XÉT NGHIỆM HDL CHOLESTEROL (HDL-C) LÀ GÌ?

HDL cholesterol được gọi là cholesterol “tốt” vì sự tồn tại của nó ở trong máu làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim do xơ vữa động mạch. Mức độ thấp của HDL cholesterol trong máu làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và đột quỵ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về xét nghiệm HDL cholesterol và vai trò của nó trong bảng lipid máu.

 


Xét nghiệm HDL và LDL

1. Xét nghiệm HDL cholesterol là gì?

Xét nghiệm HDL cholesterol (HDL-C) là xét nghiệm máu đo lượng cholesterol trong lipoprotein mật độ cao (HDL).

Cholesterol là một loại chất béo trong máu được sản xuất bởi gan và hấp thu từ thực phẩm. Cholesterol gắn với các protein để di chuyển trong máu, gọi là “lipoprotein”. Có hai loại lipoprotein chính mang cholesterol là:

- LDL (lipoprotein mật độ thấp), còn được gọi là cholesterol “xấu”, tạo nên hầu hết lượng cholesterol trong cơ thể. Mức LDL cholesterol (LDL-C) cao làm tăng nguy cơ tạo nên các mảng lắng đọng gây xơ vữa động mạch. 

- HDL (lipoprotein mật độ cao), còn được gọi là cholesterol “tốt”, vận chuyển cholesterol trở lại gan để loại bỏ ra khỏi cơ thể. Mức HDL cholesterol cao làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim do xơ vữa động mạch.

Khi cơ thể có quá nhiều LDL cholesterol, chúng có thể tích tụ trên thành động mạch tạo thành các mảng bám. Các mảng bám tích tụ theo thời gian gây hẹp mạch máu. Sự thu hẹp này làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn từ tim đến các cơ quan và ngược lại. Khi động mạch vận chuyển máu về tim bị tắc nghẽn có thể gây nhồi máu cơ tim. Khi động mạch vận chuyển máu lên não bị tắc nghẽn có thể gây tai biến mạch máu não.

2. Mục đích của xét nghiệm HDL cholesterol

Các nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ LDL-C trong máu cao làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và trái ngược, mức độ HDL-C trong máu cao làm giảm nguy cơ này. Xét nghiệm HDL-C cung cấp cho bác sĩ thông tin y tế hữu ích về chế độ dinh dưỡng và nguy cơ của bệnh nhân.

Xét nghiệm HDL cholesterol là một xét nghiệm thường quy trong bài kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ. HDL-C thường được kiểm tra cùng chỉ số cholesterol toàn phần, LDL-C và triglyceride để chẩn đoán tình trạng rối loạn lipid máu và tầm soát nguy cơ phát triển bệnh tim mạch. Từ đó có phương pháp điều chỉnh lối sống hoặc điều trị y tế thích hợp.

Xét nghiệm HDL-C cũng được sử dụng để theo dõi điều trị rối loạn lipid máu. 

3. Ai cần làm xét nghiệm HDL cholesterol

 
Rối loạn lipid máu là do lối sống không lành mạnh

Theo thống kê của Tổng hội Y học Việt Nam thì có đến 50% người trưởng thành sống ở khu vực thành thị bị rối loạn lipid máu. Đây là một con số rất đáng báo động vì mỡ máu cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Thế nhưng, rối loạn lipid máu trong giai đoạn sớm không có triệu chứng gì, khi có triệu chứng thì thường đã có biến chứng.

Vì vậy khuyến cáo được đưa ra là tất cả người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên nên kiểm tra lipid máu, bao gồm chỉ số HDL-C định kỳ. Đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ rối loạn lipid máu cần kiểm tra thường xuyên hơn:

- Nam giới trên 45 tuổi

- Nữ giới trên 55 tuổi

- Đái tháo đường

- Tăng huyết áp

- Béo phì

- Bệnh tim mạch

- Tiền sử gia đình bị hội chứng chuyển hóa hoặc bệnh tim mạch sớm

- Hút thuốc lá

- Lười vận động

- Có chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa, ít chất xơ.

Ngoài ra, những người đã được chẩn đoán rối loạn lipid máu cần làm lại xét nghiệm sau 3-6 tháng để kiểm tra hiệu quả của phương pháp điều trị như thay đổi lối sống hoặc thuốc hạ mỡ máu có hiệu quả trong việc làm giảm mức cholesterol hay không.

4. Cách thực hiện xét nghiệm HDL cholesterol

Xét nghiệm HDL cholesterol được thực hiện như các xét nghiệm máu thông thường khác. Điều quan trọng là bạn cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi tiến hành lấy máu.
Quy trình xét nghiệm HDL-C diễn ra như sau:

- Bệnh nhân ngồi và để tay ở tư thế thích hợp.

- Nhân viên y tế chọn vị trí lấy máu, buộc garo trên vị trí lấy máu từ 3-5cm.

- Sát khuẩn vị trí lấy máu bằng bông y tế.

- Đâm kim qua da vào tĩnh mạch, kéo nhẹ pít tông cho máu chảy vào xilanh đến khi đủ lượng máu để xét nghiệm.

- Tháo dây garo, đặt bông lên vị trí đâm kim, rút kim ra.

- Bơm từ từ mẫu máu vào ống nghiệm.

- Dán băng cá nhân lên vị trí lấy máu.

- Người bệnh theo giờ hẹn đến nhận kết quả.

Xét nghiệm máu là kỹ thuật an toàn, dễ thực hiện, nhanh chóng và ít biến chứng. Thông thường, bạn có thể cảm thấy đau nhói nhẹ, chảy một ít máu hoặc bầm nhẹ ở vị trí đâm kim. Các biến chứng khác như chảy nhiều máu hay nhiễm trùng hiếm khi xảy ra.

5. Kết quả HDL cholesterol có ý nghĩa gì?

 
HDL cholesterol thấp làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch

HDL-C thường được kiểm tra cùng các chỉ số lipid máu khác, do đó bạn sẽ nhận được một bảng kết quả với giá trị tham chiếu ngưỡng bình thường như sau:

- HDL-C: > 0,9 mmol/L 

- LDL-C: < 3,4 mmol/L 

- Cholesterol toàn phần: < 5,2mmol/L 

- Triglycerid: < 1,7 mmol/L Mu

Bất kỳ một lipid nào vượt qua khỏi ngưỡng bình thường đều có thể kết luận là rối loạn lipid máu. Nồng độ HDL-C cao hơn là một dấu hiệu tốt. Nồng độ HDL-C thấp kết hợp với nồng độ cholesterol máu tăng cao làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh tim do xơ vữa động mạch. HDL-C thấp có thể xảy ra do:

- Yếu tố di truyền

- Bệnh đái tháo đường

- Hút thuốc lá

- Béo phì

- Ít vận động

Kết quả xét nghiệm lipid sẽ được phân tích cùng tuổi tác, thói quen ăn uống, vận động, lối sống sinh hoạt và các bệnh lý đồng mắc để dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai. Càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì nguy cơ bị bệnh tim mạch càng cao.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm:

- Đang bị bệnh cấp tính.

- Sau cơn nhồi máu cơ tim, phẫu thuật hoặc tai nạn.

- Mang thai.

- Một số loại thuốc.

6. Cần làm gì nếu HDL cholesterol thấp?

Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn điều trị thích hợp bao gồm dùng thuốc và thay đổi lối sống.

Phần lớn các trường hợp rối loạn lipid máu có thể kiểm soát được bằng một lối sống sinh hoạt lành mạnh. Bạn có thể làm tăng mức HDL-C, cũng như giảm mức cholesterol toàn phần, LDL-C và triglyceride bằng các cách sau:

a. Có chế độ ăn lành mạnh

- Hạn chế thức ăn chứa nhiều cholesterol. 

- Chọn thực phẩm ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối và đường bổ sung.

- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên.

- Ăn thực phẩm giàu chất béo không bão hòa, có thể tìm thấy trong quả bơ, cá béo, dầu thực vật (dầu ô liu, dầu đậu nành). 

 
Chế độ ăn lành mạnh giúp tăng cường HDL cholesterol máu

b. Duy trì cân nặng hợp lý

Mỡ dư thừa ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng cholesterol và làm chậm khả năng loại bỏ LDL cholesterol ra khỏi máu, từ đó làm tăng mức LDL cholesterol. Bạn có thể tính chỉ số khối cơ thể (BMI) để biết bản thân có bị thừa cân hay không. Nếu bị thừa cân hoặc bị béo phì, bạn cần có một chế độ ăn phù hợp kết hợp với tích cực tập luyện để đạt được cân nặng hợp lý.

c. Hoạt động thể chất thường xuyên

Hoạt động thể chất như tập thể dục, chơi thể thao hay chỉ đơn giản là làm việc nhà, đi thang bộ, đi làm bằng xe đạp… sẽ giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý và giảm mức cholesterol, đồng thời giúp làm tăng mức HDL cholesterol.

Người lớn được khuyến nghị nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Trẻ em và thanh thiếu niên nên hoạt động thể chất nhiều hơn, ít nhất 60 phút mỗi ngày. Loại bài tập và mức độ tập luyện nên được lựa chọn phù hợp với thể trạng, tuổi tác và các bệnh lý hiện có.

d. Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia

Hút thuốc lá, thuốc lào và kể cả thuốc lá điện tử làm tăng tốc độ xơ cứng động mạch và là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Đừng bao giờ thử hút thuốc lá nếu bạn chưa từng hút trước đó. Nếu bạn đang hút thuốc lá thì bỏ thuốc lá sẽ đem lại cho bạn các lợi ích sức khỏe ngay lập tức như giảm huyết áp, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi. 

Uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng mức cholesterol và triglyceride. Bạn không nên uống nhiều rượu bia nếu bạn bị rối loạn lipid máu. 

Nhìn chung, HDL cholesterol là một yếu tố lipid cần được quan tâm và kiểm tra định kỳ ở cả những người khỏe mạnh. Nếu bạn chưa từng kiểm tra lipid máu trước đó, bạn nên làm xét nghiệm máu để kiểm tra. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về nguy cơ tim mạch của mình, từ đó có kế hoạch thay đổi lối sống phù hợp để bảo vệ sức khỏe của bản thân.