UNG THƯ DẠ DÀY NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

1. Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết.

Ung thư dạ dày là một trong những ung thư phổ biến trên thế giới, tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam và thứ 4 ở nữ. Tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi của nam giới gấp 2 lần nữ giới.


 
Ung thư dạ dày những điều bạn cần biết


2. Những nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày?
Có một số nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày như: Thường xuyên sử dụng thức ăn có chứa nhiều Nitrat hoặc có những yếu tố di truyền về Viêm teo niêm mạc, Polype tuyến, loét dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP, và một số yếu tố làm giảm Acid dạ dày….

3. Cách phòng tránh ung thư dạ dày

– Ăn thức ăn có chứa ít Nitrat

– Điều trị tốt các bệnh lý viêm dạ dày

– Khám tầm soát và xử lý triệt để các khối polype, u lành trong dạ dày

– Tầm soát ung thư hệ tiêu hóa sớm nếu tiền sử gia đình có

người có bệnh lý khối u, ung thư tiêu hoá…

– Sử dụng những thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm

– Hạn chế Bia, rượu và các chất kích thích

4. Các triệu chứng chính của bệnh ung thư dạ dày

Các triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày khá mơ hồ nên khó chuẩn đoán trong giai đoạn sớm, vì vậy khi thấy bất kì biểu hiện nào dưới đây thì bạn nên gặp Bác sĩ để được thăm khám và tư vấn:

– Trướng bụng đầy hơi: Triệu chứng này xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày và tồn tại trong suốt quá trình mắc bệnh. Trên 70% người bệnh có biểu hiện này ngay từ đầu.

– Ợ chua, nóng ruột (nóng dạ dày): Đây là triệu chứng dễ lầm tưởng với căn bệnh đau dạ dày, viêm dạ dày nhưng bạn cũng không nên chủ quan với nó. Cảm giác khó chịu, nhâm nhẩm đau ở dạ dày, uống thuốc thấy giảm là đặc điểm của triệu chứng này.

Một số trường hợp sau khi ăn có cảm giác khó chịu, ợ nóng, khi đi khám có thể bị chẩn đoán nhầm sang viêm dạ dày.

– Sụt cân, mệt mỏi, thiếu máu: Nhiều bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn gì. Tình trạng này kéo dài khiến họ bị sút cân nghiêm trọng.

– Những bệnh nhân mắc bệnh thời gian dài, có thể xuất hiện hiện tượng xuất huyết đường tiêu hóa, biểu hiện như nôn ra máu, đại tiện phân đen, hoặc xét nghiệm tìm thấy hồng cầu trong máu.

– Do khối u ngày một lớn khiến các cơn đau bụng trở nên thường xuyên và dữ dội. Lúc này người bệnh sử dụng thuốc giảm đau cũng sẽ không có tác dụng gì. Khối u có thể gây ra biến chứng như thủng dạ dày, xuất huyết, hoại tử…

Bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối còn có biểu hiện đau thượng vị, chán ăn, sút cân, mệt mỏi, nôn ói, đại tiện ra máu hoặc phân đen v.v…khiến người bệnh mất nhiều máu gây thiếu máu.

– Triệu chứng khác: Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày vùng hang vị có thể thấy hiện tượng hay bị nôn ói và mắc nghẹn. Ung thư dạ dày có thể dẫn tới thủng dạ dày cấp, đau bụng, viêm phúc mạc. Một số trường hợp lại có biểu hiện tiêu chảy, táo bón, đau bụng dưới, sốt …

Những triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối thường rất rõ ràng nên người bệnh rất dễ nhận biết. Nhưng lúc này thì dường như đã quá muộn bởi khối u đã di căn khó có thể cứu chữa.

5. Chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày như thế nào?

Việc chẩn đoán ung thư dựa trên các yếu tố:

a. Thăm khám lâm sàng:
– Cơ năng: ói, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, gầy sút cân…
– Thực thể: ấn đau thượng vị, khối u thượng vị…

b. Cận lâm sàng:
– Xquang hình ảnh ở loét sùi, CT, MRI, chỉ tố ung thư…
Đặc biệt là nội soi tiêu hoá sẽ thấy rõ hình ảnh và thực hiện lấy mẫu tế bào để chẩn đoán.

6. Những phương pháp điều trị ung thư dạ dày?
a. Phẫu thuật
Đây là phương pháp điều trị đầu tiên và chủ yếu đối với các ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm: Có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày. Sau 5 ngày bệnh nhân đã có thể uống và ăn trở lại. Sau phẫu thuật 10-14 ngày, bệnh nhân có thể ra viện.

Những trường hợp ung thư giai đoạn cuối có thể: Phẫu thuật tạm thời, nhằm lập lại lưu thông của đường tiêu hóa, kéo dài cuộc sống cho người bệnh.

b. Hoá chất trị liệu:
Đây là phương pháp điều trị bằng các thuốc chống ung thư đặc biệt. Những loại thuốc này thường được dùng phối hợp với nhau trong một tuần, sau đó nghỉ thuốc 2 hoặc 3 tuần rồi lại dùng tiếp.

Nếu ung thư ở giai đoạn sớm, hóa trị liệu dùng để hỗ trợ cho phẫu thuật, tia xạ hoặc cả hai, nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể để tránh tái phát ung thư dạ dày sau này.

Tuy nhiên khi sử dụng phương dùng hóa chất trị liệu sẽ có một số tác dụng phụ nhưng những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và có thể làm giảm được sau khi điều trị.

c. Điều trị bằng tia xạ
Biện pháp này dùng các tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư. Các tia phóng xạ này được tính toán chính xác trên vị trí của ung thư để giảm tác hại đối với các mô lành.

Trong ung thư dạ dày, điều trị bằng tia xạ sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Điều trị bằng tia xạ có thể được dùng cùng với hóa chất trị liệu để làm nhỏ khối u và làm giảm các triệu chứng.

Tham khảo chi tiết gói tầm soát ung thư hệ tiêu hóa tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1: Tầm soát ung thư hệ hiêu hóa toàn diện

Bác sĩ Phạm Cao Vân – Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1