TỔNG QUAN VỀ BỆNH TRĨ

Bệnh trĩ là một tình trạng phổ biến. Phần lớn các trường hợp bệnh trĩ không cần can thiệp bằng phẫu thuật. Nhưng một vài trường hợp nghiêm trọng cần được điều trị sớm để tránh đau đớn và các biến chứng khác.

 
Trĩ nội và trĩ ngoại

1. Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ còn gọi là bệnh lòi dom, xảy ra khi các tĩnh mạch ở trực tràng dưới hoặc hậu môn bị sưng, giãn. Tình trạng này gây khó chịu, đau đớn và bất tiện cho cuộc sống của người bệnh.

Bệnh trĩ rất phổ biến, hầu hết không nghiêm trọng và ít khi được chú ý. Khi trĩ nhô ra, chúng trông giống như vết sưng hoặc một cục u nhỏ. Thường chỉ đến khi bệnh trĩ gây ra đau đớn, ảnh hưởng nhu động ruột hoặc làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày mới được phát hiện để điều trị.

2. Phân loại và cấp độ bệnh trĩ 

Bệnh trĩ được phân loại theo nguồn gốc giải phẫu và vị trí hình thành: trĩ ngoại và trĩ nội.

a. Trĩ ngoại

Trĩ ngoại thường được tìm thấy bên dưới lớp da bao quanh hậu môn. Trĩ ngoại có thể quan sát được, búi trĩ giống như cục u trên bề mặt hậu môn. Trĩ ngoại ảnh hưởng đến hoạt động đời sống nhiều hơn so với trĩ nội. Chúng có thể gây đau hoặc khó chịu hơn khi ngồi xuống, khi hoạt động thể chất hoặc khi đi cầu.

Khi búi trĩ ngoại hình thành cục máu đông, được gọi là trĩ huyết khối, sẽ gây ra cơn đau dữ dội. Trĩ huyết khối có thể xảy ra ở cả trĩ nội và trĩ ngoại, nhưng phổ biến hơn ở trĩ ngoại.

b. Trĩ nội

Trĩ nội xuất hiện ở trực tràng. Khi búi trĩ nhỏ thường không gây đau và không thể nhìn thấy hay sờ thấy được. Khi phân di chuyển qua trực tràng có thể gây kích ứng trĩ chảy máu. Từ đó có thể phát hiện bệnh trĩ khi nhìn thấy máu trên giấy vệ sinh.

Nhìn chung, trĩ nội ít khi nghiêm trọng và có thể tự khỏi nhờ thay đổi lối sống. Tuy nhiên, khi búi trĩ nội ở cấp độ III, IV phải điều trị bằng cách cắt bỏ hoặc điều chỉnh để không gây đau đớn hoặc tránh bị biến chứng. Các cấp độ của trĩ nội là:

- Cấp độ 1: Búi trĩ không lòi ra, nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.

- Cấp độ 2: Bình thường búi trĩ nằm trong ống hậu môn, khi rặn đi cầu búi trĩ lồi ra, sau đó tự rút lên.

- Cấp độ 3: Búi trĩ thường xuyên lòi ra, không tự rút lại, phải dùng tay đẩy lên. Đôi khi trĩ cần được điều trị nếu gây đau đớn hoặc nhiễm trùng.

- Cấp độ 4: Búi trĩ lòi ra khỏi ống hậu môn, không đẩy lên được, gây đau đớn. Ở cấp độ này, trĩ cần được điều trị để ngăn ngừa đau đớn, khó chịu và các biến chứng khác.
Một người có thể vừa bị trĩ ngoại vừa bị trĩ nội, gọi là trĩ hỗn hợp.

3. Nguyên nhân nào gây ra bệnh trĩ?

 
Rặn khi đi cầu có thể gây ra trĩ

Bất kỳ yếu tố nào gây áp lực lên hậu môn hoặc trực tràng đều có thể khiến các tĩnh mạch giãn ra. Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ phổ biến có thể gây bệnh trĩ bao gồm:

- Rặn khi đi cầu

- Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính

- Không đi cầu thường xuyên

- Đứng lâu hoặc ngồi lâu, đặc biệt là ngồi lâu khi đi cầu

- Thường xuyên bê vác nặng

- Thừa cân béo phì

- Đang mang thai 

- Chế độ ăn thiếu chất xơ

- Sử dụng quá nhiều thuốc nhuận tràng

- Lớn tuổi

- Cha hoặc mẹ từng mắc bệnh trĩ

- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn

Bệnh trĩ sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu các yếu tố gây ra bệnh trĩ vẫn còn tiếp tục, ví dụ như tiêu chảy, táo bón, căng thẳng khi đi cầu hoặc ngồi lâu.

4. Triệu chứng của bệnh trĩ

Ban đầu, bệnh trĩ có thể không gây ra bất kỳ vấn đề hay triệu chứng nào. Sau khi phát triển, trĩ có thể gây ra các triệu chứng sau:

- Ngứa ngáy xung quanh hậu môn

- Hậu môn đau và kích ứng, đặc biệt là khi đi cầu

- Nóng rát xung quanh hậu môn

- Xuất hiện cục u hoặc sưng gần hậu môn

- Da khu vực sưng tấy đổi sang màu hơi xanh

- Khi đi cầu, có máu trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu

- Máu chảy thành giọt hoặc bắn tia ở giai đoạn nặng

Mặc dù phần lớn các trường hợp trĩ có thể tự khỏi bằng cách thay đổi lối sống mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ nếu cảm thấy đau và khó chịu xung quanh hậu môn khi ngồi hoặc khi đi cầu. Nếu bạn đi ngoài phân đen hoặc có máu trong phân, hãy đến bệnh viện để kiểm tra. Đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý đường tiêu hóa nghiêm trọng khác.

5. Điều trị bệnh trĩ

 
Hãy đến gặp bác sĩ nếu các biện pháp khắc phục tại nhà không hiệu quả

Mọi người thường xem bệnh trĩ là một vấn đề tế nhị và ít khi đi khám. Nhưng bạn không cần lo lắng, hãy trao đổi thẳng thắn với bác sĩ vì đây chỉ đơn giản là một chứng bệnh thường gặp. Bác sĩ sẽ thăm khám, tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt, kê thuốc trong trường hợp trĩ nhẹ. Đối với tình trạng trĩ nặng, cần phẫu thuật để loại bỏ búi trĩ.

a. Các biện pháp khắc phục tại nhà

Một số biện pháp tại nhà có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh trĩ như:

- Bổ sung nhiều chất xơ và nước. Chất lỏng cùng với chất xơ có thể giúp làm mềm phân, giúp đi cầu dễ dàng hơn. Chất xơ có thể bổ sung qua thực phẩm giàu chất xơ như: rau xanh, các loại đậu, lúa mì, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và trái cây tươi.

- Kiêng ăn chất cay (tiêu, ớt…)

- Tập thể dục. Mỗi ngày vận động 20-30 phút có thể kích thích chức năng ruột, giúp việc đi ngoài dễ dàng hơn. Hạn chế đứng lâu, ngồi lâu.

- Tập thói quen đi cầu đều đặn. Nếu cảm thấy muốn đi cầu, hãy đi ngay lập tức. Khi bạn nhịn, phân có thể trào ngược lên gây áp lực. 

- Ngâm nước ấm. Ngâm hậu môn bằng nước ấm 10-15 phút sau khi đi cầu có thể giúp giảm các triệu chứng.

- Sử dụng thuốc. Thuốc bôi hoặc nhét trị bệnh trĩ có thể giúp làm dịu cơn đau, nóng rát và sưng ngứa.

b. Điều trị ngoại khoa

Đối với trĩ cấp độ III, IV, trĩ hỗn hợp hoặc các biện pháp điều trị tại nhà không có hiệu quả, bạn cần thực hiện thủ thuật như:

- Trĩ ngoại tắc mạch, huyết khối nên được can thiệp sớm bằng cách cắt bỏ 

- Thắt búi trĩ bằng dây thun để ngăn chặn lưu thông tuần hoàn đến búi trĩ, kết quả là búi trĩ sẽ co lại và tự rụng đi.

- Chích xơ làm giảm kích thước búi trĩ

- Cắt búi trĩ bằng một số phương pháp phẫu thuật khác.

 
Phẫu thuật trĩ bằng phương pháp longo

Việc điều trị như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sa búi trĩ hoặc mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

6. Các biến chứng có thể xảy ra của bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ có thể gây ra các biến chứng dưới đây, mặc dù ít gặp:

- Thiếu máu. Nếu bệnh trĩ chảy máu quá nhiều có thể gây ra tình trạng thiếu máu. Một số vấn đề liên quan đến thiếu máu như: mệt mỏi, khó thở, đau đầu và chóng mặt.

- Nhiễm trùng. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào búi trĩ gây chảy máu và nhiễm trùng. Nhiễm trùng không được điều trị có thể dẫn đến áp xe và sốt.

- Đau đớn dữ dội. Khi búi trĩ sa xuống hoặc hình thành huyết khối trong trĩ, nó có khả năng gây ra các cơn đau khó có thể chịu nổi.

7. Phòng ngừa bệnh trĩ

Để phòng tránh bệnh trĩ, hãy đi vệ sinh ngay khi cảm thấy muốn đi cầu và tránh rặn khi đi cầu.

Tập thể dục thường xuyên giúp kích thích đường ruột và ngăn ngừa táo bón, nó cũng giúp ích trong việc hạn chế triệu chứng của bệnh trĩ. Bên cạnh đó, tránh đứng hoặc ngồi lâu, nhất là trên các bề mặt cứng như bê tông hay gạch.

Uống đủ nước và bổ sung đầy đủ chất xơ có thể giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh trĩ trong tương lai. Trong đó, nước giúp làm mềm phân. Chất xơ giúp tạo ra khối lớn trong ruột, làm mềm phân, giúp đi ngoài dễ dàng hơn.

Mặc dù bệnh trĩ rất phổ biến nhưng do vướng ngại tâm lý, nhiều người chịu đựng những cơn đau mà không tìm cách giải quyết. Trước đó, bạn có thể thử một số biện pháp khắc phục tại nhà để ngăn ngừa trĩ phát triển. Nhưng nếu tình trạng không cải thiện, bạn bị đau và khó chịu thì hãy đến gặp bác sĩ. Việc điều trị sẽ giúp loại bỏ búi trĩ, ngăn ngừa biến chứng và giúp bạn dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, việc tập thể dục, ăn nhiều chất xơ, tránh ngồi lâu một chỗ sẽ giúp phòng ngừa bệnh trĩ tái phát trong tương lai.