XÉT NGHIỆM ĐIỆN GIẢI ĐỒ (ION ĐỒ) ĐỂ LÀM GÌ?

 
Ion đồ là xét nghiệm chất điện giải trong máu

1. Xét nghiệm điện giải đồ là gì?

Trong cơ thể người, chất điện giải được tìm thấy dưới dạng muối và khoáng chất trong máu, nước tiểu và dịch cơ thể. Các chất điện giải chính bao gồm: natri (sodium), kali (potassium), bicarbonate (HCO3) và clorua (chloride). Ngoài ra có các chất: canxi (calcium), magiê (magnesium), phốt phát (phosphate), sulphat…

Chất điện giải giúp duy trì sự cân bằng nước và axit/bazơ trong cơ thể. Chất điện giải còn giúp hỗ trợ chức năng của cơ và thần kinh, kiểm soát nhịp tim, ổn định huyết áp và các chức năng quan trọng khác. 

Thông thường các chất điện giải cần duy trì trạng thái cân bằng để đảm bảo cơ thể hoạt động tốt. Khi một hoặc nhiều chất điện giải trong cơ thể tăng hoặc hạ được gọi là rối loạn điện giải. Mất cân bằng điện giải nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê, co giật và ngừng tim.
Ion đồ là xét nghiệm chẩn đoán rối loạn điện giải, kiểm tra 4 chất:

- Natri (Sodium): Ký hiệu là Na. Hầu hết natri được tìm thấy trong chất lỏng ngoại bào (ECF), bên ngoài tế bào, giúp kiểm soát lượng nước trong cơ thể.

- Kali (Potassium): Ký hiệu là K. Được tìm thấy chủ yếu trong dịch tế bào, một lượng nhỏ trong huyết tương. Thay đổi nồng độ kali có thể ảnh hưởng đến nhịp và khả năng co bóp của tim.

- Canxi (Calcium): Ký hiệu là Ca. Hỗ trợ hệ thống xương, hệ thần kinh và tuần hoàn.

- Clorua (Chloride): Ký hiệu là Cl. Clorua di chuyển ra vào khỏi tế bào để duy trì tính trung hòa về điện. Mức độ Cl thường phản ánh mức độ Na.

2. Mục đích của xét nghiệm điện giải đồ?

Điện giải đồ là một phần của xét nghiệm máu định kỳ hoặc được chỉ định để xác định nguyên nhân của một số triệu chứng liên quan đến rối loạn chất điện giải như:

- Nhịp tim không đều

- Nhịp tim nhanh

- Mệt mỏi

- Hôn mê

- Co giật hoặc động kinh

- Buồn nôn, nôn mửa

- Tiêu chảy hoặc táo bón

- Chuột rút 

- Cáu gắt

- Lú lẫn

- Tê và ngứa râm ran 

Các chất điện giải cũng được thực hiện ở người đang sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc lợi tiểu hoặc thuốc ức chế ACE.

3. Cách thực hiện xét nghiệm điện giải đồ

Các chất điện giải có thể được kiểm tra bằng xét nghiệm máu. 

Có một số lưu ý khi thực hiện xét nghiệm này là:

- Xét nghiệm ion đồ không cần nhịn ăn. Nhưng xét nghiệm này có thể được thực hiện cùng các xét nghiệm máu khác như đường huyết hay cholestererol, vì vậy tốt nhất bạn nên nhịn ăn trước đó.

- Uống nhiều nước trước khi xét nghiệm sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn.

- Không hút thuốc lá (kể cả vape) vì thuốc lá có chứa nicotin.

4. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm điện giải đồ

Trị số tham chiếu của xét nghiệm sẽ phụ thuộc vào tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe và phương pháp đo của từng phòng xét nghiệm. Dưới đây là giá trị tham khảo:

- Natri: 133-146 mmol/L

- Kali: 3,5-5,3 mmol/L

- Canxi: 8,5-10,2 mg/dL (người trưởng thành)

- Clorua: 95-108 mmol/L

Mức điện giải bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: lượng nước hấp thụ qua ăn uống, lượng nước trong cơ thể và lượng chất điện giải bài tiết qua thận. Chất điện giải cũng bị ảnh hưởng bởi các hormone, đặc biệt là aldosterone – một loại hormone giữ lại natri trong cơ thể và tăng đào thải kali qua thận. Tùy trường hợp mà bác sĩ có thể yêu cầu bổ sung thêm các xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh để tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây ra rối loạn điện giải.

Trong các tình trạng cụ thể, có thể có một hoặc nhiều chất điện giải có trị số bất thường. Tùy vào loại chất điện giải bị mất cân bằng mà bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị để cân bằng lại chất điện giải. 

Chỉ số chất điện giải cao hoặc thấp hơn mức bình thường không có nghĩa là bạn nhất định đang bị một bệnh lý nào đó. Bởi vì có một số nguyên nhân khác làm mất cân bằng điện giải như: uống nhiều nước, mất nhiều nước (nôn mửa, tiêu chảy), một số loại thuốc.

 
Nước dừa rất giàu chất điện giải

5. Rối loạn điện giải cảnh báo điều gì?

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn đến nồng độ chất điện giải tăng hoặc hạ bất thường:

a. Natri 

Natri rất cần thiết đối với chức năng bình thường của cơ thể. Natri cũng giúp điều chỉnh chức năng thần kinh và co cơ. Tăng natri máu có thể xảy ra do:

- Mất nước 

- Nôn mửa, tiêu chảy, đồ mồ hôi

- Một số loại thuốc

Hạ natri máu có thể xảy ra do:

- Mất nước do nôn mửa, tiêu chảy, đổ mồ hôi nhiều, đi tiểu nhiều

- Dinh dưỡng kém

- Rối loạn sử dụng rượu

- Rối loạn tuyến giáp, vùng dưới đồi hoặc tuyến thượng thận

- Suy gan, suy tim hoặc suy thận

- Một số loại thuốc

- Hội chứng tiết hormone ADH không thích hợp (SIADH)

b. Kali 

Kali đặc biệt quan trọng để điều chỉnh chức năng tim. Tăng kali máu có thể lượng kali cao. Tình trạng này có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị. Tăng kali có thể do:

- Sốc phản vệ

- Bỏng nặng

- Suy thận

- Nhiễm toan 

- Một số loại thuốc

- Suy tuyến thượng thận

Hạ kali máu có thẻ xảy ra do:

- Rối loạn ăn uống

- Mất nước

- Nôn mửa hoặc tiêu chảy nghiêm trọng

- Một số loại thuốc

c. Canxi

Tăng canxi có thể xảy ra do:

- Bệnh thận

- Rối loạn chức năng tuyến giáp

- Bệnh phổi

- Một số loại ung thư

- Sử dụng một số loại thuốc

Hạ canxi có thể xảy ra do:

- Suy thận

- Suy tuyến cận giáp

- Thiếu vitamin D

- Viêm tụy

- Ung thư tuyến tiền liệt

- Kém hấp thu canxi

- Một số loại thuốc

d. Clorua 

Tăng clorua có thể xảy ra do:

- Mất nước 

- Suy thận

Clorua trong máu thấp có thể xảy ra do:

- Bệnh xơ nang

- Rối loạn ăn uống

- Suy thận cấp tính