Đo đa ký giấc ngủ là phương pháp nghiên cứu đầy đủ về giấc ngủ cũng như các rối loạn xảy ra trong khi ngủ. Đo đa ký giấc ngủ giúp chẩn đoán các tình trạng rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngưng thở khi ngủ, ngủ rũ hay cử động bất thường khi ngủ.
Đo đa ký giấc ngủ chẩn đoán tình trạng rối loạn giấc ngủ
1. Đo đa ký giấc ngủ là gì?
Đa ký giấc ngủ (Polysomnography) là phương pháp khách quan theo dõi cấu trúc giấc ngủ, rối loạn hô hấp và các thông số về hô hấp tim mạch. Đa ký giấc ngủ thường yêu cầu người bệnh ngủ lại một đêm tại phòng khám.
Ngoài để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, đa ký giấc ngủ còn là phương pháp để quyết định việc điều trị như thế nào và theo dõi kế hoạch điều trị ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán rối loạn giấc ngủ.
Đa ký giấc ngủ là sự kết hợp giữa điện não đồ và đa ký hô hấp để cung cấp các thông số trong giấc ngủ bao gồm:
- Lưu lượng khí thở
- Độ bão hòa oxy trong máu.
- Nhịp tim.
- Điện não (EEG).
- Hoạt động điện của cơ bắp (điện cơ – EMG).
- Chuyển động mắt (nhãn cầu đồ - EOG).
- Cử động chân.
- Vận động thành ngực, bụng.
- Tư thế cơ thể.
- Ngáy.
2. Mục đích của đo đa ký giấc ngủ
Giấc ngủ trải qua 2 giai đoạn chính:
- Chuyển động mắt nhanh (REM). Trong trường hợp bình thường, não sẽ hoạt động nhiều hơn trong giai đoạn này, nhưng ngoại trừ cơ mắt và cơ thở, các cơ còn lại sẽ không cử động trong giai đoạn ngủ này.
- Chuyển động mắt không nhanh (NREM). Trong giai đoạn này, hoạt động não diễn ra chậm hơn. NREM được chia thành 3 giai đoạn và có thể được phát hiện bằng sóng não (EEG).
Giai đoạn REM xen kẽ giai đoạn NREM khoảng 90 phút một lần. Thông thường, một người sẽ trải qua 4-5 chu kỳ chuyển đổi REM-NREM trong một buổi tối. Rối loạn giấc ngủ có thể làm rối loạn quá trình này.
Đa ký giấc ngủ thường được bác sĩ chỉ định để:
- Chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ có hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Chẩn đoán các trường hợp rối loạn hô hấp khi ngủ ở bệnh nhân bị bệnh hô hấp, suy tim, béo phì, suy giáp, bệnh lý thần kinh…
- Chẩn đoán các trường hợp rối loạn vận động và hành vi khi ngủ như: hội chứng chân không yên, cử động chi có chu kỳ, nghiến răng, mộng du, cơn hoảng sợ ban đêm, nói mớ khi ngủ…
- Chẩn đoán chứng ngủ rũ.
- Chẩn đoán phân biệt động kinh khi ngủ với các rối loạn vận động và hành vi khi ngủ.
- Chẩn đoán các tình trạng rối loạn liên quan đến giấc ngủ khác.
- Chẩn đoán các tình trạng gây ra mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu.
- Theo dõi hiệu quả điều trị bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục ở bệnh nhân bị hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
3. Ai cần đo đa ký giấc ngủ
Ngáy to liên tục là dấu hiệu cảnh báo ngưng thở khi ngủ
Nếu các tình trạng rối loạn giấc ngủ không được điều trị, chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, trầm cảm và đột quỵ. Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ còn làm tăng chấn thương và tử vong liên quan đến tai nạn nghề nghiệp và tai nạn xe cộ.
Bác sĩ thường chỉ định đo đa ký giấc ngủ ở những đối tượng có triệu chứng của ngưng thở khi ngủ là:
- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày không giải thích được nguyên nhân.
- Ngáy to.
- Thức giấc nhiều lần trong đêm.
- Thức giấc vì nghẹt thở, thở hổn hển.
- Mệt mỏi, nhức đầu sau khi ngủ dậy.
- Khó tập trung, suy nghĩ.
- Mệt mỏi ban ngày.
- Tiểu đêm hơn một lần mỗi đêm.
Những đối tượng nguy cơ dưới đây cũng nên thực hiện đo đa ký giấc ngủ:
- Người bị béo phì hoặc có chu vi vòng cổ to.
- Người bị các bệnh hô hấp: viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, suy hô hấp mạn tính, tâm phế mạn.
- Người mắc bệnh tim mạch: tăng huyết áp không kiểm soát tốt, suy tim.
- Người bị viêm amidan mạn tính quá phát, bất thường cấu trúc hàm mặt.
4. Cách tiến hành đo đa ký giấc ngủ
Đo đa ký giấc ngủ sẽ được thực hiện vào ban đêm, yêu cầu bạn ngủ lại một đêm ở phòng khám. Sau khi có chỉ định từ bác sĩ, bạn sẽ đến phòng khám theo lịch hẹn để thực hiện đo đa ký giấc ngủ. Quy trình đo đa ký giấc ngủ diễn ra như sau:
- Bạn nằm trên giường ngủ.
- Kỹ thuật viên gắn các điện cực và thiết bị lên người bạn trước khi bạn ngủ.
- Kỹ thuật viên khởi động máy và ghi liên tục các thông số hoạt động điện não, điện mắt, điện cơ, nhịp tim, hô hấp, độ bão hòa oxy, ngáy, cử động chi, tư thế cơ thể… Thời gian ghi ít nhất 6 giờ (thường bắt đầu từ 21 giờ tối đến 6 giờ sáng ngày hôm sau).
- Trong quá trình này, kỹ thuật viên sẽ liên tục theo dõi các thông qua. Tất cả các thông số được hiển thị trên màn hình theo thời gian thực và lưu trữ trong máy tính.
- Sau khi bạn ngủ dậy, kỹ thuật viên tháo điện cực và các thiết bị, hẹn lịch quay lại nhận kết quả.
- Bạn có thể ra về và hoạt động bình thường sau khi đo đa ký giấc ngủ.
Bác sĩ sẽ là người đọc và giải thích kết quả, kết hợp với các xét nghiệm khác (nếu có) để đưa ra kết luận và phương pháp điều trị, bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật hoặc các phương pháp can thiệp khác.
5. Một số lưu ý khi đo đa ký giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ dẫn đến buồn ngủ quá mức vào ban ngày
Một ngày trước khi đo đa ký giấc ngủ, bạn cần duy trì thói quen sinh hoạt bình thường, không ngủ sớm, không thức khuya. Nếu đang sử dụng thuốc điều trị hàng ngày theo chỉ định như thuốc huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… thì vẫn sử dụng bình thường.
Trước khi đến phòng khám đo đa ký giấc ngủ cần lưu ý:
- Tắm và gội đầu sạch, không sử dụng các sản phẩm dưỡng hay gel xịt tóc.
- Không sử dụng rượu bia và đồ uống chứa caffein (cà phê, trà) vào ngày đo đa ký giấc ngủ.
- Không nên ngủ vào chiều tối trước khi đến phòng khám, cho dù chỉ là một giấc ngủ ngắn.
- Không sử dụng bất kỳ loại thuốc ngủ nào. Nếu đang sử dụng thuốc ngủ hoặc thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ trước đó thì cần thông báo cho bác sĩ thăm khám trước khi đo đa ký giấc ngủ để xác định có sử dụng tiếp hay không.
- Nên mặc trang phục thoải mái để dễ ngủ hơn. Bạn cũng có thể mang theo sách để đọc trước khi ngủ nếu cần.
Bạn cần đến phòng khám đúng giờ và hết sức phối hợp với kỹ thuật viên trong quá trình chuẩn bị thiết bị và đo đa ký giấc ngủ.
6. Ưu nhược điểm của đo đa ký giấc ngủ
a. Ưu điểm của đa ký giấc ngủ:
- Là kỹ thuật chuyên sâu chính xác và rất hiệu quả để chẩn đoán các rối loạn giấc ngủ.
- Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ.
- Không xâm lấn, không đau.
b. Nhược điểm của đa ký giấc ngủ:
- Chi phí cao.
- Tốn thời gian (một buổi tối).
-Không phải cơ sở y tế nào cũng có đa ký giấc ngủ.
- Khó thực hiện ở trẻ nhỏ, chủ yếu là do trẻ không hợp tác.
7. Nên đo đa ký giấc ngủ ở đâu?
Đo đa ký giấc ngủ là kỹ thuật yêu cầu thiết bị tốn kém, khó sử dụng rộng rãi nên không phải cơ sở y tế nào cũng trang bị thiết bị này, đa phần chỉ những bệnh viện tuyến trên mới có. Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 là một trong những đơn vị hô hấp được trang bị máy đa ký giấc ngủ với đội ngũ bác sĩ hô hấp được đào tạo chuyên sâu về hô hấp – giấc ngủ. Phòng đo đa ký giấc ngủ nằm riêng biệt, được trang bị giường ngủ êm ái, đèn ánh sáng nhẹ, tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh. Ngoài ra, phòng khám còn trang bị thêm giường phụ cho người thân đi cùng.