VIÊM ÂM ĐẠO: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị viêm gây tiết dịch, ngứa, rát và có thể đau. Nó thường là kết quả của nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm. Hãy đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa viêm âm đạo.

 
Viêm âm đạo là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ

1. Viêm âm đạo là gì?

Âm đạo là ống cơ chạy từ cổ tử cung ra bên ngoài cơ thể, được lót bởi lớp màng nhầy, có chiều dài trung bình 6-7 inch.

Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo viêm nhiễm gây ngứa, rát, đau, tiết dịch bất thường, có hoặc không có mùi hôi. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến âm hộ. Ít khi chỉ mình âm hộ bị viêm mà thường kèm theo viêm âm đạo.

Viêm âm đạo khá phổ biến, rất nhiều phụ nữ đều đã mắc ít nhất một lần trong đời. Nó có thể xảy ra do nấm, vi khuẩn và virus, có thể lây truyền qua tình dục hoặc do chính các vi sinh vật thường được tìm thấy trong âm đạo. 

2. Nguyên nhân gây viêm âm đạo?

Có nhiều loại và nguyên nhân gây viêm âm đạo khác nhau.

a. Viêm âm đạo do nấm

Nhiễm khuẩn nấm men (Candida), phổ biến nhất là nấm Candida albicans, xảy ra khi loại nấm men này phát triển quá mức trong âm đạo. Nấm men sống ở nhiều nơi và kể cả trong cơ thể. Nó còn gây nhiễm trùng ở niêm mạc miệng, nếp gấp da, các kẽ ngón và niêm mạc da. 

Viêm âm đạo do nấm thường gặp ở phụ nữ đang mang thai hoặc người bị tiểu đường, nhất là người bị tiểu đường không kiểm soát bệnh tốt. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường hoặc bị nhiễm HIV có nguy cơ cao bị tái phát viêm âm đạo do nấm.

Phụ nữ có xu hướng dễ bị nhiễm nấm âm đạo hơn nếu bị căng thẳng do chế độ ăn uống thiếu khoa học, thiếu ngủ hoặc bệnh tật, dùng thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai hoặc thụt rửa quá thường xuyên.

 
Nấm men là tác nhân thường gặp gây viêm âm đạo

b. Viêm âm đạo do Trichomonas Vaginalis

Trichomonas Vaginalis (ký sinh trùng roi) một loại ký sinh trùng đơn bào cực nhỏ lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây viêm âm đạo. Đây là nguyên nhân gây viêm âm đạo phổ biến thứ hai sau nguyên nhân nấm. 

Đường lây truyền chủ yếu là lây qua quan hệ tình dục hoặc đôi khi là trong nước tắm nhiễm ký sinh trùng. Ở nam giới, trichomonas lây nhiễm qua đường tiết niệu nhưng ít gây triệu chứng. Ở phụ nữ, trichomonas thường lây nhiễm vào âm đạo và có thể gây ra triệu chứng. 

Ở phụ nữ mang thai, nhiễm Trichomonas có thể làm tăng nguy cơ vỡ ối sớm và sinh non.  

c. Viêm âm đạo do vi khuẩn thường

Bệnh xảy ra do sự mất cân bằng của các vi khuẩn thường tìm thấy trong âm đạo của nữ.  Trong viêm âm đạo do vi khuẩn, vi khuẩn Lactobacillus bình thường được thay thế bằng các vi khuẩn khác, ví dụ Prevotella, Mobiluncus hay Mycoplasma hominis.

Bệnh hay gặp ở phụ nữ đã mãn kinh, đã cắt buồng trứng hoặc bé gái trước tuổi dậy thì. Nồng độ estrogen giảm sau khi mãn kinh hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng có thể khiến niêm mạc âm đạo mỏng đi, dễ bị kích ứng, nóng rát và khô âm đạo.

d. Viêm âm đạo do vi khuẩn lậu

Viêm âm đạo do vi khuẩn lậu xảy ra khi nhiễm vi khuẩn lậu – một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Viêm âm đạo do vi khuẩn lậu thường kèm theo viêm âm hộ, viêm cổ tử cung.

e. Viêm âm đạo do Gardnerella vaginalis

Gardnerella vaginalis là vi khuẩn gram âm kỵ khí, có hình que, vốn cũng có mặt thường xuyên trong âm đạo bình thường. Nhưng khi vi khuẩn này phát triển quá mức sẽ gây ra các triệu chứng viêm âm đạo.
Viêm âm đạo cũng có thể xảy ra không do nhiễm trùng. Thường gặp là do một số sản phẩm như thuốc xịt âm đạo, xà phòng, chất tẩy rửa hoặc chất làm mềm vải… gây dị ứng hoặc kích ứng âm hộ và âm đạo. 

 
Viêm âm đạo do Trichomonas

3. Triệu chứng của viêm âm đạo là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm âm đạo có thể bao gồm:

- Thay đổi màu sắc, mùi hoặc lượng dịch tiết âm đạo.

- Âm đạo kích ứng, ngứa, rát.

- Đau khi quan hệ tình dục.

- Đau khi đi tiểu.

- Chảy máu âm đạo nhẹ.

Triệu chứng cụ thể của viêm âm đạo sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó.

Triệu chứng của nhiễm trùng nấm men:

- Dịch âm đạo ít, đặc, màu trắng giống phô mai.

- Âm đạo và âm hộ rất ngứa, đỏ xẩm.

- Nóng rát khó chịu xung quanh cửa âm đạo.

- Đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục.

Triệu chứng của viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis:

- Có thể không có triệu chứng.

- Ngứa, rát ở âm đạo và âm hộ, đôi khi ngứa ở hậu môn.

- Khó chịu vùng bụng dưới.

- Đau âm đạo khi quan hệ tình dục.

- Nóng rát khi đi tiểu.

- Tiết dịch loãng, đục, màu vàng xanh, có thể có mùi hôi, thường có bọt.

Triệu chứng của viêm âm đạo do vi khuẩn thường:

- Dịch âm đạo vàng như mủ, có thể lẫn ít máu.

- Âm đạo xung huyết, đỏ

Triệu chứng của viêm âm đạo do vi khuẩn lậu:

- Ra nhiều khí hư, đặc trắng hay xanh đục.

- Đái buốt.

Triệu chứng của viêm âm đạo do Gardnerella vaginalis:

- Khí hư nhiều, hôi, đục, tăng lên trong thời kỳ phóng noãn, trước kinh.

- Khí hư có mùi hôi.

- Ngứa âm đạo.

 
Ngứa là triệu chứng thường gặp khi bị viêm âm đạo

4. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Viêm âm đạo là một tình trạng thường gặp và bạn không cần phải e ngại việc đi khám. Nếu bạn cảm thấy khó chịu ở âm đạo hay âm hộ, hãy đến gặp bác sĩ. Nhất là trong trường hợp:

- Âm đạo có mùi hôi, tiết dịch hoặc ngứa.

- Bạn từng bị viêm âm đạo trước đây.

- Bạn mới quan hệ tình dục.

- Bạn có nhiều bạn tình hoặc có một bạn tình mới gần đây.

- Bạn tự điều trị viêm âm đạo theo thuốc không kê đơn nhưng không khỏi.

- Bạn bị sốt, ớn lạnh hoặc đau vùng chậu.

- Bạn đang mang thai.

5. Chẩn đoán viêm âm đạo như thế nào?

Để tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng, bạn cần đến gặp bác sĩ phụ khoa để thăm khám. Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên hỏi triệu chứng và thăm khám bằng mỏ vịt để kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài, âm đạo và cổ tử cung xem có bị viêm và tiết dịch bất thường không.

Ngoài ra, bác sĩ có thể đo độ pH và phết mẫu dịch âm đạo để làm xét nghiệm soi tươi.

Trong trường hợp bạn có nguy cơ mắc thêm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm bệnh lậu, chlamydia, giang mai và HIV.

 
Phết dịch âm đạo kiểm tra dưới kính hiển vi

6. Điều trị viêm âm đạo như thế nào?

Việc điều trị viêm âm đạo cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. 

Nhiễm trùng do vi khuẩn thường sẽ điều trị bằng kháng sinh: uống thuốc viên, thuốc bôi hoặc thuốc đặt âm đạo. Nhiễm trùng nấm men thường điều trị bằng thuốc kháng nấm đặt trực tiếp vào âm đạo, đồng thời kết hợp các biện pháp vệ sinh ngoài bộ phận sinh dục, vệ sinh quần lót.

Đối với bệnh trichomonas thường điều trị bằng kháng sinh đơn dòng đường uống, thời gian cần điều trị lâu hơn vì bệnh dai dẳng, hay tái phát. Các bệnh viêm âm đạo do lây truyền qua đường tình dục như trichomonas hay lậu thường phải điều trị đồng thời ở cả nam giới.

Một số loại thuốc điều trị viêm âm đạo không được sử dụng ở phụ nữ đang mang thai vì những lo ngại về tác dụng phụ của thuốc với sự phát triển của thai nhi. Do đó, bạn không nên tự ý mua về sử dụng mà nên sử dụng theo thuốc kê đơn từ bác sĩ.

Trong trường hợp viêm âm đạo là do các sản phẩm và chất tẩy rửa bạn đang sử dụng thì cần ngừng sử dụng sản phẩm. 
Trong thời gian điều trị, tốt nhất là không quan hệ tình dục.

 
Không nên quan hệ tình dục khi đang điều trị viêm âm đạo

7. Viêm âm đạo có nguy hiểm không?

Tùy vào loại viêm âm đạo mà nó có thể gây ra các tình trạng khác nhau. Nhìn chung, viêm âm đạo là bệnh không gây nguy hiểm, nhưng một số loại nhiễm trùng, ví dụ bệnh trichomonas có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. 

Ở phụ nữ mang thai, nếu bị viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc viêm âm đạo do trichomonas có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non.

Ngoài ra, trường hợp viêm âm đạo do lây qua đường tình dục nếu chỉ điều trị ở nữ mà không điều trị ở nam giới thì phụ nữ sẽ có nguy cơ tiếp tục tái phát sau đó do nguồn lây bệnh vẫn còn.

8. Cách phòng ngừa viêm âm đạo

Bạn có thể phòng ngừa viêm âm đạo bằng cách:

- Không thụt rửa hoặc sử dụng thuốc xịt âm đạo.

- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

- Tránh mặc quần áo ẩm.

- Sử dụng quần lót chất liệu cotton.

- Không mặc quần chật.