VIRUS HỢP BÀO HÔ HẤP (RSV) GÂY BỆNH GÌ?

1. Virus hợp bào hô hấp là gì? Gây bệnh gì?

Virus hợp bào hô hấp có tên Tiếng Anh là Respiratory syncytial virus, viết tắt là RSV, được phát hiện vào năm 1956. Đây là một loại virus gây bệnh đường hô hấp phổ biến. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ với các triệu chứng giống như cảm lạnh, nhưng có thể gây ra bệnh nặng như viêm tiểu phế quản và viêm phổi. 

Bệnh thường bùng phát vào cuối mùa thu, mùa đông và đầu mùa xuân ở vùng khí hậu ôn đới. Theo CDC Hòa Kỳ thì RSV là nguyên nhân gây ra > 50.000 trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi nhập viện hàng năm ở nước này.

Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm nhưng gặp nhiều hơn vào mùa lạnh ở miền Bắc và mùa mưa ở miền Nam.

Tương tự như virus đường hô hấp khác, virus RSV có thể tái nhiễm nhiều lần. Một người khi đã có kháng thể với RSV thường mức độ bệnh sẽ nhẹ hơn. Virus RSV có thể lây nhiễm từ người sang người qua dịch tiết, giọt bắn đường hô hấp:

- Người bệnh ho, hắt hơi.

- Chạm vào bề mặt nhiễm virus như tay nắm cửa, đồ chơi, mặt bàn…

- Tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, hôn, mớm thức ăn.


Virus hợp bào hô hấp là nguyên nhân nhiều trẻ em phải nhập viện

2. Ai có thể bị bệnh nặng khi nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV?

Hầu hết mọi người nhiễm RSV chỉ bị bệnh nhẹ và có thể tự khỏi sau một đến hai tuần. Nhưng bệnh có thể rất nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
Nhiễm RSV gây bệnh nặng ở các đối tượng là trẻ nhỏ: 

- Sinh non dưới 29 tuần.

- Dưới 6 tháng tuổi.

- Dưới 2 tuổi có bệnh phổi hoặc bệnh tim bẩm sinh.

- Bị suy giảm miễn dịch.

- Bị rối loạn thần kinh cơ.

Nhiễm RSV gây bệnh nặng ở các đối tượng là người lớn:

- Trên 65 tuổi.

- Có bệnh lý tim hoặc phổi mạn tính.

- Bị suy giảm miễn dịch.

3. Triệu chứng và dấu hiệu nhiễm virus hợp bào hô hấp 

 
Rửa tay thường xuyên để phòng nhiễm RSV

Các triệu chứng của người bị nhiễm RSV có thể xuất hiện sau 4-6 ngày kể từ khi nhiễm virus. Các triệu chứng có thể không xuất hiện cùng lúc. Nhiễm RSV ở một số người lớn có thể không có triệu chứng nào hoặc triệu chứng không rõ ràng. 

Nhiễm RSV có thể gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh là:

- Sổ mũi

- Nghẹt mũi

- Ho, đau họng

- Ăn không ngon miệng

- Mệt mỏi

- Thở khò khè (có thể xuất hiện hoặc không)

- Sốt (có thể xuất hiện hoặc không)

Các triệu chứng thường kéo dài dưới năm ngày. Nhưng ở một số đối tượng, có thể diễn tiến nghiêm trọng như:

- Viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản: sốt, ho dữ dội, thở khò khè, thở nhanh, khó thở, da hơi xanh

- Bệnh hen suyễn trở nặng

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trở nặng

- Suy tim sung huyết

Ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi, nhiễm RSV có thể chỉ có các triệu chứng sau:

- Quấy khóc, cáu gắ


- Mệt mỏi bất thường

- Bú kém hoặc không chịu bú

- Khó thở 

- Thở ngắn, nông, nhanh

Khi trẻ có các dấu hiệu nhiễm virus hợp bào hô hấp, cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán, nhất là đối tượng có nguy cơ bệnh nặng. Đặc biệt cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu như: sốt cao không hạ; thở rít, thở gấp, ngừng thở; da, môi, móng tay xanh hoặc tím tái; SpO2 dưới 95%.

4. Chẩn đoán và điều trị nhiễm virus hợp bào hô hấp như thế nào?

Để chẩn đoán nhiễm RSV cần xem xét triệu chứng, yếu tố dịch tễ và khám sức khỏe. Một số xét nghiệm được thực hiện để tìm kiếm sự tồn tại của virus hoặc kiểm tra tổn thương phổi như:

- Nghe phổi

- Đo mức oxy bão hòa

- Xét nghiệm dịch đường hô hấp

- Xét nghiệm máu 

- Chụp X-quang ngực

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus hợp bào hô hấp nhẹ và khỏi sau 1-2 tuần. Khi bị sốt, có thể uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc điều trị của người lớn cho trẻ nhỏ. Trong thời gian bị bệnh, cần nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước, loại bỏ dịch mũi bằng cách dùng xịt mũi hoặc nước muối sinh lý. 

Không tự ý sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm RSV vì kháng sinh chỉ chống lại vi khuẩn, khi sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ. Ở những bệnh nhân bị bệnh nghiêm trọng có thể cần nằm viện truyền dịch, thở oxy, đặt nội khí quản, thở máy.

5. Cách phòng ngừa virus hợp bào hô hấp

Phòng ngừa virus hợp bào hô hấp cũng giống như các các virus đường hô hấp khác như cúm hay Covid-19:

- Rửa tay thường xuyên bằng nước với xà phòng trong ít nhất 20 giây, hoặc sử dụng dung dịch rửa tay sát khuẩn.

- Tránh đưa tay lên mặt, chạm mắt, mũi, miệng (khi chưa rửa sạch tay).

- Tránh tiếp xúc gần với người bệnh như ôm, hôn, bắt tay.

- Không dùng chung dụng cụ ăn uống với người khác.

- Che miệng mũi khi hắt hơi, ho bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay.

- Khử trùng bề mặt thường xuyên tiếp xúc như mặt bàn làm việc, tay nắm cửa, điện thoại, máy tính, thang máy, lan can cầu thang…

Những người nghi ngờ bản thân nhiễm virus RSV cần tránh tiếp xúc gần với người khác, có thể đeo khẩu trang nếu thấy cần thiết, và tuyệt đối không nên tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nặng như trẻ nhỏ và người lớn tuổi.