Loãng xương là một rối loạn hệ thống của xương, đặc trưng bởi mật độ khoáng xương thấp làm tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương có thể do lão hóa, suy giảm chức năng tuyến sinh dục hoặc do các bệnh lý khác gây ra. Bệnh loãng xương cần được tầm soát, chẩn đoán để đánh giá, dự phòng nguy cơ gãy xương và biến chứng do gãy xương gây ra.
Loãng xương làm xương trở nên xốp, giòn, dễ gãy
1. Loãng xương là gì?
(Osteoporosis) là một rối loạn hệ thống của xương được đặc trưng bởi mật độ khoáng xương thấp, giảm chất lượng xương dẫn đến sức mạnh của xương bị suy giảm, xốp, giòn và dễ gãy xương.
2. Loãng xương diễn ra như thế nào?
Mật độ xương đỉnh là mật độ xương cao nhất đạt được trong độ tuổi từ 8 đến 18 tuổi. Khối lượng xương đỉnh đạt được thay đổi theo giới tính, tuổi mãn kinh, dân tộc, kích thước cơ thể và vùng xương của mỗi người.
Xương liên tục được tu sửa trong suốt cuộc đời thông qua chu chuyển xương (remodeling). Đây là quá trình xương mới thay thế xương cũ, tạo ra một bộ xương mới khoảng 10 năm một lần.
Chu chuyển xương bắt đầu bằng quá trình tiêu xương, sau đó được khoáng hóa để tạo ra mô xương trưởng thành. Quá trình hủy xương và tạo xương được thực hiện đồng thời cả về thời gian và không gian.
Sự mất cân bằng giữa mất xương và tạo xương (do các yếu tố như thiếu hụt steroid giới tính liên quan đến lão hóa, một số loại thuốc hoặc điều kiện y tế, hoặc không đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của xương) có thể dẫn đến mất xương và loãng xương.
Quá trình mất xương nhanh hơn tạo xương gây loãng xương
3. Nguyên nhân gây loãng xương
Nguyên nhân gây loãng xương ở phụ nữ sau khi mãn kinh hoặc ở nam giới lớn tuổi bao gồm:
- Loãng xương nguyên phát: Suy giảm khối lượng xương liên quan đến quá trình lão hóa và suy giảm chức năng tuyến sinh dục.
- Loãng xương thứ phát: Suy giảm khối lượng xương liên quan đến tình trạng y tế hoặc thuốc men.
Loãng xương ở nam và nữ trẻ tuổi trước khi mãn kinh có thể là do:
- Loãng xương thứ phát.
- Loãng xương vô căn: Không có các yếu tố nguy cơ gây loãng xương thứ phát.
4. Nguyên nhân gây loãng xương thứ phát
a. Loãng xương do bệnh di truyền
- Xơ nang (cystic fibrosis).
- Tạo xương bất toàn hay xương thủy tinh (osteogenesis imperfecta).
- Bệnh Gaucher.
- Rối loạn mucopolysaccharidosis (MPS), bao gồm hội chứng Hurler-Scheie (MPS I), hội chứng Hunter (MPS II), hội chứng Morquio A (MPS IV A) và hội chứng Morquio B (MPS IV B).
- Bệnh Fabry.
- Galactosemia.
- Ứ sắt (hemochromatosis).
- Hội chứng Ehlers-Danlos.
- Hội chứng Marfan.
- Hội chứng u thần kinh đệm giả loãng xương (osteoporosis pseudoglioma syndrome).
- Giảm photphat máu.
- Hội chứng tóc cứng Menkes.
Loãng xương phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi
b. Loãng xương do bệnh nội tiết – chuyển hóa
Các bệnh lý liên quan đến tình trạng thiếu hụt steroid sinh dục, có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, bao gồm:
- Tăng prolactin máu.
- Suy tuyến yên.
- Suy buồng trứng nguyên phát.
- Chán ăn thần kinh (anorexia nervosa).
- Vô kinh vùng dưới đồi chức năng (bao gồm cả tam chứng vận động viên nữ).
- Hội chứng Turner.
- Hội chứng Klinefelter.
Rối loạn nội tiết hoặc chuyển hóa khác có thể làm tăng nguy cơ loãng xương bao gồm:
- Đái tháo đường.
- Cường cận giáp.
- Nhiễm độc giáp (bằng cách tăng luân chuyển xương).
- Suy giáp (do giảm chu kỳ tu sửa xương).
- Bệnh Cushing và hội chứng Cushing.
- Cường aldosteron nguyên phát.
- Thiếu hormone tăng trưởng.
- Porphyria.
- Hội chứng không nhạy cảm androgen.
c. Loãng xương do bệnh lý tiêu hóa – dinh dưỡng
- Hội chứng kém hấp thu (ví dụ, bệnh celiac và các phẫu thuật giảm béo như bắc cầu dạ dày).
- Bệnh viêm ruột.
- Bệnh gan mạn tính.
- Dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch dài hạn.
- Thiếu vitamin D.
- Dị ứng đạm sữa.
Thiếu vitamin D gây bệnh loãng xương
d. Loãng xương do bệnh lý huyết học
- Đa u tủy.
- Beta-thalassemia thể nặng.
- Bệnh bạch cầu.
- Ung thư hạch.
- Bệnh hồng cầu hình liềm.
- Bệnh lý gamma đơn dòng.
- Bệnh tế bào mast.
- Bệnh hemophilia.
e. Loãng xương do bệnh lý cơ xương khớp – tự miễn
- Viêm khớp dạng thấp (do viêm toàn thân, bất động và sử dụng liệu pháp glucocorticoid).
- Viêm cột sống dính khớp.
- Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) .
- Viêm da cơ ở trẻ vị thành niên.
- Xơ cứng bì hệ thống.
f. Loãng xương do bệnh lý thần kinh
- Bệnh Parkinson (có thể do giảm hoạt động thể chất và giảm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời).
- Bệnh đa xơ cứng.
- Bệnh động kinh.
- Loạn dưỡng cơ.
- Chấn thương tủy sống.
g. Loãng xương do các bệnh lý khác
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Bệnh thận mãn.
- Toan chuyển hóa mạn tính.
- Suy tim.
- Bệnh xương sau ghép.
- Bại não.
- Bệnh thoái hóa dạng bột (amyloidosis).
- Homocystin niệu do thiếu cystathionine.
- Nhiễm HIV.
- Tăng canxi niệu.
- Trầm cảm nặng.
Sử dụng thuốc glucocorticoid liều cao gây loãng xương
h. Loãng xương do thuốc
Loãng xương do sử dụng glucocorticoid lâu dài là nguyên nhân phổ biến nhất gây loãng xương thứ phát.
Loãng xương do glucocorticoid gây ra được cho là do sự gia tăng nhanh chóng quá trình tái hấp thu xương và giảm quá trình hình thành xương dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương và mất xương.
Các yếu tố nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp glucocorticoid bao gồm:
- Liều hàng ngày cao hơn
- Và/hoặc thời gian điều trị bằng glucocorticoid lâu hơn (liều tích lũy của glucocorticoid > 5 g).
Một số loại thuốc khác có thể gây mất xương dẫn đến loãng xương do:
- Làm giảm nồng độ steroid sinh dục (ví dụ: thuốc ức chế aromatase ở phụ nữ bị ung thư vú),
- Cản trở quá trình chuyển hóa canxi (ví dụ: thuốc chống động kinh),
- Do tác dụng độc trực tiếp lên tế bào xương.
5. Yếu tố nguy cơ gây loãng xương
Các yếu tố nguy cơ gây loãng xương có thể bao gồm các yếu tố không thể thay đổi được, các yếu tố về lối sống, các tình trạng y tế và thuốc liên quan đến loãng xương thứ phát.
a. Các yếu tố nguy cơ gây loãng xương không thể thay đổi
- Tuổi già (thiếu hụt steroid giới tính, stress oxy hóa, quá trình tự chết theo chương trình và macroautophagy là những yếu tố liên quan đến tuổi tác góp phần gây ra bệnh loãng xương).
- Giới tính nữ.
- Tiền sử gia đình bị loãng xương.
- Các gen ảnh hưởng đến mật độ khoáng của xương: VDR, COL1A1 và/hoặc ER-alpha).
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ loãng xương
b. Các yếu tố nguy cơ gây loãng xương có thể thay đổi
Hút thuốc và uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ loãng xương. Uống nhiều được định nghĩa là > 2 đơn vị rượu/ngày đối với phụ nữ trưởng thành và > 3 đơn vị rượu/ngày đối với nam giới trưởng thành.
Ít hoạt động thể chất làm giảm lực đè trọng lượng và lực co cơ có thể góp phần gây mất xương do tuổi tác.
Dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe xương. Các chế độ ăn uống sau có thể làm tăng nguy cơ loãng xương:
- Thiếu canxi
- Dư vitamin A, đặc biệt ở những bệnh nhân bị thiếu vitamin D.
- Nhiều natri (muối).
Người có chỉ số khối cơ thể thấp hoặc giảm cân do chế độ ăn kiêng ở người lớn tuổi cũng có thể góp phần làm mất xương do:
- Giảm lực cơ học.
- Giảm trọng lượng nạc.
- Hạn chế các chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe của xương (chẳng hạn như protein, canxi và/hoặc vitamin D).
- Thay đổi nội tiết tố tuyến sinh dục và các yếu tố nội tiết.
- Thay đổi các yếu tố gây viêm.
6. Triệu chứng của loãng xương
Loãng xương thường không có triệu chứng cho đến khi có biến chứng gãy xương. Bệnh nhân bị xẹp đốt sống cấp tính có thể khởi phát đau lưng đột ngột khi hắt hơi, ho, nâng vật nặng hoặc thay đổi tư thế. Các biểu hiện lâm sàng khác bao gồm:
- Giảm chiều cao do xẹp đốt sống.
- Có thể được chẩn đoán tình cờ (hầu hết xẹp đốt sống liên quan đến loãng xương được chẩn đoán ở bệnh nhân chụp X-quang vì các nguyên nhân khác).
Loãng xương gây giảm chiều cao
7. Cách chẩn đoán loãng xương
Chẩn đoán loãng xương bằng cách đo mật độ xương.
Để đo mật độ xương, hiện nay người ta áp dụng đo loãng xương bằng phương pháp DEXA (DXA), là phép đo hấp thụ tia X năng lượng kép tại cột sống thắt lưng và cổ xương đùi. Đây được coi là phương pháp tiêu chuẩn vàng để đánh giá mật độ xương và chẩn đoán loãng xương.
Trị số mật độ xương thu được sẽ được máy tính toán để cho ra 2 chỉ số là T và Z.
Ở phụ nữ mãn kinh hoặc ở nam giới ≥ 50 tuổi, chẩn đoán bệnh loãng xương nếu có gãy xương do loãng xương hoặc T-score ≤ -2,5 đo tại cổ xương đùi hoặc cột sống thắt lưng bằng phương pháp DEXA.
Còn chỉ số Z chỉ được dùng để đánh giá cho phụ nữ trước mãn kinh, nam giới <50 tuổi và người trẻ khi so sánh với người cùng độ tuổi.
Bên cạnh đó, bệnh nhân loãng xương cần được làm các xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây loãng xương thứ phát bao gồm:
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi
- 25-hydroxyvitamin D
- Phospho, canxi
- PTH
- Creatinine, độ lọc cầu thận
- Men gan
- Alkaline phosphatase
- Testosterone buổi sáng (nam giới)
- Natri, creatinine, canxi niệu 24h
Chẩn đoán loãng xương bằng phương pháp DEXA
8. Ai cần đo mật độ xương chẩn đoán loãng xương?
Đo mật độ xương được chỉ định ở các đối tượng:
- Tất cả phụ nữ ≥ 65 tuổi và tất cả nam giới ≥ 70 tuổi.
- Phụ nữ sau mãn kinh < 65 tuổi, phụ nữ trong giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh và nam giới từ 50-69 tuổi có các yếu tố nguy cơ lâm sàng gãy xương (chẳng hạn như trọng lượng cơ thể thấp hoặc gãy xương trước đó).
- Gãy xương do loãng xương.
- Bệnh mạn tính hoặc đang dùng thuốc gây mất xương hoặc làm giảm mật xương (ví dụ glucocorticoid tương đương prednisone ≥ 5 mg/ngày hoặc trong ≥ 3 tháng).
- Bệnh nhân đang được cân nhắc dùng thuốc điều trị loãng xương hoặc đang được điều trị loãng xương.
- Bệnh nhân chưa được điều trị nhưng có bằng chứng về tình trạng mất xương sẽ dẫn đến việc điều trị.
9. Cách điều trị loãng xương
Mục tiêu của điều trị loãng xương là giảm nguy cơ gãy xương. Đo mặt độ xương là phương pháp chính để chẩn đoán loãng xương và giúp dự đoán khả năng gãy xương.
a. Điều trị gãy xương
Nếu bệnh nhân bị gãy xương, tùy trường hợp mà cần nghỉ ngơi tại giường, chỉnh hình hay can thiệp phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhân cần vật lý trị liệu, vận động sớm giúp phục hồi khả năng vận động và cải thiện kết quả điều trị.
Bổ sung canxi và vitamin D bằng chế độ ăn uống
b. Bổ sung canxi và vitamin D
Cần bổ sung đủ 800-1200mg canxi và 400-800IU vitamin D hàng ngày trong suốt cuộc đời để có sức khỏe xương tối ưu.
Canxi và vitamin D có thể bổ sung bằng chế độ ăn uống hoặc thông qua thực phẩm chức năng. Các thực phẩm chứa nhiều canxi là sữa động vật và các sản phẩm từ sữa. Các loại sữa từ thực vật thường có hàm lượng canxi thấp hơn trừ trường hợp được nhà sản xuất bổ sung thêm canxi.
Hiện nay, bổ sung vitamin D bằng cách phơi nắng không còn được khuyến cáo vì để các tế bào dưới da tổng hợp được vitamin D cần tiếp xúc với tia cực tím UVB.
c. Tập thể dục
Các môn thể dục chịu trọng lượng (các môn chạy nhảy, tập tạ, yoga, đi bộ …) giúp làm tăng mật độ xương ở trẻ em và cả người trưởng thành.
Ngoài ra, các môn thể dục này giúp làm tăng sức cơ và tăng khả năng giữ thăng bằng cho bệnh nhân. Từ đó giảm nguy cơ té ngã và cải thiện các phản ứng bảo vệ khi té ngã.
Các khuyến cáo nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi lần và ít nhất ba lần một tuần.
d. Phòng ngừa té ngã
Nên ngưng hút thuốc lá nếu đang hút và không sử dụng rượu quá mức. Sử dụng rượu ngoài tác động lên xương còn làm tăng nguy cơ té ngã và gãy xương.
Các biện pháp giúp phòng tránh té ngã trong nhà:
- Không để đồ chơi trẻ em, quần áo dưới đất;
- Trong nhà tắm nên có dép chống trượt, thảm chống trượt, các thanh vịn cho người lớn tuổi;
- Băng dán cản quang và chống trượt ở mép cầu thang;
- Đèn cảm ứng.
- Người lớn tuổi đi lại khó khăn nên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đi đứng như gậy, nạng, khung tập đi.
Tập thể dục giúp phòng ngừa loãng xương
e. Thuốc điều trị loãng xương
Các thuốc điều trị loãng xương giúp tăng mật độ xương thường bằng cách tăng quá trình tạo xương, ức chế quá trình hủy xương hoặc cả hai.
Hiện nay, hầu hết các khuyến cáo điều trị loãng xương đều đề nghị sử dụng nhóm biphosphonate là lựa chọn đầu tiên cho bệnh nhân loãng xương. Trường hợp có chống chỉ định thì dùng các nhóm thuốc khác.
10. Theo dõi loãng xương
Bệnh nhân có nguy cơ loãng xương nên đo lại lại mật độ xương tùy thuộc vào kết quả đo ban đầu:
- Lặp lại sau 15 năm nếu T-score vùng hông bình thường (>−1).
- Lặp lại sau 3 đến 5 năm nếu T-score trong khoảng −1 đến −2.
- Kiểm tra lại sau 2 năm nếu T-score vùng hông là −2 đến −2,4.
Bệnh nhân đang điều trị loãng xương, cần theo dõi mật độ xương ít nhất 1-3 năm một lần để đánh giá đáp ứng điều trị. Trong trường hợp mật độ xương tiếp tục giảm hoặc có gãy xương mới, cần đánh giá lại mức độ tuân thủ điều trị của bệnh, tìm các nguyên nhân gây bệnh loãng xương thứ phát trước khi thay đổi thuốc điều trị.
Ths. BSCK2. Mai Duy Linh