã được xác nhận chiếm khoảng 7% các trường hợp ung thư buồng trứng. Những phụ nữ có mẹ và chị em gái bị ung thư buồng trứng có nguy cơ ung thư tăng gấp 20 lần.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chỉ ra ung thư buồng trứng có liên quan đến một số yếu tố là:

- Tuổi tác. Nguy cơ ung thư buồng trứng tăng dần theo số lần rụng trứng. Ung thư biểu mô buồng trứng hiếm khi được chẩn đoán ở phụ nữ dưới 40 tuổi. 

- Sinh sản. Phụ nữ đã mang thai và cho con bú sữa mẹ có ít nguy cơ hơn so với phụ nữ chưa bao giờ mang thai.

- Nội tiết. Phụ nữ mãn kinh muộn có nguy cơ ung thư cao hơn.

- Chỉ số khối cơ thể. Phụ nữ béo phì với chỉ số khối cơ thể trên 30 có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn.

- Di truyền. Đột biến gen BRCA1 và BRCA2 làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.

Có yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị ung thư. Và ngược lại, có những phụ nữ không có yếu tố nguy cơ nhưng vẫn bị ung thư buồng trứng.

3. Các triệu chứng ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng hoặc các triệu chứng mờ hồ, dễ nhầm với các bệnh lý khác. Các triệu chứng ban đầu thường gặp là: khó tiêu, thường xuyên đầy hơi, mệt mỏi, chán ăn, đi tiểu nhiều hơn.

Ung thư buồng trứng có thể gây ra các triệu chứng khác như:

- Cảm giác khó chịu, ậm ạch vùng bụng dưới.

- Đau bụng.

- Chướng bụng.

- Kinh nguyệt không đều.

- Chảy máu âm đạo.

- Đau khi giao hợp.

- Sờ thấy khối u ổ bụng.

- Các triệu chứng về ruột, tiết niệu (do khối u chèn ép, xâm lấn).

Các triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng hơn khi khối u phát triển. Thường thì lúc này, khối u đã lan ra bên ngoài buồng trứng, khó điều trị và hiệu quả điều trị kém hơn.

4. Giai đoạn ung thư buồng trứng

Giai đoạn của ung thư buồng trứng được đánh giá, phân loại theo bảng TNM8 do Ủy ban Phòng chống ung thư Hoa Kỳ (AJCC) và Hiệp hội Sản phụ khoa Quốc tế (FIGO) xây dựng như sau: 

- Giai đoạn 1: U giới hạn ở 1 hoặc 2 buồng trứng, ống dẫn trứng, chưa xâm lấn.

- Giai đoạn 2: U ở 1 hoặc 2 buồng trứng hoặc vòi trứng hoặc ống dẫn trứng xâm lấn đến cơ quan khác trong khung chậu.

- Giai đoạn 3: U di căn ngoài vùng tiểu khung vào ổ bụng, có hoặc không di căn hạch sau phúc mạc.

- Giai đoạn 4: U di căn xa đến phổi, nhu mô gan, lách, các cơ quan ngoài ổ bụng, xâm lấn thành ruột.

5. Chẩn đoán ung thư buồng trứng bằng cách nào

Việc sàng lọc ung thư buồng trứng còn nhiều hạn chế. Đa phần các trường hợp đi khám do có triệu chứng và gần như khi có triệu chứng thì ung thư đã ở giai đoạn sau. 

Một số phương pháp thường dùng để chẩn đoán ung thư buồng trứng là:

- Siêu âm phát hiện khối u buồng trứng.

- Nội soi ổ bụng phát hiện u nguyên phát, kết hợp sinh thiết làm giải phẫu bệnh.

- Chụp X-quang phổi phát hiện di căn phổi.

- Chụp CT, MRI bụng quan sát khối u buồng trứng, hạch ổ bụng, các tổn thương di căn.

- Nội soi đường tiêu hóa để loại trừ khối u đường tiêu hóa di căn đến buồng trứng.

- Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u: CEA, CA 125, HE4, CA 72-4, AMH, LH, Inhhibin B. AFP và HCG thường tăng trong ung thư tế bào mầm.

- Xét nghiệm gen và giải trình tự gen giúp tiên lượng bệnh, lựa chọn thuốc điều trị và đánh giá khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng di truyền. 

6. Điều trị ung thư buồng trứng

Việc điều trị ung thư buồng trứng phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh và tình trạng của mỗi người. Điều trị có thể kết hợp nhiều phương pháp như: phẫu thuật, hóa trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch, liệu pháp tiết tố, xạ trị…

a. Ung thư biểu mô buồng trứng

Ở ung thư biểu mô buồng trứng, phẫu thuật có vai trò rất quan trọng trong điều trị. Tùy vào giai đoạn ung thư, độ tuổi và nhu cầu sinh con mà xem xét phẫu thuật giới hạn (chỉ cắt phần phụ bên tổn thương) hoặc phẫu thuật triệt để (cắt tử cung toàn bộ, phần phụ hai bên, mạc nối lớn). 

Điều trị hóa trị có vai trò quan trọng giúp cải thiện tiên lượng bệnh. Hóa trị có thể sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật. Một số tác dụng phụ khi thực hiện hóa trị như: buồn nôn, nôn mửa, rụng tóc, mệt mỏi, khó ngủ.

Điều trị đích sử dụng thuốc ức chế tác động đến sự phát triển của khối u. Đây là phương pháp điều trị tiến bộ trong điều trị ung thư buồng trứng.

b. Ung thư tế bào mầm buồng trứng

Ung thư tế bào mầm rất nhạy cảm với hóa trị và xạ trị. Hóa trị là phương pháp được ưu tiên hơn cho những bệnh nhân có nhu cầu sinh con. Với phẫu thuật thì phẫu thuật giới hạn là phương pháp được áp dụng cho mọi giai đoạn ung thư.

c. Ung thư mô đệm sinh dục

Ung thư mô đệm sinh dục được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Phẫu thuật được chỉ định bảo tồn cho những bệnh nhân trẻ có ung thư ở giai đoạn đầu. 

7. Tiên lượng của ung thư buồng trứng

 
Tiên lượng ung thư buồng trứng giai đoạn đầu tốt hơn

Tiên lượng ung thư buồng trứng phụ thuộc vào giai đoạn khi ung thư được phát hiện và ung thư đáp ứng điều trị như thế nào. Ung thư giai đoạn sớm sẽ có tiên lượng tốt hơn nhiều so với ung thư giai đoạn sau.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã cung cấp số liệu thống kê tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm của ung thư buồng trứng. Số liệu này dựa trên cơ sở dữ liệu theo dõi những người được chẩn đoán ung thư buồng trứng từ năm 2011 đến năm 2017.

Theo đó, ung thư biểu mô ở giai đoạn khu trú (chỉ phát triển trong buồng trứng) có tỷ lệ sống sót trong 5 năm là 93%. Ung thư di căn vùng (lan đến cấu trúc lân cận hoặc hạch bạch huyết), tỷ lệ sống sót trong 5 năm là 75%. Khi ung thư ở giai đoạn di căn xa (lan đến bộ phận xa như gan, phổi), tỷ lệ này chỉ còn 31%. Tỷ lệ chung của ung thư biểu mô buồng trứng là 49%.

Trong khi đó, ung thư tế bào mầm buồng trứng có tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm là 93%, còn ung thư mô đệm buồng trứng là 90%.

Có thể thấy, ung thư tế bào mầm và ung thư mô đệm có tiên lượng tốt hơn nhiều so với ung thư biểu mô. Tiên lượng của ung thư biểu mô buồng trứng giai đoạn đầu cũng rất tốt, thế nhưng tỷ lệ phát hiện ung thư này ở giai đoạn đầu lại rất thấp.

8. Cách phòng tránh ung thư buồng trứng

Không có cách ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ ung thư buồng trứng. Nhưng bạn có thể phòng ngừa bằng các cách sau:

- Có chế độ ăn uống lành mạnh. Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu vitamin A và chất xơ giúp giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Không nên mang thai và sinh con trễ.

- Kéo dài thời gian cho con bú sữa mẹ.

- Xét nghiệm sàng lọc các gene BRCA1, BRCA2.

Phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm để phát hiện bệnh sớm. Đặc biệt là những phụ nữ có yếu tố nguy cơ hoặc có triệu chứng bất thường nghi ngờ ung thư buồng trứng.


Tài liệu tham khảo:
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu của Bộ Y tế (năm 2020)