XÉT NGHIỆM KHÁNG THỂ KHÁNG NHÂN (ANA) TRONG BỆNH LÝ TỰ MIỄN

Xét nghiệm ANA tìm kiếm các kháng thể kháng nhân trong máu giúp kết luận hoặc loại trừ bệnh lý tự miễn. Đây là một xét nghiệm quan trọng và hữu ích, đặc biệt là trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Bài viết dưới đây cung cấp các thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về mục đích và ý nghĩa của xét nghiệm định lượng kháng thể kháng nhân.

Xét nghiệm định lượng kháng thể kháng nhân (ANA)

1. Xét nghiệm kháng thể kháng nhân là gì?

Kháng thể là các protein do hệ miễn dịch sản xuất nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, từ đó đạt được mục đích bảo vệ cơ thể. Nhưng đôi khi, các kháng thể lại tấn công chính tế bào và mô khỏe mạnh trong cơ thể, gây ra các bệnh tự miễn. 

Các tự kháng thể đặc hiệu chống lại một hay nhiều thành phần của chính nhân tế bào trong cơ thể được gọi là kháng thể kháng nhân (antinuclear antibodies – ANA). Xét nghiệm định lượng kháng thể kháng nhân thường là xét nghiệm đầu tiên để tìm kiếm sự có mặt của kháng thể kháng nhân, hay chính là tìm kiếm sự có mặt của bệnh lý tự miễn.

2. Mục đích của xét nghiệm định lượng kháng thể kháng nhân?

Xét nghiệm định lượng kháng thể kháng nhân là một xét nghiệm có độ nhạy và đặc hiệu tốt để chẩn đoán các bệnh lý của mô liên kết, nhất là bệnh lupus ban đỏ hệ thống. 

Ở bệnh lupus ban đỏ hệ thống, 95-99% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm kháng thể kháng nhân dương tính. Do đó, xét nghiệm ANA còn được sử dụng để loại trừ bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

Xét nghiệm kháng thể kháng nhân còn được chỉ định để theo dõi tiến triển của bệnh tự miễn.

3. Khi nào cần làm xét nghiệm định lượng kháng thể kháng nhân?

Xét nghiệm kháng thể kháng nhân được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc một bệnh lý tự miễn nào đó. Có nhiều bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, viêm gan tự miễn, hội chứng Sjogren, viêm da cơ, viêm đa cơ, xơ cứng bì, bệnh mô liên kết hỗn hợp… Bệnh tự miễn rất phức tạp, mỗi bệnh lý sẽ có các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng thường gặp có thể bao gồm:

- Sốt tái phát

- Phát ban đỏ

- Mệt mỏi kéo dài

- Đau mỏi toàn thân

- Đau khớp xương

- Khớp sưng nóng, tấy đỏ

- Đau cơ bắp

- Tê và ngứa ran bàn tay, bàn chân

4. Cách thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng nhân

Xét nghiệm kháng thể kháng nhân sử dụng một mẫu máu lấy từ tĩnh mạch nếp gấp khuỷu tay hoặc bàn tay của bệnh nhân, sau đó phân tích mẫu máu tại phòng thí nghiệm. 

Xét nghiệm này không yếu cầu nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm.

Lưu ý một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm:

- Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu.

- Thuốc có thể gây kết quả âm tính giả: Steroid.

- Thuốc có thể gây kết quả dương tính giả: Acetazolamid, carbidopa, chlorothiazid, chlopropamid, clofibrat, thuốc chẹn beta giao cảm, ethosuximid, muối vàng, D-penicillamin, griseofulvin, hydralazin, isoniazid, lithium, methyldopa, thuốc ngừa thai uống, penicillin, phenylbutazon, phenyltoin, primidon, procainamid, propylthiouracil, quinidin, reserpin, streptomycin, sulfonamid, tetracyclin, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid.

5. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm định lượng kháng thể kháng nhân


Xét nghiệm ANA được chỉ định khi có triệu chứng của bệnh lý tự miễn

Xét nghiệm kháng thể kháng nhân cung cấp kết quả âm tính hoặc dương tính.

Kết quả xét nghiệm ANA âm tính với hiệu giá 1:8 cho thấy không có sự hiện diện của kháng thể kháng nhân, có nghĩa là ít có khả năng đang mắc một bệnh lý tự miễn. 

Kết quả xét nghiệm ANA dương tính với hiệu giá cao gợi ý có tình trạng rối loạn tự miễn. Thường thì hiệu giá thấp khi xét nghiệm ở bệnh nhân lớn tuổi ít có giá trị lâm sàng, bởi vì mức độ kháng thể kháng nhân có xu hướng tăng lên theo tuổi. Nhưng hiệu giá cao lại rất hữu ích, hiệu giá càng cao thì khả năng mắc bệnh tự miễn càng cao.

Song xét nghiệm ANA không thể sử dụng như một phương pháp chẩn đoán. Kết quả xét nghiệm ANA cần được diễn giải cùng với các triệu chứng cụ thể, khám lâm sàng và xét nghiệm khác. Thực tế, một người mắc bệnh tự miễn vẫn có thể có kết quả ANA âm tính (âm tính giả), và một người khỏe mạnh hoàn toàn vẫn có thể có kết quả dương tính (dương tính giả).

Bên cạnh đó, một số bệnh lý khác không phải bệnh tự miễn vẫn có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm kháng thể kháng nhân dương tính. 

Kết quả xét nghiệm kháng thể kháng nhân dương tính trong một số trường hợp thường gặp là:

- Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn.

- Viêm gan tự miễn mạn tính.

- Xơ gan.

- Bệnh mô liên kết.

- Viêm da cơ.

- Viêm đa cơ.

- Lupus ban đỏ hệ thống

- Lupus ban đỏ dạng đĩa.

- Lupus do thuốc gây ra.

- Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.

- Bệnh leukemia.

- Ung thư, nhất là u lympho.

- Bệnh mô kẽ hỗn hợp hay hội chứng Sharp.

- Cơn nhược cơ toàn thể.

- Hội chứng Raynaud.

- Viêm khớp dạng thấp.

- Xơ cứng bì.

- Hội chứng Sjogren.

- Lao.

Chỉ riêng xét nghiệm ANA là không đủ để chẩn đoán một bệnh tự miễn cụ thể. Từ kết quả dương tính của kháng thể kháng nhân, dựa trên triệu chứng lâm sàng của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm tìm kiếm kháng thể đặc hiệu. Các xét nghiệm này giúp phát hiện một kháng thể đặc hiệu, mà sự có mặt của kháng thể này giúp ích cho chẩn đoán và theo dõi một bệnh lý tự miễn cụ thể.