ƯU ĐIỂM VÀ QUY TRÌNH NỘI SOI DẠ DÀY KHÔNG ĐAU

1.Nội soi dạ dày là gì?

Nội soi dạ dày còn gọi là nội soi đường tiêu hóa trên, là kỹ thuật sử dụng một ống soi dài, mềm có gắn camera để quan sát hình ảnh bên trong thực quản, dạ dày và tá tràng.

Nội soi dạ dày được chỉ định ở những bệnh nhân có triệu chứng khó chịu hoặc đau bụng vùng thượng vị, khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn, nôn, ợ chua, khó nuốt hoặc đi ngoài phân đen. Đây là phương pháp đáng tin cậy trong việc phát hiện nguyên nhân gây chảy máu, viêm, loét hoặc khối u thực quản, dạ dày, tá tràng.

Ung thư dạ dày rất phổ biến và ngày càng gia tăng, chủ yếu là do nhịp sống nhanh, lối sống không lành mạnh và ít tập thể dục. Song nếu được phát hiện sớm, ung thư dạ dày có thể chữa khỏi được.

Nội soi là cách hiệu quả nhất để tầm soát và chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn sớm, đảm bảo hiệu quả điều trị tốt hơn nhiều so với ung thư giai đoạn sau. Nội soi kết hợp với sinh thiết là biện pháp quan trọng trong chẩn đoán ung thư dạ dày.


Nội soi dạ dày không đau là phương pháp chẩn đoán bệnh dạ dày hiệu quả

2. Ưu điểm của phương pháp nội soi dạ dày không đau

Nội soi dạ dày thông thường là nội soi khi người bệnh tỉnh táo, cảm nhận được toàn bộ quá trình nội soi. Nhược điểm của phương pháp này là có thể gây khó chịu, buồn nôn, nôn, rát họng. Một số người thậm chí bị sợ hãi hoặc ám ảnh sau khi nội soi.

Để khắc phục nhược điểm này, bác sĩ sử dụng thuốc gây mê trong quá trình nội soi dạ dày. So với nội soi thông thường, kỹ thuật nội soi dạ dày không đau này có những ưu điểm sau:

- An toàn hơn. Người bệnh gây mê hoàn toàn sẽ tránh được các rủi ro do sợ hãi như nôn ói nghiêm trọng, cử động mạnh dẫn đến ống nội soi va chạm đường tiêu hóa gây tổn thương. Nếu phát hiện vấn đề cần can thiệp, bác sĩ cũng thực hiện các thủ thuật thuận lợi hơn. Phương pháp nội soi không đau đã làm giảm đáng kể các phản ứng có hại trong và sau nội soi so với phương pháp nội soi thông thường. Bên cạnh đó, cùng với những nghiên cứu và cải tiến, hiện nay thuốc gây mê sử dụng trong nội soi rất an toàn, chỉ cần sử dụng liều thì người bệnh không cần lo lắng về các tác dụng phụ.

- Thoải mái hơn. Với phương pháp gây mê, người bệnh sẽ không cảm thấy đau, không bị căng thẳng, lo lắng hay sợ hãi. Người bệnh cũng không phải chịu cảm giác buồn nôn hay khó chịu ở cổ họng.

- Hiệu quả hơn. Trong quá trình “ngủ”, người bệnh nằm yên hoàn toàn, nhờ đó hình ảnh đường tiêu hóa dễ quan sát, rõ ràng và chính xác hơn.

3. Quy trình nội soi dạ dày không đau

 
Nội soi dạ dày gây mê không đau, không khó chịu

Trước khi tiến hành nội soi, Bác sĩ sẽ khám sức khỏe, hỏi thăm tiền sử bệnh lý và dị ứng để đảm bảo bệnh nhân đủ điều kiện gây mê. 

Sau đó, quy trình nội soi dạ dày không đau diễn ra như sau:

- Bệnh nhân nằm nghiêng qua một bên, được gắn thiết bị theo dõi huyết áp, nhịp tim. 

- Truyền thuốc gây mê vào tĩnh mạch cánh tay người bệnh.

- Đặt vào miệng bệnh nhân 1 miếng bảo vệ miệng, sau đó đưa ống nội soi vào miệng qua cuống họng xuống thực quản và dạ dày, tá tràng.

- Máy quay nhỏ gắn trên ống nội soi truyền hình ảnh về máy tính.

- Nếu phát hiện vấn đề cần can thiệp, bác sĩ có thể sẽ thực hiện cùng lúc các thủ thuật như cắt polyp, sinh thiết, cầm máu, lấy dị vật, thắt tĩnh mạch thực quãn…

- Sau khi đã xác định chính xác các vùng tổn thương, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng lấy ống nội soi ra.

- Sau khi nội soi xong bệnh nhân cần ở lại phòng bệnh theo dõi trong khoảng 30 phút.

4. Lưu ý khi nội soi không đau

Để đảm bảo quá trình nội soi diễn ra an toàn, thuận lợi và hiệu quả, người bệnh cần lưu ý:

- Nhịn ăn ít nhất 6-8 tiếng trước khi nội soi.

- Nội soi gây cần có người thân đi cùng.

- Thông báo cho bác sĩ tiền sử dị ứng, đặc biệt là tiền sử phản ứng với thuốc gây mê.

- Sau khi nội soi xong, bệnh nhân có thể bị mệt mỏi, buồn ngủ, do đó bệnh nhân không nên lái xe sau khi nội soi.

Mặc dù nội soi gây mê an toàn, thoái mái và hiệu quả, nhưng một số đối tượng được khuyến cáo không nên nội soi gây mê là:

- Người có tiền sử dị ứng với thuốc gây mê.

- Phụ nữ đang mang thai.

- Bệnh nhân bị thủng hoặc nghi thủng đường tiêu hóa.

Ngoài ra, các đối tượng trẻ em, người lớn tuổi bị suy kiệt, suy tim, suy hô hấp, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cần trao đổi kỹ với bác sĩ để cân nhắc trước khi nội soi gây mê.